Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
2.2. Quan niệm, nội dung và những nhân tố tác động đến tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam
2.2.1. Quan niệm, nội dung tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam 2.2.1.1. Quan niệm tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam Ở nước ta, trong những năm gần đây, thuật ngữ “tái cơ cấu” hay “tái cấu trúc” được đề cập nhiều trong các văn kiện, nghị quyết, nghị định, văn bản lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các thuật ngữ này cũng được sử dụng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các bài báo, tạp chí, hội thảo. Tuy nhiên, khái niệm này hầu như chưa được định nghĩa rõ ràng. Ngay cả ở những nước phát triển, việc tái cơ cấu được tiến hành một cách thường xuyên nhưng cũng tồn tại rất nhiều những quan niệm khác nhau về tái cơ cấu và thường chỉ đề cập đến tái cơ cấu ở phạm vi hẹp là doanh nghiệp, còn quan niệm tái cơ cấu ở phạm vi rộng trên bình diện nền kinh tế hoặc tái cơ cấu một lĩnh vực, một ngành nào đó rất hiếm khi bắt gặp. Qua nghiên cứu các tài liệu cả trong và ngoài nước, theo tác giả, quan niệm về tái cơ cấu phải xem xét trên cả hai bình diện ở phạm vi rộng toàn bộ nền kinh tế hoặc một ngành, lĩnh vực nào đó và phạm vi hẹp là doanh nghiệp.
Ở phạm vi rộng, quan niệm về tái cơ cấu cũng có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Theo TS Nguyễn Ngọc Toàn và TS Bùi Văn Huyền trong cuốn sách “Tái cấu trúc kinh tế Việt Nam: nhìn từ cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần kinh tế” có quan niệm: “Tái cơ cấu kinh tế là thay đổi tương quan giữa các bộ phận trong nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế” và
“Tái cơ cấu nền kinh tế là tập hợp các hành động có chủ đích của chủ thể tái cơ cấu nhằm làm thay đổi căn bản tương quan giữa các bộ phận trong nền kinh tế theo hướng tiến bộ trong một thời gian tương đối ngắn” [107, tr.22].
Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII có đưa ra quan niệm: “Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bổ lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn; nâng cao trình độ các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung lên mức phát triển cao hơn” [26, tr.6].
Ở phạm vi hẹp, thuật ngữ “tái cơ cấu doanh nghiệp” hiện nay được nhắc đến rất nhiều như một điều kỳ diệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiểu thế nào là tái cơ cấu doanh nghiệp lại là vấn đề đang được bàn luận nhiều và chưa có một cách hiểu chung thống nhất. Tùy vào góc độ nghiên cứu, hướng tiếp cận và mục đích nghiên cứu khác nhau lại có cách hiểu khác nhau về tái cơ cấu.
Theo Paul H. Allen: “Tái cơ cấu doanh nghiệp là tìm cách sắp xếp lại tổ chức, thay đổi các vị trí nhân sự, gộp lại hoặc chia ra các bộ phận hiện có, giảm bớt các tầng bậc trong tổ chức để thông tin đi nhanh hơn, phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý giữa các phòng ban, hoặc thay đổi cơ cấu trong mạng lưới chi nhánh hay sản phẩm đưa ra thị trường”[1, tr.11]. Tuy nhiên theo Allen, tái cơ cấu chưa đạt đến mức tái lập. Tái cơ cấu theo một cách thức nào đó, có thể chính là một trong các biểu hiện của tái lập. Allen cho rằng: Tái lập là thay đổi một cách
triệt để, không phải thay đổi lĩnh vực kinh doanh mà chính là cách thức kinh doanh, phá bỏ hoàn toàn các quy trình cũ và thay thế hoàn toàn bằng các quy trình mới, với một tư duy chưa từng có trước đây [1, tr.9].
Theo GS,TS Nguyễn Kế Tuấn: “Tái cơ cấu DNNN ở nước ta, trọng tâm là các TĐKT và các TCTNN là việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện cổ phần hóa, đổi mới chính sách đầu tư,… theo hướng hợp lý hơn, thị trường hơn, đảm bảo cho các DNNN hoạt động có hiệu quả, nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định. Về bản chất, tái cơ cấu DNNN không phải là dồn thêm nguồn lực cho khu vực này, mà là điều chỉnh để các nguồn lực được phân bổ đến các khu vực có năng suất cao hơn, hướng tới tạo ra một thị trường hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho kinh tế nhà nước vươn lên phát huy vai trò tích cực trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” [110, tr.81].
Theo Phạm Sỹ Thành trong cuốn sách “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” quan niệm: “Tái cơ cấu là khắc phục những yếu kém của hệ thống DNNN để hạn chế những tổn thất mà hệ thống này có thể gây ra cho nền kinh tế. Trên cơ sở đó, phát triển những khu vực kinh tế năng động, có hiệu suất cao hơn để thúc đẩy sự chuyển mình của kinh tế Việt Nam”. Tác giả còn cho rằng, “Tái cơ cấu không phải là gia cố hay dồn thêm nguồn lực cho khu vực này mà là điều chỉnh để các nguồn lực được phân bổ đến các khu vực có năng suất cao hơn, hướng đến tạo ra một thị trường hiệu quả hơn” [98, tr.288].
Như vậy, xoay quanh vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay còn có rất nhiều những cách hiểu khác nhau, cho đến nay vẫn chưa có quan điểm nào được coi là hợp lý nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu các quan niệm khác nhau về tái cơ cấu, nhất là những quan niệm theo những hướng tiếp cận khác nhau về tái cơ cấu doanh nghiệp có giá trị tham khảo rất lớn trong việc xây dựng quan niệm tái cơ cấu TĐKTNN. Theo tác giả, với tính chất là một tổ hợp các doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau, tái cơ cấu TĐKTNN không phải là phép cộng đơn thuần của tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên. Tái cơ cấu TĐKTNN phải
được xem xét một cách tổng thể, đặt trong mối quan hệ cơ cấu và tổ chức của toàn tập đoàn và mối quan hệ với hệ thống DNNN cũng như toàn nền kinh tế; tái cơ cấu TĐKTNN ở Việt Nam hiện nay không phải là những hành động đơn lẻ như tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu nhân lực… mà nó là tổng hợp các hành động có chủ đích của Đảng, Nhà nước và các TĐKT nhằm làm thay đổi một cách căn bản và toàn diện về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tổ chức quản lý, quản trị và cơ cấu tài chính trong các tập đoàn.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc điểm hợp lý của những quan niệm về tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nói riêng, tác giả đưa ra quan niệm tái cơ cấu TĐKTNN ở Việt Nam như sau: Tái cơ cấu TĐKTNN là tổng hợp các chủ trương, biện pháp có chủ đích của Đảng, Nhà nước và các TĐKT để điều chỉnh, sắp xếp lại về tài chính, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, quản trị, ngành nghề và lĩnh vực SXKD trong các TĐKTNN nhằm làm cho các tập đoàn có hiệu quả SXKD cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn, làm nòng cốt cho sự phát triển của kinh tế nhà nước và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Từ quan niệm trên có thể thấy, chủ thể tiến hành quá trình tái cơ cấu TĐKTNN rất đa dạng, mỗi một chủ thể có vai trò, vị trí và cách thức tác động khác nhau đến hoạt động tái cơ cấu. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò to lớn đề ra chủ trương định hướng cho quá trình tái cơ cấu. Nhà nước, trên cơ sở những chủ trương đã đề ra, cụ thể hóa bằng chính sách và pháp luật, đồng thời chỉ đạo đến các tập đoàn tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn trong mỗi giai đoạn, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Các TĐKTNN vừa là chủ thể, đồng thời cũng là nơi trực tiếp thực hiện tái cơ cấu. Sự thành, bại của quá trình tái cơ cấu phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, năng lực và trách nhiệm của HĐTV, Ban giám đốc các tập đoàn. Trong hoạt động này, Nhà nước đặc biệt là Chính phủ với các bộ, ngành là chủ thể quan trọng nhất trực tiếp quyết định đến tốc độ, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu TĐKTNN. Trong đó, Chính phủ mà
trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt đề án tái cơ cấu của các tập đoàn. Các Bộ quản lý ngành có trách nhiệm xây dựng đề án tổng thể tái cơ cấu ngành làm cơ sở để các TĐKTNN xây dựng đề án chi tiết; thẩm định đề án tái cơ cấu của các TĐKTNN thuộc phạm vi ngành quản lý; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu của các tập đoàn; phối hợp với Bộ Tài Chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TĐKTNN thuộc phạm vi quản lý. Đối với các Bộ tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ quản lý ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; tham gia ý kiến từng đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và tổng hợp báo cáo kết quả theo phạm vi, lĩnh vực quản lý. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp làm đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu các TĐKTNN.
Mục đích của tái cơ cấu TĐKTNN là nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, năng lực cạnh tranh của các TĐKTNN, từ đó làm tốt vai trò nòng cốt cho sự phát triển của DNNN, kinh tế nhà nước và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Mục đích này chỉ rõ, tái cơ cấu TĐKTNN là làm cho các tập đoàn mạnh hơn, có hiệu quả hơn, chứ không phải tái cơ cấu nhằm xóa bỏ các TĐKTNN. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi trước những hạn chế, yếu kém của TĐKTNN trong thời gian qua, một số người cho rằng tái cơ cấu là làm giảm vai trò, tiến tới xóa bỏ các TĐKTNN. Tuy nhiên, cũng cần tránh nhận thức sai lầm cho rằng, tái cơ cấu là dồn thêm các nguồn lực cho TĐKTNN để mở rộng quy mô và sự hiện diện của nó trong nền kinh tế. Tái cơ cấu TĐKTNN giai đoạn hiện nay sẽ hướng đến thay đổi và phân bổ lại các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Nguồn lực được dịch chuyển từ bộ phận kém hiệu quả sang những bộ phận có hiệu quả hơn, nhờ đó nâng cao hiệu quả chung của tập đoàn. Đồng thời, tái cơ cấu TĐKTNN hiện nay phải hướng đến thay đổi cách thức quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng các
nguồn lực hiện có. Việc xác định đúng mục đích tái cơ cấu TĐKTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt đối với đất nước đi theo con đường XHCN như Việt Nam. Ở đó, kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, mà nòng cốt của kinh tế nhà nước là các DNNN, đỉnh cao của nó là các TĐKTNN. Chính vì vậy, tái cơ cấu TĐKTNN phải đảm bảo tính định hướng XHCN của nền kinh tế. Tái cơ cấu phải nhằm tăng cường và phát huy tính hiệu quả của TĐKTNN.
Phương thức tái cơ cấu được thực hiện trên cơ sở chủ thể tái cơ cấu nhận thức các quy luật kinh tế khách quan tác động vào quá trình tái cơ cấu nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Trong quá trình đó, hành động mang tính chủ quan của chủ thể tái cơ cấu đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hành động của chủ thể tái cơ cấu không mang tính tùy tiện mà phải căn cứ vào mục đích tái cơ cấu và trên cơ sở vận dụng tổng hợp các quy luật kinh tế để đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện. Cách thức tiến hành tái cơ cấu TĐKTNN phải mang tính toàn diện và hiệu quả được thực hiện từ cả hai phía: Cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành và sự chủ động tái cơ cấu từ phía các TĐKTNN. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành phải xác định được mục tiêu, vai trò và tầm quan trọng của việc tái cơ cấu các TĐKTNN.
Qua đó chỉ đạo đến các tập đoàn tiến hành thực hiện tái cơ cấu các đơn vị thành viên theo mục tiêu đã xác định. Cách thức chỉ đạo thông qua các các văn bản pháp luật, đề án khung được xây dựng để thực hiện đồng bộ và nhất quán ở tất cả các tập đoàn thực hiện tái cơ cấu. Đối với các TĐKTNN cần chủ động thực hiện việc đánh giá lại thực trạng của tập đoàn, những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức đối với tập đoàn để có thể có kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn nhanh chóng và phù hợp trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2.2.1.2. Nội dung tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam Nội dung tái cơ cấu TĐKTNN ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phức tạp trên cả hai cấp độ “động và tĩnh”. Ở cấp độ động, nội dung tái cơ cấu TĐKTNN nhằm hướng tới thay đổi và phân bổ lại nguồn lực giữa các bộ phận của tập đoàn để
nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Ở cấp độ tĩnh, nội dung tái cơ cấu hướng tới nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhưng không phân bổ lại nguồn lực. Cụ thể những nội dung tái cơ cấu TĐKTNN tập trung vào những vấn đề:
Một là, tái cơ cấu vai trò, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước
Về lý thuyết, vị trí của TĐKTNN được biểu hiện ở các ngành, lĩnh vực cần có sự hiện diện và mức độ hiện diện của TĐKTNN. Đến lượt nó, vị trí của TĐKTNN lại bị chi phối bởi vai trò của các tập đoàn trong nền kinh tế. Nếu các TĐKTNN được giao vai trò quan trọng thì cũng được giao nắm giữ những vị trí trọng yếu, quan trọng. Chính vì vậy, việc xác định vai trò của TĐKTNN trong nền kinh tế chính là căn cứ, là cơ sở để xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cần có sự hiện diện của TĐKTNN. Trước đây, do nhận thức chưa đúng trong việc xác định về vai trò của TĐKTNN nên nhiều lúc chúng ta kỳ vọng quá nhiều và giao cho những sứ mệnh vượt quá khả năng của các tập đoàn. Có những thời điểm chúng ta sử dụng TĐKTNN làm công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế làm méo mó tín hiệu thị trường và tạo ra sự bất bình đẳng giữa DNNN và các doanh nghiệp khác. Ngày nay, trong điều kiện sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải tái định vị vai trò của các TĐKTNN. Trong điều kiện hiện nay, việc xác định lại vai trò của TĐKTNN phải trên cơ sở mối tương quan giữa các TĐKTNN với khu vực DNNN, với ngành, lĩnh vực có sự hiện diện của các tập đoàn và với toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, việc xác định lại vai trò của các TĐKTNN phải dựa trên tư duy mới về vai trò của kinh tế nhà nước và vị trí của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trên cơ sở tái định vị vai trò của các TĐKTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần phải xác định lại ngành nghề, lĩnh vực SXKD cho các tập đoàn. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tái cơ cấu TĐKTNN ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì, đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, cơ cấu ngành nghề kinh doanh là nội dung chính trong hoạt động của doanh nghiệp. Xác