Chương 3 THỰC TRẠNG TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC
3.2. Thành tựu và hạn chế trong tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam
3.2.1. Những thành tựu trong tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước
Trên cơ sở chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của lãnh đạo các tập đoàn, trong thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung. Những thành tựu đạt được trên một số mặt sau:
3.2.1.1. Vai trò của các tập đoàn kinh tế đã được xác định lại; cơ cấu ngành nghề đã có sự điều chỉnh phù hợp với thế mạnh và nguồn lực được giao
Một là, vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước được xác định lại phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế
Cho đến nay, không có văn kiện nào của Đảng hay văn bản quy phạm pháp luật nào của Nhà nước quy định cụ thể về vai trò của TĐKTNN. Tuy nhiên, trên cơ sở tư duy mới về tính chủ đạo của kinh tế nhà nước và vị trí của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có thể nhận thấy vai trò của các TĐKTNN đã khác trước đây rất nhiều. Nếu như tại Hội nghị Trung ương ba khóa IX, DNNN (bao gồm cả TĐKTNN) được xác định là
“làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô”
thì đến Hội nghị Trung ương sáu khóa XI, DNNN chỉ được xác định là “công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô”. Điều đó cho thấy, trước đây các TĐKTNN được sử dụng và coi trọng như những công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế khác như pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… theo tư duy mới, TĐKTNN chỉ xem là công cụ hỗ trợ cho các công cụ khác và được xem là thứ yếu hơn, thậm chí vai trò chính sách này sẽ giảm dần cùng với tiến trình phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, việc sử dụng các TĐKTNN làm công cụ hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã có những đổi mới so với trước và được Hội nghị Trung ương sáu khóa XI khẳng định rõ: “Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt
hàng của Nhà nước, được hoạch toán theo cơ chế thị trường” [54, tr.129]. Như vậy, vai trò thực hiện chính sách của các TĐKTNN sẽ được tính toán một cách đầy đủ theo cơ chế thị trường để tránh tình trạng gây thiệt hại cho các tập đoàn và tránh tình trạng nhập nhèm giữa nhiệm vụ SXKD và nhiệm vụ công ích, đồng thời cũng đảm bảo sự bình đẳng giữa TĐKTNN với các doanh nghiệp ngoài nhà nước khác.
Vai trò của các TĐKTNN cũng đã có sự thay đổi cùng với sự thay đổi vị trí của các tập đoàn trong nền kinh tế. Vị trí của các tập đoàn được thể hiện thông qua số lượng ngành nghề và tầm quan trọng của ngành nghề các tập đoàn nắm giữ. Theo Quyết định 91/TTg về thí điểm thành lập TĐKTNN, 18 TCT theo hướng hình thành TĐKTNN nắm giữ, chi phối 17 ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Theo tinh thần Đại hội IX và Hội nghị Trung ương ba khóa IX, số ngành, lĩnh vực của các tập đoàn thí điểm giảm xuống còn 12, bao gồm: Viễn thông, than-Khoáng sản, dệt may, điện lực, công nghiệp tàu thủy, dầu khí, hóa chất, cao su, xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng, bảo hiểm, xăng dầu. Đến hội nghị Trung ương ba khóa XI, số ngành các tập đoàn nắm giữ tiếp tục có sự giảm xuống còn 9 ngành, bao gồm: Viễn thông, than-Khoáng sản, dệt may, điện lực, dầu khí, hóa chất, cao su, bảo hiểm, xăng dầu. Từ chủ trương này, Chính phủ đã quyết định chấm dứt mô hình tập đoàn đối với Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Đặc biệt đến Hội nghị Trung ương năm khóa XII vị trí của TĐKTNN tiếp tục có sự điều chỉnh trên cơ sở sự điều chỉnh vị trí của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, “DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư” [8, tr.83-84]. Thực trạng trên cho thấy, một mặt đã có sự chuyển biến nhận thức và chủ trương của Đảng về vai trò của TĐKTNN, đảm bảo sự phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mặt khác sự điều chỉnh này cho thấy sự phù
hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bởi xu thế chung hiện nay, các nước đều giảm bớt vai trò trong nền kinh tế của DNNN nói chung và các TĐKTNN nói riêng.
Hai là, ngành nghề và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã có sự giảm xuống một cách rõ rệt
Trên cơ sở tái định vị vai trò của TĐKTNN, việc xác định lại ngành nghề, lĩnh vực SXKD của các tập đoàn đã được triển khai một cách quyết liệt. Điều này có thể nhận thấy thông qua việc xây dựng và phê duyệt đề án khung và đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn. Trong đề án tái cơ cấu, các TĐKTNN đã xác định lại mục tiêu hoạt động, từ đó làm rõ vị trí, vai trò của từng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trên cơ sở các mục tiêu đặt ra, các TĐKTNN đã xây dựng lại cơ cấu ngành nghề kinh doanh, giảm các ngành, nghề ít hoặc không liên quan để tập trung trong những ngành, nghề kinh doanh cần được duy trì. Cụ thể:
Trước khi tái cơ cấu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kinh doanh các ngành, lĩnh vực: sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây lắp dân dụng và công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng.
Đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, trước khi tái cơ cấu, ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh rất đa dạng như: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, Ngoài ra, tập đoàn còn hoạt động kinh doanh các ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây lắp dân dụng và công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào 5 ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Trước khi tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kinh doanh các ngành, lĩnh vực: sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện, bưu chính, tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng
khoán, tư vấn thiết kế và xây lắp bưu điện. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào 3 ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, trước khi tái cơ cấu có ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bao gồm: sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất, công nghiệp chế biến cao su, sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, tư vấn và thiết kế, tư vấn và thiết kế công nghiệp hóa chất, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là: SXKD phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất, công nghiệp chế biến cao su, SXKD hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, tư vấn và thiết kế công nghiệp hóa chất.
Trước khi tái cơ cấu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam kinh doanh các ngành, lĩnh vực: SXKD than, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ, tài chính, bất động sản, xây lắp, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, cảng hàng không, bóng đá, phát triển đường cao tốc. Thực hiện tái cơ cấu, tập đoàn xác định chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là SXKD than, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí mỏ.
Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn Viễn thông Quân đội trước khi tiến hành tái cơ cấu bao gồm: các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin; phát thanh, truyền hình; bưu chính, chuyển phát;
nghiên cứu sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, bất động sản, xây dựng. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là:
sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin; phát thanh, truyền hình; bưu chính, chuyển phát; nghiên cứu sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông.
Trước khi tái cơ cấu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kinh doanh các ngành, lĩnh vực: trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, xi măng, kho vận, thủy điện, xây dựng. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là: trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt.
Trước khi tái cơ cấu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam kinh doanh các ngành, lĩnh vực SXKD nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, các phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, các chủng loại sợi, vải, hàng may mặc dệt thoi, dệt kim, chỉ khâu, khăn bông, len, thảm, tơ tằm, vải tơ tằm, vải kỹ thuật, chứng khoán, cơ khí, ngân hàng, bất động sản. Thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn xác định chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính là: SXKD nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, các chủng loại sợi, vải, hàng may mặc dệt thoi, dệt kim, chỉ khâu, khăn, bông, len, thảm, tơ tằm, vải tơ tằm, vải kỹ thuật [6, tr.8,9].
Trên cơ sở nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh đã được xác định lại, các TĐKTNN đã tổ chức lại hệ thống SXKD, cơ cấu lại các đơn vị thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, tránh cạnh tranh nội bộ, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành, nghề, xóa bỏ doanh nghiệp cấp 4, thu gọn doanh nghiệp cấp 3. Cụ thể: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức lại 10 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty Chế biến, kinh doanh than Quảng Ninh thành Chi nhánh hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; hợp nhất 03 Trường thành Trường cao đẳng nghề mỏ - Vinacomin. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã xây dựng phương
án sáp nhập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tài chính cao su vào công ty mẹ Tập đoàn; sáp nhập Công ty cổ phần cấp nước Phú Riềng (công ty cấp 3) vào Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Phú Riềng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giải thể chi nhánh PVN - Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Dầu khí, sắp xếp lại Viện Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thành lập 3 TCT phát điện độc lập trên cơ sở tổ chức lại, sắp xếp các đơn vị thành viên. Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã sáp nhập 1 Công ty (Thông tin Viễn thông điện lực vào Tập đoàn Viettel) và thành lập mới 1 công ty ở nước ngoài (Công ty Viettel American VTA). Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã thực hiện đề án tái cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên;
tách Công ty Mobifone (nay là TCT Viễn thông MobiFone), TCT Bưu chính Việt Nam (nay là TCT Bưu điện Việt Nam), Bưu điện Trung ương và Học viện Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý; chuyển 2 trường Trung học Công nghệ Thông tin và Bưu chính Viễn thông về Hà Nam và Thái Nguyên quản lý; tổ chức lại các đơn vị thành viên theo hướng thành lập các đơn vị chuyên sâu về hạ tầng, kinh doanh và dịch vụ [6, tr.12].
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các TĐKT, cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực SXKD của các TĐKTNN đã được xác định một cách rõ ràng hơn, số lượng ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn có sự giảm xuống một cách rõ rệt, các tập đoàn đã tập trung hơn vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính. Sự thoái lui của các TĐKTNN khỏi nhiều ngành, lĩnh vực SXKD đã góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng trong việc giảm dần sự hiện diện của DNNN ở các ngành kinh tế để DNNN tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Hình 2.1 cho thấy, nếu như năm 2002, số ngành, lĩnh vực nhà nước giữ 100% vốn điều lệ là 63 thì đến năm 2011 con số này đã giảm xuống còn 20 và tiếp tục giảm xuống còn 11 vào năm 2016 [8, tr.191-192].
Hình 2.1: Số lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Nguồn: Tổng hợp từ [8], [34].
Ba là, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã tích cực thực hiện thoái vốn để giảm bớt số lượng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh
Thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn bao gồm thoái vốn của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực SXKD chính (chủ yếu vào các lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần) [6, tr.21].
Để thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành đạt được hiệu quả, đồng thời khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn đặt ra, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định và Quyết định về thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cụ thể như:
Nghị định 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ đưa ra những thay đổi về nguyên tắc chuyển giao doanh nghiệp, chính sách đối với người lao động, tổ chức thực hiện chuyển giao doanh nghiệp; Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư
vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trên cơ sở chủ trương và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, công tác thoái vốn trên thực tế ở các DNNN đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Tính đến ngày 31/12/2015, các TĐKT, TCT nhà nước đã thoái được 9.835 tỷ đồng thuộc lĩnh vực nhạy cảm, thu được 11.086 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản: giá trị thoái 3.169, giá trị thu về 3.812 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm giá trị thoái 441 tỷ, giá trị thu về 488 tỷ đồng, lĩnh vực chứng khoán giá trị thoái 358 tỷ đồng giá trị thu về 320 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính giá trị thoái 3.092 tỷ giá trị thu về 3.346 tỷ đồng, lĩnh vực ngân hàng giá trị thoái vốn 2.777 tỷ đồng, giá trị thu về 3.120 tỷ đồng [6, tr.11]. Tính riêng trong năm 2016, cả nước đã thoái được 4.493,7 tỷ đồng, trong đó riêng Tập đoàn Viễn thông Quân đội thoái được 209,2 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt May thoái được 17 tỷ đồng [7, tr.3].
Các TĐKT thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính (bao gồm cả 5 lĩnh vực nhạy cảm) với những kết quả cụ thể như sau: Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thoái 1.736 tỷ đồng, thu về 1.981 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Hóa chất Việt Nam thoái 674 tỷ, thu về 674 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam, giá trị thoái vốn 1.107 tỷ, giá trị thu về 1.241 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội, giá trị thoái vốn 3.026 tỷ đồng, giá trị thu về 3.540 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, giá trị thoái vốn 647 tỷ đồng, giá trị thu về 1.036 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá trị thoái vốn 1.478 tỷ đồng, giá trị thu về 1.525 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giá trị thoái vốn 365 tỷ đồng, giá trị thu về 1.140 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, giá trị thoái vốn 2.809, giá trị thu về 3.116 tỷ đồng. Những chuyển biến tích cực trong công tác thoái vốn đầu tư của các TĐKTNN đã góp phần quyết định đến kết quả thoái vốn của khối DNNN nói chung trong giai đoạn 2011-2015 [6, tr.11-12].