Các khái niệm công cụ

Một phần của tài liệu Phát triển cộng đồng đối với người cao tuổi từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 20 - 23)

Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI

1.1. Các khái niệm công cụ

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về NCT. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi”

ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.

Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể.

Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009 quy định:

NCT là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên” [14].

Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên.

Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn. Vì vậy, quy định về tuổi của người cao tuổi ở nước đó cũng khác nhau.

Theo quan điểm của Công tác xã hội: Với đặc thù là một nghề trợ giúp xã hội, công tác xã hội nhìn nhận về NCT như sau: Người cao tuổi với những thay đổi về tâm sinh lý, lao động - thu nhập, quan hệ xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, vấn đề trong cuộc sống. Do đó, người cao tuổi là một đối tượng yếu thế, đối tượng cần sự trợ giúp của công tác xã hội [8].

Trong nghiên cứu này, NCT được nhìn nhận là tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên theo Luật NCT. Đồng thời, NCT cũng được nhìn nhận như một nhóm có nhu cầu đặc biệt trong công tác xã hội.

1.1.2. Công tác xã hội

Công tác xã hội là một nghề chuyên môn, một khoa học đã xuất hiện trên thế giới hàng trăm năm. Tùy vào những điều kiện cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như nền tảng tư tưởng mà công tác xã hội tại mỗi khu vực, mỗi quốc gia trên thế giới lại có những đặc điểm riêng biệt. Do đó có rất nhiều định nghĩa về công tác xã hội.

Định nghĩa của Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ (NASW - 1970):

"Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Định nghĩa của Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montréal, Canada (IFSW): "Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho NCT nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề".

Nguyễn Hồi Loan và Nguyễn Thị Kim Hoa (2015) căn cứ trên những giá trị chuẩn mực của công tác xã hội quốc tế trong điều kiện đặc thù tại Việt Nam đã nhấn mạnh đến tính dân tộc trong định nghĩa của mình về công tác xã hội:

“Công tác xã hội là một hoạt động thực tiễn xã hội, được thực hiện những nguyên tắc và phương pháp nhất định và được vận hành dựa trên cơ sở văn hóa truyền thống của dân tộc, nhằm trợ giúp các cá nhân và nhóm người trong việc giải quyết các nan đề trong đời sống của họ vì phúc lợi và hạnh phúc con người và tiến bộ xã hội” [9, 11].

Trong Luận văn này, tác giả sử dụng định nghĩa của Nguyễn Hồi Loan và Nguyễn Thị Kim Hoa vì rõ ràng, hoạt động công tác xã hội dù chuyên nghiệp hay chưa chuyên nghiệp, vẫn phải dựa trên những đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.

1.1.3. Phát triển cộng đồng

PTCĐ là một chiến lược phát triển nhằm vận động sức dân trong các cộng đồng nông thôn cũng như đô thị phối hợp cùng những nỗ lực của nhà nước để cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng khả năng tự lực của cộng đồng. Khái niệm PTCĐ được Chính phủ Anh sử dụng đầu tiên, 1940.

Trong kỷ nguyên PTCĐ của Liên hợp quốc, “Phát triển cộng đồng là những tiến trình qua đó nỗ lực của dân chúng kết hợp với nỗ lực của chính quyền để cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của các cộng đồng và giúp các cộng đồng này hội nhập và đóng góp vào đời sống quốc gia[9, 162].

Định nghĩa này nhấn mạnh hai yếu tố: Sự tham gia của người dân với sự tự lực tối đa, và sự hỗ trợ về kỹ thuật và dịch vụ của nhà nước để khuyến khích sáng kiến, sự tự giúp, những cố gắng của người dân. Tác viên cộng đồng là một khái niệm chung để chỉ những nhân viên làm việc để cố gắng nâng cao đời sống của cộng đồng.

Có một số loại phát triển cộng đồng khác nhau nhưng luôn luôn chỉ có 2 mục đích: (1) Hoàn thành nhiệm vụ thay đổi môi trường của người dân trở nên hữu dụng và thuận lợi hơn cho họ ; (2) Phát triển những điểm mạnh và những khả năng của các thành viên cộng đồng trong quá trình liên kết họ với những kết quả đạt được của sự thay đổi.

Phát triển cộng đồng có những nguyên lý nhất định, cần được vận dụng trong suốt tiến trình để đạt được hiệu quả cao nhất trong đó nhấn mạnh đến sự tham gia của người dân. Theo Trần Tuấn (2007), phát triển cộng đồng có các nguyên lý sau:

Phát triển tổng thể, phát triển bền vững, phát triển công bằng, sự tham gia của người dân, học tập và làm việc cùng cộng đồng, phối hợp các tổ chức trong cộng đồng.

Phát triển tổng thể là sự chú trọng đến không chỉ yếu tố kinh tế mà còn về mọi mặt của cộng đồng như văn hóa, xã hội, trong đó, trọng tâm là phát triển con người.

Phát triển bền vững là sự phát triển ổn định, có sự duy trì và kế thừa. Trong phát triển cộng đồng, sự tham gia của người dân sẽ quyết định sự bền vững trong phát triển của cộng đồng.

Phát triển công bằng là tạo ra sự công bằng trong việc tham gia đóng góp và hưởng lợi của mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt có sự ưu tiên và quan tâm đến các nhóm yếu thế.

Sự tham gia của người dân: Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự bền vững cũng như tính hiệu quả của tiến trình. Người dân cần được biết, được bàn bạc, được kiếm tra và giám sát cũng như thụ hưởng. Người dân chính là trung tâm của quá trình phát triền, vừa là động lực, vừa là mục tiêu.

Học tập và làm việc cùng cộng đồng: Nguyên lý này nói về vị trí và vai trò của tác viên cộng đồng. Các tác viên cộng đồng không được phép áp đặt ý kiến và quan điểm lên người dân mà cần xuất phát từ quan điểm học tập và làm cùng người dân để thay đổi. Trong thực hành phát triển cộng đồng, tác viên cộng đồng cần phải thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để học tập từ người dân. Tác viên cộng đồng phải hiểu biết văn hóa của cộng đồng và tôn trọng các giá trị đó.

Phối hợp các tổ chức trong cộng đồng: Phát triển cộng đồng khác phát triển xã hội. Nếu như phát triển xã hội hướng đến sự thay đổi thiết chế, tổ chức thì phát triển cộng đồng không hướng đến mục tiêu đó mà chỉ tập trung tăng cường sự phối hợp của cộng đồng để tạo ra các nguồn lực tốt hơn cho quá trình phát triển.

Một phần của tài liệu Phát triển cộng đồng đối với người cao tuổi từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)