YẾU TỐ THỜI TRONG TIẾNG VIỆT

Một phần của tài liệu Lý thuyết biểu diễn diễn ngôn (Trang 70 - 74)

CHƯƠNG 3 BIỂU DIỄN DIỄN NGÔN VỚI THAM CHIẾU THỜI GIAN TRONG TIẾNG VIỆT

3.2 YẾU TỐ THỜI TRONG TIẾNG VIỆT

3.2.1 Các quan niệm về thời trong tiếng Việt

Tiếng Việt có phạm trù thời hay không? Đây là câu hỏi chưa có được câu trả lời nhất quán của các nhà Việt ngữ. Trong một thời gian dài, người ta vẫn cho rằng bộ ba “đã”, “đang”, “sẽ” là ba chỉ tố thời của tiếng Việt. Ngay sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài do Khoa Việt ngữ của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn cũng viết là tiếng Việt có ba thì: quá khứ, hiện tại và tương lai, được đánh dấu bằng ba chỉ tố “đã”, “đang” và “sẽ” [4]. Song chỉ cần khảo sát một số ví dụ đơn giản như:

(72) Hôm qua em làm gì? Em đi xem phim với lũ bạn.

(73) Bây giờ cháu đi đâu đấy? Cháu đi xem phim bà ạ.

(74) Ngày mai con đi xem phim mẹ nhé.

Ta cũng thấy ý nghĩa về quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn được biểu thị rõ trong câu trên mà không cần sự có mặt của các chỉ tố đó. Hơn nữa, nếu đưa chúng vào, câu tiếng Việt sẽ trở thành gượng ép, khó chấp nhận.

(72’) Hôm qua em đã làm gì? - Em đã đi xem phim với lũ bạn.

(73’) Bây giờ cháu đang đi đâu đấy? - Cháu đang đi xem phim bà ạ.

(74’) Ngày mai con sẽ đi xem phim mẹ nhé.

Hiện đang tồn tại hai trường phái đối lập nhau. Một trường phái khẳng định tiếng Việt có phạm trù thời thể, tiêu biểu là Nguyễn Minh Thuyết [6] khi ông cho rằng: “Thời thể là hai phạm trù ngữ pháp thật sự trong tiếng Việt”.

Trường phái thứ hai, ngược lại, phủ nhận sự tồn tại của phạm trù thời trong

70

tiếng Việt. Tiêu biểu cho trường phái này là Cao Xuân Hạo [4], Nguyễn Đức Dân [1].

Luận văn trình bày theo trường phái cho rằng tiếng Việt không có phạm trù thời, tức là tiếng Việt không ngữ pháp hóa thời bằng một hình thái ngữ pháp bắt buộc của động từ, song tiếng Việt hoàn toàn có khả năng diễn đạt ý nghĩa thời khi cần thiết. Sau đây luận văn đưa ra cách diễn đạt ý nghĩa thời trong tiếng Việt trên cơ sở phân tích các dữ liệu đã thu thập được trong quá trình nghiên cứu.

3.2.2 Cách diễn đạt ý nghĩa thời trong tiếng Việt

* Trong tiếng Việt, thời không được đánh dấu bằng một hình thái ngữ pháp. Các động từ khi được đưa vào trong môi trường câu không thay đổi về hình thái, bất luận nó diễn đạt sự kiện ở quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, chẳng hạn các ví dụ (72)-(74) mà chúng ta đã quan sát ở trên.

Đứng về phương diện ý nghĩa thời gian, khi cần phải định vị sự kiện trong thời gian, tiếng Việt sử dụng phương tiện từ vựng, tức là dùng một khung đề có ý nghĩa từ vựng tương ứng cho quá khứ như hôm trước, hôm qua, ngày xửa ngày xưa, trước đây, lúc nãy... hoặc cho hiện tại như bây giờ, hôm nay, lúc này, hiện nay... còn cho tương lai thì thường dùng các từ như mai này, nay mai, sau này, ngày mai, hai tháng nữa... Các khung đề này cũng diễn đạt ý nghĩa tương ứng với ý nghĩa được diễn đạt bằng thời quá khứ hay hiện tại của tiếng Anh, kể cả tính chất trực chỉ tức là định vị sự kiện so với thời điểm phát ngôn. Chúng ta hãy khảo sát một số đoạn trích từ các truyện ngắn hoặc tác phẩm văn học Việt Nam sau:

(75) Hôm nay sinh nhật con gái. (Nguyễn Thị Thu Huệ, Hậu thiên đường)

71

(76) Năm trước một lần về phép thăm nhà, thiếu tướng lấy làm lạ lùng thấy con Bạch Ngọc thường hay lặng lẽ vào rừng sâu những lúc xế chiều. (Nguyễn Dậu, Con thú bị ruồng bỏ, trích Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Hà nội)

(77) Mai mười hai giờ cháu đi tầu Vinh hả? (Ma Văn Kháng, Quê nội, trích Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Hà nội)

Các ví dụ trích dẫn trên cho thấy tiếng Việt dùng các khung đề tương ứng với hiện tại, quá khứ hoặc tương lai để định vị sự kiện xảy ra trong khung đề đó, bản thân sự kiện không mang dấu ấn của thời. Hơn nữa, tiếng Việt không cần dùng các chỉ tố đã, đang, sẽ để định vị thời vào ba khung quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Chúng ta cũng thấy trong các ví dụ trên, nếu đưa các chỉ tố vào, câu sẽ trở nên khó chấp nhận hoặc nghĩa bị biến đổi.

(75’) Hôm nay đang sinh nhật con gái.

(76’) Năm trước một lần đã về phép thăm nhà, thiếu tướng đã lấy làm lạ lùng thấy con Bạch Ngọc thường hay lặng lẽ vào rừng sâu những lúc xế chiều.

(77’) Mai mười hai giờ cháu sẽ đi tầu Vinh hả?

Còn câu (77) là câu hỏi khẳng định. “Đi tầu” là sự kiện được dự liệu trước và nằm trong kế hoạch mà cả người nói và người nghe đều biết. Nói cách khác, sự kiện này là tiền giả định. (77’) mang ý nghĩa một giả thiết nhiều hơn và tính hiện thực hóa sự kiện càng ít có khả năng thực hiện.

Trong ngôn bản hội thoại, nếu ngữ cảnh đã cho phép định vị sự kiện vào khung thời gian nào so với thời điểm phát ngôn thì tiếng Việt cũng không cần thiết phải diễn đạt ý nghĩa thời gian, tức là không cần dùng khung thời gian.

Chúng ta hãy quan sát các ví dụ sau:

72

(78) Bà ơi, bà mua cái túi này cho cháu hả bà?

(79) Chào cụ, cụ đi đâu đấy ạ?

Ngữ cảnh trong phát ngôn (78) cho thấy tiền giả định người bà đã mua cái túi phải thỏa mãn rồi. Trong các ngôn ngữ có phạm trù thời như tiếng Anh, ý nghĩa này phải được mã hóa bằng dạng thức của động từ, đó là thời quá khứ:

(78’) Did you buy this wallet for me, grandma?

Nhưng tiếng Việt không cần diễn đạt ý nghĩa thời gian này nếu nó đã rõ nhờ ngữ cảnh.

Tiếng Việt cũng không cần dùng từ đang để biểu thị sự kiện đang diễn ra ở thời điểm phát ngôn như trong câu (79) bởi lẽ khi người nói đặt câu hỏi này cho người đối thoại thì hẳn là hai người đang đi đường và gặp nhau ở ngoài đường. Thực tế, khi đặt câu hỏi này, người Việt Nam không quan tâm lắm đến địa điểm mà người đối thoại với mình sẽ đến, đến hành độnh mà người đó đang làm mà thực chất đây là câu hỏi thay cho lời chào trong giao tiếp của người Việt Nam.

Các ví dụ trên cho thấy là ttếng Việt không nhất thiết phải biểu thị ý nghĩa thời khi không cần thiết phải định vị sự kiện trong thời gian. Các chỉ tố đã, đang, sẽ,… không phải là những chỉ tố biểu thị phạm trù thời trong tiếng Việt.

Vậy đã, đang, sẽ đóng vai trò gì trong tiếng Việt và khi nào chúng xuất hiện trong câu? Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích các ngữ cảnh cho phép sự có mặt của các từ này để làm nổi bật hoạt chức của chúng cũng như các ý nghĩa mà chúng truyền tải trong ngữ cảnh.

* Ba tiểu từ đã, đang, sẽ không phải là các chỉ tố biểu thị thời quá khứ, hiện tại và tương lai như nhiều người vẫn lầm tưởng. Chúng nằm trong nhóm những tiểu từ chỉ thể và tình thái trong tiếng Việt.

73

- Đã là tiểu từ rất đa nghĩa. Nó thường xuất hiện trong các ngữ cảnh có sự đối lập giữa hai giá trị trên bình diện chủ quan của người nói.

- Đang là tiểu từ mang ý nghĩa rõ rệt về thể. Nó chỉ sự tiếp diễn mang ý nghĩa tạm thời của sự kiện định vị trong các khung đề chỉ quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Sẽ mặc dù xuất hiện trong hầu hết các phát ngôn có khung đề tương lai song nó cũng không chỉ tương lai mà là tiểu từ biểu thị tình thái của tiếng Việt. Các sự kiện kết hợp với sẽ thường là những sự kiện chưa được hiện thực hóa trong thực tế mà chỉ mới tồn tại trong ý nghĩ, trong dự đoán, trong giả thiết hoặc dưới dạng một lời hứa của người nói. Vì vậy, đây là tiểu từ dùng để phân biệt thể hiện thựcthể phi hiện thực của tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Lý thuyết biểu diễn diễn ngôn (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)