4.1. Kiến thức về HIV/AIDS, thái độ trong phòng chống và chăm sóc người bệnh HIV/AIDS của sinh viên
4.1.1 Kiến thức về HIV/AIDS của sinh viên
Tại thời điểm nghiên cứu, sinh viên cả 2 khóa đang theo học tại Nhà trường đều đã được học các nội dung có liên quan đến HIV/AIDS, được tham gia các hoạt động ngoại khóa có chủ đề liên quan đến HIV/AIDS trước khi đi thực tập lâm sàng tại bệnh viện hoặc chăm sóc người bệnh HIV/AIDS. Đây là điểm thuận lợi cho sự tiếp nhận kiến thức, sự hình thành kỹ năng chăm sóc trong đó có kỹ năng phòng, chống bệnh giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm của bệnh HIV/AIDS đối với những đối tượng liên quan và bản thân người bệnh có khả năng được chăm sóc toàn diện và an toàn hơn.
Sinh viên cả 2 khóa có độ tuổi trung bình rất trẻ (sinh viên năm thứ 2 là 19,22 và sinh viên năm thứ 3 là 20,31) cũng giúp cho khả năng thích nghi tốt trong học tập, sử dụng công nghệ, khoa học trong học tập, gia tăng hiểu biết xã hội. Do vậy, về kiến thức HIV/AIDS ngoài việc được học qua bài giảng, chủ đề học tập liên quan đến HIV/AIDS, sinh viên của 2 khóa đều được tiếp cận các nguồn thông tin phong phú khác nhau như thư viện, internet, người thân, bạn bè, báo, tạp chí, tivi ... Nguồn thông tin được tìm kiếm nhiều nhất về HIV/AIDS là internet (89,4%), tiếp theo là tivi (67,4%), báo chí (43,5%), nguồn thông tin được tìm kiếm ít nhất là thư viện (8,8%) và ở 2 khóa thì tỷ lệ này có thay đổi tuy nhiên sự khác nhau không đáng kể. Có thể giải thích cho sự tìm kiếm thông tin về HIV/AIDS ít nhất của sinh viên ở thư viện (8,8%) là do hiện nay việc phát triển mạnh về các mạng xã hội, các cổng thông tin và để tiết kiệm thời gian, thay vì lên thư viện tìm kiếm thông tin đại đa số các bạn sinh viên trẻ chọn lựa dùng mạng internet kết nối
tiện lợi qua các thiết bị cá nhân như laptop, điện thoại thông minh vừa nhanh, vừa tiện lợi. Trong đó người thân hoặc bạn bè – những người cùng độ tuổi trẻ với đa số có thói quen sử dụng mạng xã hội cũng là những kênh thông tin được tiệp cận nhiều (38,7%). Qua đây cũng cho thấy để cho các bạn sinh viên hiểu biết hơn về các lĩnh vực học tập, chúng ta nên hiểu rõ về đặc tính lứa tuổi và xu hướng phát triển của sinh viên để lựa chọn các phương tiện truyền thông truyền tải những thông điệp phù hợp cũng như bài giảng một cách hiệu quả cho đối tuợng hướng tới.
Về các chủ đề học tập cung cấp kiến thức về HIV/AIDS tại nhà trường. Kết quả thu được cho thấy, không có nhiều khác biệt về những nội dung học tập liên quan đến HIV/AIDS. Hầu hết các sinh viên điều dưỡng được cung cấp khá đầy đủ thông tin (Dịch tễ học HIV/AIDS, virus học HIV, miễn dịch học HIV, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, dự phòng và phơi nhiễm HIV nghề nghiệp). Chủ đề được nhớ nhiều nhất là phòng chống HIV/AIDS (87,9%), tiếp theo là dự phòng lây nhiễm cho người nhiễm HIV/AIDS (77,6%), chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (75,2), dịch tễ học HIV/AIDS (66,5%), chủ đề được nhớ ít nhất là miễn dịch học HIV/AIDS (39,0%). Liên quan đến vấn đề chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, số sinh viên năm thứ 3 chưa từng chăm sóc người nhiễm HIV trong giai đoạn thực tập tại viện là 87,9%, với sinh viên năm thứ 2 do chưa được đi thực tập nên chưa được căm sóc người bệnh HIV/AIDS. Tỉ lệ sinh viên năm thứ 3 chăm sóc ít người bệnh HIV/AIDS bởi theo kế hoạch thực tập vòng 1 và vòng 2 tại Bệnh viện Quân y 105, tại đây số lượng điều trị HIV/AIDS hiện nay rất ít mà chủ yếu tập trung điều trị theo bảo hiểm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Sơn Tây.
Tỉ lệ trả lời của sinh viên điều dưỡng cho thấy kiến thức đạt chung về HIV/AIDS chưa cao 71%, số sinh viên có kiến thức không đạt chiếm tới 1/3 (29%). Với kiến thức đúng về bệnh học HIV/AIDS sinh viên trả lời đúng chỉ đạt 58,78%. Trong đó số sinh viên nhớ được thời kỳ triệu chứng ở người lớn nhiễm HIV bắt đầu khi số lượng TCD4+ giảm của cả 2 khóa đều rất thấp (26%), với sinh viên năm thứ 2 chỉ có tỉ lệ đúng là 25,9%; về nơi tồn tại nhiều nhất của virus HIV
trong cơ thể, có tới 92% sinh viên có hiểu biết đúng. Kiến thức này rất quan trọng bởi sự hiểu biết đúng sẽ chỉ dẫn tới những hành vi an toàn hơn trong quá trình hỗ trợ, chăm sóc người bệnh của NVYT. Với hiểu biết đúng về “giai đoạn cửa sổ”
(76,7%), sinh viên có thể sẽ tư vấn tốt cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm để theo dõi và xét nghiệm định kỳ. Còn kiến thức về thời gian tốt nhất (3 tháng) để có thể phát hiện được kháng thể kháng HIV mà các kỹ thuật xét nghiệm hiện đang dùng tại Việt Nam thực hiện được có tỷ lệ số sinh viên biết được là 45,6%.
So sánh với nghiên cứu của Phạm Thùy Dung (2017) [14] đối với sinh viên điều dưỡng 2 Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Thành Tây đối với HIV/AIDS có thể thấy kiến thức chung về HIV/AIDS của sinh viên Trường Cao đẳng Quân y 1 (71%) cao hơn kiến thức chung của sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Thành Tây (63%), hay hiểu biết đúng về “giai đoạn cửa sổ” (76,7%) cao hơn so với 2 Trường Đại học (72,1%), tuy nhiên sinh viên Cao đẳng Quân Y 1 lại hiểu biết đúng về nơi tồn tại nhiều nhất của virus HIV trong cơ thể (92%) và hiểu đúng về thời gian tốt nhất (3 tháng) để có thể phát hiện được kháng thể kháng HIV mà các kỹ thuật xét nghiệm hiện đang dùng tại Việt Nam thực hiện (45,6%) thấp hơn so với sinh viên 2 Trường Đại học lần lượt là 97% và 61,6%. Có thể thấy kiến thức chung của sinh viên Cao đẳng Quân y 1 có thể cao nhưng những kiến thức cụ thể về lâm sàng thì thấp hơn so với sinh viên 2 Trường Đại học. Điều này có thể lý giải là do sinh viên điều dưỡng của 2 Trường Đại học có lượng kiến thức cao hơn, thời gian học và nghiên cứu tốt hơn, đã có thời gian thực tập lâm sàng nhiều hơn, các bệnh viện nơi thực tập có số lượng ngưởi bệnh HIV/AIDS cao hơn giúp cho sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với những thông tin lâm sàng về HIV/AIDS. Với sinh viên Cao đẳng Quân y 1 có thời gian học lâm sàng ngắn hơn, chưa được tiếp xúc với cơ sở y tế có nhiều người bệnh HIV/AIDS, kết quả kiến thức chung cao hơn có khả năng các sinh viên hiểu đúng được nhờ vào các hoạt động ngoại khóa thường xuyên tại nhà trường liên quan đến HIV/AIDS như giáo dục đồng nhóm phòng chống HIV/AIDS hay các lớp tập huấn phòng chống Lao và đồng nhiễm Lao/HIV trong các Nhà trường các đơn vị trong Quân đội do Cục Quân Y Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với Hội Điều dưỡng Việt Nam
và DoD PEPFER tổ chức. Đây là những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS mà sinh viên điều dưỡng cần phải nắm được để có thể hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh trong giai đoạn công tác sau này. Tiếc rằng tỷ lệ này hơi thấp. Với định hướng phát triển của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, vai trò của điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế rất quan trọng và được thể hiện rất rõ nét. Vì vậy, có kiến thức đúng về dịch tễ, triệu chứng, biến chứng, điều trị, chăm sóc và giáo dục sức khỏe sẽ giúp nâng cao niềm tin của người bệnh đối với điều dưỡng, với ngành y tế.
Đối với khối kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn. Trả lời câu hỏi về cách tiệt trùng để tiêu diệt HIV thì tỷ lệ sinh viên biết “cách hấp ướt 120°, 2 at trong 20 phút” có câu trả lời đúng chiếm tỷ lệ thấp (41,4%), trong đó tỉ lệ trả lời đúng của sinh viên năm thứ 2 chỉ đạt 31,6%. Tuy nhiên cũng có điểm sáng về “kiến thức đúng thực hiện quy trình vô trùng trong chăm sóc y tế” có tỉ lệ trả lời đúng rất cao (82,5%), trong đó sinh viên năm thứ 3 có tỉ lệ trả lời đúng lên đến 88,5%.
Những kết quả này rất quan trọng cho sinh viên vì trong tương lai sinh viên điều dưỡng sẽ là những người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh HIV/AIDS. Sinh viên hiểu đúng về những kiến thức vô khuẩn, các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc y tế sẽ giúp cho việc phòng tránh được tốt hơn các lây nhiễm HIV/AIDS nói chung tới những người liên quan và nhiễm trùng cơ hội cho người bệnh nói riêng, đặc biệt với người bệnh HIV/AIDS là đối tượng có sự suy giảm miễn dịch. Về kết quả kiến thức liên quan đến các loại NTCH thường gặp ở người nhiễm HIV/AIDS cho thấy nhiễm lao ngoài phổi hoặc tại phổi được biết đến nhiều nhất (78,2%), tiếp theo là loét họng, miệng do Herpes (74,0%), các loại NTCH khác như viêm phổi (66,8%), nấm họng (50,5%), nhiễm Toxoplasma (25,4%) được biết đến với tỷ lệ thấp hơn. Đánh giá chung, khả năng kiến thức của sinh viên năm thứ 3 (60,7) về NTCH cao hơn so với sinh viên năm thứ 2 (38,7). Nghiên cứu của Vũ Thị Hồng Hải trên đối tượng là NVYT tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên năm 2004 cũng cho kết quả tương tự (nhiễm lao ngoài phổi hoặc tại phổi được biết nhiều nhất (75,7%), sau đó là loét họng, miệng do Herpes (66%) [23]. Nghiên cứu của Phạm Thị Thùy Dung năm 2017 với sinh viên điều dưỡng Đại học Thành Tây và Đại học Y Hà Nội cho kết quả tương tự (nhiễm
lao ngoài phổi hoặc tại phổi được biết đến nhiều nhất 78,2%) [14]. Những kết quả này cũng phù hợp với kết quả các nghiên cứu thực tế trên lâm sàng tại Việt Nam và thế giới. Theo Đỗ Thị Liễu Mai (2000) những NTCH thường gặp ở người nhiễm HIV đứng đầu là viêm da (23,9%), sau đó là zona (12%), nhiễm lao (11,1%), nấm họng, miệng Candida (4,3%), còn đối với bệnh nhân AIDS thì NTCH hay gặp nhất là lao (44,8%) [17]. Loại NTCH này (nhiễm lao) cũng tương tự ở các nước như Thái Lan (37%), khu vực Nam Phi (54%) [54], [52]. Chỉ có 55,1% sinh viên có hiểu biết về cả 4 cách dự phòng NTCH. Kiến thức đúng về cách dự các nhiễm trùng cơ hội cho người bệnh HIV/AIDS của sinh viên có ý nghĩa rất lớn tới quá trình điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS, vì ở nước ta hiện nay chủ yếu là điều trị các NTCH và người nhiễm HIV/AIDS thường được phát hiện ở giai đoạn biểu hiện của NTCH nên việc hiểu biết về NTCH là rất quan trọng [19]. Việc tăng cường công tác giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết về NTCH ở người nhiễm HIV/AIDS sẽ giúp sinh viên điều dưỡng giảm thiểu khả năng phơi nhiễm, biết dùng thuốc dự phòng phơi nhiễm khi hành nghề, đồng thời sẽ tư vấn đúng cho người bệnh muốn điều trị dự phòng.
Những bằng chứng trên cho thấy sự cần thiết phải có kiến thức về đề phòng phơi nhiễm HIV cho NVYT, nhất là điều dưỡng viên – nguồn nhân lực chiếm đa số và tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên trong mọi hoạt động hướng đến người bệnh hàng ngày. Tuy nhiên, kết quả từ nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ sinh viên điều dưỡng nắm được các kiến thức về biện pháp phòng phơi nhiễm nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như trong các biện pháp phòng phơi nhiễm HIV cho NVYT, tỷ lệ sinh viên cho rằng tập huấn về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp cho NVYT là 84,6%, theo dõi và xử trí tai nạn nghề nghiệp là 78,5%, tuân thủ quy định về dự phòng phổ cập là 78,5%, biện pháp xét nghiệm phát hiện người bệnh để cách ly là 55,6% và chuyển người bệnh HIV/AIDS tập trung vào 1 khoa phòng riêng biệt là 53,5%. Trong đó sinh viên điều dưỡng năm thứ 3, những đối tượng đã được thực tập lâm sàng có tỉ lệ trả lời đúng là 72,7% còn sinh viên năm thứ 2 là 67,8.
Rất dễ nhận thấy khả năng hiểu biết đúng về đề phòng phơi nhiễm HIV cho NVYT của sinh viên điều dưỡng Cao đẳng Quân y 1 có kết quả tương đồng về đề phòng
phơi nhiễm HIV cho NVYT theo nghiên cứu của Phạm Thị Thùy Dung năm 2017 đối với sinh viên điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội và Đại học Thành Tây (tỉ lệ lần lượt là 87,7%, 66%, 64%, 45,8%) [14].
Bên cạnh đó, xác định những tình huống nguy cơ gây phơi nhiễm nghề nghiệp là một trong những nội dung rất quan trọng, từ đó đảm bảo an toàn cho NVYT trong quá trình chăm sóc người bệnh HIV/AIDS. Nội dung này được sinh viên điều dưỡng xác định đúng các tình huống có tỷ lệ khá cao (81,5%). Trong đó cao nhất là hiểu biết về nguy cơ khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV qua da bị trầy xước với tỷ lệ tra lời đúng là 95,5%, tiếp theo là nguy cơ khi bị kim tiêm đâm vào tay khi đang chăm sóc người bệnh (84,3%) và nguy cơ khi bị máu, dịch chứa máu bắn vào mắt (64,7%). Tỉ lệ trả lời đúng của sinh viên năm thứ 3 (89,2%) cao hơn so với năm thứ 2 (74,5%) cho thấy khả năng kiến thức của sinh viên được đi thực tập lâm sàng cao hơn so với những sinh viên chưa được đi thực tập lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả còn cho thấy còn một tỉ lệ rất lớn sinh viên chưa nhận thức đúng về các nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh HIV/AIDS. Nhận thức chưa đúng này có thể làm cho sinh viên điều dưỡng sẽ không phòng ngừa, xử lý sau khi bị máu và dịch chứa máu bắn vào mắt. Liên quan đến các biện pháp phòng tránh kim tiêm/vật sắc nhọn có thể gặp trong quá trình chăm sóc người bệnh, có tỷ lệ sinh viên có kiến thức đúng là 62,5%. Có 46,5% nhận thức đúng về không lạm dụng tiêm truyền, vẫn còn 53,5% sinh viên chưa nhận biết được tầm quan trọng của việc “lạm dụng tiêm truyền”. Thực tế cho thấy tại Ethyopia (2013), nghiên cứu của Biniam Mathewos1 trên 195 nhân viên y tế thì có 66 người (33,8%), đã tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, kim tiêm hoặc sắc nhọn [40]. Tại Trung Quốc, theo Liping He (2016), trong số các đối tượng nghiên cứu có tới 94,3% (283/300) bị thương một hoặc nhiều lần bởi y tế dụng cụ sắc nhọn hoặc văng bởi chất lỏng cơ thể trong và 95,3% cho rằng nguy cơ của chúng là tiếp xúc nghề nghiệp cao hoặc rất cao [47]. Tại Mỹ, theo nghiên cứu của Panlilio (2004), hàng năm có khoảng 384.325 tổn thương dưới da xảy ra cho các NVYT; tại Italia theo nghiên cứu của Hernandez (2004) trong giai đoạn 1996 - 2000 là 16.374 trường hợp. Trong số này, tổn thương do kim tiêm
nòng rỗng là loại tổn thương thường gặp trong các trường hợp nhiễm HIV nghề nghiệp [44], [51].
Trong hoạt động nghề nghiệp của người điều dưỡng, mục tiêu chăm sóc, hỗ trợ để người bệnh được cảm thấy an toàn, thoải mái, tiện ích, không bị phân biệt và kỳ thị luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên tỉ lệ hiểu biết đúng về cách dự phòng các nhiễm trùng cơ hội cho người bệnh HIV/AIDS của sinh viên lại có tỉ lệ khá thấp. Tỉ lệ trung bình sinh viên trả lời đúng các câu hỏi liên quan đến các cách dự phòng nhiễm trùng cơ hội của sinh viên năm thứ 2 và thứ 3 là 48,9%, trong đó điểm trung bình của sinh viên năm thứ 2 là 40,2%, còn điểm trung bình của sinh viên năm thứ 3 là 58,5%. Là những điều dưỡng viên tương lai, sự hiểu biết đúng về dự phòng thấp có thể sẽ khiến cho những người bệnh HIV/AIDS cảm thấy mình bị phân biệt đối xử trong điều trị và chăm sóc hoặc nguy cơ phơi nhiễm với nguồn nhân lực này có khả năng cao hơn, đây sẽ là những rào cản trong tiếp cận và kiểm soát dịch bệnh liên quan đến HIV.