5. Bố cục của luận văn
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Sự hình thành và phát triển trang trại ở một số nước trên thế giới
1.2.1.1. Kinh tế trang trại ở một số nước công nghiệp phát triển
Cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra ở châu Âu từ thế kỷ XVIII và ở đây cũng là nơi đầu tiên xuất hiện hình thức tổ chức trang trại trong nông nghiệp sản xuất hàng hoá thay thế cho hình thức sản xuất tiểu nông của những người nông dân và hình thức điền trang của các thế lực phong kiến quý tộc.
- Vương quốc Anh: Cho rằng nông nghiệp cũng phải xây dựng các xí nghiệp lớn như trong công nghiệp. Vì vậy từ đầu thế kỷ XIX họ đã thúc đẩy tập trung ruộng đất để lập các xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn. Giữa thế kỷ XIX các trang trại gia đình quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao. Cuối thế kỷ XIX loại hình này phát triển mạnh. Năm 1950 nước Anh có 453.000 trang trại, đến năm 1987 giảm xuống 254.000 trang trại. Tốc độ giảm bình quân hàng năm là 2,1%.
- Pháp: Từ cuối thế kỷ thứ XIX (giai đoạn đầu của công nghiệp hoá), số trang trại ở Pháp tăng từ 5 triệu lên 5,6 triệu với quy mô về đất đai bình quân mỗi trang trại là 11 ha. Cuối thế kỷ XX, khi nước Pháp đã có nền công nghiệp hiện đại, số trang trại giảm xuống còn 980 nghìn, song quy mô của mỗi trang trại đã lớn hơn nhiều so với trước đây, khoảng từ 25 - 30 ha/trang trại. Chỉ với gần 1 triệu trang trại đã sản xuất ra số lượng nông sản thực phẩm gấp 2,2 lần nhu cầu trong nước, tỷ suất hàng hoá về hạt ngũ cốc là 95%, thịt, sữa là 70-80% và rau quả trên 70%.
- Mỹ: Tình hình phát triển trang trại ở Mỹ cũng theo xu thế các nước châu Âu nhưng chậm hơn 3-4 thập kỷ. Năm 1900 số lượng trang trại ở Mỹ là 5.737.000 cơ sở, năm 1950 là 2.548.000 cơ sở, năm 1990: 2.140.000 cơ sở.
1.2.1.2. Kinh tế trang trại ở một số nước châu Á
ở châu Á, nhiều nước thuộc vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đã đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước và cũng chính ở các nước này KTTT đã sớm hình thành và ngày càng phát triển cao.
Ở Nhật Bản năm 1886 có 3,8 triệu trang trại, đến năm 1950 có 6,17 triệu trang trại và đến năm 1995 chỉ cũn 4,2 triệu trang trại. Số lượng trang
trại giảm bình quân hàng năm là 1,2%. Diện tích trang trại bình quân năm 1950 là 0,8 ha, năm 1993 là 1,38 ha. Tốc độ tăng diện tích bình quân là 1,3%.
Hàn Quốc: Năm 1953 có 2.249.000 trang trại, năm 1979 giảm xuống 1.172.000 trang trại. Số lượng trang trại giảm bình quân hàng năm 0,7%. Diện tích bình quân của trang trại năm 1953 là 0,86 ha, năm 1979 là 1,2 ha. Diện tích bình quân trang trại tăng 0,9% hàng năm.
Đài Loan: Trong thời kỳ 1952-1970 (thời kỳ đầu công nghiệp hoá), trang trại ở Đài Loan cũng phát triển theo quy luật chung đó là số lượng tăng lên liên tục, còn quy mô mỗi trang trại thì nhỏ. Khi công nghiệp đã phát triển thì ngược lại, số lượng trang trại giảm và quy mô diện tích của một trang trại tăng. Năm 1952 số lượng trang trại ở Đài Loan là 679.000 trang trại, quy mô 1,29 ha/trang trại, năm 1960 có 714.000 trang trại với quy mô 1,12 ha/trang trại, năm 1988 có 739.000 trang trại với quy mô 1,2 ha/trang trại.
Thái Lan: ở Thái Lan số lượng trang trại và bình quân diện tích mỗi trang trại đều lớn hơn ở Đài Loan. Năm 1963 có 3.214.000 trang trại, diện tích bình quân 3,5 ha/trang trại, năm 1988 có 5.245.000 trang trại, diện tích bình quân 4,52 ha/trang trại. Bình quân sử dụng lao động ở Thái Lan là 3,7 người/trang trại. Sự đóng góp to lớn của các trang trại được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất hàng nông sản, Thái lan đã trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây đứng đầu thế giới và hàng năm xuất khẩu 6- 7 triệu tấn gạo.
1.2.1.3. Một số nhận xét về tình hình phát triển kinh tế trang trại trên thế giới - Quá trình phát triển trang trại ở hầu hết các nước trên thế giới đều có xu hướng chung là: thời kỳ đầu công nghiệp hoá, số lượng trang trại nhiều, quy mô nhỏ. Khi công nghiệp phát triển đạt trình độ cao thì số lượng giảm, quy mô tăng.
- Trang trại là loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp gắn liền với quá trình công nghiệp hoá từ thấp đến cao. KTTT là sự phát triển tất yếu của nền nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá.
- KTTT là kết quả tất yếu của kinh tế hộ gắn với sản xuất hàng hoá là bước tiến bộ mới về tổ chức sản xuất của nhân loại.
- KTTT có thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng khác nhau (tư bản tư nhân, cổ phần, liên doanh, uỷ thác...) nhưng trang trại gia đình là loại hình thích hợp, phổ biến nhất. Trên thế giới, trang trại gia đình chiếm khoảng 80- 90% tổng số trang trại.
- Hiệu quả sản xuất - Kinh doanh của trang trại không hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô đất đai, lao động vì năng suất, chất lượng sản phẩm còn chịu ảnh hưởng rất lớn của việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cũng như trình độ tổ chức quản lý của chủ trang trại.
- Sự phát triển của KTTT gắn liền với công nghiệp hoá, với sự phát triển của kinh tế thị trường.
- Công nghiệp chế biến và dịch vụ cho trang trại là điều kiện hết sức quan trọng để thúc đẩy trang trại hoạt động có hiệu quả.
- Vai trò của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển KTTT thông qua các chủ trương, chính sách vĩ mô.
Các nước đang phát triển ở châu Á, số lượng trang trại đang có chiều hướng tăng lên chứ chưa đến thời kỳ giảm, vì các nước này đang trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa. Như ở Ấn Độ số lượng trang trại tăng từ 44,35 triệu (năm 1953) lên 97,720 triệu (năm 1985). Ở Philippin số lượng trang trại tăng từ 1,64 triệu (1948) lên 3,42 triệu trang trại (1980).