Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN CHO CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội
Việc hoạch định và thực thi chính sách an sinh xã hội ở mỗi quốc gia thường bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, có thể kể tới ba nhân tố chính như sau:
2.2.1. Thể chế chính sách về an sinh xã hội
Thể chế chính sách đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.
Nội dung cơ bản của thể chế này là xác định khung khổ pháp lý (Hiến pháp, luật, các văn bản dưới luật...), phạm vi các chính sách/chế độ, đối tượng tham gia, tiêu chí, điều kiện tham gia, cơ chế đóng góp (tùy từng hình thức, chế độ), quyền lợi hưởng thụ và những điều kiện ràng buộc. Thể chế chính sách gắn với chủ thể nhà nước, qua đó xác định trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, chế độ đề ra.
Thể chế chính sách là yếu tố được hình thành từ nhu cầu thực tế của các thành viên trong xã hội cần được bảo vệ trước các nguy cơ bị rủi ro mà họ không tự bảo vệ được. Tuy nhiên, không phải mọi thành viên trong xã hội đều có nhu cầu
và có cơ hội ngang nhau trong việc tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. An sinh xã hội được hình thành và phát triển theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, ngay cả những nước coi an sinh xã hội là quyền của người dân, lộ trình để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân cũng phải kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thế kỷ, ví dụ: Đức, Pháp cần khoảng 70 năm, Thụy Điển trên 100 năm, Nhật Bản kéo dài khoảng 60 năm.
2.2.2. Thể chế tài chính
Để thực hiện chính sách an sinh xã hội cần có các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Thể chế tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thể chế tài chính quy định cụ thể cơ chế đối với từng loại chính sách, từng nhóm đối tượng (tỷ lệ đóng góp của người dân, người sử dụng lao động, của nhà nước…); cơ chế cân đối thu - chi, đầu tư phát triển quỹ; giá cả, cơ chế và chất lượng cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.
Cơ chế tài chính của các hợp phần của an sinh xã hội không hoàn toàn giống nhau. Các loại hình bảo hiểm có thể áp dụng cơ chế “có đóng - có hưởng”, còn đa số các hợp phần trợ giúp xã hội thì nguồn tài chính chủ yếu do ngân sách nhà nước cung cấp.
Thể chế tài chính của hệ thống an sinh xã hội có quan hệ chặt chẽ với chính sách thuế và tài chính (tài khóa) và phụ thuộc vào mô hình hệ thống an sinh xã hội. Ví dụ, các nước theo mô hình nhà nước phúc lợi thường thu thuế cao (kể cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập gia tăng hoặc thuế xuất nhập khẩu cũng như các khoản lệ phí khác) để có nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho mọi người dân5. Ngược lại, các quốc gia theo mô hình nhà nước xã hội khuyến khích tăng trưởng nhanh hơn nên thuế thu nhập thấp hơn và chỉ thực hiện chính sách an sinh xã hội ở mức thấp, với phạm vi chính sách và đối tượng bao phủ cũng bị giới hạn.
5 Kinh nghiệm của Thụy điển là thu thuế cao để bảo đảm phúc lợi xã hội tốt cho mọi người dân dựa trên kinh tế tăng trưởng liên tục nhiều năm, nhất là thập kỷ 90 của thế kỷ XX.
Trong thể chế tài chính, vấn đề hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia hệ thống an sinh xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Người nghèo, lao động khu vực phi chính thức thường có thu nhập thấp và không ổn định, do vậy nếu không có sự tài trợ của nhà nước thì khó tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Việc bố trí nguồn lực tài chính cho các chính sách an sinh xã hội tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Một số nước phát triển, ngân sách dành cho các chính sách an sinh xã hội có thể lên đến 30% tổng ngân sách nhà nước hoặc khoảng 15% GDP, trong khi đối với các nước đang phát triển, chỉ khoảng 5% GDP. Ngân sách nhà nước cho thực hiện an sinh xã hội tại Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay chiếm 33% ngân sách nhà nước.
2.2.3. Các đối tác tham gia
Các đối tác tham gia có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm: nhà nước, khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi nhân tố đều có vai trò quan trọng và có mối quan hệ biện chứng với nhau, phụ thuộc và chi phối lẫn nhau, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội ổn định và bền vững.
Các đối tác thuộc khu vực nhà nước bao gồm: các cơ quan lập pháp - quốc hội có chức năng thông qua/ ban hành các đạo luật về an sinh xã hội hoặc các luật riêng (luật bảo hiểm xã hội, luật bảo hiểm y tế…) và giám sát tối cao việc thực hiện; các cơ quan hành pháp bao gồm các bộ, ngành của chính phủ có chức năng/vai trò/ thẩm quyền quản lý hoạt động của từng chính sách theo phân cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã…); các cơ quan tư pháp như tòa án…
Các đối tác thuộc khu vực tư nhân gồm: các công ty cung cấp dịch vụ an sinh xã hội (công ty bảo hiểm, bệnh viện, trường học…); các nhóm tương trợ;
gia đình, họ hàng, cá nhân.
Các hiệp hội, tổ chức từ thiện gồm: công đoàn, các nghiệp đoàn, các tổ chức khác của người lao động; các tổ chức phi chính phủ; hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo (nhà thờ, chùa…).
Sơ đồ 2.2: Các đối tác tham gia hệ thống an sinh xã hội [190, tr.40]