Biến chứng bệnh đái tháo đường

Một phần của tài liệu Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường type 2 theo dõi tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai năm 2018 và một số yếu tố liên quan (Trang 24 - 27)

1.4. Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường

1.4.3. Biến chứng bệnh đái tháo đường

ĐTĐ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng và xuất hiện các biến chứng cấp và mạn tính. Người bệnh có thể tử vong do các biến chứng này.

1.4.3.1. Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính thường là hậu quả của chẩn đoán muộn, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc điều trị không thích hợp. Ngay cả khi điều trị đúng, hôn mê nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu vẫn có thể là hai biến chứng nguy hiểm [14].

Nhiễm toan ceton là biểu hiện nặng của rối loạn chuyển hóa glucid do thiếu insulin gây tăng glucose máu, tăng phân hủy lipid, tăng sinh thể ceton gây toan hóa tổ chức. Tỷ lệ tử vong cao 5 - 10%.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu là rối loạn chuyển hóa glucose nặng, đường huyết tăng cao. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu chiếm 5 - 10%. Ở người bệnh ĐTĐ type 2 nhiều tuổi, tỷ lệ tử vong 30 - 50% [47], [68].

Nhiều người bệnh hôn mê, dấu hiệu đầu tiên của bệnh chính là tăng glucose máu, chứng tỏ sự hiểu biết về bệnh ĐTĐ còn chưa được tốt.

1.4.3.2. Biến chứng mạn tính Biến chứng tim - mạch

Là biến chứng thường gặp và nguy hiểm ở người ĐTĐ. Nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch chiếm 75% tử vong ở người bệnh ĐTĐ, trong đó thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất.

Một nghiên cứu ở 353 người ĐTĐ type 2 là người Mỹ gốc Mêhicô trong 8 năm thấy có 67 người bệnh tử vong và 60% là do bệnh mạch vành [2].

Tăng huyết áp

Tỷ lệ tăng huyết áp ở người ĐTĐ gấp đôi so với người bình thường.

Trong ĐTĐ type 2, 50% ĐTĐ mới có tăng huyết áp. Tăng huyết áp ở người ĐTĐ type 2 thường kèm các rối loạn chuyển hoá và tăng lipid máu [2], [31], [59], [65].

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình, khoảng 80% người bệnh ĐTĐ mắc thêm các bệnh liên quan đến tim mạch [2].

Biến chứng thận

Biến chứng thận do ĐTĐ là biến chứng thường gặp, tỷ lệ biến chứng tăng theo thời gian. Bệnh thận do ĐTĐ khởi phát bằng Protein niệu; sau đó khi chức năng thận giảm, ure và creatinin sẽ tích tụ trong máu [29], [49], [63].

Để theo dõi bệnh thận ĐTĐ có thể định lượng Microalbumin niệu, đo mức lọc cầu thận, định lượng protein niệu/24 giờ. Ngày nay nhiều phòng xét nghiệm định lượng protein niệu trong mẫu nước tiểu qua đêm [29], [45], [63], [68].

Tại Việt Nam, theo một điều tra năm 1998, tỷ lệ có Microalbumin niệu dương tính khá cao chiếm 71% trong số người mắc bệnh ĐTĐ type 2 [2].

Bệnh lý mắt ở người bệnh đái tháo đường

Đục thuỷ tinh thể là tổn thương thường gặp ở người ĐTĐ, biến chứng tương quan với thời gian mắc bệnh và mức độ tăng đường huyết.

Đục thuỷ tinh thể ở người ĐTĐ cao tuổi sẽ tiến triển nhanh hơn người không ĐTĐ [8], [13].

Theo nghiên cứu của Tô Văn Hải và cộng sự tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số người bệnh có bệnh về mắt chiếm 72,5%, trong đó tỷ lệ bệnh võng mạc ĐTĐ 60,5%, đục thủy tinh thể 59% [8]. Nghiên cứu của Đặng Văn Hòa

tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thấy 52,94% người bệnh bị đục thuỷ tinh thể, 22,94% người bệnh bị bệnh võng mạc ĐTĐ [13].

Bệnh thần kinh do đái tháo đường

Bệnh thần kinh do ĐTĐ gặp khá phổ biến, ước tính khoảng 30% người bệnh ĐTĐ có biểu hiện biến chứng này. Người bệnh ĐTĐ type 2 thường có biểu hiện thần kinh ngay tại thời điểm chẩn đoán.

Bệnh thần kinh do ĐTĐ thường là: Viêm đa dây thần kinh, bệnh đơn dây thần kinh, bệnh thần kinh thực vật, bệnh thần kinh vận động gốc chi [5].

Bệnh lý bàn chân

Bệnh lý bàn chân ĐTĐ ngày càng được quan tâm. Nó do sự phối hợp của tổn thương mạch máu, thần kinh ngoại vi và cơ địa dễ nhiễm khuẩn do Glucose máu tăng cao. Thông báo của WHO tháng 3 - 2005 cho thấy có tới 15% số người ĐTĐ có bệnh lý bàn chân, 20% số người phải nhập viện do loét chân. Người ĐTĐ phải cắt cụt chi dưới nhiều gấp 15 lần so với người không bị ĐTĐ, chiếm 45 - 70% tổng số các trường hợp cắt cụt chân [5].

Tỷ lệ cắt cụt của người bị biến chứng bàn chân ĐTĐ của Việt Nam cũng cao, khoảng 40% tổng số người có bệnh lý bàn chân ĐTĐ [27].

Nhiễm khuẩn ở người bệnh đái tháo đường

Người ĐTĐ thường nhạy cảm với tất cả các loại nhiễm khuẩn do có nhiều yếu tố thuận lợi. Có thể gặp các nhiễm khuẩn: viêm đường tiết niệu, viêm răng lợi, viêm tủy xương, viêm túi mật sinh hơi, nhiễm nấm… [2].

Rối loạn chuyển hóa lipid máu ở người bệnh đái tháo đường

Rối loạn lipid máu hậu quả tạo thành các mảng xơ vữa gây tắc mạch, làm gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ và các biến chứng mạch máu khác [2], [65]. Người ĐTĐ type 2 thường có tăng triglycerid máu và giảm HDL-C. Người mới mắc ĐTĐ type 2 thường có mức HDL-C thấp ở nam từ 20 - 50%, nữ 10 - 25%. Chuyển hoá LDL-C cũng bị rối loạn ở người

ĐTĐ type 2, chỉ cần LDL-C tăng nhẹ cũng đã là yếu tố nguy cơ làm bệnh mạch vành tăng rõ rệt.

Một phần của tài liệu Thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường type 2 theo dõi tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai năm 2018 và một số yếu tố liên quan (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)