Tại khu vực nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận Văn Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó của cộng đồng tại xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (Trang 24 - 28)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1.2.3 Tại khu vực nghiên cứu

Hà Tĩnh là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ có địa hình hẹp và dốc từ Tây sang Đông, với trên 80% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi, có vị trí hết sức quan trọng, là nơi án ngữ hệ thống giao thông chiến lược giữa hai miền Nam – Bắc và đóng vai trò huyết mạch trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là tỉnh được đánh giá là có điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt và nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH nhất cả nước. Những năm gần đây do ảnh hưởng của BĐKH, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về cường độ, tính bất thường và mức độ nguy hiểm, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thường xuyên xuất hiện hơn. Trong 10 năm gần đây, gần như năm nào Hà Tĩnh cũng chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai như bão, lũ, lốc xoáy, hạn

hán, triều cường và xâm nhập mặn..., hàng năm đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo kịch bản BĐKH do bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2012, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm của Hà Tĩnh tăng 3,1oC, giai đoạn 2020 – 2050 nhiệt độ trung bình năm tăng từ 0,6 – 1,7oC, mức thay đổi lượng mưa trung bình năm dao động từ 0,7 – 3,6%, đến cuối thế kỷ 21 lượng mưa trên toàn tỉnh tăng 3,6%, lượng mưa mùa Xuân có xu hướng giảm, lượng mưa các mùa còn lại có xu hướng tăng, mực nước biển dâng khu vực Hà Tĩnh từ 20 – 24cm, đến cuối thế kỷ 21 dao động trong khoảng 49 – 65cm.

Như vậy, đến cuối thế kỷ 21, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.

Nhận định trước tình hình thực tiễn đó và thực hiện Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 (tại Quyết định số 2313/QĐ-UBND tỉnh ngày 14/7/2011) với mục tiêu: Nâng cao năng lực, khả năng ứng phó với BĐKH góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân. Tiếp theo đó, các chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã phê duyệt các kế hoạch hành động, đưa ra các nghị quyết về việc ứng phó với BĐKH nhằm làm cơ sở chỉ đạo hành động cho các cấp và người dân địa phương thực hiện.

Một số dự án đã phê duyệt và đang triển khai ở Hà Tĩnh: Dự án Kè biển chống xâm thực huyện Lộc Hà đoạn từ km3+00 đến km11+105 thuộc địa bàn xã Thạch Bằng và xã Thịnh Lộc (thuộc Chương trình SP-RCC); dự án sống chung với lũ huyện Vũ Quang, Thủ Tướng chính phủ phê duyệt tại Văn bản

số 1443/TTg-QHQT ngày 19/09/2012. Với tổng mức đầu tư 238 tỷ đồng; dự án chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh Hà Tĩnh, đang trình Trung ương để bố trí kinh phí thực hiện.

Song song với các chương trình, dự án trong nước, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để thực hiện nhiều dự án quan trọng nhằm giảm thiểu tác động BĐKH, cải thiện môi trường đô thị.

Tỉnh đã hoàn thành dự án cải thiện môi trường đô thị miền trung do ADB tài trợ với các hạng mục xây dựng hồ điều hòa, công viên, hệ thống thoát nước, cống ngăn triều để hạn chế ngập lụt, xâm nhập mặn. Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ được triển khai từ tháng 10-2013. Dự án IWMC Hà Tĩnh là một trong 4 dự án thành phần (cùng với Dự án thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 Ban Hỗ trợ kỹ thuật đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nằm trong chương trình Hợp tác Việt-Bỉ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2019. Dự án IWMC cũng là Dự án sử dụng nguồn ODA Nhà nước chính thức đầu tiên của Chính phủ Bỉ dành cho tỉnh Hà Tĩnh. Mục tiêu tổng quan của Dự án IWMC là hỗ trợ phát triển thể chế của tỉnh Hà Tĩnh về quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại Hà Tĩnh. Dự án Đói nghèo và Môi trường (Hài hoà các Mục tiêu Giảm nghèo và Môi trường trong Chính sách và Lập kế hoạch hướng tới Phát triển Bền vững 2005-2009) của MONRE thực hiện. Dự án do Cơ quan phát triển quốc tế của Vương quốc Anh (DFID) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ. Dự án nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam để lồng ghép các mục tiêu môi trường và giảm nghèo trong khuôn khổ chính sách hướng tới phát triển bền vững. Báo cáo xem xét các phương hướng phục hồi các hệ sinh kế ở vùng ven biển miền Trung Việt Nam, những nơi có nhiều nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí

hậu nhất. Hai tỉnh được lựa chọn cho nghiên cứu là Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế, chịu nhiều tổn thương do các cơn bão, ngập lụt và hạn hán.

Ngoài ra một số tổ chức NGO như IFAD, OXFAM, JICA, MCD, SRD... đã hỗ trợ, đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác bảo vệ môi trường , chủ động ứng phó với BĐKH. Các tổ chức đó đã tiến hành những nghiên cứu cụ thể về diễn biến khí hậu và những ảnh hưởng của BĐKH tại địa phương, trong đó phải kể đến Báo cáo Thực trạng kinh tế - xã hội và ứng phó với thiên tai, BĐKH tại huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh của Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD). Báo cáo đã khảo sát một cách tương đối đầy đủ về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thiên tai và BĐKH cũng như năng lực ứng phó với BĐKH, nhu cầu của người dân, dự kiến các biện pháp phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc, trong đó có khảo sát một phần của xã Khánh Lộc.

Một phần của tài liệu Luận Văn Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó của cộng đồng tại xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)