2.3. Tổ chức phát triển quỹ đất ở việt nam hiện nay
2.3.4. Đánh giá về tổ chức và hoạt động của các Tổ chức phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội
2.3.4.1. Quyết định thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3868/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất các Trung tâm Phát triển quỹ đất hiện có trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; có các chi nhánh; có tư cách pháp nhân và con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Trung tâm có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai. Trụ sở chính của Trung tâm đặt tại tầng 1, nhà N2D, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Về tổ chức bộ máy, Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc; Các tổ chức trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội gồm các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Hành chính - tổng hợp; Phòng Kế hoạch - tài chính; Phòng Bồi thường và giải phóng mặt bằng; Phòng Quản lý và phát triển quỹ đất; Phòng Kỹ thuật và thông tin đất đai và các Chi nhánh của Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đặt tại một số quận, huyện, thị xã (trước mắt được tổ chức tại 24 đơn vị).
2.3.4.2. Đánh giá về bộ máy tổ chức và năng lực thực hiện nhiệm vụ a. Mặt tích cực
- Các địa phương đã chủ động, tích cực kiện toàn hoặc thành lập mới các Tổ chức phát triển quỹ đất theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BNV.
- Bộ máy tổ chức và điều kiện làm việc của Tổ chức phát triển quỹ đất các
cấp tương đối phù hợp với yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện tại và khả năng thực tế của các địa phương.
- Đội ngũ nhân viên được tiếp tục tăng cường (bình quân 36 người đối với Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và 19 người đối với Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện).
- Trình độ của cán bộ viên chức được nâng cao (bình quân có trên 2/3 số cán bộ viên chức đạt trình độ đại học hoặc trên đại học).
b. Một số tồn tại hạn chế
- Về số lượng cán bộ: Một số Tổ chức phát triển quỹ đất có số lượng cán bộ quá ít hoặc phân bố chưa đồng đều để có thể triển khai được nhiệm vụ.
- Về cơ cấu tổ chức: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BNV thì cơ cấu tổ chức của Tổ chức phát triển quỹ đất không vượt quá 3 phòng ban, tuy nhiên, một số địa phương đã thành lập số phòng ban vượt quá số lượng quy định.
- Bộ máy Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương chưa được hình thành một cách có hệ thống, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh với các Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do chưa có hệ thống quản lý thống nhất theo hệ thống ngành dọc nên hoạt động phát triển quỹ đất của nhiều địa phương còn manh mún, chưa hiệu quả và chưa phát huy được vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất như yêu cầu đặt ra.
- Tính chất công việc theo nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất là phức tạp và khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho cán bộ là viên chức làm việc trong trong các Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, nhiều địa phương có chỉ tiêu viên chức sự nghiệp được duyệt nhưng không thu hút được các đối tượng có kinh nghiệm công tác và năng lực chuyên môn phù hợp vào làm việc trong Tổ chức phát triển quỹ đất. Điều đó làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả công việc của các Trung tâm phát triển quỹ đất.
- Công tác tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về tổ chức và chuyên môn cho cán bộ viên chức của các Tổ chức phát triển quỹ đất hầu như chưa được thực hiện nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng hoạt động của các Tổ chức phát triển quỹ đất.
- Các địa phương đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên điều kiện làm việc nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trụ sở làm việc (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2013).
c. Những nguyên nhân cơ bản
- Về việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất các cấp:
+ Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh: Do nhận thức về vai trò, chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa đầy đủ nên một số địa phương đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất theo hình thức sát nhập hoặc kết hợp với một số tổ chức khác. Tuy nhiên, việc sát nhập đó là không phù hợp vì pháp luật đã quy định mỗi đơn vị đều có chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động khác nhau, thậm chí có những chức năng bắt buộc phải độc lập với nhau như chức năng cấp vốn (Quỹ phát triển đất) và chức năng sử dụng vốn (Tổ chức phát triển quỹ đất).
+ Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện: Do điều kiện địa lý và mức độ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương là khác nhau nên nhu cầu sử dụng quỹ đất của từng địa phương, tại từng địa bàn cụ thể cũng khác nhau. Đây là nguyên nhân chính làm cho việc thành lập tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện ở các địa phương còn chưa cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương ở vị trí địa lý và mức độ phát triển kinh tế xã hội cao nhưng vẫn chưa thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện hoặc có thành lập nhưng với tỷ lệ thấp.
- Về hệ thống Tổ chức phát triển quỹ đất:
+ Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy hệ thống quản lý không thống nhất nên Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện là 2 tổ chức độc lập, không có mối liên hệ quản lý theo ngành dọc nên Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện không chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện chưa có sự gắn kết trong hoạt động thực hiện công tác chuyên môn, chưa có sự phối kết hợp, hỗ trợ trong mối quan hệ công tác giữa cấp tỉnh với cấp huyện.
- Về năng lực của đội ngũ cán bộ: Công tác đào tào, tập huấn về chuyên
môn nghiệp vụ cho cán bộ của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được chú trọng từ Trung ương tới các địa phương là nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ tại các Tổ chức phát triển quỹ đất các địa phương tuy có trình độ khá cao (khoảng 2/3 tổng số cán bộ viên chức có trình độ đại học và trên đại học), nhưng hiệu quả công việc chưa cao vì còn thiếu về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế.
- Về chế độ chính sách: Theo chức năng nhiệm vụ thì Tổ chức phát triển quỹ đất là một trong những đơn vị sự nghiệp đặc thù. Tuy nhiên, quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp phòng và viên chức làm việc trong các Tổ chức phát triển quỹ đất chưa cụ thể. Vì vậy, chưa tạo điều kiện cho việc thu hút nguồn cán bộ có chất lượng cho hoạt động phát triển quỹ đất của các địa phương.
2.3.4.3. Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ a. Mặt tích cực
- Các địa phương đã tạo điều kiện bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu thực tế để Tổ chức phát triển quỹ đất từng bước phát huy vai trò phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn vướng mắc, nhưng các Tổ chức phát triển quỹ đất đã tính cực, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ để công tác thu hồi đất được nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao và không để xảy ra sai phạm.
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng và tổ chức thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất tuy chưa nhiều nhưng đã có những kết quả ban đầu rất tích cực (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2013).
b. Một số tồn tại hạn chế
- Chức năng nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan tới hoạt động phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa hình thành được quy trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan có một cách có hệ thống và đồng bộ.
- Hoạt động của các Tổ chức phát triển quỹ đất phụ thuộc rất lớn vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy, đối với các
trung tâm đô thị lớn, có trình độ phát triển kinh tế cao thì các Tổ chức phát triển quỹ đất có điều kiện triển khai cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ nêu tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC, còn đối với các địa phương chưa có điều kiện phát triển hoặc ở vùng xa trung tâm đô thị thì việc triển khai nhiệm vụ chủ yếu chỉ giới hạn trong hoạt động thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, không có điều kiện triển khai xây dựng các phương án và đề xuất thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch. Thậm chí nhiều địa phương đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất nhưng chưa được giao thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào.
- Một số địa phương vẫn duy trì song song Ban bồi thường giải phóng phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án (có chức năng thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng) cùng với Tổ chức phát triển quỹ đất ở cấp huyện nên công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bị chồng chéo, phức tạp (Đặng Quốc Bảo, 2005).
- Việc phối kết hợp với các ngành và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của Tổ chức phát triển quỹ đất còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Số lượng Tổ chức phát triển quỹ đất được giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư là chưa nhiều. Việc bố trí giao nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư chưa đồng bộ với việc giao nhiệm vụ bồi thường GPMB nên công tác giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do thiếu chủ động.
- Việc giao nhiệm vụ thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các Tổ chức phát triển quỹ đất còn nhiều hạn chế.
- Công tác quản lý quỹ đất còn bị động, chủ yếu là “giữ” đất mà chưa chủ động xây dựng và đề xuất các phương án sử dụng quỹ đất vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chưa có Tổ chức phát triển quỹ đất nào thực hiện nhiệm vụ tạo quỹ đất thông qua hoạt động nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Việc mở rộng cung cấp các hoạt động dịch vụ liên quan tới chức năng nhiệm vụ (ngoài công tác bồi thường GPMB) còn nhiều hạn chế, chỉ có một số ít Tổ chức phát triển quỹ đất chủ động đầu tư thiết bị và cung cấp dịch vụ đo đạc địa chính.
- Hoạt động liên doanh, liên kết hầu như chưa được các Tổ chức phát triển
quỹ đất áp dụng để mở rộng cơ hội hợp tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ.
c. Những nguyên nhân cơ bản
- Do mới được kiện toàn hoặc thành lập mới nên bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện, còn thiếu kinh nghiệm và năng lực nên đa số các Tổ chức phát triển quỹ đất chưa tích cực chủ động xây dựng các phương án, dự án theo chức năng nhiệm vụ và chọn lọc, đề xuất thực hiện các phương án, dự án phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương và điều kiện của đơn vị, chưa có đầy đủ điều kiện và năng lực để triển khai các hoạt động có quy mô lớn thuộc chức năng nhiệm vụ được giao.
- Việc triển khai nhiệm vụ còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng quỹ đất tại từng địa phương.
- Công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức tập huấn và trao đổi kinh nghiệm cho các Tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương còn nhiều hạn chế.
- Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa thực sự ổn định, tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương chưa chủ động mà còn phụ thuộc rất lớn vào những biến động kinh tế vĩ mô nên việc xây dựng hoặc đề xuất thực hiện các phương án, đề án tạo quỹ đất sạch rất khó thực hiện.
- Các cấp chính quyền ở một số địa phương còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất nên chưa giành sự quan tâm đúng mức về công tác tổ chức và giao nhiệm vụ để tạo điều kiện nâng cao năng lực và phát triển các tổ chức này.
- Quy chế làm việc và phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và trong việc triển khai các nhiệm vụ khác của Tổ chức phát triển quỹ đất còn nhiều bất cập.
- Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tế và cơ chế kiêm nhiệm trong hoạt động của Hội đồng giải phóng mặt bằng tại các địa phương làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng của các Tổ chức phát triển quỹ đất.
- Chính sách pháp luật về bán đấu tài sản còn chưa phù hợp và thiếu đồng bộ, nhận thức của nhiều địa phương về việc áp dụng các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản vào bán đấu giá quyền sử dụng đất là chưa đẩy đủ nên đã
và đang làm hạn chế việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất của các Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2013).
2.3.4.4. Đánh giá về cơ chế tài chính trong hoạt động a. Mặt tích cực
- Đã có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập và ban hành cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất, tạo điều kiện về nguồn vốn cho các Tổ chức phát triển quỹ đất mở rộng triển khai các nhiệm vụ phát triển quỹ đất.
- Chính sách pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã từng bước được bổ sung hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất.
- Trong điều kiện cơ chế tài chính cho hoạt động phát triển quỹ đất chưa được quy định cụ thể, các Tổ chức phát triển quỹ đất đã chủ động vận dụng các quy định hiện hành, khắc phục khó khăn để tập trung hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
b. Một số tồn tại hạn chế
- Hầu hết các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện nay đều đang hoạt động dựa trên nguồn vốn giải phóng mặt bằng từ ngân sách cấp cho các dự án cụ thể mà chưa chủ động xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn để mở rộng các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được quy định.
- Trong số các Quỹ phát triển đất đã hoạt động thì nguồn vốn chủ yếu cung cấp cho hoạt động bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hồi đất đã giao cho các dự án mà chưa tập trung cho hoạt động phát triển quỹ đất.
- Việc lập dự toán, ứng vốn từ quỹ phát triển đất đối với các dự án phát triển quỹ đất là rất khó khăn.
- Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để thực hiện hoạt động phát triển quỹ đất là chưa có cơ sở.
- Việc huy động vốn từ hoạt động liên doanh liên kết rất khó thực hiện.
- Không có nguồn viện trợ, tài trợ cho hoạt động phát triển quỹ đất.
- Cơ chế phân bổ nguồn thu từ hoạt động tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất chưa hợp lý, chưa phản ánh đúng vai trò và công việc của Tổ chức phát triển quỹ đất.