Đây là một vấn đề còn phải nghiên cứu và thảo luận tiếp. Theo tác giả Joseph L. Melnick [54] để hạn chế nguy cơ bệnh quay trở lại có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến việc sản xuất Vắc xin thì các chủng virút độc lực để sản xuất IPV phải được thay thế bằng chủng giảm độc lực của Sabin. đó là lí do một số nhà sản xuất nghiên cứu về vấn đề này.
Sau khi thanh toán Bại liệt bằng OPV nên sử dụng 1 hoặc 2 năm chỉ bằng IPV. Khi đó sẽ không còn virút Bại liệt do người uống OPV thải ra nữa, tức là sẽ không còn virút Bại liệt (cả virút hoang dại và virút vắc xin) lưu hành trong đời sống con người trên trái đất này nữa.
Theo tác giả Cochi tại cuộc họp của TCYTTG tháng 3-1998 tại Geneve về cơ sở khoa học của việc ngừng gây miễn dịch đối với Bại liệt thì để ngừng tiêm chủng Bại liệt chúng ta phải tiến hành một số bước như sau [25]:
Giả sử năm 2000 là ca Bại liệt cuối cùng xẩy ra.
- Đối với những nước dùng IPV : tiếp tục dùng IPV cho đến năm 2004 - Đối với những nước dùng OPV: Phải điều tra xem có sự lưu hành của
virút Sabin quay trở lại độc lực sau khi đã ngừng uống OPV hay không.
+ Nếu có: Từ năm 2003 phải chuyển toàn bộ sang dùng IPV cho đến hết năm 2004.
+ Nếu không: Tiếp tục cho uống OPV cho đến năm 2005.Hoặc từ năm 2003 cho uống OPV (chỉ có Sabin 1 và 3) cho đến năm 2005. Hoặc cho uống Sabin đơn giá typ 1 và typ 3 cho đến năm 2005. Trong thời gian đó giám sát hoạt động của virút Polio typ 2 trong tự nhiên.
Tình hình sử dụng IPV và OPV ở Mỹ [37]
Cho đến những năm gần đây, trẻ em của Mỹ đã dùng OPV là vắc xin vẫn được sử dụng ở nhiều nước khác bởi vì nó dễ cung cấp, giá không đắt và bảo vệ người trong cộng đồng hiệu quả hơn IPV. OPV là vắc xin dạng lỏng dùng cho trẻ em qua đường uống, chứa vi rút sống giảm độc nhưng cũng có một số rất nhỏ có thể hồi độc và gây bệnh bại liệt cho trẻ em sau khi dùng vắc xin. Cứ khoảng 3 triệu trẻ em được uống vắc xin có thể có 1 trẻ bị bại liệt do uống vắc xin.
OPV được dùng ở Mỹ trước kia bởi nó đã bảo vệ người trong cộng đồng ở qui mô lớn, nó hiệu quả hơn IPV khi vẫn còn sự hiện diện của vi rút bại liệt hoang dại. Hiện nay, vi rút bại liệt hoang dại đã được thanh toán khỏi miền Bắc và miền Nam nước Mỹ, IPV đã được khuyến cáo để thay cho OPV bởi vì IPV chứa vi rút bất hoạt, nó không thể hồi độc để gây ra các tai biến bại liệt do tiêm vắc xin. Vì vậy sẽ không có rủi ro mắc bệnh bại liệt liên quan đến tiêm vắc xin IPV.
Mặc dù vi rút bại liệt hoang dại được thanh toán ở Mỹ đã trên 20 năm, nhưng các quốc gia ở Tây bán cầu và một số nơi khác trên thế giới vẫn còn rất phổ biến. Các vụ dịch bại liệt vẫn còn xuất hiện ở Châu Á, Châu Phi. Vì vậy, nước Mỹ vẫn phải tiếp tục dùng vắc xin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mục tiêu đặt ra là hướng tới thanh toán bệnh Bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2005. Nếu mục tiêu đó đạt được và có thể khẳng định rằng bại liệt đã được thanh toán, thì vắc xin bại liệt sẽ không cần thiết phải sử dụng lâu dài nữa (giống như vắc xin phòng bệnh đậu mùa), nhưng cho đến nay bệnh bại liệt do vi rút Sabin hoang dại đang còn lưu hành ở một số nước như Ấn Độ, Pakistan, vùng Caribe và Châu Phi và gần đây nhất đã có tới hơn 300 trường hợp mắc bại liệt ở Indonexia, do vậy việc dùng vắc xin bại liệt sống giảm độc lực (OPV) vẫn cần thiết. Tuy nhiên ở một số nước đã thanh toán bại liệt qua nhiều năm nên chuyển sang dùng vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2003. Tháng 3 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo và ban hành kế hoạch triển khai tiêm ít nhất 1 liều vắc xin bại liệt bất hoạt trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên trên toàn cầu.
Tình hình sử dụng vắc xin bại liệt OPV và IPV tại Việt Nam
Tại Việt Nam, gần 15 năm qua, chúng ta vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp mắc liệt mềm cấp (LMC) và duy trì được tỷ lệ uống vắc xin OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc. Đồng thời để đảm bảo duy trì được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng, hàng năm Việt Nam đã chủ động rà soát vùng nguy cơ và tổ chức uống bổ sung vắc xin OPV cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao.
Một loại vắc xin đã được chứng minh là an toàn hơn, hiệu quả hơn nhưng cũng tốn kém hơn được khuyến khích sử dụng. Vắc xin IPV tạo miễn dịch kháng thể IgG ngăn vi rút xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. IPV cũng là loại vắc xin đã được lưu hành ở nhiều nước trên thế giới từ hơn hai thập kỷ qua. Quan điểm mới này đã tiến tới việc dần dần ngừng việc sử dụng OPV để chuyển sang sử dụng IPV.
Mặc dù việc sử dụng vắc xin vắc xin bại liệt 3 týp (týp 1, týp 2, týp 3 – tOPV) tại Việt Nam đã đem lại thành tựu hết sức to lớn và quan trọng như trên. Tại Việt Nam, vắc xin OPV đã được sử dụng trong suốt hơn 30 năm và kết quả cho thấy vắc xin tOPV là rất an toàn. Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắc xin bị bại liệt do vi rút vắc xin tái độc lực, chủ yếu là thành phần vi rút bại liệt týp 2 trong vắc xin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vắc xin được sử dụng). Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần vi rút bại liệt týp 2 ra khỏi vắc xin tOPV.
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Chiến lược “Kết thúc và thanh toán bệnh Bại liệt trong giai đoạn 2013 – 2018” của Tổ chức Y tế thế giới, Tại Việt Nam vào tháng 6,7/2018 vắc xin bại liệt tiêm đã được triển khai trên qui mô nhỏ tại 4 tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Vĩnh Long, Gia Lai với 4.364 trẻ được tiêm vắc xin IPV. Số trường hợp phản ứng nhẹ, thông thường được báo cáo là 8 trường hợp, trong đó phản ứng sốt <39oC là 5 trường hợp, đau tại chỗ tiêm là 3 trường hợp, các triệu chứng khỏi trong vòng 1-2 ngày sau tiêm vắc xin. Không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin IPV tại 4 tỉnh.
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2018 vắc xin IPV đã được triển khai trên toàn quốc cho trẻ trẻ 5 tháng tuổi, theo báo cáo của 15 tỉnh triển khai trong tháng 9 có đã có 16.162 trẻ được tiêm, không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin IPV.
Khánh Hòa là một trong những địa phương triển khai vắc xin IPV trong tháng 10 năm 2018, cho đến ngày 19/10 đã có 6/8 huyện thị đã triển khai tiêm vắc xin IPV kết quả báo cáo nhanh cho thấy vắc xin được triển khai an toàn,không có phản ứng sau tiêm chủng nặng nào được ghi nhận, các bà mẹ đều hưởng ứng và đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.