1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. SƠ LƯỢC VỀ GIUN, SÁN
Các loại giun, sán ký sinh ở người chia 3 nhóm:
- Nhóm giun tròn: giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun chỉ, giun lươn, giun xoắn …
- Nhóm sán dây: sán bò, sán lợn, sán cá …
- Nhóm sán lá: sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, sán máng …
Giun, sán có thể ký sinh nhiều nơi trong cơ thể người (ở ruột, gan, phổi, máu …), chúng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, tắc ống dẫn mật, abcess gan, viêm não, bệnh phù voi, thiếu máu … Ở Việt nam tỷ lệ người mắc bệnh giun, sán tương đối cao, đặc biệt ở trẻ em (có vùng 70 – 80% dân số nhiễm giun đũa).
Các thuốc chống giun, sán hiện nay chỉ tác dụng trên một vài loài giun sán, chưa có một loại thuốc nào có tác dụng trên tất cả các loài giun, sán ký sinh trong cơ thể. Vì vậy trước khi điều trị phải xét nghiệm để xác định rõ bị nhiễm loại giun, sán nào để lựa chọn thuốc thích hợp cho từng người bệnh.
1.2. PHÂN LOẠI THUỐC TRỊ GIUN, SÁN 1.2.1. Thuốc trị giun:
- Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở ruột: Piperazin, Mebendazol, Albendazol, Thiabendazol, Pyrantel, Levamisol …
- Thuốc tác dụng với giun ký sinh ở ngoài ruột: Diethylcarbamazin, Suramin, Ivermectin …
1.2.2. Thuốc trị sán:
- Thuốc tác dụng với sán ký sinh ở ruột: Niclosamid … - Thuốc tác dụng với sán ký sinh ở ngoài ruột: Praziquantel … 1.2.3. Nguyên tắc lựa chọn, sử dụng thuốc trị giun sán:
- Khi chọn thuốc ưu tiên loại có hiệu lực cao, độc tính thấp, giá cả hợp lý.
- Sử dụng thuốc phải đúng cách, đúng liều, đúng với hoạt phổ của từng loại, không phối hợp các thuốc chống giun, sán với nhau → đảm bảo tác dụng & an toàn cho người dùng.
2. CÁC THUỐC TRỊ GIUN, SÁN:
2.1. PYRANTEL PALMOAT Dược động học:
Thuốc được hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa người, nên tác dụng tại chỗ mạnh.
Trên 50% lượng thuốc uống bị đào thải nguyên vẹn qua phân, khoảng 4% liều dùng được đào thải dưới dạng không chuyển hóa hoặc chuyển hóa qua nước tiểu.
Tác dụng:
- Gây liệt cứng cơ giun → giun bị thải ra ngoài theo phân.
- Tác dụng mạnh với giun đũa, giun kim, giun móc, giun mỏ (hiệu quả 80 – 100%).
Chỉ định và liều dùng:
- Tẩy giun đũa, giun kim: uống liều duy nhất 10 mg/kg. Sau 2 – 3 tuần có thể dùng liều thứ hai nếu xét nghiệm còn trứng giun.
- Tẩy giun móc 10 mg/kg x 3 ngày; giun mỏ 20 mg/kg x 3 ngày.
Tác dụng phụ:
Buồn nôn, nôn, chán ăn, nhức đầu, tiêu chảy, ban đo (ít xảy ra,nhẹ, tạm thời).
Chống chỉ định:
Có thai, cho con bú, người suy gan, trẻ em < 2 tuổi.
Chú ý:
Không phối hợp với Piperazin vì có tác dụng đối kháng → triệt tiêu tác dụng của nhau.
2.2. MEBENDAZOL Tác dụng:
Ức chế hấp thu glucose ở giun → thiếu hụt năng lượng cần cho sự hoạt động của giun → giun bị chết dần. Thuốc không ảnh hưởng đến hàm lượng đường trong máu ở cơ thể người.
Có tác dụng với giun đũa (98%), giun kim (95%), giun móc (96%), giun tóc (68%), tác dụng với giun lươn & ấu trùng sán nhưng yếu.
Chỉ định và liều dùng:
- Tẩy giun kim: uống 100 mg, sau 2 – 4 tuần uống tiếp 100 mg.
- Tẩy giun đũa, giun móc, giun tóc: uống 100 mg/ lần x 2/ngày x 3 ngày liền vào buổi sáng và buổi tối. Loại viên 500 mg: uống 1 viên, 1 liều duy nhất.
Tác dụng phụ:
Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Chống chỉ dịnh: Có thai, trẻ em < 24 tháng, bệnh gan nặng.
Chú ý:
- Kiêng rượu trong vòng 24 giờ khi sử dụng thuốc.
- Không dùng phối hợp với các thuốc điều trị giun khác.
- Thận trọng ở người suy gan.
2.3. ALBENDAZOL Tác dụng:
- Tương tự Mebendazol.
- Tác dụng với giun lươn, giun kim, giun móc, giun đũa, ấu trùng sán dây, ít tác dụng với giun tóc.
Chỉ định và liều dùng:
- Tẩy giun kim, giun đũa, giun móc: Trẻ em ≥ 2 tuổi và người lớn uống liều duy nhất 400 mg.
- Tẩy giun lươn: 400 mg/lần x 3 ngày.
Tác dụng phụ:
Có thể gây rối loạn tiêu hóa, nhức đầu.
Chống chỉ định: Giống Mebendazol.
2.4. THIABENDAZOL Tác dụng:
Diệt giun do ức chế men fumarat – reductase đặc hiệu ở ty thể của tế bào giun. Ở giun lươn, Thiabendazol ức chế tiết acetylcholinesterase, cản trở giun di chuyển.
Có tác dụng trên giun lươn, giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun xoắn, ấu trùng di chuyển. Ức chế sự phát triển của trứng giun và của ấu trùng ở người bệnh.
Chỉ định và liều dùng:
- Trị giun lươn: 25 mg/kg x 2 lần/ngày x 2 ngày; uống sau bữa ăn, liều 1 ngày không quá 3g. Kết quả điều trị 93%. Sau 1 tuần dùng thêm đợt nữa nếu có chỉ định.
- Ấu trùng di trú ở da: 25 mg/kg x 2 lần/ngày x 2 ngày. Nếu các tổn thương vẫn còn sau 2 ngày ngưng điều trị, có thể thêm 1 đợt nữa hoặc dùng dạng kem chứa 15%
Thiabendazol.
Tác dụng phụ:
Thường nhẹ và thoáng qua như chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nhức đầu, buồn ngủ, hạ huyết áp, ngứa …
Chống chỉ định:
Mẫn cảm với thuốc, có thai, cho con bú, trẻ em < 15 kg, rối loạn chức năng gan, thận.
2.5. DIETYL CARBAMAZIN Tác dụng:
- Diệt ấu trùng giun chỉ, ít hiệu quả trên thể trưởng thành.
- Làm giảm hoạt tính cơ giun, làm liệt, có tác dụng với giun đũa.
Chỉ định và liều dùng:
- Trị giun chỉ.
- Uống sau bữa ăn: 6 mg/kg/ngày: 2 – 3 lần x 3 – 5 ngày; nghỉ 4 tuần mới dùng tiếp đợt 2; dùng nhiều đợt.
Tác dụng phụ:
- Dị ứng (90%), như sốt, nhức đầu, buồn nôn, mẩn ngứa, ban đỏ …
- Có thể phòng ngừa bằng cách uống liều tăng dần và uống kèm với thuốc kháng histamin hoặc Prednisolon.
- Dùng thuốc phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Chống chỉ định: Dị ứng nặng với thuốc.
2.6. NICLOSAMID Tác dụng:
Diệt sán do ngăn cản hấp thu glucose ở sán, ảnh hưởng đến chuyển hóa glucid ở sán làm cho đầu và những đốt gần đầu của sán bị chết. Thuốc ít độc, tẩy được nhiều loại sán dây ở ruột, không có tác dụng trên kén sán ở ngoài ruột (ở các phủ tạng, dưới da).
Chỉ định và liều dùng:
- Tẩy bệnh do sán dây như sán bò, sán lợn, sán cá.
- Người lớn: tối hôm trước ăn nhẹ và lỏng, sáng hôm sau không ăn gì, uống 2 viên (500mg), sau 1 giờ uống tiếp 2 viên nữa, cần nhai kỹ rồi nuốt với ít nước. Sau khi uống thuốc cách lần cuối 2 giờ thì được ăn uống bình thường.
- Trẻ từ 9 – 15 tuổi: cách dùng như người lớn, mỗi lần uống 1 viên.
- Trẻ > 2 tuổi: uống 2 lần, mỗi lần 1/2 viên, cách nhau 1/2 giờ, khi uống phải tán nhỏ viên thuốc và hào vào ít nước.
Tác dụng phụ:
Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Chú ý:
- Kiêng rượu và thức uống có rượu trong thời gian dùng thuốc.
- Sau khi uống liều cuối 2 giờ mới được ăn bình thường.
- Không được dùng Niclosamid với các loại thuốc gây nôn vì có thể gây trào ngược các đốt sán lên đường tiêu hóa trên gây tai biến mắc bệnh ấu trùng, nhất là đối với bệnh sán lợn.
2.7. PRASIQUANTEL Tác dụng:
- Làm cho sán bị tê liệt, chết.
- Có tác dụng rất tốt với các loại sán ở ngoài ruột như sán lá gan, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán máng, ấu trùng sán lợn. Ít độc.
Chỉ định và liều dùng:
- Trị sán lá gan: trẻ em ≥ 24 tháng và người lớn uống 20 mg/kg/ngày x 3 ngày, sau 10 ngày có thể dùng tiếp đợt 2.
- Ấu trùng sán lợn: uống 20 mg/kg/ngày x 15 ngày, nếu cần điều trị đợt 2 phải đợi sau 3 tháng.
- Sán bò, sán lợn: dùng liều duy nhất 10 mg/kg.
- Sán máng: dùng liều duy nhất 20 - 50 mg/kg hoặc 20 mg/kg x 2 ngày hoặc 25 mg/kg x 3 ngày.
Tác dụng phụ:
Thuốc chỉ gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình và thoáng qua như chóng mặt, nhức đầu, đau chân tay, đau bụng …
Chống chỉ định:
- Có thai, tạm ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc và 72 giờ tiếp theo sau khi ngừng thuốc.
- Không dùng trị ấu trùng sán dây ở mắt, bởi vì ký sinh trùng này gây những tổn thương ở mắt không thể chữa được.