Nguyên tắc phát triển tư duy học sinh trong dạy học lịch sử Việt Nam

Một phần của tài liệu skkn PHÁT TRIỂN tư DUY học SINH TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM GIAI đoạn 1919 – 1930 ở TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (Trang 21 - 24)

IV. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN TƯ DUY HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1919 –

IV.1. Nguyên tắc phát triển tư duy học sinh trong dạy học lịch sử Việt Nam

IV.1.1. Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của bộ môn lịch sử

Mục tiêu môn lịch sử ở phổ thông là nhằm giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới; góp phần hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.

Do vậy, việc phát triển tư duy trong học sinh phải đảm bảo đúng mục tiêu bộ môn trên cả ba mặt (giáo dưỡng, giáo dục và phát triển).

Ví dụ, khi học về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 - 1925, về mặt giáo dưỡng là phải giúp cho học sinh nắm được những chuyển biến về kinh tế và xã hội Việt Nam dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, các phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam trong thời kỳ này, đặc biệt phải giúp cho học sinh nắm được những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình đi tìm đường cứu nước, những hoạt động của Người để chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức chuẩn bị tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Qua những hiểu biết đó giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời giáo dục cho các em có thái độ tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết quốc tế.

Thông qua nội dung lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1925, hình thành cho học sinh các kỹ năng cần thiết như xem xét các sự kiện lịch sử trong các quan hệ không gian và thời gian; kỹ năng làm việc với các nguồn sử liệu, làm giàu tri thức thông qua sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo khác. Ngoài ra, giúp cho học sinh biết phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, đánh giá các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử.

Như vậy, việc phát triển tư duy học sinh phải thực hiện đúng mục tiêu của bộ môn cả về mặt giáo dưỡng, giáo dục và phát triển.

IV.1.2. Đảm bảo tính khoa học trong việc phát triển tư duy học sinh Tính khoa học được thể hiện ở việc lựa chọn các sự kiện phải là cơ bản, chính xác nhất, rõ ràng nhất và tạo điều kiện hình thành cơ sở cho học sinh hiểu biết lịch sử. Việc lựa chọn đúng sự kiện cơ bản có ý nghĩa lớn về giáo dục và phát triển tư duy học sinh.

Tính khoa học còn thể hiện ở sự chính xác của sự kiện, ở việc đánh giá, giải thích tìm ra bản chất, mối liên hệ nhân quả, sự phát triển có tính quy luật của các sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Ví dụ, một trong những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa lần này là đã cập nhật được những thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử, do vậy khi phát triển tư duy học sinh trong dạy học lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 - 1930 ở trường phổ thông, giáo viên trong quá trình giảng dạy cần nắm chắc một số sự kiện, niên đại thay đổi so với sách giáo khoa cũ đó là:

Từ năm 1925 đến 1927, tại Quảng Châu, Bác Hồ đã tổ chức 3 khóa học chính trị và đã đào tạo được 75 thanh niên yêu nước trở thành những chiến sỹ cộng sản (khóa I: 10 người, khóa II: 15 người, khóa III: 50 người).

An Nam Cộng sản Đảng tuyên bố thành lập tháng 8/1929.

Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), mở đầu 8.000 người, kết thúc 30.000 người tham gia.

Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941.

IV.1.3. Khai thác triệt để nội dung khoá trình lịch sử

Để phát triển tư duy học sinh, không phải chỉ có sự kiện lịch sử mà còn có những hiểu biết khác liên quan, như các vấn đề lý thuyết, những kiến thức bổ trợ, kỹ năng, phương pháp nắm và sử dụng kiến thức.

Khoá trình lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 1930 là một thời kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Là thời kỳ mà Nguyễn Ái Quốc sau bao nhiêu năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, từ một con người yêu nước đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, sự kiện này đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

IV.1.4. Phát huy tính tích cực của học sinh

Như nhà tâm lý học Rubinxtên đã khẳng định “Tư duy sáng tạo luôn luôn bắt đầu bằng một tình huống có vấn đề”. Do đó, việc đặt học sinh trước tình huống có vấn đề - đúng hơn hướng dẫn các em luôn đứng trước tình huống có vấn đề - sẽ phát huy tính tích cực trong học tập. Nó không chỉ đem lại kiến thức mới cho học sinh (chức năng giáo dưỡng) mà còn bồi dưỡng cho các em những phẩm chất, đạo đức trong học tập như kiên trì, nhẫn nại, lòng trung thực (chức năng giáo dục và phát triển).

“Tình huống có vấn đề” là thời điểm thể hiện mâu thuẫn trong nhận thức của học sinh để nhận ra điều mình chưa biết, mà chưa giải quyết được. Tình hình này buộc học sinh phải quyết tâm tìm hiểu, chứ không khoanh tay khuất phục. Song không phải điều không biết nào được đặt ra cũng tạo được tình huống có vấn đề, mà chỉ khi nào những điều học sinh nhận thấy không thể không biết, không thể không tìm hiểu để nhận thức đúng, sâu sắc vấn đề đặt ra, nhằm vào việc học tập. Việc giải quyết vấn đề là tiến hành tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều chưa biết để biết. Thông qua việc giải quyết tình huống vấn đề chắc chắn sẽ phát huy tính tích cực của học sinh.

Ví dụ như khi dạy bài 12, khi vào bài ta đưa ra vấn đề: Tại sao Pháp thực hiện chương trình khai thác Việt Nam ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc? Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp có gì mới so với chương trình khai thác lần thứ nhất ?

Khi giáo viên đưa ra tình huống có vấn đề như vậy, buộc học sinh phải tích cực, chủ động suy nghĩ, tìm câu trả lời…

IV.1.5. Đảm bảo tính vừa sức của học sinh

Ở mỗi lứa tuổi, hoạt động tư duy của học sinh diễn ra theo những quy luật chung và phù hợp với những đặc điểm lứa tuổi. Hệ thống câu hỏi do giáo viên đặt ra cho học sinh là một phương thức giá trị góp phần bồi dưỡng tư duy học sinh. Để phát triển tư duy của học sinh trong quá trình học tập giáo viên nên đặt ra những câu hỏi theo kiểu khác nhau, mức độ khác nhau để huy động được sự tham gia của các đối tượng học sinh

Ví dụ, khi học mục II.1. Sự xuất hiện các tổ chức cộng sản năm 1929, bài 13 “Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1925 đến năm 1930”, giáo viên không những giúp cho học sinh nắm được những nét cơ bản các tổ chức cộng sản này về địa bàn hoạt động, tuyên ngôn, Điều lệ, cơ quan ngôn luận…

mà còn tùy thuộc vào khả năng của từng đối tượng học sinh mà giáo viên hướng dẫn học sinh liên kết các sự kiện ở các phần trước để chứng minh vì sao đến 1929 phong trào dân tộc theo khuynh hướng vô sản đã hoàn toàn thắng thế và yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam trở nên cấp thiết lúc bấy giờ? Cuối cùng, sau khi học xong mục II.2. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo viên kết luận chính Nguyễn Ái Quốc là người đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử đó.

Một phần của tài liệu skkn PHÁT TRIỂN tư DUY học SINH TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM GIAI đoạn 1919 – 1930 ở TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(41 trang)