Chương 2: Những biểu hiện của yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh. Chương 3: Giá trị thẩm mĩ của yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh
1.3 Vài nét khái quát về tự sự
Một trong những người đầu tiên nhắc đến khái niệm tự sự trong sự phân biệt hai loại hình còn lại, phải kể đến Arixtot. Theo ông, văn học có ba phương thức mô phỏng hiện thực. Đó là kể về một sự kiện như về một cái gì
tách biệt như Homere vẫn làm, hoặc là người mô phỏng tự nói về mình không thay đổi ngôi xưng, hoặc là trình bày tất cả những được mô tả trong hành động. Như vậy, ở dạng ban đầu, tự sự chỉ được coi là một phương thức mô phỏng hiện thực.
Sau này, Bielinxki, khái niệm tự sự dùng để chỉ toàn bộ những tác phẩm biểu hiện đời sống thông qua miêu tả sự kiện, đặc trưng nổi bật nhất và cũng là quan trọng nhất của loại hình tự sự là tính khách quan. T.H.Miler cho rằng:“Tự sự là cách để ta đưa cái sự việc vào một trật tự và từ trật tự ấy, chúng có được ý nghĩa”
Theo các tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học, tự sự là “phương thức tái hiện đời sống, bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch, được dùng làm cơ sở để phân loại tác phẩm văn học”[34, tr 385].Cũng theo các tác giả cuốn sách, tính khách quan là đặc trưng nổi bật của tác phẩm tự sự.
Khác với tác phẩm trữ tình, hiện thực được tái hiện qua những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người, tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó - qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó. Trước hết, cần hiểu tình khách quan ở đây mang một nội dung tương đối. Đứng về bình diện triết học, tác phẩm văn học là sự tái hiện đời sống khách quan thông qua sự nhận thức, khái quát, đánh giá, thể hiện mang tính chủ quan của người nghệ sĩ, là sự thống nhất giữa cái chủ quan và cái khách quan. Đúng như Arixtốt nhận xét trong Nghệ thuật thi ca của ông, thế giới của tác phẩm tự sự là thế giới bên ngoài người trần thuật.
Người trần thuật kể lại các sự kiện và con người như là những gì xảy ra bên ngoài mình, không phụ thuộc vào mình, không phụ thuộc vào ý muốn, tình cảm. Tính khách quan ở đây thực chất chỉ là nguyên tắc tái hiện đời sống và thuyết phục người đọc của loại tác phẩm tự sự, cũng như tính chủ quan là nguyên tắc tái hiện và thuyết phục người đọc của loại tác phẩm trữ tình. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong không gian, thời gian, qua các sự kiện biến cố xảy ra trong cuộc đời con
người. Trong tác phẩm tự sự, nhà văn cũng thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Nhưng ở đây, tư tưởng, tình cảm của nhà văn thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động bên ngoài của con người tới mức chúng dường như không có sự phân biệt nào cả. Nhà văn kể lại, tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực đang được phản ánh trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển, tồn tại bên ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm ý muốn của nhà văn. Như vậy, tính khách quan chính là đặc trưng cơ bản của phương thức tự sự.
1.3.2 Các yếu tố cơ bản của tự sự 1.3.2.1 Sự kiện
Khái niệm sự kiện trong lí luận cho đến nay vẫn chưa được giới thuyết chặt chẽ, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tưởng chừng như rất đơn giản này. Theo M. Bakhtin thì ông nhấn mạnh “sự kiện là sự kiện của ý thức” [72, tr 91]. Còn giáo sư I. Lotman thì lại cho rằng: “Sự kiện trong văn bản là sự chuyển dịch vị trí nhân vật qua ranh giới của trường nghĩa”[72, tr 91]. Ở đây, có thể hiểu là giữa đầu và cuối, sau khi diễn ra quá trình phải có sự thay đổi trạng thái. Sự thay đổi đó quy định ý nghĩa của sự kiện, tức cái cuối của sự thay đổi so với cái ban đầu, ít nhất là trong ý thức nhân vật. Giáo sư V.Trupa thì cho rằng cần ba tiêu chí để xác định bản chất của sự kiện. Thứ nhất, sự kiện phải có tính hữu hạn - tức quá trình diễn ra nó phải có mở đầu và kết thúc. Thứ hai, sự kiện chỉ diễn ra có một lần - nó có tính đơn nhất. Cuối cùng, sự kiện phải có ý thức chủ quan của nó - điều này có ý nghĩa là sự kiện phụ thuộc vào ý thức của chủ thể tiếp nhận nào đó trong mối quan hệ với sự việc xảy ra. Theo các tác giả của bộ giáo trình Lí luận văn học (ĐHSP) thì sự kiện được hiểu như sau: “Sự kiện nói chung là những hành vi (việc làm) của nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả, làm biến đổi hay bộc lộ một ý nghĩa nào đó”[72, tr 89]. Như vậy, sự kiện cũng là những sự việc, nhưng là những sự việc bất ngờ, làm nhân vật biến đổi và bộc lộ một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn sự việc bà cô Thị Nở ngăn cản Thị Nở đến với Chí
Phèo là sự kiện tạo nên bước ngoặt lớn trong đời Chí, khiến hắn đau đớn tuyệt vọng và đi đến hành động giết Bá Kiến rồi tự sát. Nhưng cũng cần chú ý là sự kiện có khi chỉ là sự kiện với nhân vật nào đó chứ không phải tất cả. Chẳng hạn việc Thị Nở đem cho Chí Phèo bát cháo hành với Thị Nở đơn thuần đó chỉ là một sự việc, nhưng với Chí Phèo nó là cả một sự kiện vô cùng quan trọng - đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong con người Chí Phèo - thiên lương trở về sau bao tháng ngày bị vùi lấp.
Sự kiện cũng có cấp độ và phạm vi của chúng. Đó là những sự kiện bên ngoài (xảy ra ngoài thế giới, khách quan với nhân vật) và sự kiện bên trong (xảy ra trong tâm hồn). Sự kiện cũng có thể tồn tại theo quan hệ nguyên nhân - kết quả. Ngoài ra còn có kiểu sự kiện nhận thức - đem lại cho nhân vật sự vỡ lẽ về một điều gì đó như trường hợp Nhĩ chợt thấy bãi bồi bên kia sông và ngẫm ra ý nghĩ đơn giản mà sâu sắc về cuộc sống.
Trong tác phẩm văn học, sự kiện có một số chức năng của nó: tạo tính chỉnh thể cho thế giới nghệ thuật, khái quát và phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng của nhà văn, tạo ấn tượng nghệ thuật cho sự cảm nhận của người đọc.
Một điểm đáng chú ý là không chỉ trong văn xuôi mà ngay cả trong thơ cũng có các sự kiện. Các sự kiện trong thơ làm nền tạo nên ý thức cho nhà thơ như: Sở kiến hành(Nguyễn Du), Tôi yêu em (Puskin), Tì bà hành (Bạch Cư Dị)…Tuy nhiên, sự kiện trong thơ thường nằm trong tầng chìm, không thuộc đối tượng biểu hiện của thơ, nhưng vẫn là nguồn sinh nghĩa của văn bản. Vì thế, tìm hiểu sự kiện trong văn bản cũng là một cách tiếp cận ý nghĩa bài thơ.
Đó là phương diện “thông tin sự kiện” của văn bản.
1.3.2.2 Cốt truyện
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm cốt truyện được hiểu là“hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch”[34, tr 99]. Cốt truyện không phải là
yếu tố tất yếu của mọi loại tác phẩm văn học. Trong các loại tác phẩm trữ tình, cốt truyện (với ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm này) không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tình cảm, tâm trạng.
Cốt truyện có hai tiêu chí cơ bản. Một là, các sự kiện trong chuỗi có mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa, có mở đầu và kết thúc. Các sự kiện có vô vàn mối quan hệ, không biết đâu là mở đầu, đâu là kết thúc. Tính chất nêu trên là thuộc tính nghệ thuật làm cho cốt truyện văn học tách ra khỏi mối quan hệ nhân quả chằng chịt trong cuộc đời để tập trung thể hiện một ý nghĩa nào đó mà nhà văn muốn thể hiện. Hai là, cốt truyện có tính liên tục về thời gian. Giữa các sự kiện nhân quả nói trên có những khoảng cách thời gian.
Các khoảng cách ấy tạo thành không gian quan trọng của truyện để nhà văn miêu tả, phân tích, bình luận…
Cốt truyện thể hiện những chức năng rất quan trọng trong tác phẩm.
Trước hết, nó gắn kết các sự kiện tạo thành một chuỗi và tạo thành lịch sử của nhân vật, thực hiện việc khắc họa nhân vật. Nó còn bộc lộ các mâu thuẫn, xung đột của con người (xã hội, tâm lí, đạo đức…), tái hiện bức tranh đời sống. Mặt khác, cốt truyện còn tạo ra một ý nghĩa vể nhân sinh có giá trị nhận thức. Cuối cùng, cốt truyện gây hấp dẫn, tạo sức mạnh lôi cuốn người đọc bởi người đọc luôn quan tâm tới số phận nhân vật. Chính vì vậy, nắm bắt đúng chuỗi các sự kiện là bước khởi đầu để hiểu nhân vật, hiểu bức tranh đời sống, hiểu ý nghĩa tác phẩm và tìm thấy hứng thú khi đọc tác phẩm. Tuy nhiên, có những trường hợp tác phẩm không có cốt truyện hoặc cốt truyện rất sơ sài (những truyện ngắn của Thạch Lam, tác phẩm Ông già và biển cả của Hêmingwê…) nhưng vẫn hấp dẫn người đọc. Điều này cho thấy không nên tuyệt đối hóa vai trò của cốt truyện.
Về phương diện kết cấu và quy mô nội dung, nhìn chung có thể chia cốt truyện thành hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Trong cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện được tác giả kể lại gọn gàng và thường là đơn giản về số lượng, tập trung thể hiện quá trình phát triển và tính cách của một vài
nhân vật chính, có khi chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính. Cốt truyện đa tuyến là cốt truyện trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp nhằm tái hiện nhiều bình diện của đời sống ở một thời kì lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật, do đó có một dung lượng lớn.
Cơ sở chung của mọi cốt truyện, xét đến cùng là những xung đột xã hội được khúc xạ qua những xung đột nhân cách. Nhưng sẽ sai lầm nếu đồng nhất xung đột xã hội với cốt truyện tác phẩm văn học. Xung đột là cơ sở khách quan, là đối tượng nhận thức, phản ánh, trong khi đó cốt truyện lại là sản phẩm độc đáo của chủ quan nhà văn.
1.3.2.3 Nhân vật
Văn hào Đức W. Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”[72, tr 114]. Con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Nhân vật văn học là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [34, tr 235].
Đọc bất cứ tác phẩm văn học nào ta đều bắt gặp nhân vật văn học. Đó có thể là những nhân vật có tên riêng (Tấm, Cám, Thạch Sanh, chị Dậu, anh Pha..), cũng có thể là nhân vật không có tên riêng (thằng bán tơ, một mụ nào (Truyện Kều), người vợ nhặt (Vợ nhặt)… Nhân vật cũng có thể là đồ vật, con vật (Dế mèn phiêu lưu kí, Cái Tết của mèo con…). Nhân vật có thể được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính cách, tiểu sử như một khách thể thường thấy trong tác phẩm tự sự, kịch. Đó cũng có thể là những người thiếu hẳn những nét đó nhưng lại có tiếng nói, giọng điệu, cái nhìn như nhân vật người trần thuật, hoặc chỉ có cảm xúc, nỗi niềm, ý nghĩ, cảm nhận như nhân vật trữ tình trong thơ trữ tình. Khái niệm nhân vật có khi được hiểu như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả mà chỉ là một hình tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm.
Chẳng hạn nhân dân là nhân vật chính trong Chiến tranh và hòa bình của
L.Tônxtôi, nhân dân cũng chính là nhân vật chính trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật chính trong Ơgiêni Grăngđê của Bandắc…
Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì nó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới con người một cách hình tượng. Bản chất của văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những mô hình của thực tại. Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống.
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách con người, do tính cách là một hiện tượng xã hội, lịch sử nên chức năng khái quát tính cách của nhân vật văn học cũng mang tính lịch sử. Trong thời cổ đại xa xưa, nhân vật văn học của thần thoại, truyền thuyết thường khái quát năng lực và sức mạnh của con người (Nữ Oa vá trời, Sơn Tinh ngăn nước lũ…). Ứng với xã hội phân chia giai cấp, nhân vật của truyện cổ tích lại khái quát các chuẩn mực giá trị đối kháng trong quan hệ giữa người với người như thiện với ác, trung với nịnh, thông minh với ngu đần…Vì tính cách là kết tinh của môi trường, nên nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống. Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người, vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề tác phẩm. Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này và nhân vật khác, giữa tuyến nhân vật này với tuyến nhân vật khác. Cho nên, nhân vật luôn gắn liền với cốt truyện. Vì được miêu tả qua mâu thuẫn, xung đột nên khác với hình tượng trong hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách, được bộc lộ dần trong không gian thời gian mang tính chất quá trình.
Dựa vào những góc độ khác nhau, người ta có thể phân chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu loại khác nhau. Dựa vào vị trí của nhân vật với cốt truyện trong tác phẩm, người ta chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ;
dựa vào đặc điểm tính cách, truyền đạt lí tưởng của nhà văn, có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện; dựa vào thể loại văn học, chia nhân vật thành nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự và nhân vật kịch; dựa vào cấu trúc hình tượng nhân vật, ta có nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách. Tuy nhiên, các nhân vật trong thực tế văn học rất đa dạng, sự phân chia trên chỉ nhằm nhấn mạnh đặc trưng cơ bản nhằm phục vụ một yêu cầu nhất định. Giữa chúng không có ranh giới tuyệt đối.
1.3.2.4 Trần thuật
Trần thuật là bút pháp nghệ thuật cổ xưa nhất xuất hiện từ trong thần thoại.
Nó là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật nhất định. M. Gorki vạch rõ: “Trong tiểu thuyết hay truyện, những con người được tác giả miêu tả đều hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn luôn ở bên cạnh họ, mách cho người đọc biết rõ phải hiểu họ như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn phía sau, những hành động của các nhân vật được miêu tả, tô đậm thêm cho tâm trạng họ bằng những đoạn miêu tả thiên nhiên, trình bày hoàn cảnh và nói chung là luôn luôn giật dây cho họ thực hiện những mục đích của mình, điều khiển một cách tự do và nhiều khi rất khéo léo, mặc dù người đọc không nhận thấy những hành động, những lời lẽ, những việc làm, những mối tương quan của họ” [34, tr 364]. Như vậy, thành phần của lời trần thuật không chỉ là lời trần thuật, chức năng của nó không chỉ là kể việc. Nó bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả. Hình thức chủ yếu của trần thuật là độc thoại, mặc dù nó có thể có tính chất đối thoại do hấp thụ hoặc hướng tới ý thức nhân vật hoặc người đọc. Trần thuật cũng được sử dụng cả ở trong thơ trữ tình, tuy nhiên, trần thuật thể hiện đa dạng nhất trong tác phẩm tự sự.
Trần thuật đòi hỏi phải có người kể, người thổ lộ. Chủ thể của lời kể trong thơ trữ tình là nhân vật trữ tình, chủ thể trong truyện là người kể