4.1. Thực trạng kiến thức, thực hành của bà mẹ có con dưới 2 tuổi về tiêm đầy đủ, đúng lịch vắc xin sởi cho trẻ tại huyện Thường Tín năm 2020
4.1.1. Thực trạng kiến thức của bà mẹ có con dưới 2 tuổi về tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin sởi cho trẻ tại huyện Thường Tín năm 2020
Trước khi có vắc xin phòng bệnh, sởi từng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến 2,9 triệu người chết mỗi năm. Năm 2014, đại dịch sởi tấn công Việt Nam, bệnh nhi nằm tràn lan ở bệnh viện, thai phụ sinh non, trẻ tử vong vì sởi là nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng triệu người. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Phần lớn các trường hợp bệnh bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.
Nhưng có tới 40% người bệnh bị biến chứng do vi rút sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất. Do vậy kiến thức về bệnh sởi, về các biện pháp dự phòng bệnh cho trẻ của người mẹ và các thành viên trong gia đình, của người chăm sóc trẻ tại các cơ sở chăm nuôi trẻ tập trung có vai trò quan trọng quyết định các biện pháp phòng chống lây lan bệnh cho trẻ, phòng chống biến chứng nếu trẻ đã mắc bệnh. Nghiên cứu khảo sát thực trạng kiến thức của người mẹ có con dưới 2 tuổi của chúng tôi vì lẽ đó đã được thực hiện tại huyện Thường Tín năm 2020, nhằm xác định được điểm hạn chế trong kiến thức và thực hành của người mẹ về phòng chống bệnh sởi, góp phần hỗ trợ định hướng xây dựng nội dung truyền thông cho địa phương cũng như khuyến cáo sử dụng các biện pháp dự phòng thực tế tại cộng đồng và góp phần cung cấp thông tin, số liệu thực tế cho nghiên cứu và đào tạo các nội dung, lĩnh vực liên quan.
Liên quan đến kiến thức của người mẹ về bệnh sởi, nội dung khảo sát được sử dụng trong nghiên cứu gồm đường lây truyền bệnh, triệu chứng của bệnh, biến chứng của bệnh, và các biện pháp phòng bệnh sởi chủ động. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy số người mẹ có con dưới 2 tuổi tại huyện Thường Tín tham gia khảo sát biết về đường lây truyền bệnh, triệu chứng của bệnh vàcác biện pháp phòng bệnh sởi chủ động chiếm tỷ lệ cao (tỷ lệ dao động từ 97,2% đến 100%). Riêng nội dung đã từng nghe về bệnh sởi tất cả các người mẹ đều biết (100%). Tỷ lệ này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Mai Trung Hưng và cộng sự năm 2015 tại phường 3 và phương 8 thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (94,7%) [13]. Như vậy có thể nói công tác truyền thông của cơ sở y tế địa phương và hoạt động tư vấn của các nhân viên y tế tại Thường Tín được thực hiện tốt, thường xuyên và đầy đủ các chủ đề liên quan đến các bệnh nguy hiểm thường gặp tại cộng đồng.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm là 98,8%. Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Đinh Thị Diễm Thuý và cộng sự năm 2010 (68,8%) [24] và nghiên cứu của Lê Hồng Trường tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La năm 2014 (39,2%) [29]. Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bà mẹ trả lời đúng đường lây của bệnh sởi chiếm 98,4%. Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến tại quận Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (80,5%) [35], nghiên cứu của Trần Thuý Hạnh năm 2014 (48,8%) [9].
Sự khác nhau về mức độ kiến thức của người mẹ trong nghiên cứu của chúng tôi so với các nghiên cứu nêu trên có thể liên quan đến thời điểm thực hiện nghiên cứu hoặc đối tượng nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của Đinh
Thị Diễm Thúy [24],nghiên cứu của Trần Thuý Hạnh thực hiện năm 2014 [9], là các thời điểm trước năm 2014 hoặc trong năm 2014, khi cả nước có vụ dịch sởi với qui mô lớn, gây ảnh hưởng nặng nề (năm 2014) nên người dân chưa quan tâm nhiều đến bệnh như bây giờ. Còn nghiên cứu của Lê Hồng Trường được thực hiện trên cộng đồng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nên kiến thức về bệnh cũng còn hạn chế. Ngoài ra, kiến thức của người mẹ về bệnh sởi có thể liên quan đến nghề nghiệp, độ tuổi và các yếu tố chủ quan cũng như khách quan khác.
Việc người mẹ có kiến thức đúng về đường lây truyền bệnh sởi là yếu tố thuận lợi trong công tác phòng chống bệnh. Sốt (95,6%) và phát ban (90,0%) là hai triệu chứng của bệnh sởi được nhiều bà mẹ trong nghiên cứu biết đến nhất.
So với kết quả nghiên cứu của Trần Thuý Hạnh và cộng sự năm 2014 (70,7% và 85,4%) [9], tỷ lệ này cao hơn và cũng cao hơn kết quả của cuộc khảo sát ở Úc của Brieger D. et al (2017) (74,1% và 65,2%) [38].
Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh; miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin sởi khá bền vững. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu hết những người mẹ tham gia nghiên cứu đều biết tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi chủ động tốt nhất (97,2%). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu của Trần Thuý Hạnh và cộng sự năm 2014 (53,7%) [9]; nghiên cứu của Lê Hồng Trường năm 2014 (52,2%) [29] và nghiên cứu của Trần Thị Diễm Thuý và cộng sự năm 2010 (2%) [24]. Điều này một lần nữa nhấn mạnh khả năng cộng đồng tự nâng cao kiến thức về bệnh, về hiệu quả của tiêm văc xin trong phòng bệnh thông qua các đợt va chạm với dịch bệnh trong thực tế hoặc qua báo, đài và các nguồn thông tin đại chúng khác khi có dịch bệnh xảy ra. Ngày nay, khi truyền thông đại chúng phát triển, mỗi gia đình đều có phương tiện để tiếp cận với các thông tin một
cách dễ dàng, nên kiến thức của người mẹ nói riêng và cộng đồng nói chung được nâng cao nhiều. Nhất là đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi là những người mẹ trẻ, phần lớn có độ tuổi từ 20 đến 34, nên có cơ hội và mong muồn được tiếp cận thông tin, với vắc xin để phòng chống bệnh cho trẻ là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên về biến chứng của bệnh sởi, chỉ hơn một nửa số người mẹ được hỏi có thể trả lời được một cách đầy đủ các biến chứng như viêm não (58,8%), viêm phổi (51,2%) và tử vong (47,6%), khoảng một nửa số người mẹ không liệt kê được đầy đủ các biến chứng này. Những con số này cho thấy vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người mẹ không biết nhiều về biến chúng của bệnh sởi ở trẻ, do vậy đây là nội dung mà ngành y tế địa phương cần chú ý để tăng cường truyền thông cho những người chăm sóc trẻ và cộng đồng hơn. Biến chứng của bệnh sởi gây nhiều hệ lụy, do vậy đây là một trong những nội dung quan trọng người mẹ cần biết để phòng cho trẻ không bị biến chứng, tránh những hậu quả lớn cho sức khỏe của trẻ cũng như tổn hại của gia đình.
Kết quả đánh giá chung kiến thức của người mẹ về bệnh sởi cho thấy số người mẹ có kiến thức đạt về nội dung này chiếm tỷ lệ 57,6%, số không đạt là 42,4%. Tuy so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến (53,1%) thì tỷ lệ người mẹ tại huyện Thường Tín có kiến thức đạt cao hơn [35], điều này cho thấy cần có chiến lược trong giáo dục truyền thông cho cộng đồng, sao cho mọi người đều có thể tiếp cận và được tiếp nhận thông tin một cách hệ thống, đầy đủ, nhất là những thông tin về bệnh truyền nhiễm, về tác nhân gây bệnh, về cách thức lây truyền bệnh và biện pháp phòng chống nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt bệnh do vi rút gây nên như bệnh sởi.
Nội dung được nghiên cứu sử dụng để khảo sát kiến thức người mẹ về tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ và đúng lịch cho trẻ bao gồm số mũi tiêm, lịch tiêm vắc xin sởi, loại vắc xin phòng bệnh sởi đang được sử dụng, phản ứng phụ thường gặp sau tiêm, khả năng mắc bệnh sởi nếu mới tiêm 1 mũi vắc xin. Kết
quả khảo sát của chúng tôi cho thấy phần lớn người mẹ đều biết số mũi vắc xin sởi trẻ cần tiêm đủ là 2 (97,6%), thời điểm cần tiêm mũi vắc xin thứ nhất là 9 tháng tuổi (97,2%) và thời điểm cần tiêm mũi vắc xin thứ hai là lúc trẻ 18 tháng tuổi (97,2%). So với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương tại Móng Cái, Quảng Ninh năm 2015, tỷ lệ người mẹ biết đúng số mũi vắc xin sởi mỗi trẻ cần được tiêm trong ngiên cứu của chúng tôi cao hơn (97,6% so với 91,0%) [14]. Tương tự như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi, 97,2% số người mẹ có kiến thức đúng về thời điểm tiêm sởi mũi 1, cao hơn so với tỷ lệ thu được qua nghiên cứu của Lê Hồng Trường năm 2014 là 50,1% [29]; 97,2% bà mẹ biết thời điểm tiêm sởi mũi 2 cho trẻ là khi trẻ 18 tháng tuổi, cao hơn so với tỷ lệ thu được qua nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến năm 2017 (40,6%) [35]. Kiến thức về những nội dung này rất quan trọng trong việc đảm bảo tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi trong vòng 6 đến 9 tháng sau khi trẻ ra đời, tuỳ vào lượng kháng thể của người mẹ, do đó, trẻ cần được tiêm vắc xin sởi vào thời điểm lúc trẻ 9 tháng tuổi để tiếp tục được bảo vệ. Từ năm 2012, lịch tiêm mũi 2 vắc xin sởi được đưa vào tiêm chủng thường xuyên nên có thể vì thế mà tỷ lệ bà mẹ có kiến thức đúng về thời điểm tiêm sởi mũi 1 và 2 trong nghiên cứu của chúng tôi rất cao.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi vẫn còn 20,8% số người mẹ tham gia nghiên cứu không biết tên loại vắc xin phòng sởi nào. Tỷ lệ này tuy thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến năm 2017 (48,1%) [35]
nhưng cho thấy điểm hạn chế trong kiến thức của người mẹ, đây chính là nội dung cần được chú trọng để truyền thông, tư vấn để các người mẹ và người chăm sóc trẻ có thể biết nhiều hơn về các thể loại vắc xin, thời điểm có thể sử dụng phù hợp cho tiêm phòng, đảm bảo tiêm đầy đủ và đúng lịch cho trẻ. Mặc dù, mỗi lần đưa trẻ đi tiêm phòng, các bà mẹ đều được cán bộ y tế tại điểm tiêm
giới thiệu về loại vắc xin trẻ được tiêm. Tuy nhiên, có thể do điểm tiêm đông trẻ, ồn ào nên người mẹ thường không nghe được hoặc không để ý đến tên vắc xin được sử dụng, hoặc có để ý nhưng cũng chỉ biết được loại vắc xin đang được tiêm cho trẻ của mình nên không kể được hết các loại vắc xin đang được dùng để tiêm phòng bệnh sởi hiện nay.
Về phản ứng phụ sau tiêm, sốt là phản ứng phụ được nhiều người mẹ trong nghiên cứu biết đến nhất (90,8%). Đây cũng là phản ứng phụ thường gặp sau khi trẻ được tiêm vắc xin, do vậy được nhiều người mẹ nhắc đến. Tỷ lệ này cao hơn so với kết quả nghiên cứu Brieger D. et al (2017) tại Úc (22,4%) [38].
Điều này có thể liên quan đến bản chất loại vắc xin được sử dụng, kết quả quan sát trong thực tế của các người mẹ trong 2 nghiên cứu khác nhau hoặc có thể liên quan đến cách đặt câu hỏi trong bảng phỏng vấn khảo sát. Tại các điểm tiêm vắc xin ở Việt Nam, các CBYT thường tư vấn về những phản ứng sau tiêm (84,4%) nên đã góp phần nâng cao nhận thức của bà mẹ về vấn đề này.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có 61,6% bà mẹ biết trẻ vẫn có thể bị mắc sởi khi đã được tiêm một mũi sởi. Đây là nội dung cán bộ y tế địa phương cần nâng cao tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra trẻ vẫn có khả năng mắc sởi dù đã được tiêm một mũi vắc xin như nghiên cứu của Chu Thị Phúc và cộng sự năm 2018 tại Hà Nội cũng chỉ ra có mối liên quan giữa việc tiêm chủng không đầy đủ và khả năng mắc sởi (OR=3,7;
95%CI:1,7-8,1; p<0,05) [20]. Nghiên cứu của Trần Thuý Hạnh cũng cho thấy có 31,7% trẻ mắc bệnh sởi trong nghiên cứu đã được tiêm phòng sởi ít nhất 1 mũi [9]. Nghiên cứu của Trần Thị Diễm Thuý năm 2010 cũng chỉ ra trong số 247 trẻ bị bệnh sởi đã có 128 trẻ (52%) được tiêm phòng vắc xin sởi trước đó [24]. Đây là thực tế đã được kiểm chứng, do vậy WHO và chương trình TCMR đã khuyến cáo cần tiêm mũi vắc xin thứ 2 cho trẻ để đảm bảo khả năng phòng bệnh tối đa.
Kết quả đánh giá kiến thức chung của người mẹ về tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ cho thấy 90,8% số người mẹ có kiến thức đạt. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ cao cho trẻ tại Thường Tín và hợp lý khi công tác tư vấn tiêm chủng ở địa phương này rất tốt. 247 trong tổng số 250 người mẹ tham gia nghiên cứu (98,8%) ghi nhận đã được cán bộ trạm y tế cung cấp các thông tin về tiêm chủng sởi và vắc xin.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá tổng thể kiến thức của người mẹ về tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin sởi cho trẻ cho thấy 76,8% số người mẹ có kiến thức đạt, vẫn còn 23,2% số người mẹ có kiến thức hạn chế về nội dung này. Tuy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuý Diễm năm 2010 (5,3%) [24] và nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến năm 2017 (58,2%) [35], nhưng đây cũng là con số cần chú ý để cải thiện nội dung, cách thức tư vấn, truyền thông để tất cả các người mẹ có thể hiểu và biết rõ được về bệnh sởi, về tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ nhằm gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ, đúng lịch cũng như nâng cao được hiểu biết của mẹ về bệnh, về các nội dung liên quan đến phòng chống bệnh cho trẻ một cách hiệu quả.
4.1.2. Thực trạng thực hành của bà mẹ có con dưới 2 tuổi về tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin sởi cho trẻ tại huyện Thường Tín năm 2020
Kiến thức tốt là cơ sở để thực hành đúng. Trong nghiên cứu này, kết quả phân tích và đánh giá cho thấy tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin sởi mũi 1 trong nghiên cứu đạt 100%. Số liệu này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Cường và cộng sự tại tỉnh Sơn La năm 2012 (92,7%) [6], của Lê Hoàng Nam tại thành phố Ninh Bình năm 2012 (99,3%) [18] và kết quả nghiên cứu của Ngô Khánh Hoàng và cộng sự năm 2015 tại Hà Nội với tỷ lệ 99,0% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng vắc xin sởi [10]. Những tỷ lệ này tuy khác nhau nhưng dao động không lớn (từ 92,7%-100%), cho thấy tại hầu hết các địa phương, tỷ lệ
tiêm chủng đầy đủ mũi 1 vắc xin sởi cao (>90%), đạt yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cao hơn so với chỉ tiêu của tiêm chủng mở rộng của thành phố Hà Nội năm 2020 là 95% [32].
Tuy nhiên, mặc dù có tới 100% trẻ đã được tiêm vắc xin phòng sởi mũi một nhưng tỷ lệ trẻ được tiêm đúng lịch chỉ đạt 90,4%, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch của hoạt động tiêm chủng mở rộng thành phố Hà Nội là 95% [32]. Nhưng so với nghiên cứu của Nguyễn Thành Huế và cộng sự tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội năm 2016 (81,9%) [11] và kết quả nghiên cứu của Phí Thị Hương Liên năm 2016 tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội [17] thì tỷ lệ trẻ được tiêm đúng lịch trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn. Như vậy kiến thức của người mẹ về bệnh, về ích lợi của vắc xin phòng bệnh đã góp phần giúp họ đưa ra quyết định đúng và kết quả là trẻ được tiêm phòng bệnh sởi mũi 1 với tỷ lệ cao tuyệt đối. Số trẻ không được tiêm đúng lịch chủ yếu do trẻ ốm (24 trẻ - 9,6%). Đây là lý do bất khả kháng vì nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, sốt thì sẽ được nhân viên y tế tư vấn không nên tiêm.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, 100% trẻ tham gia nghiên cứu được tiêm vắc xin sởi miễn phí tại các Trạm Y tế của địa phương. Vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đó là những loại vắc xin trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm theo qui định của Chương trình bao gồm vắc xin sởi, hiện nay vắc xin phòng bệnh viêm não đã được bổ sung vào danh sách này vì thế độ tuổi bao phủ của Chương trình cho trẻ cũng được nâng cao hơn để phù hợp với lịch tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não. So với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến (39,6% trẻ tiêm vắc xin miễn phí; 60,4% trẻ tiêm vắc xin dịch vụ) [35] thì tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin miễn phí của chúng tôi cao hơn. Có sự khác nhau này, có thể do khác nhau về địa điểm nghiên cứu. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến triển khai tại quận Đống Đa, đây là quận nội thành của thành phố Hà Nội, hoạt động tiêm chủng dịch vụ rất phổ biến. Còn nghiên cứu của chúng tôi