CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3 Tác động của BĐKH và khả năng ứng phó của cộng đồng tại địa bàn nghiên cứu
3.3.4 Đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của địa phương
Áp dụng và phát triển các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và địa phương, kết hợp với sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, xã Khánh Lộc đã và đang áp dụng được một số mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH như mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, mô hình sản xuất men vi sinh, mô hình sản xuất lúa giống... Các mô hình trước khi được áp dụng đã được phân tích, đánh giá dựa trên đặc điểm và những nguồn lực của địa phương, do đó không chỉ mang lại về lợi ích kinh tế mà còn cả những lợi ích về môi trường, tăng khả năng thích ứng với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra ở đây là nên tổ chức những buổi tập huấn kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm từ cán bộ và người dân nhằm tăng hiệu quả và nhân rộng mô hình tới nhiều hộ dân trong toàn xã.
Phát triển các tổ hợp tác sản xuất
Một hiện thực ở Khánh Lộc là đã và đang hình thành rất nhiều tổ hợp tác sản xuất như: tổ hợp tác sản xuất lúa giống, tổ hợp tác chăn nuôi lợn, tổ
hợp tác sản xuất rượu... Đây là một hình thức sản xuất không mới nhưng có những đặc điểm phù hợp với điều kiện nông thôn khi người dân còn hạn chế về điều kiện sản xuất như vốn, trình độ KH – KT, đầu ra của sản phẩm... nên đang được khuyến khích phát triển. Người dân khi vào tổ hợp tác có điều kiện tập trung nhau lại thành một nhóm, được hỗ trợ về kiến thực và một phần vốn để phát triển kinh tế, có cơ hội để quản lý, sáng tạo và tham gia vào mô hình sản xuất mà mình tâm huyết, mang lại thu nhập cho bản thân và có cơ hội học hỏi, tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao hiểu biết.
Tổ chức truyền thông nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về BĐKH và các vấn đề bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu, do đóviệc mỗi thành viên trong cộng đồng phải có ý thức về môi trường là hết sức cần thiết.
Truyền thông được coi như một công cụ hiệu quả trong việc tác động trực tiếp hay gián tiếp làm thay đổi hành vi thái độ của con người trong cộng đồng, từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ BĐKH từ đơn giản đến phức tạp nhất và không chỉ tự mình tham gia mà còn lôi cuốn những người khác cùng tham gia tạo ra các kết quả có tính rộng khắp.
Do đó, lãnh đạo địa phương và các tổ chức, cơ quan liên quan cần nhận thức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, và có những hình thức và nội dung phong phú, phù hợp để thu hút cộng đồng, mang lại hiệu quả truyền thông cao như Phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, BĐKH và PTBV bằng nhiều hình thức như đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... qua đó làm nhận thức của cộng đồng về BĐKH. Có các hoạt động cụ thể hưởng ứng các ngày lễ lớn, các chiến dịch về môi trường như Ngày
môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, Ngày Đa dạng sinh học, Giờ Trái đất...
thông qua các hoạt động như treo băng rôn, cờ, khẩu hiệu, phát tờ rơi, mít tinh, diễu hành, cổ động...
Lồng ghép ứng phó với BĐKH vào lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để các hoạt động ứng phó với BĐKH có hiệu quả, đồng bộ ở các ngành, lĩnh vực, cần được đưa vào trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp, từ cấp huyện, xã, thôn và tất cả các ngành, lĩnh vực như: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Y tế, Văn hóa, Giáo dục, Xây dựng, các đoàn thể như: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Để lồng ghép ứng phó BĐKH vào lập kế hoạch phát triển KT-XH, chính quyền địa phương và các cơ quan cần hướng dẫn, chỉ đạo trong việc lập kế hoạch cho cơ quan, đơn vị của mình.
Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn (Tài chính, Kế hoạch) cần phân bổ kinh phí, hướng dẫn việc lập kế hoạch cho các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó cần đưa vấn đề ứng phó với BĐKH vào nghị quyết của đảng ủy và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tăng cường giám sát của các cơ quan cấp trên và Hội đồng nhân dân về việc thực hiện lồng ghép BĐKH vào lập kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và các ngành, lĩnh vực.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ KẾT LUẬN
1. BĐKH đã và đang diễn ra và có những ảnh hưởng rõ rệt tới Hã Tĩnh nói chung, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc nói riêng. Nhiệt độ trung bình tại Hà Tĩnh tăng theo thập kỷ từ 0,1 – 0,2oC, nhiệt độ trung bình thập kỷ 2000 – 2009 so với 30 – 50 năm trước tăng phổ biến từ 0,5 – 0,8oC, so với 10 – 30 năm trước tăng phổ biến từ 0,3 - 0,6oC, mùa đông đang có xu hướng ấm dần lên so với các thập kỷ trước.
Thời tiết cực đoan gia tăng tính khốc liệt với những biểu hiện nắng và nắng nóng gay gắt kéo dài, rét đậm kéo dài, nhiệt độ xuống quá thấp, các thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, dông sét, hạn hán gia tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện.
BĐKH làm biến đổi lượng mưa theo xu hướng giảm rõ rệt trong những thập kỷ gần đây, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm. Bên cạnh đó, BĐKH còn làm thay đổi tần suất và quy luật bão, thay đổi cường suất và quy luật lũ lụt, làm hiện tượng nước biển lấn sâu vào các sông, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sinh kế của người dân nơi đây.
2. Đối tượng dễ bị tổn thương bởi BĐKH tại nơi đây là những hộ nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp, ít có khả năng chống chịu và thích ứng với những thay đổi do BĐKH.
3. Ngành dễ bị tổn thương bởi BĐKH là nông nghiệp, cũng là sinh kế chủ yếu của hầu hết các hộ dân ở Khánh Lộc. BĐKH có tác động đến năng suất, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp đã và đang phải đối mặt với nhu cầu lớn về phát triển giống cây trồng và vật nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro do BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan.
4. Các cấp lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nói chung và xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc nói riêng đã có sự quan tâm nhất định tới các vấn đề về BĐKH tại địa phương và có những biện pháp lồng ghép thích ứng BĐKH và quản lý rủi ro vào kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội như: đánh giá mức độ và tác động của BĐKH đối với tỉnh, đưa ra nhiệm vụ thực hiện, xác định các giải pháp ứng phó, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về BĐKH và tác động của nó đến mọi mặt đời sống thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn về BĐKH; ban hành Chỉ thị số 16/2010/CT-UBND ngày 21/09/2010 về việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường hợp tác quốc tế về BĐKH...
5. Tại địa phương đã có một số những biện pháp điển hình thành công giúp người dân thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế một cách bền vững như: chuyển giao giải pháp chăn nuôi lợn, gà trên nền đệm lót sinh học; hỗ trợ nhóm nông dân liên kết sản xuất lúa giống... Chương trình được sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) kết hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi huyện Can Lộc đã giúp người dân xã Khánh Lộc nói riêng và người dân tại 3 xã thuộc dự án là:
Khánh Lộc, Vĩnh Lộc và Vượng Lộc có một hướng mới trong sinh kế, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, làm thay đổi đời sống của bản thân các hộ gia đình tham gia, đồng thời mô hình có sức ảnh hưởng và nhân rộng ra các địa phương có điều kiện phù hợp.
KHUYẾN NGHỊ
1. Chính quyền địa phương xã Khánh Lộc cần kết hợp với chính quyền cấp huyện và tỉnh để có kế hoạch đánh giá tổng thể hàng năm tác động của BĐKH đến địa bàn. Cần tham vấn ý kiến chuyên gia và huy động nguồn lực, công cụ của các tổ chức phi chính (NGOs) đang hoạt
động trên địa bàn trong việc đánh giá và lập kế hoạch cũng như triển khai các giải pháp ứng phó BĐKH, đặc biệt là sinh kế.
2. Cần nâng cao năng lực cho cán bộ xã và người dân, đặc biệt phụ nữ về kiến thức phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, thông tin về biến đổi khí hậu.
3. Hỗ trợ người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc trong sản xuất và chăn nuôi, kiến thức, kỹ năng về phòng trừ dịch bệnh...
4. Cần có những biện pháp hỗ trợ người dân phục hồi và phát triển sinh kế sau thiên tai.
5. Hỗ trợ lồng ghép xây dựng kế hoạch phát triển KTXH địa phương có tính đến yếu tố giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.