Phân tích việc thực hiện trong khâu chuẩn bị đầu tư

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên (Trang 70 - 76)

Chương 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ

3.2. Thực trạng công tác quản lý các dự án đầu tư XDCB bằng nguồn vốn

3.2.2. Tình hình đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Phú Lương

3.2.2.1. Phân tích việc thực hiện trong khâu chuẩn bị đầu tư

* Tiến độ trong khâu chuẩn bị đầu tư

Trong công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu của dự án, công tác chuẩn bị đầu tư thường chậm hoặc bị kéo dài điều đó thể hiện ở chỗ thời gian huyện đề xuất phương

án đầu tư đến khi có kết quả thẩm định của các Sở, ban, ngành để quyết định chủ trương đầu tư thường kéo dài so với kế hoạch đầu tư đề ra từ 03 tháng đến 05 tháng.

Các nhân tố chính làm chậm tiến độ trong công tác chuẩn bị đầu tư:

- Công tác xây dựng kế hoạch vốn đầu tư: Đây là công tác có vai trò quan trọng trong việc xác định chủ trương, định hướng và quy trình xây dựng thực hiện kế hoạch vốn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng trưởng kinh tế, hoạch định ra quy hoạch, kế hoạch đầu tư trung hạn và ngắn hạn. Tuy nhiên từ năm 2014 trở về trước (khi chưa có Luật đầu tư công) huyện Phú Lương chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch 5 năm về vốn đầu tư cũng như danh mục các dự án đầu tư, mới chỉ xây dựng kế hoạch hàng năm. Hạn chế của việc này là thiếu chủ động trong việc bố trí nguồn vốn cho đầu tư, thực hiện nhiều dự án phát sinh trong năm. Do đó, khi bố trí cho những dự án phát sinh phải cắt giảm việc bố trí cho các dự án khác gây tình trạng đầu tư dàn trải và kéo dài dự án.

- Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, việc chồng chéo các quy hoạch vẫn xảy ra, các quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể chưa có sự gắn kết. Nhiều dự án triển khai chưa có quy hoạch vì vậy phải điều chỉnh địa điểm nhiều lần.

- Về phân bổ vốn và bố trí vốn cho các dự án, quyết toán vốn các công trình còn nhiều hạn chế. Số lượng các công trình quyết toán hàng năm đạt thấp, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán, đến 31/12/2017 toàn huyện còn 219 công trình chậm quyết toán.

- Nhiều dự án có quyết định đầu tư sử dụng từ nhiều nguồn vốn đã gây không ít khó khăn phức tạp cho công tác quản lý nguồn và bố trí vốn; có những dự án gồm nhiều nguồn vốn chủ đầu tư chỉ tập trung hoàn thành vốn từ ngân sách nhà nước, vốn huy động thường bỏ ngỏ nên ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án và công tác thanh quyết toán vốn sau này, như các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn thuộc chương trình nông thôn mới

ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 65% vốn, vì thế chủ đầu tư chỉ làm hết phần vốn hỗ trợ còn lại bỏ ngỏ; có dự án hoàn thành thì dẫn đến nợ đọng XDCB.

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Lương, nợ XDCB ở mức cao, tính đến 31/12/2017 toàn huyện còn nợ trên 35 tỷ đồng, trong đó phần nợ ngoài cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước rất lớn trên 7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do phê duyệt dự án tràn lan, phân bổ dàn trải, công tác thanh tra, kiểm tra hạn chế.

Chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn có những hạn chế như chưa tính toán đầy đủ các yếu tố tác động đến dự án (nguồn vốn, quy mô đầu tư, tiến độ thực hiện và dự báo tăng trưởng kinh tế) dẫn đến quá trình thực hiện hầu hết các dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Qua giám sát của Ban kinh tế HĐND huyện 07 công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh phân cấp cho huyện 40% thì có 05 dự án phải điều chỉnh do bổ sung, thay đổi thiết kế.

Có những công trình được điều chỉnh nhiều như Công trình Nhà làm việc khối đoàn thể huyện, Phân hiệu trường Mầm non thị trấn Đu. HM: Nhà lớp học 2 tầng 8 phòng (báo cáo giám sát Ban Kinh tế HĐND huyện)

Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị tư vấn quá tải và đồng thời ký được nhiều hợp đồng với các loại dự án khác nhau và mặt khác năng lực của Chủ đầu tư còn hạn chế, hơn nữa đơn vị tư vấn không muốn bỏ nhiều chi phí cho khảo sát, do đó chưa có sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị tư vấn trong việc lựa chọn phương án thích hợp nhất nên phải sửa đi sửa lại.

* Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu còn nhiều tồn tại, thách thức, như: Thời gian trong đấu thầu kéo dài do các nguyên nhân chủ quan, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên trong đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm; việc công khai, minh bạch thông tin chưa được đảm bảo theo quy định; các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp,

“quân xanh”, “quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu (HSMT), đặc biệt tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu (quây thầu, vây thầu) vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục.

Theo Kết luận của Thanh tra sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên:

Dự án Nâng cấp đường Giang Tiên - Phú Đô -Núi Phấn, Phú Lương (đoạn từ Km6-Km12+478, tuyến chính) là một trong những dự án chậm tiến độ theo quyết định đầu tư được duyệt. Dự án được phê duyệt kế hoạch đấu thầu trong quý III năm 2017; kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của đơn vị tư vấn đối với hồ sơ của các đơn vị dự thầu không đảm bảo yêu cầu, chủ đầu tư ra quyết định hủy thầu và xin ý kiến của UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Sau khi có quyết định điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, UBND huyện (đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư va xây dựng huyện) triển khai các bước tiếp theo để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu bị kéo dài sang năm 2018, khi đó Khoản 7 Điều 35 Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT ngày 05/5/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả

lựa chọn nhà thầu thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đơn vị mua sắm tập trung phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu” có hiệu lực;

thời điểm đó đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu được lựa chọn năm 2017 chưa có đủ năng lực theo quy định. Dẫn đến dự án phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu lặp đi lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, giảm hiệu quả đầu tư.

* Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

Công tác đền bù GPMB công trình, từ khâu xác định mốc giới tại thực địa, kê kiểm, áp giá đền bù, thỏa thuận với các hộ dân, xác nhận của các địa phương, lập trình duyệt phương án đền bù, thẩm tra phê duyệt của địa phương, trả tiền đền bù là một chuỗi công việc phức tạp, đi lại nhiều lần, chiếm rất nhiều thời gian, kéo dài quá trình thực hiện dự án, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ công trình.

Dự án Đường trục xã, liên xã Động Đạt thi công năm 2017 thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự án là một trong các tiêu chí hoàn thành bộ tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 của xã Động Đạt. Do khó khăn trong công tác GPMB nên đến đầu năm 2018 dự án mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Toàn bộ mặt bằng để xây dựng tuyến đường chủ yếu trên nền đường cũ và do nhân dân tự nguyện hiến đất. Tuy nhiên, một số địa điểm, hành lang tuyến đường các hộ dân tự ý xây dựng lấn chiếm, đến khi mở rộng mặt đường các công trình xây dựng trái phép người dân không tự tháo dỡ, sau nhiều lần tuyên truyề, vận động người dân không chấp hành, UBND huyện đã phải thành lập tổ cưỡng chế để thực hiện GPBM, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Các nhân tố chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện công tác GPMB + Vướng mắc về chính sách đền bù (hỗ trợ) đối với đất không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, làm kéo dài công tác đền bù GPMB và ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

+ Chất lượng của công tác kiểm đếm chưa cao dẫn đến phát sinh khối lượng trong quá trình thực hiện đền bù GPMB.

+ Cán bộ được giao nhiệm vụ đền bù GPMB còn thiếu kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm chưa cao.

+ Công tác vận động, thuyết phục quần chúng chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều bức xúc của người dân không được giải quyết kịp thời.

+ Các chế độ chính sách của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, đền bù GPMB chưa được cập nhật kịp thời.

+ Thời gian thẩm định và trình duyệt phương án đền bù GPMB của các cấp có thẩm quyền còn bị kéo dài.

* Khảo sát xây dựng, thiết kế công trình

Một trong những lĩnh vực quan trọng đầu tiên là công tác tư vấn kháo sát thiết kế bao gồm các khâu: Lập quy hoạch, khảo sát, lập dự án đầu tư, lập thiết kế - tổng dự toán, thẩm định thiết kế - tổng dự toán… công tác này càng chính xác thì càng góp phần đáng kể quyết định tính hiệu quả của dự án (theo điều 35 khoản 4 của Luật xây dựng)

Thực tế qua các năm 2015 - 2017 thì chất lượng của công tác kháo sát thiết kế đã từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thể hiện ở chỗ:

Nhiều công trình khảo sát chưa kỹ dẫn đến công trình đi vào thi công phải dừng lại để xử lý kỹ thuật thay đổi thiết kế gây lãng phí kéo dài thời gian và tăng chi phí. Khảo sát không chính xác do chưa nghiên cứu một cách thấu đáo, kỹ lưỡng kết hợp giữa điệu kiện tự nhiên, xã hội, địa hình, địa chất thủy văn khu vực. Các công trình xây dựng qua vùng có địa hình phức tạp cấu tạo địa chất và địa chất - thuỷ văn phức tạp, nền đất yếu… nhưng chưa được thiết kế phương án tối ưu dẫn đến thiết kế không đảm bảo kỹ thuật làm tuổi thọ công trình giảm, tạo ra sự lãng phí vô hình, hoặc phải phá đi làm lại tốn rất nhiều chi phí đầu tư, không hiệu quả.

Điển hình là dự án Trường Mầm non Tức Tranh - Hạng mục: Nhà lớp học 2 tầng 4 phòng, được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố Thái Nguyên hỗ trợ năm 2017. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ nên đến 31/12/2017 nguồn vốn chưa thực hiện được. Dự án xây dựng trên khu vực trước đó là kho vật tư của trạm bảo vệ thực vật, đất bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu lớn, cần phải xử lý đất trước khi xây dựng công trình để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhà trường. Nguyên nhân chính là do đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán công trình đã không tính toán kỹ lưỡng về địa chất khu vực xây dựng dự án, dẫn đến phải dừng thi công để xin điều chỉnh chủ trương dự án.

Như vậy, có thể chỉ là một sơ suất rất nhỏ trong thiết kế của đơn vị tư vấn nhưng hậu quả thì lại không hề nhỏ bởi qua sự việc này đã làm mất lòng tin của người dân, làm giảm uy tín của doanh nghiệp, làm chậm tiến độ thi công công trình, thiệt hại đối với các nhà thầu. Đồng thời cho thấy công tác duyệt thiết kế kỹ thuật không chuẩn đã gây lãng phí NSNN.

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)