Hiện trạng nghề nuôi cá chình tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng các hàm lượng protein khác nhau trong thức ăn công nghiệp lên sinh trưởng của cá chình bông (anguilla marmorata quoy gaimard, 1824) nuôi thương phẩm (cỡ 20 conkg) trong bể xi măng tại phú (Trang 27 - 29)

II. Tình hình nghiên cứu cá chình trên Thế giới và Việt Nam

3.Hiện trạng nghề nuôi cá chình tại Việt Nam

Ở nước ta cá chình được phát hiện và xác định tên khoa học đầu tiên là loài cá chình Nhật Bản Anguilla japonica Temminsk et Schlegel,1846, bởi Chevey P và Lemasson J, năm 1937, nhưng về sau không phát hiện chúng nữa.

Cá chình được nghiên cứu từ những năm đầu thập kỉ 30 (thế kỷ 20) nhưng các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc công bố thành phần loài, đặc điểm phân loại của chúng.

Năm 1974, Orsi đã xác định được 4 loài ở vùng biển Việt Nam đó là

A.elphinstonei, A.japonica. A.marmorata, A.bicolor pacifica. Đến năm 1975, một số công trình nghiên cứu khu hệ cá nước ngọt ở các tỉnh miền trung nước ta đã phát hiện. ( Nguyễn Thái Tự, 1979; Hoàng Đức Đạt và ctv,1981; Nguyễn Hữu Dực, Mai Đình Yên,1994; Nguyễn Hữu Dực 1995; Nguyễn Thị Thu Hè, 2000; Nguyễn Hữu Phụng, 2000). Đến nay, ở nước ta có các loài cá chình: Cá chình Nhật Bản (Anguilla japonica), cá chình Hoa (Anguilla marmorata), cá chình Nhọn (Anguilla malgumora), cá chình Mun (Anguilla bicolor)[6]. Loài cá chình Nhật Bản chỉ mới phát hiện lại ở Miền Trung với số lượng rất ít. Nhìn chung các loài cá chình (Anguilla) ở nước ta phân bố chủ yếu ở các vùng ven biển, cửa sông, các đầm, hồ, sông, suối nước ngọt từ Nghệ An Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Nguyên (phần phía Đông liên hệ với các sông của các tỉnh Miền Trung) và Đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, vùng có số lượng nhiều là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên: Các loài cá chình Hoa, cá chình Nhọn, cá chình Mun có số lượng nhiều nhưng chưa có các nghiên cứu sâu về sinh học của các loài cá chình này.

Những năm gần đây, từ 1995 có một số nơi vớt giống tự nhiên về nuôi trong ao, bè, bước đầu đạt được kết quả. Đã có một số sách biên soạn hướng dẫn kỹ thuật ương cá giống, nuôi thương phẩm các loài cá chình như Ngô Trọng Lư, 1997, 2000. Các tài liệu này chủ yếu cũng dựa vào kỹ thuật nuôi cá chình của các tài liệu Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Có rất ít tài liệu công bố về nuôi thử nghiệm cá chình ở nước ta.

Năm 2003, Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thuỷ Sản III thực hiện đề tài “ Tìm hiểu nguồn lợi giống cá chình Anguilla tại huyện Tuy An - tỉnh Phú Yên và thử nghiệm nuôi thương phẩm trong ao và trong bể xi măng bằng một số loại thức ăn “. Kết quả thử nghiệm cho thấy cá có tỷ lệ sống chưa cao và tốc độ tăng trưởng tương đối chậm [2][3]. Vào các năm 2000- 2003, nghề nuôi cá chình đã được tiến hành ở một số địa phương nhưng chưa được theo dõi tổng kết.

Năm 2008, Trần Thị Thanh Nga thực hiện đề tài “Thử nghiệm nuôi tăng sản cá chình Bông (Anguilla marmorata Quoy & Gaimard, 1824) cỡ 0,1kg trong bể xi măng tại Phú Yên”. Kết quả thử nghiệm cho thấy cá chình hoạt động và phát triển tương đối tốt, ít bệnh trong thời nuôi thử nghiệm, tỷ lệ sống đạt được rất cao, tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, tăng đều ở các tháng [17].

Như vậy, các nghiên cứu trong nước đã cung cấp thành phần loài của các loài cá chình ở nước ta, một số đặc điểm phân bố, một số nét về tình hình khai thác và nuôi cá chình ở một số địa phương. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên việc đánh bắt cá chình ở một số địa phương gia tăng và sử dụng nhiều cách đánh bắt có tính hủy diệt (châm điện, thuốc nổ) đang đe dọa nguồn lợi giống cá chình. Việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện ở các tỉnh Miền Trung cũng đang ảnh hưởng đến các quần thể cá chình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng các hàm lượng protein khác nhau trong thức ăn công nghiệp lên sinh trưởng của cá chình bông (anguilla marmorata quoy gaimard, 1824) nuôi thương phẩm (cỡ 20 conkg) trong bể xi măng tại phú (Trang 27 - 29)