Phương pháp nghiên cứu các đặc trưng phân bố họ Lucanidae ở vùng núi phía Bắc Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần loài và phân bố của họ lucanidae latreille, 1804 (insecta coleoptera) ở vùng núi phía bắc việt nam (Trang 52 - 55)

Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.4.5. Phương pháp nghiên cứu các đặc trưng phân bố họ Lucanidae ở vùng núi phía Bắc Việt Nam

2.4.5.1. Nghiên cứu phân bố họ Lucanidae theo kiểu hệ sinh thái

Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu các hệ sinh thái rừng khác nhau dựa vào đặc điểm thảm thực vật và tác động của con người theo quan điểm của Thái Văn Trừng (1999) [12].

Hệ sinh thái rừng già là rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh thành thục ổn định, cho đến nay đã và đang được bảo vệ rất tốt. Đây là loại rừng có cấu trúc ổn định, nhiều tầng tán, đa dạng về chủng loại thực vật và kích thước. Rừng có hai tầng cây gỗ và tầng cỏ quyết, trên thân và cành có nhiều rêu và địa y phụ sinh. Đặc trưng của loại rừng này là nhiều loài cây thuộc họ Re (Lauraceae), Chè (Theaceae), Ngọc lan (Magnoliaceae), Sau sau (Hamamelidaceae), Sồi (Fagaceae)… [12].

Hệ sinh thái rừng phục hồi tự nhiên trên đất rừng chưa bị thoái hóa (sau đây gọi tắt là rừng phục hồi tự nhiên – rừng PHTN) là kiểu rừng đặc trưng bởi những quần thụ đã chịu tác động khai phá của con người ở nhiều mức độ khác nhau làm cho kết cấu ổn định của rừng có sự thay đổi. Tuy nhiên nền đất rừng chưa bị thoái hóa, vẫn còn tính chất rừng do đó rừng có khả năng phục hồi nguyên trạng một cách tự nhiên trong điều kiện được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc trưng cho kiểu rừng này là ngoài một số cây đường kính 20-30 cm của tầng cũ để lại, thì xuất hiện thêm nhiều cây ưa sáng đời sống ngắn chiếm ưu thế như Ba soi (Macaraga denticulata), Bồ đề (Styrax tonkinensis), Chẹo (Engelhardtia chrysolepis)… Theo thời gian các loài cây ưa sáng có đời sống dài hơn sẽ dần thay thế và trở thành nhóm loài chiếm ưu thế như: Sau sau (Liquidamba formasana), Tô hạp Điện Biên (Altingia takhtajanii), Mỡ (Manglietia conifera) …[12]

Hệ sinh thái rừng phục hồi nhân tác trên nền đất rừng thoái hóa (sau đây gọi tắt là rừng phục hồi nhân tác – rừng PHNT) là nhóm rừng phục hồi sau khai thác

42

đến kiệt quệ, đất rừng có hiện tượng thoái hóa và không có khả năng tự phục hồi nguyên trạng một cách tự nhiên. Ở kiểu rừng này hệ sinh thái rừng chỉ được phục hồi bằng các tác động của con người trong các hoạt động phục hồi rừng như trồng rừng. Trong rừng vẫn còn có khả năng sót lại một số cây gỗ của quần thụ cũ nhưng trữ lượng không đáng kể [12].

Tại mỗi khu vực nghiên cứu VQG Phia Oắc-Phia Đén (Cao Bằng) và Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi lựa chọn 3 khu vực nghiên cứu khác nhau có đặc điểm hệ sinh thái phù hợp với đặc điểm của RG, rừng PHTN và rừng PHNT. Ba kiểu hệ sinh thái này cùng ở đai cao 1000-1600 m. Như vậy kết quả nghiên cứu tổng hợp ở HST rừng già của VQG Phia Oắc-Phia Đén và Văn Chấn đại diện cho HST rừng già, kết quả nghiên cứu tổng hợp ở HST rừng PHTN của VQG Phia Oắc-Phia Đén và Văn Chấn đại diện cho HST rừng PHTN, kết quả nghiên cứu tổng hợp của HST rừng PHNT ở VQG Phia Oắc-Phia Đén và Văn Chấn đại diện cho HST rừng PHNT.

2.4.5.2. Nghiên cứu đặc điểm phân bố họ Lucanidae theo đai cao

Theo Vũ Tự Lập (1976, 1999), các đai cao ở vùng núi phía Bắc Việt Nam được phân chia như sau [4, 5]:

- Đai nhiệt đới hơi ẩm đến ẩm ướt chân núi có độ cao từ 0 m đến 600 m. Đây là kiểu đai chân núi, còn gọi là đai cơ sở, phản ánh rõ nhất tính chất địa đới của loạt đai, là đai nhiệt đới từ hơi ẩm đến ẩm ướt.

- Đai chuyển tiếp từ nhiệt đới sang á nhiệt đới do còn một số tính chất của nhiệt đới: có độ cao từ 600 m đến 1000 m.

- Đai á nhiệt đới điển hình với nhiệt độ hai mùa xấp xỉ như đới ngang á nhiệt đới: độ cao từ 1000 m đến 1600 m.

- Đai ôn đới ấm núi thấp độ cao trên 1600 m.

Chúng tôi đã tiến hành thu mẫu, phân tích và xác định đặc trưng phân bố của họ Lucanidae tại các khu vực nằm ở các đai cao khác nhau của cùng miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, là miền địa lí có đủ cả 4 đai cao theo Vũ Tự Lập (1976), cùng kiểu HST rừng già. Khu vực thu mẫu tại VQG Cúc Phương đại diện cho đai cao dưới 600 m, tại VQG Xuân Sơn đại diện cho đai cao 600-1000 m, tại Văn Chấn,

43

Yên Bái đại diện cho đai cao 1000-1600 m và VQG Hoàng Liên (Lào Cai) đại diện cho đai cao trên 1600 m.

2.4.5.3. Nghiên cứu đặc điểm phân bố của họ Lucanidae theo miền địa lí

Hình 2.8. Sự phân hóa không gian trên lãnh thổ Việt Nam (Nguồn: Vũ Tự Lập, 1999 [5])

Theo Vũ Tự Lập (1999), lãnh thổ Việt Nam được chia thành ba miền: miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ và miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ba miền của lãnh thổ Việt Nam nằm trọn trong hai đới khí hậu khác nhau lấy đèo Hải Vân làm ranh giới gồm: đới rừng chí tuyến gió mùa nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân và đới rừng á xích đạo gió mùa nằm ở phía Nam đèo Hải Vân. Trong đó, đới rừng chí tuyến gió mùa gồm hai á đới riêng biệt, lấy đèo Ngang làm ranh giới gồm: á đới có mùa đông lạnh khô ở phía Bắc và á đới không có mùa đông lạnh khô rõ rệt ở phía Nam

44

(Hình 2.8) [5]. Á đới có mùa đông lạnh khô, về mặt địa lí, bao gồm cả ba khu địa lí của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ và bốn khu địa lí: khu Hoàng Liên Sơn, Tây Bắc, Hòa Bình-Thanh Hóa và khu Nghệ-Tĩnh của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (Hình 2.8) [5].

Như vậy, các khu vực nghiên cứu của chúng tôi ở vùng núi phía Bắc Việt Nam cũng đồng thời thuộc á đới có mùa đông lạnh khô trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi phân tích đặc điểm phân bố của họ Lucanidae ở hai miền: miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (BvĐBBB) và miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (TBvBTB). Các khu vực nghiên cứu tại Quản Bạ (Hà Giang), VQG Phia Oắc-Phia Đén (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thuộc miền BvĐBBB. Các khu vực nghiên cứu tại VQG Hoàng Liên (Lào Cai), Văn Chấn (Yên Bái), Mường Tè (Lai Châu) và VQG Xuân Sơn (Phú Thọ), KBTTN Thượng Tiến (Hòa Bình), VQG Cúc Phương (Ninh Bình), VQG Pù Mát (Nghệ An) và VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh) thuộc miền TBvBTB (Hình 2.1).

Để phân tích đặc điểm phân bố của họ Lucanidae ở vùng núi phía Bắc Việt Nam theo miền địa lí, chúng tôi lấy lấy kết quả nghiên cứu của 4 khu vực nghiên cứu ở HST rừng già, cùng thuộc đai cao 1000-1600 m của mỗi miền địa lí để làm đại diện phân tích. Như vậy bốn khu vực nghiên cứu Quản Bạ, VQG Phia Oắc-Phia Đén (HST rừng già), Mẫu Sơn và Tam Đảo đại diện cho miền BvĐBBB. Bốn khu vực nghiên cứu Văn Chấn (HST rừng già), Mường Tè, Pù Mát và Vũ Quang đại diện cho miền TBvBTB.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thành phần loài và phân bố của họ lucanidae latreille, 1804 (insecta coleoptera) ở vùng núi phía bắc việt nam (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(250 trang)