CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.6. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Sau khi tính toán được kết quả của nghiên cứu thì tác giả bắt đầu thảo luận về kết quả của nghiên cứu như sau:
Mối quan hệ giữa né tránh thuế (TA) và giá trị doanh nghiệp (M/B)
Từ kết quả hồi quy của biến né tránh thuế thấy rằng né tránh thuế có tác động ngược chiều với GTDN của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức ý nghĩa 10%. Kết quả hồi quy cũng cho thấy giả thuyết né tránh thuế tác động ngược chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được chấp nhận. Đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu này là nghiên cứu của Chen và cộng sự (2014), khi cho rằng né tránh thuế đã làm tăng chi phí đại diện và làm giảm GTDN, cùng quan điểm
60
khi Park và cộng sự (2015), chỉ ra rằng có mối quan hệ tiêu cực giữa né tránh thuế và GTDN, giữa khả năng quản lý và tránh thuế. Trong khi hoạt động né tránh thuế giúp cho các doanh nghiệp tối thiểu hóa gánh nặng thuế nhưng lại làm cho các doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn về tài chính bởi vì đã không thể lường trước được các chi phí phát sinh khác không liên quan đến thuế, trong cùng bối cảnh, việc tối ưu hóa thu nhập chịu thuế ảnh hưởng đến lợi ích của các bên liên quan (MacNaughton và cộng sự, 1997; Nanik và cộng sự, 2015).
Tuy nhiên, kết quả này lại trái ngược với quan điểm của Wang (2011);
Jonathan và cộng sự (2016), khi cho rằng né tránh thuế tác động cùng chiều với GTDN. Và cũng theo Desai và cộng sự (2006), cho rằng các công ty thực hiện quản trị doanh nghiệp tối ưu sẽ có tác động đáng kể đến chính sách quản lý trong việc né tránh thuế đối với GTDN. Theo kết luận tương tự, Bryant Kutcher và cộng sự (2012) cho thấy các nhà quản lý lợi ích tối ưu hóa thuế để giảm gánh nặng thuế và tối đa hóa mức lợi nhuận.
Tại Việt Nam, hoạt động né tránh thuế đang ngày càng phổ biến, kể cả doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước đều tận dụng những sơ hở và những ưu đãi trong pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam để tìm cách giảm nghĩa vụ thuế và điều này gây ra tình trạng sụt giảm ngân sách nhà nước, bất công trong phân bổ nguồn lực của xã hội và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Những hành vi né tránh thuế phổ biến hiện nay tại Việt Nam như: chuyển hóa thu nhập, vốn mỏng hoặc chuyển giá. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng cố ý đẩy chi phí đầu vào lên cao và lợi dụng tối đa các ưu đãi của Chính Phủ đối với các doanh nghiệp mới thành lập, như ưu đãi về thời gian được phép lỗ, các chi phí liên quan đến quảng cáo, marketing,… Tóm lại, thực tế tại Việt Nam hiện đã và đang xuất hiện nhiều các hành vi tận dụng những lỗ hỏng và những ưu đãi của Chính phủ về pháp luật thuế nói chung và thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng để giảm thiếu lượng thuế phải đóng cho Chính phủ.
Mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước (STATE) và giá trị doanh nghiệp
61
Từ kết quả hồi quy của biến STATE thấy rằng sở hữu nhà nước tác động ngược chiều với GTDN của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả hồi quy cho thấy giả thuyết sở hữu nhà nước tác động ngược chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được chấp nhận. Đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu này là nghiên cứu của Lee và cộng sự (2011), khi cho rằng sở hữu nhà nước có tác động ngược chiều lên GTDN. Với các quốc gia, nét đặc thù của sở hữu nhà nước được thể hiện rõ rệt khi mọi hoạt động kinh tế từ vi mô đến vĩ mô đều có sự can thiệp của nhà nước và khi người đại diện cho phần vốn góp của nhà nước trong doanh nghiệp lại không phải là cổ đông của doanh nghiệp thì sở hữu nhà nước sẽ có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động cũng như GTDN.
Bên cạnh đó, Chan và cộng sự (2013), đã phát hiện ra rằng những doanh nghiệp có nhà nước là cổ đông kiểm soát thì ít có những biện pháp né tránh thuế hơn các doanh nghiệp còn lại. Tác giả cho rằng những cổ đông nhà nước thường tập trung vào những chiến lược mang tính chính trị và xã hội chứ không nhất thiết phải tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì thế mà ít chú trọng đến những chiến lược nhằm né tránh thuế.
Tại Việt Nam, theo chủ trương của Chính phủ thì các doanh nghiệp nhà nước đang dần thực hiện cổ phần hóa để đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Bên cạnh đó, thì các cổ đông đại diện cho sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp khác đang trên lộ trình thoái vốn ra những doanh nghiệp không đạt hiệu quả kinh doanh và dần tăng tỉ lệ sở hữu với những doanh nghiệp có tiềm năng cũng như đạt hiểu qua như kỳ vọng.
Mối quan hệ giữa sở hữu nước ngoài (FOREIGN) và giá trị doanh nghiệp Từ kết quả hồi quy của biến FOREIGN có thể thấy sở hữu nước ngoài có tác động cùng chiều với GTDN ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả hồi quy cho thấy giả thuyết sở hữu nước ngoài tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được chấp nhận, đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu này là nghiên cứu của Wu và cộng sự (2013), khi cho rằng ở Trung Quốc những doanh nghiệp tư
62
nhân đặc biệt là những doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài thường hoạt động có hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn vào GDP của địa phương, trong khi môi trường về kinh tế và chính trị lại có lợi hơn cho các doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. Do đó, chính quyền địa phương thường sử dụng những chính sách của địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân và những chính sách đó thường liên quan về thuế. Bên cạnh đó, theo Hoàng Thị Phương Thảo và cộng sự (2017), cho rằng những công ty có sở hữu nước ngoài thì hành vi né tránh thuế sẽ làm tăng GTDN.
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng như cổ phần sở hữu nước ngoài của những doanh nghiệp ngày càng tăng. Điều này cũng chứng minh cho sự trở mình mạnh mẽ của thị trường Việt Nam, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với sự kém phát triển của những doanh nghiệp nội địa.
Mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp (SIZE) và giá trị doanh nghiệp Từ kết quả hồi quy của biến quy mô doanh nghiệp thấy rằng quy mô doanh nghiệp tác động cùng chiều với GTDN tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê. Kết quả hồi quy cho thấy giả thuyết quy mô doanh nghiệp tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được chấp nhận. Đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu này là nghiên cứu của Short và cộng sự (1999); Joh (2003); Black và cộng sự (2007); Serrasqueiro và cộng sự (2008), khi các kết quả đều cho rằng các doanh nghiệp có thể đạt được dòng tiền nội bộ thặng dư tốt hơn nếu doanh nghiệp có quy mô càng lớn khi đó sẽ có được các cơ hội đầu tư tốt hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Được xem là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như là yếu tố quyết định của một doanh nghiệp vì thế quy mô doanh nghiệp có tác động đáng kể đến GTDN.
Đồng thời, Antoniou và các cộng sự (2008), cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp thường có ít rủi ro phá sản và thông tin được minh bạch ở mức độ cao khi có quy mô lớn hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cho nên các doanh nghiệp
63
này có thể tiếp cận với thị trường vốn bên ngoài dễ dàng hơn với mức chi phí vay nợ thấp hơn để có thể tối đa hóa lợi nhuận từ lá chắn thuế. Kết quả là doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì GTDN càng lớn so với doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn nhỏ đang song hành cùng sự phát triển chung của đất nước vì thế các doanh nghiệp cũng chú trọng đến sự phát triển của chính mình, tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì đã có 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù đây là những doanh nghiệp tạo ra năng lượng sống cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại không đủ quy mô, khả năng tiếp cận tài chính kém cũng như thiếu hụt về công nghệ nên không đạt hiệu quả cao.
Mối quan hệ giữa tổng dồn tích (ACCT) và giá trị doanh nghiệp
Dựa vào kết quả hồi quy của biến tổng dồn tích cho thấy rằng tổng dồn tích của các doanh nghiệp tác động ngược chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ở mức ý nghĩa 1%. So với kỳ vọng ban đầu của tác giả thì kết quả nghiên cứu này không phù hợp và không cùng quan điểm với những kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu khác như: Frank và cộng sự (2009); Assidi và cộng sự (2016). Điều này giải thích cho việc khi tổng dồn tích cao tương ứng với chênh lệch giữa lợi nhuận và dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thấp thì doanh nghiệp thực hiện quản trị lợi nhuận chưa tốt và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc làm giảm GTDN.
Mối quan hệ giữa mức độ đầu tư (INV) và giá trị doanh nghiệp
Từ kết quả hồi quy của biến INV thấy rằng mức độ đầu tư tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ở mức ý nghĩa 10%.
Kết quả này cùng với kỳ vọng ban đầu của tác giả và đồng quan điểm với các nghiên cứu trước như Cho (1998); Frank (2002); Assidi và cộng sự (2016). Điều này giải thích cho việc mức độ đầu tư càng cao tương ứng với việc các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư tài sản cố định càng cao, đồng nghĩa với việc chi phí khấu hao của doanh nghiệp gia tăng vì thế mà doanh nghiệp càng hưởng nhiều ưu
64
đãi từ lá chắn thuế. Từ đó, lợi nhuận của doanh nghiệp và tài sản của cổ đông cũng được gia tăng, đồng nghĩa với việc gia tăng GTDN.
Mối quan hệ giữa tốc độ tăng trường (GROWTH) và giá trị doanh nghiệp Từ kết quả hồi quy của biến GROWTH có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu của tác giả và đồng quan điểm với các nghiên cứu trước như: Võ Minh Long (2017); Chen và cộng sự (2018). Khi cho rằng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp từ đó mà tác động đến GTDN của doanh nghiệp đó. Ở những nghiên cứu trước GROWTH được sử dụng làm biến độc lập trong mô hình hồi quy nghiên cứu sự tác động của né tránh thuế đến GTDN, và kết quả cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng tác động cùng chiều với GTDN.
Tuy nhiên kết quả này chưa có ý nghĩa thống kê cho thấy tại các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE giai đoạn 2010 – 2018, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp không tác động đến giá trị của doanh nghiệp.
Mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và giá trị doanh nghiệp
Từ kết quả hồi quy của biến ROA thấy rằng tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả này đúng với kỳ vọng ban đầu của tác giả và đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu của Le Thi Phuong Vy và cộng sự (2013); Asiri và cộng sự (2014). Điều này giải thích cho việc nếu ROA càng cao chứng tỏ các nhà đầu tư có thể kiếm được càng nhiều lợi nhuận trên tổng tài sản mà các nhà đầu tư bỏ ra và ROA thường là chỉ số đánh giá tổng quát về tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp trên thị trường vốn, đây là chỉ số mà các nhà đầu tư thường quan tâm đến khi quyết định đầu tư vào 1 công ty nào đó. Vì thế các nhà quản trị cần quản trị tốt chỉ số ROA cũng như là quản trị thật tốt lợi nhuận và tài sản của doanh nghiệp.
Cũng nhiều nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng ROA làm biến độc lập nhằm kiểm
65
định sự tác động của né tránh thuế đến GTDN như: Chen và cộng sự (2018); Taher và cộng sự (2017).
Mối quan hệ giữa đòn bẩy doanh nghiệp (DEBT) và giá trị doanh nghiệp Từ kết quả hồi quy của biến DEBT cho thấy rằng đòn bẩy doanh nghiệp tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả này không đúng với kỳ vọng ban đầu của tác giả nhưng đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu của Miller và cộng sự (1963), khi cho rằng các doanh nghiệp sử dụng nợ vay càng nhiều trong cấu trúc vốn sẽ càng nhận được nhiều ưu đãi từ lá chắn thuế và từ đó làm gia tăng GTDN. Davies và cộng sự (2005); Mishra (2014), cũng cho rằng đòn bẩy doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực với GTDN.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm đòn bẩy làm tăng GTDN thì cũng có bằng chứng thực nghiệm cho rằng đòn bẩy tác động ngược chiều với GTDN khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay nhiều trong cấu trúc vốn thì sẽ phải đối mặt với việc không thể tử chủ được tài chính cũng như rủi ro không trả được lãi vay dẫn đến tình trạng phá sản công ty (Bartram và cộng sự, 2011). Và cũng theo Assidi và cộng sự (2016), DEBT được sử dụng làm biến độc lập nhằm nghiên cứu sự tác động của hành vi né tránh thuế đến GTDN và kết quả nghiên cứu cũng cho rằng đòn bẩy doanh nghiệp tác động ngược chiều với GTDN.
Mối quan hệ giữa chỉ số doanh thu của doanh nghiệp (SALES) và giá trị doanh nghiệp
Từ kết quả hồi quy của biến SALES cho thấy rằng chỉ số doanh thu tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả này đúng với kỳ vọng ban đầu của tác giả và đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu của Võ Xuân Vinh (2014) và Võ Minh Long (2017). Điều này giải thích rằng chỉ số doanh thu của công ty có tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và qua đó có tác động đến GTDN. Nếu doanh thu càng tăng thì lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng theo và cộng hưởng đến sự gia tăng của GTDN.
Thành quả cuối cùng của mỗi doanh nghiệp đó chính là lợi nhuận và để đạt được
66
mục đích cuối cùng đó thì doanh nghiệp phải đạt được doanh thu như kỳ vọng ban đầu và từ đó dễ dàng gia tăng GTDN trong tương lai. Và đây cũng là kết quả nghiên cứu của Drăniceanu và cộng sự (2013).
Mối quan hệ giữa tuổi doanh nghiệp (AGE) và giá trị doanh nghiệp
Từ kết quả hồi quy của biến AGE cho thấy rằng tuổi doanh nghiệp tác động cùng chiều với GTDN của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả này đúng với kỳ vọng ban đầu của tác giả và đồng quan điểm với kết quả nghiên cứu của Dalton và cộng sự (1998, 1999); Hoque và cộng sự (2014); Võ Minh Long (2017). Điều này lý giải rằng tuổi của doanh nghiệp có ảnh hưởng gián tiếp đến các loại quyết định quan trọng của công ty. Những doanh nghiệp có tuổi đời doanh nghiệp càng nhiều thì càng tích lũy nhiều lợi nhuận qua từng năm và đây được xem là nguồn tài trợ ổn định cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, lợi thế nhất định mà các doanh nghiệp được thành lập trước thường có như: uy tín, thương hiệu, thị trường,...
Đối với các bằng chứng thực nghiệm của Taher và cộng sự (2017); Razali và cộng sự (2018), về sự tác động của né tránh thuế đến GTDN thì kết quả chứng minh rằng biến AGE tác động cùng chiều với GTDN.
67
KẾT LUẬN CHƯƠNG
Trước khi phân tích sự tác động của né tránh thuế đến GTDN được niêm yết trên sàn HOSE thì luận văn thực hiện kiểm định phương sai sai số thay đổi, kiểm định tự tương quan và kiểm định đa cộng tuyển. Sau khi phát hiện những sai phạm mà nghiên cứu gặp phải thì luận văn thực hiện hồi quy bằng phương pháp PCSE và đã tìm thấy được sự tác động của né tránh thuế đến GTDN là tác động ngược chiều với mức ý nghĩa 10%. Ngoài ra, các biến khác như: FOREIGN, INV, ROA, DEBT, GROWTH, SIZE, SALES và FAGE đều có tác động cùng chiều với GTDN và phần lớn đều ở mức ý nghĩa 1% và 5%. Bên cạnh đó, các biến như: STATE và ACCT có tác động ngược chiều đến GTDN và có mức ý mức nghĩa tương ứng với 5% và 1%.
Tuy nhiên, biến SIZE và GROWTH không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu.