Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.4. Nhận xét về tình hình nghiên cứu đề tài và những vấn đề luận án cần giải quyết
1.4.1. Nhận xét về tình hình nghiên cứu đề tài
Như vậy, điểm qua những công trình nghiên cứu được khảo sát có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, về phương diện tư liệu: các nhà nghiên cứu đã khai thác được khối lượng khá lớn các công trình nghiên cứu về an sinh xã hội và chính sách an sinh xã hội, thể hiện ở số lượng các công trình nghiên cứu đã công bố. Những tư liệu này không chỉ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam nói riêng mà còn có ý nghĩa quan trọng cho những nghiên cứu kế tiếp khi theo đuổi chủ đề này.
Thứ hai, về phương diện phương pháp nghiên cứu: Những nghiên cứu về chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam đã được các nghiên cứu quan tâm từ những góc độ khác nhau. Do vấn đề chính sách an sinh xã hội là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học nên phương pháp tiếp cũng rất phong phú như: Chính trị học, Quốc tế học, Chính sách công, Kinh tế học, Xã hội học, Triết học, Lịch sử, Tâm lý học...
Thứ ba, về phương diện nội dung nghiên cứu: Trước hết cần thấy rằng, các công trình được khảo cứu đã cho thấy nội dung nghiên cứu của các tác giả rất phong phú. Đối với các công trình nghiên cứu về cơ sở lý luận về chính sách an sinh xã hội, các nghiên cứu đã làm rõ nội hàm của chính sách an sinh xã hội, các mô hình an sinh xã hội cơ bản. Đối với các công trình nghiên cứu về Cộng hòa Liên bang Đức, mới tập trung vào nghiên cứu chính sách an sinh xã hội như là một phần của chính sách xã hội nói chung, chưa có nhiều công trình phân tích chuyên biệt về chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Những công trình nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội Việt Nam khá phong phú. Điều này thể hiện mối quan tâm của Đảng, Nhà Nước các cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đất nước. Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít công trình đề cập tới việc tham khảo, vận dụng mô hình an sinh xã hội từ các nước phát triển, trong đó có kinh nghiệm thực hiện chính sách an sinh xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức.
Tóm lại, nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay và gợi ý chính sách cho Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về phương diện cả về tư liệu, phương pháp và nội dung. Tuy nhiên, tác giả luận án nhận thấy vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết:
Một là, những hạn chế trong khai thác và sử dụng tư liệu: đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam thì việc khai thác các tài liệu ở nước ngoài, nhất là tài liệu tiếng Đức và khảo sát thực tế tại Đức là rất quan trọng, nhưng do hạn chế về kinh phí và ngôn ngữ nên đây một trở ngại.
Hai là, phương pháp nghiên cứu liên ngành còn ít được sử dụng trong các nghiên cứu. Chính sách an sinh xã hội là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học nên được tiếp cận và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau; hơn nữa chính sách an sinh xã hội là một vấn đề có nội hàm rộng, có tác động đa chiều tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa... nên nghiên cứu về chủ đề này
cần thiết phải sử dụng phương pháp liên ngành. Trong số các nghiên cứu về Cộng hòa Liên bang Đức ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các tác giả tiếp cận vấn đề với các phương pháp Kinh tế học và Lịch sử.
Ba là, mặc dù nhiều công trình nghiên cứu về Đức đã được công với nội dung khá phong phú về nhiều lĩnh vực như: lịch sử phát triển, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy còn thiếu những công trình nghiên cứu chuyên sâu về chính sách an sinh xã hội của nước Đức, nhất là giai đoạn từ từ sau thống nhất đất nước tới nay.
1.4.2. Những vấn đề luận án tập trung giải quyết
Trên cơ sở những kết quả, gợi ý của các tác giả và những công trình nghiên cứu đã công bố, tôi xác định những vấn đề cần tập trung làm rõ trong luận án, đó là:
Thứ nhất, luận án sẽ phân tích cơ sở lý luận về an sinh xã hội, chính sách an sinh xã hội trong điều kiện của nước Đức và Việt Nam cũng như sự lựa chọn mô hình chính sách an sinh xã hội của mỗi nước.
Thứ hai, luận án sẽ làm rõ cấu trúc, nội dung, đặc điểm cũng như kết quả và xung hướng vận động của chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Thứ ba, làm rõ những nội dung cơ bản của hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam với cả thành tựu và hạn chế cần phải được hoàn thiện.
Thứ tư, phân tích những bài học từ phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức và khả năng có thể vận dụng những kinh nghiệm đó vào quá trình hoàn thiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam.