Những biểu hiện của yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh

Một phần của tài liệu Đề tài Tìm hiểu yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh (Trang 46 - 96)

CHƯƠNG 2 NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA YẾU TỐ TỰ SỰ NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA YẾU TỐ TỰ SỰ

2.2 Những biểu hiện của yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh

Nhan đề tồn tại như một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đặt một nhan đề cho một tác phẩm sao cho hay, cho độc đáo không phải dễ. Thông thường, trong tác phẩm tự sự, nhan đề đặt bằng tên nhân vật sẽ hướng người đọc vào nhân vật chính (Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận…). Cũng có cách đặt những nhan đề gắn với đề tài, tư tưởng của tác phẩm (Đời thừa, Sống mòn, Đất nước đứng lên…). Không chỉ trong các tác phẩm tự sự mà ngay trong thơ trữ tình, các nhà thơ cũng chủ động đưa những nhan đề đậm chất tự sự để lôi cuốn người đọc ngay từ cái nhìn ban đầu. Trong thơ Trần Nhuận Minh, bên cạnh các nhan đề đậm chất trữ tình ta còn có thể thấy các dạng thức đặt tên cho tác phẩm giàu tính tự sự. Có những nhan đề đọc lên gợi cảm hứng về thân phận, cuộc đời con người như: Mợ Hữu, Thím Hai Vui, Dì Nga, Cô Bổng, Bá Kim, Ông Vọng, Cháu Thủy… Có những nhan đề lại gọi tên các sự kiện, gắn với một sự kiện nào đó trong cuộc

đời con người. Cháu đi đào than thổ phỉ, Bạn thơ mời rượu bên sông tiền, Phút lâm chung của cụ Hãn, Tiễn một người vợ lính, Họp phố, Thăm bạn,…

là những nhan đề như thế. Bên cạnh đó, ta còn thấy trong thơ Trần Nhuận Minh có rất nhiều những nhan đề mang tính nhấn mạnh tình huống truyện như: Tình cờ gặp người quen trên tàu tốc hành, Cụ Chiến tiễn cháu gái đi giúp việc gia đình ở nước ngoài, Nghe trộm hai bà trò chuyện, Tiễn bạn ở rạp chiếu bóng,… Cũng có những nhan đề nhấn mạnh ý đồ tự sự, mà mới nghe qua đã có thể hình dung mục đích của chủ thể trong bài thơ chẳng hạn như:

Chiêm bao, Dặn con, Gửi cháu, Giải thích, Tự thuật… Mặt khác, ta cũng bắt gặp những nhan đề gợi trạng thái “không thơ” chút nào: Con chó của bạn tôi, Con mèo, Nhà thơ và kẻ trộm, Kê khai tài sản, Thị trường… Ta có thể thấy, tính truyện và tính nôm na thể hiện ở những nhan đề ấy. Hệ thống những nhan đề kiểu như trên trong thơ Trần Nhuận Minh đã ít nhiều làm thơ đi xa hơn trong tính trữ tình của thể loại và gần hơn trong tính khách quan của tự sự. Nó có tính khái quát cao về nội dung tư tưởng của tác phẩm, cô đọng được cái

“thần”, cái “hồn” của tác phẩm. Nó như gương mặt một con người để từ đó người ta có thể đoán biết về tính cách. Về cơ bản, những nhan đề trên đã ấn định đề tài của tác phẩm, giúp người đọc mang được tấm giấy thông hành đầu tiên trước khi đi vào khám phá tìm hiểu.

Tuy nhiên, dẫu tồn tại với tư cách là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, nhưng ở một số trường hợp, từ tên gọi đến nội dung thật của bài thơ vẫn còn ở một khoảng cách xa, đôi khi tác giả như tạo sự đánh lừa người đọc để gây yếu tố bất ngờ cho người đọc trước khi họ bước chân vào tác phẩm. Trường hợp bài thơ Kê khai tài sản, Thị trường là những minh chứng rõ nét cho điều này. Những nhan đề này không hề “thơ”, nó gợi ấn tượng về vấn đề thời buổi kinh tế thị trường nhiều hơn. Thế nhưng khi bước chân vào tác phẩm, người đọc lại không hề có cảm giác như vậy, trái lại nó mang đến cho người đọc những khoảng lặng diệu kì, độ sâu lắng trong tâm hồn của chất thơ, để lắng nghe và cảm nhận lớp triết lí sâu sắc trong đó:

Cơn mưa vô tình bay qua cổng nhà tôi Bất ngờ trút xuống một sân bạc

Những thỏi bạc nhảy nhót lấp lóa sáng Biết đếm thế nào đây?

Ánh trăng ùa vào phòng viết của tôi Dát vàng bản thảo và khung cửa sổ Một chất vàng mười không pha tạp Biết cân thế nào đây?

(Kê khai tài sản) Hay:

Em mờ tối như màu thu nhuộm Và dịu buồn như chiếc lá rơi

Cứ mỗi chiều lòng lại ngơ ngác hỏi Ta là ta? Hay ta đã ai rồi?

(Thị trường)

Sự bắt tay làm quen giữa thơ trữ tình và các tác phẩm thuộc thể loại tự sự ngay từ cửa ngõ bước vào tác phẩm như thế đã cho thấy sự nhanh nhạy của Trần Nhuận Minh khi tiếp cận với hiện thực mới. Nhà thơ đã từ bỏ những gì lớn lao để đưa cái đời thường vụn vặt của cuộc sống. Chính nó ảnh hưởng không nhỏ tới sự tổ chức sắp xếp một bài thơ sau này.

2.2.2 Cốt truyện hóa dòng tâm trạng

Nếu như cách đặt nhan đề chỉ là gợi hơi hướng cho sự xuất hiện yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh, thì cách tổ chức sắp xếp tác phẩm một cách liên tục với một chuỗi những chi tiết, sự kiện tạo nên cốt truyện lại là dấu ấn rất rõ nét cho sự thâm nhập của yếu tố tự sự. Đưa cốt truyện vào tác phẩm của mình đồng nghĩa với việc Trần Nhuận Minh đưa hệ thống các sự kiện, biến cố cụ thể. Vì vậy, nhiều bài thơ của ông không đơn thuần là dòng chảy trữ tình

mênh mang, là tình cảm mang tính chủ quan của nhà thơ, mà nó đã ít nhiều mang tính khách quan qua hệ thống biến cố, sự kiện, phản ánh được những xung đột xã hội sâu sắc, âm ỉ trong những tình huống đời thường của cuộc sống. Nhà thơ đã gói ghém vào thể loại trữ tình này những vấn đề phức tạp của đời sống - điều tưởng như chỉ xuất hiện ở tác phẩm tự sự. Trong những bài thơ có dung lượng ngôn từ ngắn gọn, đôi lúc ta vẫn bắt gặp những cơn bão nhỏ, những bi kịch cuộc đời. Chính vì thế, “mỗi bài thơ của Trần Nhuận Minh đều mang dung lượng của một truyện ngắn giàu kịch tính, hay nói, đó là một vở kịch đời, mấy màn cũng được. Khép màn lại phần nhiều là nước mắt” [33, tr 41]. Dì Nga là câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ không biết nên đáng thương hay đáng trách. Vốn là người con gái xinh đẹp, hiếu thảo, gần nửa cuộc đời dì sống cho người khác, đến cả việc lấy chồng dì cũng “theo ý mẹ”,“vâng lời cha”. Bề ngoài ai cũng nghĩ dì hạnh phúc bởi lẽ vật chất dì không thiếu: “Chuỗi bạc trong cổ áo/ Vòng vàng ngoài cổ tay”. Nhưng rồi không hiểu tại sao người phụ nữ ấy lại từ bỏ tất cả để đi theo một anh chàng câu cá, tối ngày lênh đênh trên biển. Không ai biết dì Nga có hạnh phúc hay không, nhưng nửa phần đời còn lại, dì đã dám sống theo ý mình, dám làm những gì mình thích mà với một người con gái như dì, nó chẳng khác nào một cuộc nổi loạn. Bài thơ đã gợi cho người đọc suy ngẫm về lẽ đời, về tình yêu hạnh phúc của con người theo con mắt đánh giá của người đương đại.

Mợ Hữu cũng là bài thơ cần đến yếu tố cốt truyện để nói lên bi kịch tâm hồn của người phụ nữ. Mở đầu tác phẩm là sự kiện gây nên giông bão trong cuộc đời người vợ trẻ:

Cậu xây xong nhà ba tầng Người cứ dần héo quắt Thế rồi một sớm tinh mơ Cậu cứ lặng im mà mất

Mợ Hữu khổ từ tấm bé, lấy chồng tưởng được sống hạnh phúc, nhưng tai họa bất ngờ ập xuống, khi xây xong ngôi nhà ba tầng khang trang cũng là lúc chồng của mợ đột ngột qua đời. Mọi người trong gia đình, họ hàng nhìn mợ với ánh mắt đầy dò xét, họ tiếc căn nhà ba tầng mà không một lời chia sẻ cảm thông với người vợ trẻ. Mợ Hữu trở nên cô đơn lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình, đi lại như một cái bóng. Có ai biết rằng trong những đêm mưa gió, đôi mắt mợ cứ mỏi mòn chờ đợi, khao khát con thuyền có nơi neo đậu vững chắc? Dòng chảy tâm tư nhân vật trữ tình cứ thế trượt qua trên cái lõi của sự kiện ban đầu.

Dì Nga, Mợ Hữu, hai người phụ nữ ở hai cảnh ngộ khác nhau, nhưng câu chuyện về cuộc đời họ, qua những biến cố lớn xảy ra, họ đều có chung một điểm, đó là sự khao khát được yêu thương, được sống một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Đó là khao khát muôn đời, nhưng trong thời chiến, nó tạm thời gác qua một bên nhường chỗ cho khát vọng lớn của dân tộc, khi ấy con người công dân được đặt lên trên hết. Nhưng khi chiến tranh qua đi, vấn đề sống và sống như thế nào của con người được đặc biệt quan tâm. Với Dì Nga, Mợ Hữu, sống không hẳn chỉ đơn thuần là nhà cao cửa rộng, mà sống phải được quan tâm sẻ chia về tinh thần, được yêu thương. Như thế, Trần Nhuận Minh đã rất khéo léo mượn hình thức cốt truyện để khái quát cuộc đời nhân vật, qua đó lồng ghép những vấn đề thế sự tưởng chừng giản đơn mà sâu sắc.

Thông thường, đến với thơ trữ tình là đến với thế giới tâm tình, cảm xúc của con người, nó để lại dư vị ngân nga trong lòng. Nhưng đọc thơ Trần Nhuận Minh, không ít bài thơ khiến người đọc bật khóc, day dứt khôn nguôi về những mảnh đời bất hạnh vì miếng cơm manh áo mà bất chấp cả tính mạng bản thân. Ở bài Cháu đi đào than thổ phỉ, dòng tâm trạng của chủ thể trữ tình phát triển trên nền sự kiện trong cuộc đời nhân vật. Những câu thơ mở đầu như một lời thông báo về tai họa ập xuống:

Tháng trước còn qua nhà chú Hôm nay cháu đã chết rồi

Mừng ơi!

Một lời thông báo ngắn gọn thôi nhưng chất chứa cảm xúc của tác giả trước sự ra đi đột ngột, đau đớn của cậu bé tên Mừng. Vì miếng cơm manh áo mà đứa trẻ đã phải đánh cược số phận mình, để rồi cuối cùng bị chôn vùi trong lớp than đen. Cốt truyện được phát triển trên nền sự kiện ấy:

Cháu đi đào than thổ phỉ Lấy tiền nuôi mẹ nuôi em Sập lò, cột đè gẫy nát Xác buộc túm trong vải bạt Than đổ ứ đầy trong đêm Xe chạy trốn người qua đêm…

Cháu nằm bẹp dưới thùng xe Nước than ngâm cháu đen sì Rửa đến bao giờ cho sạch….

Đứa trẻ tội nghiệp vì hoàn cảnh khốn khó đã sớm trở thành trụ cột gia đình, bất chấp hiểm nguy để đổi lấy đồng tiền nuôi mẹ, nuôi em. Nhưng rồi, kết lại cho cuộc đời hiếu thảo chỉ là sự bất hạnh. Tính mạng con người trở nên rẻ mạt, chỉ đáng đổi một xe than. Đau xót biết nhường nào! Ta không còn cảm giác đang đọc một bài thơ nữa mà có cảm giác đang đọc một thiên truyện ngắn giàu chất hiện thực sống động về thân phận con người, khiến trái tim người đọc thổn thức và đầy nhức nhối trước vấn đề cơm áo gạo tiền. Nghe đâu đây phảng phất cái dư vị đắng chát mà Nguyễn Du đã phản ánh trong Những điều trông thấyNgười hát rong ở Thái Bình. Trần Nhuận Minh đã tiếp nối truyền thống hiện thực ấy để phác lên bức tranh đời nghiệt ngã. Từng là người lính vào sinh ra tử để bảo vệ sự yên bình cho con người, hơn ai hết, nhà thơ càng thấm thía giá trị cuộc sống và coi trọng tính mạng con người.

Chiến tranh đã qua đi, thậm chí “Đã qua cái thời đói rách”, vậy mà vẫn có những con người sống cuộc sống tận cùng của sự nghèo khổ, và cũng vì nó mà mất mạng. Ngòi bút của nhà thơ không hề né tránh hiện thực, dù hiện thực

hôm nay có nhiều thay đổi, song vẫn còn những góc khuất, những mảng tối cần được nghệ thuật quan tâm tới.

Đến với bài thơ Cụ Chiến tiễn cháu gái đi giúp việc gia đình ở nước ngoài, ta cũng thấy xuất hiện yếu tố cốt truyện như trong tác phẩm tự sự. Câu chuyện xoay quanh sự kiện đứa cháu gái của cụ Chiến chuẩn bị đi giúp việc.

Để được lên đường, đứa cháu của cụ phải trải qua lớp học với những thói quen, công việc cơ bản như: học lau nhà, thùa khuy, đưa tăm, mời nước, thậm chí phải “Tập ăn thừa dưới bếp/ Tập khóc chẳng ai hay”. Nhân câu chuyện này, nhà thơ đúc kết nên những câu thơ như xát muối vào thái độ dửng dưng lạnh lùng của con người trong cuộc chuyển biến nhọc nhằn hội nhập quốc tế:

Bài học thời mất nước Ai ngờ dùng hôm nay

…..

Đói nghèo run tay gậy Cụ đứng bên đường mòn.

Câu chuyện về cuộc đời bá Kim tiếp tục xoáy vào lòng người nhờ sự có mặt của yếu tố cốt truyện. Bá Kim sống ở một ngôi nhà nhỏ, phía sau là vườn mía rộng, những vật dụng thân quen với bá là chiếc niêu đất nấu cơm, chiếc trõng tre trước hiên nhà. Những chi tiết đó cho thấy cuộc sống của bá đơn sơ đạm bạc, tưởng đâu là yên bình. Thế nhưng những sự kiện nối tiếp nhau xảy đến, khiến người mẹ này như quỵ ngã. Chiến tranh đã lần lượt cướp đi những người con thân yêu của bá: Con trai cả hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ. Các anh hi sinh không kịp để lại tấm ảnh cho người mẹ ấy thờ. Hàng ngày, bá Kim vẫn móc cua bán. Mỗi đêm, bên ngọn đèn xanh, bá đếm từng đồng tiền liệt sĩ bỏ vào chiếc hũ sành, nhất định không tiêu đến. Theo quan niệm của người xưa, đạo làm con có ba điều bất hiếu: một là không chăm sóc được khi cha mẹ ốm đau, hai là không có mặt lúc cha mẹ lâm chung, ba là không có đủ tiền chôn cất cha mẹ. Với bá Kim, hai điều đầu là không thể vì các con bá đã hi sinh, nhưng điều thứ ba thì

có thể. Đến đây ta mới hiểu tại sao bá Kim không tiêu đến những đồng tiền liệt sĩ của con mà lặng lẽ đếm bỏ vào hũ sành, bá muốn dành tiền đó để sau này dân làng chôn cất mình, không phải phiền đến ai. Bá sống lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ:

Rồi một sớm ngọn đèn vẫn sáng Cái hũ nằm bên… Bá đã đi rồi!

Gương mặt bá dịu hiền thanh thản quá Không hề vương những buồn khổ cõi đời.

Câu chuyện về cuộc đời bá Kim như một lát cắt mỏng và sắc về nỗi đau sau chiến tranh của người ở lại, nó cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay những bài học thật sâu sắc về nhân cách sống.

Tiễn một người vợ lính cũng có yếu tố cốt truyện khi kể về cuộc đời một người vợ có chồng hi sinh ngoài mặt trận, nhưng cả đời chị vẫn sống trong hi vọng chồng trở về, ngay cả lúc sắp lìa đời chị cũng không từ bỏ hi vọng. Bài thơ không nhiều sự kiện, chỉ đan dệt bằng những chi tiết nhỏ nhặt đời thường nhưng lại có sức diễn tả sâu sắc tâm trạng đợi chờ đến mòn mỏi của người vợ trẻ, hệt như một “hòn vọng phu sống” giữa cuộc đời. Nỗi đợi chờ chập chờn cả trong những cơn mê, rồi chị bất chợt reo lên sung sướng khi thấy ai đó giống anh ngoài cửa sổ, nụ cười chư kịp nở trên môi đã tắt lịm. Nghe trong dòng tâm trạng nhân vật thấp thoáng không khí từ Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn chảy về, duy chỉ có điều, người chinh phụ sau thời gian đợi chờ đã được đoàn tụ, còn chị, phút cuối vẫn chờ chồng trong vô vọng:

Tim ngừng đập chín ngày mặt vẫn hồng tươi Chị như đã gặp anh trong khói sương thăm thẳm Giọt lệ đọng mơ hồ dưới hàng mi chưa khép hẳn Niềm vui đắng cay đâu chỉ của một người…

Trong thơ, cốt truyện dù không có sự dày đặc của chi tiết, sự kiện, hành động như ta thường thấy ở các tác phẩm tự sự, nhưng xu hướng cốt truyện hóa dòng tâm trạng đã để lại những cấu trúc tự sự trong thơ Trần Nhuận

Minh. Ở một số bài thơ của ông, ta có thể cụ thể hóa cấu trúc với sự tham gia gần như đầy đủ các thành phần của cốt truyện. Chẳng hạn ở bài thơ Thím Hai Vui, thành phần mở đầu của cốt truyện được xem như lời giới thiệu về hoàn cảnh sống của nhân vật: Những năm chú ra trận/ Thím buồn vui một mình/

Thím bảo những năm ấy/ Là những năm hòa bình... Người phụ nữ ấy tần tảo sớm hôm, cấy cày đến quắt người, thậm chí khi nghe tin chồng hi sinh, thím vẫn cố nén chặt nỗi đau để nuôi con ăn học. Chuyện tưởng như chỉ có thế, nhưng cốt truyện phát triển theo một hướng khác khi người chồng bỗng trở về từ chiến trường, mang theo chiến công và cũng là lúc chú mang đến những năm tháng không bình yên cho cái gia đình nhỏ bé ấy: Rồi bỗng dưng chú về/

Tung huân chương đầy chiếu…/ Thế rồi…biết vì đâu/ Yên lành không chịu được/ Vợ con chú đánh trước/ Xóm giềng chú đánh sau… Sự trở về của người chồng lẽ ra sẽ mang đến niềm vui đoàn tụ cho gia đình, nhưng rồi trớ trêu thay, đó lại là điều bất hạnh. Thím Hai trở thành nạn nhân của những trận đòn roi, mặt mày lúc nào cũng thâm tím. Với thím, chiến tranh bây giờ mới thật sự đến. Cốt truyện được đẩy lên cao, sau đó có hồi kết thúc: Chú đòi phải ly dị/

Mỗi con về một nơi/… Nghe đâu thím lên tỉnh/ Rửa bát cho người ta/ Thấy ai quen cũng lánh/ Những mặt phấn quần hoa. Cách kết thúc tác phẩm đã nói lên bi kịch gia đình trong cuộc sống thời bình: sự tha hóa của người lính trở về sau chiến tranh, sự vất vả và chịu đựng của những người phụ nữ…Vẫn còn đó cuộc chiến đấu dai dẳng trong thời bình, cuộc chiến chống lại sự tăm tối nghèo khổ, tình trạng bạo lực gia đình…

Tương tự như thế, trong trường hợp Bạn cũ, Trần Nhuận Minh cũng đưa vào một số thành phần cơ bản của cốt truyện. Mở đầu bài thơ là sự gặp gỡ của hai người bạn lính sau nhiều năm xa cách:

Bác từng đánh bộc phá Mở đường Điện Biên xưa Mười năm mới gặp lại Tóc râu đã bạc phơ…

Một phần của tài liệu Đề tài Tìm hiểu yếu tố tự sự trong thơ Trần Nhuận Minh (Trang 46 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)