CHƯƠNG 2: HIỆN TRẠNG XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CƠ KHÍ CƠ KHÍ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010 - 2017
2.1. Chính sách xuất khẩu và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm cơ khí Việt Nam
Năm 2008, với mức GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000USD, Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo và gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Xét về GDP bình quân đầu người, Việt Nam còn tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/2 Indonesia, 1/4 Thái Lan, 1/7 Malaysia, và 1/36 Singapore. Áp lực hội nhập khu vực và toàn cầu đang ngày càng lớn. Từ năm 2015, ASEAN đã trở thành thị trường chung. Gia nhập sau nên đến 2018 Việt Nam mới phải gỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp từ ASEAN vào Việt Nam. Giai đoạn này (2011-2020) Việt Nam phải chịu áp lực hội nhập vô cùng lớn khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, các khu vực được ký kết, như Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU…Nếu không xây dựng được ngành công nghiệp trong nước vững mạnh, Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa công nghiệp, đối mặt với nhiều rủi ro như nhập siêu và phụ thuộc nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới,
nhiều yếu kém của nền kinh tế đang dần lộ ra. Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn mô hình tăng trưởng mới, tái cơ cấu công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ… đang trở nên cấp bách nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để có thể phát triển ổn định, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.
Để phát triển ngành cơ khí, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý:
- Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm (do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban). Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm và Hội đồng thẩm tra các dự án cơ khí trọng điểm.
- Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015. Các Bộ ngành liên quan (Công Thương, Tài chính, Khoa học và công nghệ) đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Trong số 11 dự án, đã có 03 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký Hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng Hợp đồng tín dụng đã ký cho 03 dự án này là 374,0 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký. Các dự án khác do vướng mắc về thủ tục và hồ sơ, chưa trình hồ sơ vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó có 04 dự án của Vinashin đang được Bộ Giao thông vận tải rà soát lại vì nằm trong chương trình tái cơ cấu của doanh nghiệp này.
- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam.
- Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hành hoá trong nước đối với những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
- Chỉ thị số 734/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư, trong trường hợp có thể thì phân chia các gói thầu EPC thành các gói thầu riêng biệt: E (tư vấn); P (mua sắm thiết bị); C (xây lắp) để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia thực hiện các gói thầu trên.
- Công văn số 797/CP-CN ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án thủy điện: Pleikrong; A Vương; Buôn Kuop;
Quảng Trị; Bản vẽ; Công văn số 400/CP-CN ngày 26 tháng 3 năm 2004 cho phép tiếp tục áp dụng một số cơ chế ưu đãi theo 797/CP-CN cho các dự án thủy điện: Ba Hạ; Se San 4; Buôn Tua Srah; Đồng Nai 3-4; Thượng Công Tum; Bản Chát; Huội Quảng; Sông Boung 2; Lai Châu; Bản Uôn.
- Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025.
- Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển.
- Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách nêu trên. Ngày 03 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên). Nghị
định này sẽ là văn bản pháp lý mạnh để triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ ngành cơ khí của Việt Nam.
Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí những năm tới là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa. Hình thành mạng lưới sản xuất nội địa với nhiều lớp cung ứng, gồm các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm trong mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu tại nội địa với công nghệ mới và thân thiện môi trường. Trong giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên phát triển lĩnh vực linh kiện, phụ tùng phục vụ nhu cầu các ngành sản xuất chế tạo tại nội địa, đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử và một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế, nhằm mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành mắt xích trong mạng lưới sản xuất toàn cầu ở mỗi lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.