CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3 Tác động của BĐKH và khả năng ứng phó của cộng đồng tại địa bàn nghiên cứu
3.3.3 Các hoạt động ứng phó với BĐKH của địa phương
Xã Khánh Lộc đã có nhiều hoạt động cụ thể ứng phó với BĐKH, đặc biệt là những thiên tai ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng hàng năm như lũ lụt, bão, hạn hán... Để giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai, BĐKH đến với sản xuất, cuộc sống của người dân, ở mỗi xã đã có Ban PCBL gồm đại diện của các ban ngành đoàn thể xã cũng đã được trang bị một số trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng cứu, cứu hộ khi thiên tai xảy ra. Ban PCLB xã có tất cả 25 người, trang thiết bị bao gồm áo phao, 1 xuồng máy, 4 thuyền nan, phương tiện có thể điều động: 10 ô tô, kết hợp với đội xung kích thôn gồm 6 – 10 người [47].
Việc nắm vững tình hình thiên tai tại địa phương và thường xuyên cập nhật các diễn biến của thời tiết bất thường là một nhiệm vụ cần thiết của chính
quyền, đặc biệt là Ban Phòng chống lụt bão. Mỗi thôn xóm đều được chỉ thị chủ động ứng phó với thiên tai và BĐKH, ngoài các trang thiết bị cần thiết, một số người dân cho biết, cao điểm trong mùa bão lụt, mỗi hộ gia đình luôn chuẩn bị sẵn 1 thùng mỳ tôm và dầu đèn để ứng phó với bão lũ nếu không kịp sơ tán.
Xã hết sức coi trọng việc lãnh đạo tư tưởng, và giáo dục làm cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhận rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đề cao cảnh giác không ngừng với thiên tai, để có thể chủ động đối phó kịp thời trước mọi tình thế. Phải hết sức coi trọng và kiểm tra chu đáo về mặt tổ chức phòng chống lũ, lụt, bão vì ngay trong nhiều nơi khi tập dượt. Từ kinh nghiệm trải qua 2 trận lũ lịch sử năm 2010, toàn xã đã thực hiện diễn tập sơ tán và chống lụt bão năm 2014, với sự tham gia của tất cả người dân trong xã thành công và được đánh giá cao, mang lại kinh nghiệm thực tiễn tốt.
Công cuộc xây dựng và bảo vệ hệ thống công trình công cộng như giao thông, thủy lợi... cũng với việc tiến hành ngay việc kiểm tra hệ thống kênh mương, kè, cống, các công trình thủy nông mới xây dựng, đánh giá đúng tình hình và có kế hoạch sửa chữa kịp thời và theo dõi những chỗ yếu đã phát hiện. Các công tác này được thực hiện một cách thường xuyên cả trong mùa mưa lụt, sau những trận mưa to, mỗi khi nước lên cao và mỗi khi nước rút.
3.3.3.2 Các sinh kế thích ứng
Căn cứ vào những nguồn lực của địa phương và trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp do ảnh hưởng của BĐKH, Xã Khánh Lộc đã có nhiều biện pháp phát triển sinh kế hiệu quả, thích ứng với BĐKH, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.
Theo khảo sát, những ngành nghề chủ yếu của xã Khánh Lộc gồm có:
sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc (lợn, trâu, bò...) gia cầm (gà, vịt...), các tổ hợp tác sản xuất như tổ hợp tác sản xuất men vi sinh, tổ hợp tác sản xuất lúa
nghề mây tre đan đang manh nha phát triển và một loại hình làm ăn đặc biệt của xã là xuất khẩu lao động đi nước ngoài và lao động tại các tỉnh ngoài Hà Tĩnh (chủ yếu là đàn ông đi làm xa).
Bảng 3.5 Tổng kết về diện tích và sản lƣợng một số sinh kế nông nghiệp chủ yếu
Loại hình sản xuất Xã Khánh Lộc
Thủy sản 49 ha
Trâu/bò 1269 con
Lợn 3628 con
Vịt 32000 con
Lúa 354,84 ha
(Nguồn: SRD, 2014) Theo khảo sát các ngành nghề tại Khánh Lộc, có thể thấy loại hình sản xuất chăn nuôi lợn, trâu bò, lúa... là rất có tiềm năng về sản lượng, quy mô phát triển và mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.
Các sinh kế tiêu biểu có khả năng phát triển và thích ứng với BĐKH tiêu biểu tại địa phương:
Mô hình sản xuất lúa giống
Mặc dù lúa không phải là cây trồng cho thu nhập bằng tiền như các loại cây con khác, nhưng nó là sinh kế chính của người dân nơi đây. Diện tích lúa trung của xã Khánh Lộc là 333,3 ha, sản lượng đạt 3532 tấn năm 2013 [56], tỷ trọng lúa lai chiếm khoảng 30 – 40%. Chất lượng giống lúa bình thường. Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế (sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu...). Người dân ít có cơ hội tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật do khuyến nông huyện tổ chức, hoặc nếu có các khóa này thì cơ hội dành cho phụ nữ ít hơn nam giới. Hai phần ba nguồn lúa này được sử dụng
cho nhu cầu hộ gia đình và chăn nuôi, còn lại một phần ba bán khi các hộ cần tiền đóng học phí cho con cái, hoặc mua sắm nhỏ trong gia đình.
Trong bối cảnh BĐKH, sản xuất lúa ở địa phương còn phải đối mặt với những tác động do mùa mưa xuất hiện muộn và kết thúc sớm hơn trước đây, cường độ mưa lớn gây lũ lớn; các trận bão đến sớm hơn và kéo dài hơn; các đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn; những đợt rét đậm, rét hại gia tăng và kéo dài hơn. Để có thể giảm được những ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, BĐKH tới canh tác lúa ở Can Lộc thì cơ cấu mùa vụ cần đảm bảo vụ phải thay đổi, cần áp dụng những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn. Hơn nữa hiện nông dân đang bị lệ thuộc nhiều vào các công ty cung cấp lúa giống, các giống lúa đươc cung cấp thường không hoàn toàn phù hợp với địa phương và giá mua lúa giống khá cao (đặc biệt là giống lúa lai). Vì vậy, việc chủ động sản xuất được giống lúa đáp ứng được những yêu cầu trên là mong muốn của chính quyền và người dân địa phương. Từ thực tế đó Trung tâm SRD đã cùng với chính quyền 3 xã Khánh Lộc, Vĩnh Lộc, Vượng Lộc ở huyện Can Lộc triển khai thí điểm hỗ trợ tổ nhóm nông dân liên kết sản xuất lúa giống.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, UBND xã, thôn cũng như sự giúp đỡ của ban dự án SRD và trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ huyện Can Lộc và sự đồng tình của các thành viên trong tổ, Tổ hợp tác sản xuất lúa thôn Vân Cửu và thôn Kiều Mộc thuộc xã Khánh Lộc ra đời sau dự án đó. Tổ hợp tác đã quy hoạch được vùng đất 06 ha để sản xuất lúa giống, sản xuất thành công giống lúa RVT, Nghèn 2, Nghèn 5, Hoa khôi 4 và nhân giống được cho các hộ gia đình trong xã và phát triển ra nhiều vùng có đặc điểm tự nhiên và khí hậu tương tự.
Mô hình sản xuất lúa thành công không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các thành viên trong tổ hợp tác mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển sinh kế cho người dân địa phương trong việc tìm kiếm ra những giống
lúa bản địa cho năng suất cao và phù hợp với đặc điểm tự nhiên và có khả năng thích ứng với BĐKH.
Nghề chăn nuôi trâu, bò
Chăn nuôi trâu bò cũng là một trong những sinh kế chính của người dân nơi đây do trâu bò cũng là những gia súc dễ nuôi, dễ bán, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nhưng mang lại thu nhập lớn. Hiện tại theo thống kê, trên địa bàn xã có 130 con trâu, 795 con bò với sản lượng chăn nuôi xuất chuồng là 8,4 tấn trâu, 18,9 tấn bò. Đây là nguồn thu lớn trong chăn nuôi của xã. Tuy nhiên quy mô nhỏ trung bình 1- 4 con/hộ. Giống nuôi tại địa phương là giống bản địa (giống bò sim), được nhân giống tại hộ gia đình hoặc mua tại chợ Nhé. Sản lượng thịt của giống bò này rất thấp, trung bình đạt từ 1 -1,5 tạ/con trưởng thành; do vậy mà hiệu quả không cao. Giá bán dao động lớn (2-6 triệu/bê, 8-15 triêụ/bò) phụ thuộc vào trọng lượng và chất lượng. Mặc dù địa phương đã có chương trình hỗ trợ cải tạo đàn bò từ năm 2006, tuy nhiên do nhiều lý do nên giống bò tại địa phương vẫn chưa đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường [56, 2013].
Đồng thời quỹ đất dành cho chăn thả gia súc của xã không có, vì vậy các hộ phải trồng cỏ hoặc cắt cỏ, chăn thả trên các bờ ruộng lúa. Tuy nhiên không có thức ăn dự trữ trong mùa khô và đặc biệt trong mùa bão lụt hàng năm. Đây là một khó khăn lớn nhất của người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc khi có bão lụt. Ngoài ra, người dân cũng thường xuyên phải đương đầu với các loại dịch bệnh của trâu bò, trong khi hệ thống thú y của nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, thiếu nguồn kinh phí để mua thuốc dự phòng cũng như thiếu nguồn thú y viên thôn bản.
Hiện tại mô hình chăn nuôi trâu, bò trên nền đệm lót sinh học đang được một số hộ dân nghiên cứu và áp dụng sáng tạo nhằm giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất vật nuôi và góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Giải pháp chăn nuôi lợn, gà, vịt trên nền đệm lót sinh học
Chăn nuôi được xác định là giải pháp chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Can Lộc trong những năm qua và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, chăn nuôi ở Khánh Lộc hầu hết ở quy mô hộ gia đình, đã đóng góp một nguồn thu đáng kể trong phát triển kinh tế của các hộ. Hầu hết khuôn viên chuồng trại nằm xen kẽ trong khu dân cư, chất thải chăn nuôi đa phần được thải trực tiếp ra môi trường, nên đã gây ra ô nhiễm môi trường và phát thải lượng khí nhà kính lớn.
Chăn nuôi ở đây cũng đang phải đối mặt với những rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện tại cũng như trong tương lai, cụ thể như: mùa hè nhiệt độ gia tăng cao, các đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn; cường độ mưa lớn gây ngập úng lâu hơn; gia tăng những đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Do vậy, việc tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật hỗ trợ cho nghề chăn nuôi ở địa phương này là vô cùng cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tác động của BĐKH, phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thêm lợi nhuận kinh tế.
Cán bộ Trung tâm SRD cùng với lãnh đạo 3 xã, cán bộ nông nghiệp huyện Can Lộc, các hộ dân chăn nuôi lợn tiến hành phân tích hiện trạng các vấn đề chăn nuôi tại địa phương đang gặp phải và cùng với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng KHKT huyện Can Lộc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện trong suốt quá trình từ việc làm đệm lót, sử dụng và bảo dưỡng nền đệm trong quá trình chăn nuôi cho đến hạch toán đầu tư. Theo đó, việc sử dụng đệm lót sinh học tận dụng những nguyên liệu rẻ và sẵn có như mùn cưa, trấu... trộn đều với men vi sinh với quy trình đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, vật nuôi ít bệnh, lớn nhanh, tiết kiệm được chi phí, tăng tính thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, hiệu quả về môi trường một cách rõ rệt. Để nâng cao năng lực để các hộ đã thí điểm
thành công có thể tập huấn hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân khác và tổ chức sản xuất, cung ứng men vi sinh để làm đệm lót tại địa phương.
Tính đến tháng 12/2014 đã có khoảng gần 200 hộ dân ở 3 xã đã áp dụng giải pháp chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, người dân nhận thấy những lợi ích và hiệu quả nên đã áp dụng một cách sáng tạo trong chăn nuôi các con vật khác như gà, vịt đẻ, vịt thịt, trâu bò.... Đặc biệt, UBND xã đã đưa nội dung nhân rộng giải pháp đệm lót sinh học trong chăn nuôi vào đề án Phát triển sản xuất và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015. UBND huyện Can Lộc đã có chủ trương nhân rộng giải pháp sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ra toàn huyện và có cơ chế khuyến khích thúc đẩy nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học theo quy mô trang trại lớn (ưu đãi cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật).