THUỐC TRỊ LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG

Một phần của tài liệu lt hoa duocduoc ly tai lieu bo tro (Trang 57 - 61)

1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. SƠ LƯỢC VỀ BỆNH LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Bệnh loét dạ dày – tá tràng là sự loét niêm mạc dạ dày hay tá tràng, nguyên nhân chủ yếu là do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ niêm mạc và yếu tố gây loét.

- Yếu tố bảo vệ:

+ NaHCO3, chất nhầy mucin.

+ Prostaglandin.

+ Mạng lưới mao mạch của niêm mạc dạ dày.

+ Sự nguyên vẹn của tế bào biểu mô và bề mặt niêm mạc dạ dày – tá tràng…

- Yếu tố gây loét:

+ HCl, pepsin.

+ Thuốc kháng viêm không steroid và steroid (NSAIDs, corticoid).

+ Xoắn khuẩn Helicobater pylori.

+ Rượu, bia, thuốc lá…

1.2. PHÂN LOẠI BỆNH:

Hiện nay nhiều tác giả phân loại bệnh loét dạ dày – tá tràng thành 3 nhóm:

- Loét do tăng tiết acid dịch vị: Hội chứng Zollinger Ellison.

- Loét do dùng thuốc: NSAIDs làm giảm tổng hợp prostaglandin là yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.

- Loét do nhiễm Helicobater pylori.

1.3. CÁC NHÓM THUỐC TRỊ LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG 1.3.1. Nhóm kháng acid (antacid)

Trung hòa HCl đã được bài tiết vào dạ dày, thường dùng các muối và hydroxyd của nhôm và magie.

Một số biệt dược: Phosphalugel, Maalox, Gastropulgit, Alumina II, Antacil, Mylanta…

1.3.2. Nhóm ức chế tiết acid dịch vị:

- Thuốc kháng Histamin H2: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin...

- Thuốc ức chế bơm proton H+/K+ ATPase: omeprazol, lansoprazol, pantoprazol…

1.3.3. Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày: sucrafat, hợp chất bismuth (bismuth subsalicylat)

1.3.4. Nhóm diệt H. pylori: kháng sinh (amoxicillin, tetracillin, clarithromycin…), nhóm imidazol (metronidazol, tinidazol), muối bismuth....

2. MỘT SỐ THUỐC TRỊ LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG 2.1. NHÔM HYDROXYD - Al(OH)3:

Tác dụng:

Trung hòa acid dịch vị, bảo phủ vết loét dạ dày - tá tràng, làm săn se và chống loét niêm mạc dạ dày - tá tràng.

Chỉ định:

Làm giảm các triệu chứng loét dạ dày - tá tràng (ợ chua, khó tiêu), đau rát ở thực quản.

Liều dùng:

- Người lớn: 1 – 2 viên (viên nén 400mg)/lần x 4 – 5 lần/ngày, nhai viên thuốc trước khi nuốt, dùng thuốc sau bữa ăn 1 giờ hoặc khi có cơn đau.

- Trẻ em: tùy theo tuổi dùng 1/3 – 1/2 liều người lớn.

Tác dụng phụ:

Dùng kéo dài gây táo bón, giảm phospho huyết, loãng xương.

Chống chỉ định: Suy thận nặng.

Chú ý:

- Để tránh táo bón, thường phối hợp nhôm hydroxyd với magnesi hydroxyd như Maalox, Mylanta II…

- Để tránh giảm phospho huyết có thể dùng muối nhôm phosphat như Phosphalugel…

- Nhôm hydroxyd làm giảm sự hấp thu của thuốc dùng chung ở ruột, kể cả các thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng như cimetidin, famotidin, omeprazol… do đó để tránh tương tác, các thuốc phối hợp phải uống cách xa nhôm hydroxyd ít nhất 2 giờ.

2.2. CIMETIDIN Tác dụng:

Kháng histamin tại receptor H2 ở dạ dày → ức chế tiết acid dịch vị.

Chỉ định:

- Loét dạ dày - tá tràng.

- Hội chứng tăng tiết acid dịch vị (Zollinger – Ellison).

- Trào ngược dạ dày - thực quản.

Liều dùng:

Uống 200 – 400mg/ lần x 2 lần vào mỗi bữa ăn và 1 lần 400mg vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đợt dùng từ 4 – 6 tuần.

Tác dụng phụ:

- Rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mệt mỏi.

- Giảm tiểu cầu có hồi phục.

- Cimetidin kháng androgen và tăng tiết prolactin nên gây chứng vú to ở nam giới và chảy sữa không do sinh đẻ ở nữ giới.

Chống chỉ định:

- Phụ nữ có thai, cho con bú.

- Suy gan, suy thận nặng.

Chú ý: Cimetidin ức chế enzym CYP450 ở gan nên làm giảm chuyển hóa, gây tăng tác dụng và độc tính của một số thuốc khi dùng chung như: phenyltoin, diazepam, theophyllin, thuốc chống đông máu…

Các thuốc cùng nhóm với cimetidin:

- Ranitidin: Có tác dụng mạnh hơn cimetidin 5 – 10 lần, thời gian, tác dụng dài hơn nên dùng liều thấp hơn và dùng 2 lần trong ngày, ít ảnh hưởng đến chuyển hóa một số thuốc chuyển hóa ở gan. Uống 300mg/ ngày, chia 2 lần (buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ).

- Famotidin: mạnh hơn ranitidin 8 – 10 lần, thời gian tác dụng dài hơn, không ảnh hưởng đến chuyển hóa một số thuốc ở gan như cimetidin. Uống 20mg/lần x 2 lần/ngày hoặc chỉ uống 1 lần 40mg vào buổi tối.

- Nizatidin: tương tự ranitidin về tác dụng và liều lượng.

2.3. OMEPRAZOL Tác dụng:

Ức chế enzym H+/ K+ ATPase (bơm proton) nằm ở tế bào viền của dạ dày → ức chế tiết acid dịch vị.

Chỉ định:

- Loét dạ dày - tá tràng.

- Hội chứng tăng tiết acid dịch vị (Zollinger – Ellison).

- Trào ngược dạ dày - thực quản.

Liều dùng:

- Uống 20 – 40mg/ lần/ ngày, vào trước bữa ăn sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, trị loét dạ dày (trong 8 tuần), trào ngược dạ dày - thực quản (trong 4 - 12 tuần).

- Hội chứng Zollinger – Ellison: uống 120mg/ ngày, trong 4 tuần.

Tác dụng phụ:

Nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, làm giảm B12 huyết nếu dùng lâu dài...

Chống chỉ định:

Mẫn cảm, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Chú ý:

- Omeprazol bị phá hủy trong môi trường acid nên phải dùng dạng viên bao tan trong ruột, do đó khi uống không được làm vỡ viên thuốc, uống cách xa bữa ăn.

- Omeprazol làm giảm chuyển hóa của diazepam, warfarin, phenytoin.

Một số thuốc cùng nhóm:

- Lansoprazol: liều thường dùng để trị loét dạ dày - tá tràng là 30mg/ngày, trong 4 tuần.

- Pantoprazol: liều thường dùng trị loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản là 40mg/ ngày, trong 4 – 8 tuần.

2.4. SUCRAFAT:

Tác dụng:

- Tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong môi trường acid, sucrafat được hòa tan, Al3+ được tách rời, phần anion tạo thành chất nhày và dính có ái lực mạnh với các ổ loét nên làm mau lành vết loét và giảm tái phát. Hiệu lực làm lành vết loét tương tự kháng H2.

- Kích thích thành lập prostaglandin.

Chỉ định:

Loét dạ dày tá tràng tiến triển, dự phòng tái phát loét dạ dày - tá tràng.

Liều dùng:

- Uống 1g/lần x 4 lần/ngày, trong 4 – 8 tuần. Uống 1 giờ trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.

- Liều củng cố: 2g/ ngày, dùng trong vài tháng.

Tác dụng phụ:

Khô miệng, buồn nôn, táo bón, có thể gây giảm phospho khi dùng kéo dài.

Chống chỉ định: Suy thận nặng Chú ý:

- Do thuốc chỉ có tác dụng khi pH dạ dày acid nên tránh dùng antacid hoặc kháng H2 30 phút trước hoặc sau khi uống sucrafat.

- Cần dùng cách khoảng ít nhất 2 giờ với các thuốc chống đông máu, fluoroquinolon, digoxin, phenytoin để tránh giảm hấp thu các thuốc này.

Một phần của tài liệu lt hoa duocduoc ly tai lieu bo tro (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w