Giải pháp lâu dài

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp xử lý chất thải trang trại chăn nuôi lợn tại xã chi lăng, huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 85 - 88)

PHẦN 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.5. Đề xuất giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi gia súc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

4.5.2. Giải pháp lâu dài

4.5.2.1. Giải pháp về chính sách, quản lý

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bao gồm các nghị định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật... Ngoài ra, cần chủ động quan tâm đến môi trường chăn nuôi hơn như tiến hành lấy mẫu quan trắc nước mặt tại khu vực chăn nuôi 1-2 lần/năm.

- Về các chính sách quy hoạch và khuyến khích phát triển chăn nuôi:

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi và một số chính sách phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó có một số chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đưa chính sách vào thực hiện còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền và sự phối hợp của các trang trại chăn nuôi để sớm đưa các chính sách này vào thực tiễn, nhanh chóng chuyển dịch các trang trại ra ngoài khu dân cư, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo quy hoạch kết hợp với bảo vệ môi trường bền vững.

- Định hướng và khuyến khích người dân phát triển trang trại chăn nuôi

lợn theo kiểu hệ thống trang trại VAC nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Đồng thời, kiểu hệ thống này có sự tương trợ nhau giữa các thành phần trong hệ thống, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng được tối đa nguồn chất thải vừa hạn chế được ô nhiễm môi trường.

- Hướng dẫn lập và giám sát việc thực hiện các bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường trong chăn nuôi.

- Cần có các chế tài phù hợp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động chăn nuôi, cấm hoạt động chăn nuôi ... theo quy định của pháp luật.

4.5.2.2. Giải pháp về kinh tế

- Qua quá trình điều tra, khảo sát các trang trại chăn nuôi lợn trong khu vực nghiên cứu cho thấy, 3 trang trại có đề xuất hỗ trợ về nguồn vốn trong việc xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy địa phương đã có chính sách hỗ trợ nhưng việc tiếp cận để được hưởng chính sách lại gặp khó khăn. Do đó, cần có sự hướng dẫn và tạo điều kiện của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giúp các trang trại được hưởng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn.

4.5.2.3. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Tiếp tục đầu tư áp dụng các hình thức xử lý chất thải chăn nuôi truyền thống như biogas, ủ phân compost, làm thức ăn cho cá, thu gom phân... nhưng cần cải tiến về mặt công nghệ và kết hợp đa dạng các hình thức này để đạt hiệu quả xử lý cao nhất. Trong đó, sử dụng bể xử lý biogas là biện pháp phổ biến nhất.

Tùy thuộc vào quy mô trang trại và lượng chất thải có thể sử dụng các loại bể biogas tiên tiến với chất liệu bền, không bị vỡ nứt, rò rỉ.. để tránh thấm xuống tầng nước ngầm như bể biogas chất liệu nhựa composite (phù hợp với trang trại quy mô nhỏ và vừa), bể biogas chất liệu bạt HDPE (phù hợp với trang trại quy mô lớn)...

- Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn sinh thái trong đó tập trung tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các bộ phận trong trang trại và đẩy mạnh tối đa việc tuần hoàn và tái sử dụng chất thải chăn nuôi lợn cho các mục đích khác nhau vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu áp dụng các biện pháp sản xuất sạch và sản xuất sạch hơn tại tất cả các công đoạn từ khâu đầu vào đến đầu ra cho các trang trại chăn nuôi lợn

tập trung nhằm chủ động quản lý các vấn đề môi trường tại các trang trại và nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Đối với trang trại 3 nên cân đối, bố trí diện tích trong trang trại để thiết kế thêm ao cá, hướng tới phát triển trang trại theo mô hình VAC để có thêm nguồn thu nhập cho trang trại, đồng thời giúp khép kín vòng quay vật chất trong trang trại, tận dụng được tối đa nguồn chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Ngoài ra, trang trại nên di chuyển địa điểm ra ngoài khu dân cư.

- Xã có số lượng lợn và trang trại chăn nuôi tương đối nhiều, nên cần quy hoạch, xây dựng các trạm xử lý, thu gom chất thải chăn nuôi trên địa bàn xã. Sau khi nước thải được xử lý tại từng trang trại sẽ được thu gom lại qua đường ống dẫn vào trạm xử lý nước thải. Có như vậy, môi trường nước ở khu vực xung quanh trang trại sẽ đảm bảo chất lượng đầu ra, không gây ô nhiễm môi trường.

4.5.2.4. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức hiểu biết về các vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cho các cán bộ khuyến nông, các thú y viên để họ có thể tư vấn, hỗ trợ trực tiếp và nhanh chóng trong các vấn đề bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn quản lý.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, các đài phát thanh của địa phương, các tài liệu, tờ rơi... về các văn bản phát luật bảo vệ môi trường chăn nuôi, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và bảo vệ môi trường trong toàn xã, ý nghĩa và các kỹ năng quản lý và xử lý chất thải trong trang trại...

- Tổ chức, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi với sự tham gia của các chủ trang trại trên địa bàn xã.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp xử lý chất thải trang trại chăn nuôi lợn tại xã chi lăng, huyện quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)