“Thơ nghĩ bằng hình ảnh”- Chế Lan Viên. Thế giới hình ảnh trong thơ vô cùng đặc sắc. Nó vận động và biến đổi cùng với sự vận động và biến đổi của cái tôi trữ tình, để tạo nên các hình ảnh thơ độc đáo. Chính vì thế, nhiều nhà thơ đã tận dụng tối đa thủ pháp tương phản đối lập trong tác phẩm của mình. Cho nên khi phân tích một văn bản thơ, người giáo viên có thể khai thác những yếu tố đối lập để giúp học sinh hiểu được ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Ví dụ: khi dạy bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh ở đoạn thơ sau:
Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tân bể
Giáo viên có thể đặt câu hỏi:
- Xuân Quỳnh đã diễn tả những trạng thái, hành trình của con sóng bằng thủ pháp nghệ thuật nào?
-Qua đó tác giả liên tưởng đến điều gì trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu?
Trước hết, hàng loạt tính từ gợi hình, gợi thanh và gợi cảm tạo thành những cặp đối lập mở ra trước mắt ta một không gian mênh mông và sống động:
Dữ dội >< dịu êm Ồn ào >< lặng lẽ
Sóng được thể hiện với những trạng thái thật trái ngược. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi: lúc biển động phong ba, sóng dữ dội, ồn ào; khi trời yên biển lặng, sóng dịu êm, lặng lẽ. Đó là trạng thái không yên định của đại dương. Những đối cực ấy đôi khi có thể dự báo trước được nhưng nhiều lúc cũng khó đoán, thất thường và hết sức bất ngờ. Mượn hình tượng con sóng, người phụ nữ đang yêu trong bài thơ đang tự nhận thức về những biến động trong lòng mình, không hề giấu giếm những trạng thái tình cảm phức tạp của mình: lúc giận dữ, hờn ghen, khi dịu hiền, sâu lắng ,có những lúc yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng nhưng cũng có lúc lại lặng lẽ, suy tư mơ màng đi vào chiều sâu của tâm hồn với những nhớ mong, chờ đợi. Xuân Quỳnh tìm ra nét tương đồng giữa sóng biển với sóng tình. Những biến động phức tạp tinh tế trong lòng người con gái đang yêu. Tình yêu là vậy, nó vốn mang trong lòng nhiều đối cực, mâu thuẫn, nhưng đó là những mâu thuẫn trong thống nhất của một trái tim yêu chân thành, mãnh liệt.
Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể
Bằng biệp pháp tương phản sóng đã từ bỏ cái chật hẹp của "sông" để tìm đến đại dương mênh mông mà vẫy vùng, vươn tới "tận bể”. Bởi vì giữa biển lớn sóng mới nhận thấy sức mạnh khao khát của chính mình. Cũng như sóng khi yêu nhau
trái tim người con gái không chấp nhận sự nhỏ nhen, ích kỉ, tầm thường mà luôn vươn tới cái lớn lao cao cả, đến những tâm hồn đồng cảm đồng điệu với mình để hiểu tận cùng nhịp đập của trái tim mình. Hành trình của sóng từ sông tìm ra bể cũng là hành trình của con người tìm kiếm, Khát khao vươn tới một tình yêu đích thực.
Hay một ví dụ khác: khi giáo viên dạy bài Vội vàng của Xuân Diệu trong những câu thơ sau:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất Lòng tôi rộng, nhưng lượng đời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Giáo viên có thể định hướng cho học sinh nắm bắt vấn đề:
- Tìm những từ ngữ thể hiện sự đối lập giữa con người và thiên nhiên?
- Tâm trạng của tác giả ?
Một hệ thống tương phản đối lập được tác giả sử dụng:
+ Lượng trời chật >< lòng tôi rộng
+ Xuân tuần hoàn >< tuổi trẻ không trở lại.
+ Còn trời đất >< chẳng còn tôi.
Nhà thơ đã diễn tả sự vô hạn của thiên nhiên với cái hữu hạn, ngắn ngủi của cuộc sống cá nhân con người. Có thể nói đó là sự nhận thức tỉnh táo của của Xuân Diệu về cuộc đời. Các từ ngữ: “đương tới” với “đương qua”, “còn non'” với “sẽ già” tương ứng, đối lập nhau, diễn tả mùa xuân và thời gian vận động không ngừng. Bước đi của mùa xuân, dòng chảy của thời gian là mải miết, vô tận. Trong hiện tại “đang tới" đã có màu li biệt “đương qua”. Trong dáng vẻ “còn non” hôm nay đã báo hiệu một tương lai “sẽ già”. Cách cảm nhận của thi sĩ về thời gian và mùa xuân là tinh tế và biểu cảm. Đó là một ý tưởng rất tiến bộ. Cũng chữ “non” và chữ “già” ấy, ông có những các cảm nhận rất độc đáo bằng một tâm hồn lãng mạng với cặp mắt xanh non
“Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
(...) Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...”
(“Giục giã")
Khi “xuân hết”, tuổi trẻ đi qua “nghĩa là tôi cũng mất”. Mất ý vị cuộc đời.
Tuổi trẻ đáng yêu biết bao! Mỗi người chỉ có một thời son trẻ. Cũng như thời gian trôi qua, tuổi trẻ một đi không trở lại:
“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”.
“Lượng trời cứ chật” mà “lòng tôi rộng”, muốn trường sinh bất tử, muốn trẻ mãi không già. Quy luật của sự sống thật vô cùng nghiệt ngã: “Không cho dài thời trẻ của nhân gian”. “Hảo hoa vô bách nhật - Nhân thọ vô bách tuế”( Hoa đẹp không trăm ngày – Người sống không trăm tuổi) của Nguyễn Du. “Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi...” (Tục ngữ). Một lần nữa thi sĩ lại đặt ngôn ngữ trong thế tương phản giữa “rộng” với “chật”, để nói lên cái nghịch lí của đời người. Cũng là một cách cảm nhận thời gian rất thực.
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Đối lập giữa cái vĩnh hằng của vũ trụ với cái ngắn ngủi, hữu hạn của cuộc đời con người.Tiếng thơ cất lên như một lời than tiếc nuối:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
“Tiếc cả đất trời” vì không được trẻ mãi để tận hưởng mọi cái đẹp của thiên nhiên và cuộc đời. Đó là lòng yêu đời và ham sống, khao khát được sống hết mình với tuổi trẻ. “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” cùng như “Mười chín tuổi! Chẳng hai lần hoa nở” ("Đẹp" - Xuân Diệu), đó là bi kịch của người đời, xưa và nay. Có ham sống và yêu đời mới cảm nhận sâu sắc bi kịch ấy. Vì thế không được phung phí thời gian và tuổi trẻ.
Nắm bắt được thủ pháp nghệ thuật tương phản- đối lập sẽ giúp học sinh hiểu được chiều sâu của giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng độc đáo của tác phẩm, thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm cho người đọc.