Chương 3. CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TẠI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC HIỆN NAY: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN
3.2. Nôi dung và đặc điểm của hệ thống chính sách an sinh xã hộitại Cộng hòa Liên bang Đức
3.2.2. Đặc điểm của hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức
Hệ thống an sinh xã hội của Đức dựa trên nguyên tắc của nhà nước phúc lợi, đó là nguyên tắc giúp đỡ người hoạn nạn và tích cực phòng ngừa. Thông qua bảo hiểm xã hội, nhà nước phúc lợi bảo vệ công dân của mình trước những rủi ro đe dọa sự tồn tại của họ.
Hệ thống an sinh xã hội của Đức được chủ yếu thực hiện theo mô hình Bismarck, lấy hệ thống bảo hiểm xã hội là nòng cốt để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân.
Hệ thống an sinh xã hội của nước Đức được hình thành từ thế kỷ XIX thông qua bốn loại bảo hiểm ban đầu là Bảo hiểm y tế (thực hiện từ năm 1883), Bảo hiểm tai nạn (1884) Bảo hiểm hưu trí (1889) và Bảo hiểm thất nghiệp (1927). Từ năm 1994, Đức thực hiện Đạo luật về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và loại bảo hiểm này trở thành một trong những bộ phận cơ bản của của hệ thống bảo hiểm xã hội Đức. Bên cạnh hệ thống bảo hiểm, các hình thức bảo trợ xã hội
khác như bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em, bảo trợ dành cho người già… cũng được phát triển mạnh mẽ tại Đức. Do những khó khăn về kinh tế và hậu quả của các cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, hệ thống an sinh xã hội của Đức ngày càng được ưa chuộng và mở rộng lĩnh vực hoạt động và quy mô tài chính. Có thể thấy thói quen được hưởng sự “đảm bảo xã hội” thông qua hệ thống an sinh xã hội đã trở thành một giá trị xã hội và ngày càng ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Đức rõ nét hơn ở các nước khác. Một chế độ xã hội theo mô hình này đã được xây dựng ở Đức, với đặc trưng chủ đạo là Nhà nước thị trường xã hội (hình thành từ năm 1949) với mục đích là kết hợp sức mạnh của nền kinh tế thị trường thuần túy với quyền tự do của con người đã đạt tới mức độ cao, tính hiệu quả kinh tế và hiệu quả can thiệp của chính phủ nhằm khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường vì mục đích công bằng xã hội. Ba đặc trưng chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Đức là:
- Một là, chế độ phúc lợi xã hội của Đức được đặc trưng bởi yếu tố: mọi người đang độ tuổi làm việc và có khả năng làm việc đều có quyền đảm bảo điều kiện sống và nhận sự hỗ trợ đối với gia đình bằng cách tham gia vào thị trường lao động. Nhờ những kết quả của việc điều chỉnh thị trường lao động và những thỏa thuận mang tính tập thể, sự tham gia của những người trụ cột (không nhất thiết phải là nam giới) trên thị trường lao động được dựa trên cơ sở của một mối quan hệ việc làm chuẩn mực. Có nghĩa là trong các điều luật xã hội và lao động, không có những hạn chế về việc làm đầy đủ thời gian theo luật định, mức độ và cơ cấu tiền lương cho phép người lao động làm đầy đủ thời gian theo quy định được đảm bảo mức sống ở trên mức nghèo khổ.
- Hai là, chế độ phúc lợi ở Cộng hòa Liên bang Đức đảm bảo cung cấp phúc lợi xã hội cho người dân thông qua các biện pháp như trợ cấp cho trẻ em, trợ cấp gia đình, trợ cấp nhà ở, trợ cấp cho giáo dục cao hơn… Những lợi ích này được tính thêm vào lương và thu nhập, làm giảm nhu cầu trợ giúp xã hội và làm cho xã hội Đức được hưởng phúc lợi xã hội rất cao.
- Ba là, Cốt lõi của chế độ phúc lợi tại Cộng hòa Liên bang Đức là hệ thống bảo hiểm xã hội đạt trình độ phát triển cao. Có thể thấy rằng hệ thống
chính sách an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức có tính “chủ động” cao.
Sở dĩ chính sách an sinh xã hội có tính chủ động bởi vì thông qua hệ thống bảo hiểm được thiết kế khoa học, được đóng góp bởi các chủ thể người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật, điều này giúp cho các thành viên trong xã hội được bảo đảm cuộc sống trước những rủi ro của cuộc sống như thất nghiệp, tuổi già, bệnh tật, ốm đau, hoặc khi có nhu cầu được trợ giúp.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội là một bộ phân cơ bản của hệ thống chính sách xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức nhằm đảm bảo và tăng cường về vật chất cho tất cả các thành viên trong xã hội bằng các biện pháp đảm bảo về cơ hội việc làm cho cá nhân thông qua một hệ thống an toàn xã hội; thực hiện công bằng xã hội cả ở khâu sản xuất và phân phối; đảm bảo ổn định và phát triển xã hội. Chính sách an sinh xã hội được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc chung của nền kinh tế thị trường xã hội đó là:
- Một là, nguyên tắc hợp Hiến: nguyên tắc này thể hiện ở những chuẩn mực đòi hỏi phải có những hành động có cơ sở về mặt xã hội, theo sự nhận thức về nhu cầu xã hội được nêu ra trong Hiến pháp/ Luật cơ bản, đó là: Bảo vệ phẩm giá con người, thể hiện ở sự đảm bảo những điều kiện lao động mà con người chấp nhận như quyền tự do phát triển cá nhân, cấm phân biệt về giới tính, tuổi tác, nguồn gốc, quyền tự do tham gia các liên đoàn, công đoàn và các tổ chức khác trên cơ sở tự do lựa chọn và nhằm mục đích khác nhau, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp…
- Hai là, nguyên tắc đoàn kết và hỗ trợ: Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt, nó là nguyên tắc trụ cột cho việc xây dựng nội dung của chính sách xã hội.
Đoàn kết ở đây được hiểu là sự gắn bó mật thiết giữa từng nhóm người riêng lẻ trong xã hội như gia đình, cộng đồng những người được bảo hiểm, nhà nước và các nhóm đó với nhau. Nguyên tắc này mang tính đạo lý, nhấn mạnh ý nghĩa của sự có trách nhiệm lẫn nhau trong nội bộ và giữa các nhóm trong xã hội. Đó là cơ sở để cùng nhau chống lại những hiểm nguy và thiệt hại chung.