2.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở
2.1.3. Ảnh hưởng của chế độ ấp đến kết quả ấp nở
Sau khi trứng được đẻ ra, gia cầm mái đã tạo các điều kiện thích hợp để ấp nở bảo tồn nòi giống của mình. Do vậy, để ấp trứng nhân tạo thành công, các điều kiện
ấp phải tương tự các điều kiện con mẹ đã tạo ra để có được kết quả ấp nở tốt. Chế độ ấp bao gồm các yếu tố cơ bản: nhiệt độ, độ ẩm, thông thoáng và đảo trứng.
Riêng ấp trứng các loại thuỷ cầm và gà Tây cần phải có thêm yếu tố nữa là làm mát trứng. Các yếu tố này tuy về tính chất là độc lập nhưng lại có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó nhiệt độ và độ ẩm là hai yếu tố quan trọng của chế độ ấp.
Để ấp nở đạt được kết quả cao cần phải theo dõi chế độ ấp qua các dụng cụ đo lường và điều chỉnh bổ sung thông qua kết quả của các lần kiểm tra sinh học trong quá trình ấp mới có thể đạt được sự hoàn hảo.
2.1.3.1. Yếu tố nhiệt độ
Nhiệt độ môi trường ấp trứng là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến khả năng nở và sự phát triển của phôi vì sự phát triển của phôi gia cầm diễn ra ngoài cơ thể mẹ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của quá trình ấp.
Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phôi, cùng trong giới hạn nhiệt độ nhưng theo tuổi phôi khác nhau sẽ hấp thu và có những phản ứng khác nhau. ở những ngày đầu trứng được cho vào ấp rất cần nhiệt độ, nếu nhiệt độ thấp hơn mức cần thiết (đặc biệt là trong 5 - 6 ngày ấp đầu) lòng trắng giảm trọng lượng chậm, lòng đỏ loãng ra ít vì vậy phôi hấp thu dinh dưỡng khó hơn làm cho mạch máu của phôi hình thành chậm, màng niệu nang phát triển chậm, khép kín bên trong muộn, chính vì vậy phôi phát triển không đúng quy luật, yếu, lớn chậm. Giai đoạn cuối lòng đỏ không thu vào khoang bụng gây ra gà nở không đúng thời hạn, rốn khép không kín.
Hãng Cherry Valley Farm (1988), đã khuyến cáo chế độ ấp trứng vịt cần giữ nhiệt độ 37,36oC (99,25oF), ở mức nhiệt độ khác sẽ ảnh hưởng tới thời gian ấp. Cùng với nhiệt độ cần giữ độ ẩm 55 - 58% ứng với 30 - 30,5oC (nhiệt kế bấc ẩm) ở giai đoạn đầu và điều chỉnh theo sự giảm khối lượng trứng. Nhiệt độ giai đoạn nở ở mức 37,2oC (99oF), độ ẩm tăng dần trong máy để làm chậm lại quá trình làm khô, độ ẩm duy trì ở mức 78% tương ứng 33oC (90oF) để tránh giảm khối lượng khi gia cầm nở.
Theo Card and Neshim (1972), khi nhiệt độ ấp cao gia cầm sẽ nở sớm hơn, nhiệt độ thấp thì thời gian nở kéo dài.
Đào Đức Long và Trần Long (1995) cho biết, nhiệt độ ấp ảnh hưởng sâu sắc đến tỷ lệ nở. Nhiệt độ cao khi mới bắt đầu ấp làm tăng khả năng tiêu hoá thức
ăn, tăng sức lớn của phôi. Ở nhiệt độ 39 - 40oC kéo dài dẫn đến phôi phát triển nhanh, gia cầm nở sớm, một số bị biến dạng, quái thai, dị tật gây xung huyết.
Nếu nhiệt độ lớn hơn 40oC sẽ gây chết phôi hàng loạt, còn nhiệt độ nhỏ hơn 37oC kéo dài phôi phát triển chậm, lòng trắng chuyển chậm vào lòng đỏ, nở rải rác.
Nhiệt độ thích hợp để phôi phát triển trong máy ấp là từ 37 - 38oC. Ở điều kiện này phôi phát triển và sử dụng tốt các chất dinh dưỡng của trứng. Tuy nhiên sự biến động về nhiệt còn tuỳ theo từng giống, tuổi của phôi, độ ẩm và những yếu tố khác. Nhiệt độ cao hay thấp trong quá trình ấp đều gây nên sự mất cân đối trong quá trình phát triển của phôi, rối loạn tuần hoàn, phát triển không bình thường.
Trong nửa đầu của quá trình ấp phôi phát triển chậm, màng niệu nang khép kín chậm, nếu nhiệt độ cao (trong giới hạn) sẽ ảnh hưởng có lợi cho phôi. Nếu nhiệt độ thấp sẽ làm cho phôi phát triển chậm, phôi tiêu thụ lòng trắng, lòng đỏ chậm, kéo dài quá trình ấp.
Trong nửa sau của quá trình ấp sự ảnh hưởng của nhiệt độ phụ thuộc vào sự phát triển của phôi giai đoạn trước. Nếu giai đoạn đầu niệu nang đã khép kín đúng thời hạn thì nhiệt độ thấp sẽ kích thích khả năng tiêu hoá thức ăn của phôi, lòng trắng của phôi được sử dụng hết sớm, lòng đỏ giảm khối lượng đáng kể. Vì vậy phôi phát triển nhanh thu được lòng đỏ vào xoang bụng một cách dễ dàng, gia cầm nở đúng thời hạn, rốn khép kín.
Romanoff (1938) cho biết, để có được tỷ lệ nở cao, gà con nở ra chất lượng tốt, nên tăng nhiệt độ ở thời kỳ ấp đầu tiên 0,25oC và giảm ở thời kỳ cuối của giai đoạn ấp xuống 1 - 2oC.
Với nguyên lý trên khi điều chỉnh nhiệt độ phải luôn luôn nhớ ảnh hưởng của các yếu tố này như thế nào đối với từng trường hợp cụ thể và đối với từng giai đoạn tuổi phôi khác nhau.
* Ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao
Theo Đào Đức Long và Trần Long (1995), khi nhiệt độ trong máy ấp vượt quá 41oC sẽ làm cho phôi chết đồng loạt vào bất cứ lúc nào. Dưới 41oC không chết ngay nhưng tuỳ vào mức độ sẽ thể hiện các đặc trưng.
Phôi phát triển quá nhanh, nhất là trong những ngày đầu. Vì vậy phần lớn số trứng sẽ bắt đầu nở sớm. Do sức lớn và sự phát triển của phôi tăng quá nhanh tiến tới biến dị các phần khác nhau của cơ thể. Vì vậy xuất hiện nhiều quái thai.
Quái thai do nhiệt độ cao lúc mới vào ấp có liên quan chủ yếu đối với hệ thống
thần kinh và các giác quan. Nhiệt độ cao ở các ngày sau gây quái thai liên quan chủ yếu với các rối loạn trong sự phát triển của túi ối. Túi ối lớn quá nhanh nên bọc kín phôi sớm. Do đó túi bị nhỏ, chật gây nên biến dị đầu và sự hình thành khoang bụng của phôi.
Nhiệt độ cao làm màng niệu nang lớn rất nhanh và khép kín sớm. Tuy nhiên ở nửa sau của quá trình ấp trong khoang của nó có ít chất lỏng do quá trình trao đổi chất của phôi bị nhiệt độ cao làm đình trệ. Vì vậy màng niệu nang sẽ teo khô sớm, gà nở sớm, nhiều con bết lông, khó nở.
Nhiệt độ cao vào thời gian đầu làm phôi dễ bị dính vào vỏ và chết nhưng nhiệt độ cao về sau có thể làm phôi nằm sai vị trí và chân bị cong. Rốn khép sớm nhưng không kín do rối loạn sự phối hợp giữa việc thu túi lòng đỏ vào khoang bụng và khép rốn. Vì vậy túi lòng đỏ không được đưa hết vào khoang bụng.
* Ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp
Từ 27oC phôi đã có thể bắt đầu phát triển, ở nhiệt độ này đĩa phôi lớn lên nhưng không hình thành phôi, cũng không hình thành được hệ thống mạch máu. Do đó quá trình phát triển của phôi không còn khả năng khắc phục được khiếm khuyết cho dù có nâng nhiệt độ lên tới mức bình thường ở máy ấp.
Hệ thống mạch máu của lòng đỏ hình thành muộn. Quá trình tạo thành máu cũng diễn ra chậm và yếu do đó gây thiếu máu. Việc tiêu hoá lòng trắng và lòng đỏ chậm nhất là ở nửa đầu của quá trình ấp. Vì vậy phôi phát triển yếu, nhỏ, nhẹ và lớn chậm trong mọi thời kỳ của quá trình ấp. Các màng cơ quan hình thành muộn và lớn chậm.
Thiếu nhiệt trong những ngày ấp đầu tiên làm giảm hẳn sức lớn và sự phát triển của phôi. Nếu trứng bị thiếu nhiệt (nhiệt độ ấp ở mức thấp) ngay từ đầu thì giữa quá trình ấp màng niệu nang sẽ khép kín chậm từ 1 - 3 ngày so với các trứng có phôi phát triển bình thường. Do đó gia cầm sẽ bị nở chậm và có thể kéo dài tới vài ngày.
Nếu nhiệt độ thấp ở những ngày cuối thì lòng trắng thường được sử dụng hoàn toàn (nếu rất thấp thì nó được giữ lại trong thời gian dài) lòng đỏ được sử dụng triệt để và còn lại ít trong túi lòng đỏ. Sự phát triển của phôi quá trì trệ, túi ối duy trì liên hệ với hệ tuần hoàn của cơ thể phôi lâu dài, phôi có thể sống trong vỏ trứng quá lâu so với thời gian ấp nở của từng loại gia cầm. Vịt bắt đầu nở chậm và kéo dài vài ngày, vịt con mổ vỏ ngắt quãng và nghỉ rất
lâu. Nhiều con phá vỡ vỏ chui ra rất khó khăn, khi giúp vịt con tách vỏ thì thường làm rách các mạch máu của màng niệu nang do chưa teo, khi đó gây xuất huyết làm vịt con bị chết do mất máu. Nếu thiếu nhiệt kéo dài vịt con nở ra còn túi lòng đỏ lớn, vịt nặng bụng và thường bị ỉa chảy.
2.1.3.2. Yếu tố độ ẩm
Nếu nhiệt độ ấp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ấp thì ẩm độ cũng không kém phần quan trọng. Quan hệ giữa nhiệt độ và ẩm độ có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ nở của các loài gia cầm.
Độ ẩm là một trong các yếu tố quan trọng của quá trình ấp và phát triển của phôi. Độ ẩm không khí máy ấp chịu ảnh hưởng bởi sự bay hơi nước từ trứng. Sự bốc hơi nước này phụ thuộc vào kích thước bề mặt và khối lượng của trứng.
Trứng to có diện tích bề mặt vỏ nhỏ hơn so với trứng nhỏ nên sự bốc hơi nước cũng không giống nhau. Sự bốc hơi nước còn phụ thuộc vào chất lượng vỏ và màng vỏ trứng. Sự bốc hơi nước sẽ mạnh hơn nếu mật độ lỗ khí của vỏ trứng quá lớn, kích thước của lỗ khí rộng…
Độ ẩm của không khí có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của phôi trên hai phương diện đó là điều hoà độ bay hơi nước từ trứng và điều chỉnh độ tỏa nhiệt của trứng.
Trong phần lớn thời gian ấp độ bay nước từ trứng phụ thuộc trực tiếp vào độ ẩm tương đối của máy ấp. Khi màng niệu nang đã bao bọc kín dần về mặt trong của vỏ trứng thì độ bay hơi nước từ trứng giảm dần sự phụ thuộc vào độ ẩm của máy ấp. Về cuối quá trình ấp khi trong trứng chỉ còn ít nước, độ bay hơi sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cường độ trao đổi chất của phôi. Phôi càng tiêu thụ nhiều lòng trắng, lòng đỏ bao nhiêu thì nước từ trứng sẽ bay hơi đi càng nhiều bấy nhiêu.
Khi ở tuần ấp đầu tiên sự giảm khối lượng của trứng phụ thuộc vào độ ẩm không khí trong máy ấp và khối luợng của trứng giảm tỷ lệ nghịch với độ ẩm trong máy ấp. Sau ngày ấp thứ 5 những chất chứa trong trứng dần dần được phủ bằng túi niệu thì sự bay hơi nước của trứng không hoàn toàn phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của không khí trong máy ấp.
Trong những ngày ấp đầu tiên làm giảm độ bay hơi nước từ trứng không gây ảnh hưởng có hại nào. Trái lại còn làm tăng lượng nước đưa các chất dinh dưỡng từ lòng trắng vào cho lòng đỏ, cải thiện các điều kiện dinh dưỡng của phôi và làm giảm tỷ lệ chết phôi.
Về cuối quá trình ấp trong khoang của màng niệu nang chỉ còn ít chất lỏng giúp cho màng niệu nang khô và teo đi dễ dàng, đúng lúc cần thiết. Khi màng niệu nang bắt đầu khô sẽ cắt đứt sự liên quan giữa màng mạch máu của nó với hệ tuần hoàn của phôi. Đồng thời nó còn kích thích việc thay thế thở bằng màng niệu nang sang thở bằng phổi. Lúc này tất cả những gì làm giảm độ bay hơi nước từ màng niệu nang đều ảnh hưởng bất lợi tới phôi.
Độ ẩm thích hợp ấp trứng vịt cho các máy liên hợp là 55 - 60% đối với giai đoạn ấp còn giai đoạn nở cần đạt 80 - 85%. Độ ẩm không khí được điều chỉnh do sự bay hơi nước của trứng trong khoảng 20%. Nếu khối lượng trứng là 58g thì gia cầm nở ra phải đạt 38g, nếu thấp hơn khối lượng này có thể giải thích độ ẩm không khí trong thời gian ấp bị phá vỡ (Bạch Thị Thanh Dân, 1997).
Theo Vick et al. (1993), độ ẩm trong khi ấp cũng ảnh hưởng tới việc mất nước và trao đổi khí đối với những trứng nhỏ của đàn gia cầm ít tuổi đẻ ra so với những trứng nhỏ của đàn gia cầm nhiều tuổi đẻ ra.
Buhr (1995), Anderson and Robbing (1995) cũng có quan điểm về độ ẩm cao hay thấp trong quá trình ấp có ảnh hưởng tới dung tích túi niệu và ảnh hưởng tới kết quả ấp nở. Điều kiện độ ẩm 50 - 70% duy trì dung tích túi niệu tăng, giảm thích hợp và cho tỷ lệ nở cao.
Yêu cầu về độ ẩm đối với sự phát triển của phôi phụ thuộc vào giai đoạn ấp.
Ở thời kỳ đầu do sự hình thành phát triển các cơ quan của phôi cần nhiều đến sự tham gia của nước để chuyển hóa chất dinh dưỡng nên yêu cầu độ ẩm tương đối cao để hạn chế sự thoát hơi nước của trứng ra ngoài. ở thời kỳ giữa sự trao đổi chất sinh ra nhiều khí CO2 và NH3 có hại cho phôi. Vì vậy cần có độ ẩm thích hợp để thải chúng dễ dàng. Còn thời kỳ cuối cần độ ẩm cao để tránh hiện tượng sát vỏ, gia cầm con bị mất nước (Bạch Thị Thanh Dân, 1997).
*Ảnh hưởng của độ ẩm cao
Trong 5 - 6 ngày ấp đầu tiên độ ẩm cao không gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của phôi. Sau 6 ngày ấp độ ẩm cao sẽ làm chậm sự phát triển của màng niệu nang và làm màng niệu nang khép kín chậm. Trứng giảm khối lượng ít, buồng khí nhỏ.
Trong nửa sau của quá trình ấp độ ẩm quá thừa làm chậm sự sinh trưởng và phát triển của phôi và các màng phôi, sự hấp thu lòng trắng không hết, tồn đọng lại ở phía đầu nhỏ, khi soi thấy có khoảng sáng.
Nếu độ ẩm cao kéo dài trong suốt thời gian ấp làm gia cầm nở chậm từ một đến vài ngày. Quá trình nở thời gian nở sẽ kéo dài, màng vỏ quanh lỗ mỏ vỏ sẫm màu lại rất nhanh và chuyển thành màu nâu. Ngay sau khi vịt vừa mổ vỏ thì từ chỗ đó nước còn ở khoang màng niệu nang chảy ra màu nâu và dính trông rất bẩn.
Chất lỏng này quánh và khô nhanh bịt ngay lỗ mỏ vỏ làm phôi chết. Nếu như lỗ mổ vỏ lớn không bịt kín thì chất lỏng này sẽ dính mỏ hoặc đầu và đôi khi cả cánh của vịt con vào vỏ trứng. Vịt con sẽ không còn cử động được và nằm chờ chết. Số còn lại vịt con nở không đồng loạt, rải rác, phần lớn vịt bị yếu ít hoạt động, lông bị dính bết, vịt con bụng to, nặng.
*Ảnh hưởng của độ ẩm thấp
Độ ẩm thấp trong những ngày ấp đầu tiên làm trứng bị bay hơi mất nhiều nước gây tỷ lệ phôi chết cao. Cách nhận biết chính xác nhất là cân trứng theo dõi giảm khối lượng hoặc đo kích thước của buồng khí.
Độ ẩm thấp giúp cho màng niệu nang lớn nhanh và khép kín sớm, buồng khí tăng thể tích nhanh. Sự phát triển phôi nhanh, vịt nở sớm, con khô, khối lượng thấp, tỷ lệ nở kém.
Độ ẩm thấp làm quá trình mổ vỏ và nở diễn ra sớm hơn bình thường, màng vỏ bị khô và rất dai, vịt nở khó, màng niệu nang còn quá ít chất lỏng vì thế phôi cử động rất khó khăn, lông của vịt con bị khô ngay khi vịt con chưa chui ra khỏi vỏ.
2.1.3.3. Yếu tố thông thoáng
Nói tới thông thoáng cần phải đề cập đến hai vấn đề: thay đổi không khí và tốc độ gió.
Phôi rất mẫn cảm khi tỷ lệ CO2 vượt quá mức cho phép. Vì vậy thông thoáng không đảm bảo do cửa thông khí để quá hẹp gây mọi ảnh hưởng có hại cho sự phát triển của phôi còn hơn cả khi bị thiếu một ít ôxy.
Trứng vịt và trứng ngan có khối lượng 70 - 80g hấp thụ 9169cm3 oxy và thải 6607cm3 (CO2), trứng gà hấp thụ 4000cm3 O2 và thải 3536cm3 CO2. Chính vì thế không khí bên trong máy ấp cần được thay đổi sao cho nồng độ khí cacbonic không vượt quá 0,2 - 0,3% và ôxy không dưới 21% ở không khí. Vận tốc gió trong máy ấp 77cm/giây, tốc độ quạt xấp xỉ 300 vòng/phút với máy ấp.
Máy nở vận tốc gió 40 - 45cm/giây. Phôi bắt đầu hô hấp ngay sau khi trứng được sưởi nóng. Trong quá trình ấp nguồn ôxy và cơ chế hô hấp của phôi thay đổi vài lần. Cần nhớ điều chỉnh độ mở của cửa thông thoáng mới phù hợp.