CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VIỆC KHAI THÁC VĂN HÓA ẨM THỰC TRONG DU LỊCH
1.4. Những bài học kinh nghiệm về khai thác văn hóa ẩm thực trong du lịch
1.4.2. Kinh nghiệm trong nước
Ở Việt Nam, nghệ thuật ẩm thực của người dân xứ Huế có thể nói là đã đạt đến đỉnh cao. Huế cũng là khu vực điển hình khai thác thành công loại hình du lịch văn hóa ẩm thực.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực Huế cấu thành bởi các món ăn chay (chủ yếu dành cho các tu sĩ Phật giáo), ăn ngự thiện và dân giã. Ở nông thôn, bữa ăn thường ngày đơn giản là cua đồng, cá ruộng, rau vườn nhưng mỗi khi giỗ kỵ hay lễ tết, người ta vẫn có thể chế biến thành những món ăn tinh xảo không thua kém cung đình.
Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả… thính giác. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời, người Huế thích ăn bằng mắt. Nhưng dù huy động toàn bộ giác quan cho việc hấp thụ dinh dưỡng, người Huế cũng chỉ cốt “ăn lấy hương lấy hoa”, như họ thường tự nói về mình. Sự thanh thản ấy có thể nhận biết trên những chiếc bánh bèo nhỏ xíu như chực tan ngay đầu lưỡi, những lá bánh nậm mỏng tang cánh chuồn, tô bánh canh Nam Phổ bày biện như bức tranh nhiều màu sắc, chén chè bắp Cồn Hến mát lịm mà hương thơm theo vào tận giấc mơ… Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho thực khách một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon.
Huế đặc biệt còn lưu giữ trên 1000 món ăn nấu theo lối Huế, có cả những món ăn ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Bản thực đơn ngự thiện có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỷ mỷ, cầu kỳ. Các món ăn dân giã rất phổ biến trong quần chúng với bản thực đơn phong phú hàng trăm món
được các bà nội trợ Huế chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng giỏi giang, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất hơn lượng; nghệ thuật bày biện các món ăn rất đẹp mắt, nghệ thuật thưởng thức tinh tế. Ngoài ra, nếu ai đã từng thưởng thức một bữa cơm chay Huế (các món ăn được chế biến từ các loại thực vật), chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hương vị tinh khiết tuyệt vời của những món ăn Huế.
Các nhà kinh doanh du lịch đã khéo léo khai thác văn hóa ẩm thực Huế trong hoạt động du lịch của mình. Các khách sạn, nhà hàng đã khéo léo kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa những thực đơn đặc sắc của nhà hàng mình vào các chương trình du lịch. Ví dụ như thương hiệu cơm Âm Phủ. Hoạt động quảng bá qua tên gọi khiến du khách tò mò, thích thú và muốn khám phá. Hay nhà hàng chuyên phục vụ các món chay tại Huế có đến vài chục món giúp cho du khách mãn nhãn và có nhiều cơ hội lựa chọn thưởng thức.
Với các món ăn dân giã thì các chương trình du lịch tại Huế phục vụ du khách theo kiểu homestay tại các nhà vườn. Điều này giúp cho du khách có cảm giác được trải nghiệm cuộc sống thanh bình của người dân xứ Huế.
Với ăn ngự thiện, tại Huế đã có nhà hàng phục vụ du khách những bữa ăn cung đình. Đến Huế, du khách sẽ có cơ hội được tận hưởng cảm giác làm vua khi mặc áo long bào, ngồi ăn trong không gian cung đình, bên cạnh có lính cận vệ, thị nữ…và được phục vụ các món ăn trong cung đình như nem công, chả phượng, thưởng thức theo phong cách cung đình. Hoạt động này mang lại cho du khách cảm giác mới lạ, thích thú, góp phần quảng bá hình ảnh ẩm thực hoàng gia, quý tộc Huế thời trước và tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Như vậy, có thể nhận thấy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế đã được khai thác khéo léo, phục vụ tốt cho việc phát triển du lịch cũng như bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc xứ Huế.
Từ những thực tế trên, ta có thể thấy đó là những tấm gương tiêu biểu nhất cho Hà Nội trong việc phát triển du lịch văn hóa ẩm thực không phải chỉ vì họ đang tích cực phát triển du lịch văn hóa ẩm thực mà còn vì chiến lược phát triển du lịch của họ rất sáng tạo và vô cùng hiệu quả.
17
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Ẩm thực không chỉ đơn thuần là nét văn hóa về vật chất, mà còn xa hơn chính là yếu tố văn hóa, một mảng văn hóa đậm đà, duyên dáng và cốt cách. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống. Bên cạnh đó cũng cho thấy Văn hóa ẩm thực có sức ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống, đây là khâu quan trọng trong việc phục vụ các thực khách từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Để có cơ sở nghiên cứu khai thác văn hóa ẩm thực Hà Nội trong phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, luận văn đã hệ thống hóa các vấn đề về văn hóa, du lịch văn hóa. Các vấn đề về dịch vụ du lịch và dịch vụ ăn uống trong du lịch. Khái luận về văn hóa ẩm thực nói chung, các đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam và văn hóa ẩm thực Hà Nội. Luận văn cũng đã nêu một số bài học kinh nghiệm về khai thác văn hóa ẩm thực trong du lịch trong nước và quốc tế, là cơ sở để tác giả đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cho việc khai thác ẩm thực trong du lịch.