Nội dung thông tin hướng tới các hoạt động từ thiện, nhân đạo

Một phần của tài liệu Đặc điểm của kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe JOY FM đài phát thanh và truyền hình hà nội (Trang 57 - 62)

CHƯƠNG 2: NHẬN DIỆN CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA KÊNH PHÁT

2.2. Đặc điểm về nội dung của kênh phát thanh chuyên biệt về sức khoẻ

2.2.4. Nội dung thông tin hướng tới các hoạt động từ thiện, nhân đạo

NHẬT KÝ JOYFM SỐ 813 - Xóa bỏ kì thị với người nhiễm HIV/AIDS

STT Nội dung

1 Nhạc hiệu

2 MC: Xin chào quý thính giả! Mời quý vị đón nghe trang “Nhật ký JoyFm

của chúng tôi. Chương trình đang được phát sóng trên Kênh JoyFM- Kênh Chuyên biệt về sức khỏe và phát trực tuyến trên Website www.989.vn . Quý thính giả thân mến! Hầu hết mọi người đều biết HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, đến nay chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn cho rằng, HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường và chỉ những người chích ma túy, người mua dâm, bán dâm mới bị

nhiễm HIV/AIDS. Điều đó góp phần làm nên sự sợ hãi, xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng một nữ bệnh nhân. Bị lây HIV từ chính người chồng của mình…, kí ức về thời son trẻ của người phụ nữ này giờ đây chỉ là những giọt nước mắt đau xót và ánh nhìn khinh rẻ của người thân, bạn bè và hàng xóm xung quanh. Mặc dù, chị đã điều trị tại bệnh viện được hơn 3 năm nhưng chưa một lần được người nhà vào thăm hay gọi điện hỏi han. Những buồn tủi, cơ cực, tương lai mịt mù phía trước cùng những lời nói sâu cay, miệt thị cứ văng vẳng bên tai từng ngày, từng giờ, thậm chí đi vào cả giấc ngủ khiến tâm trạng chị chẳng bao giờ nguôi ngoai. Chị chia sẻ:

REC1:

Một trường hợp khác tại bệnh viện mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng là nạn nhân của sự kì thị và phân biệt đối xử đến từ chính những người trong gia đình khi biết chị mang trong mình “căn bệnh thế kỉ”. Bóng tối u ám từ 10 năm trước, đến giờ vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chị. Mặc dù, bệnh viện và xã hội bên ngoài chỉ ngăn cảnh bởi một bức tường nhưng phía bên ngoài là những ánh mắt dèm pha, thói bới móc của người đời, khiến chị chẳng thiết sống. Nhưng may mắn thay, bên trong bức tường kia, chị có sự đồng cảm, chia sẻ của các bệnh nhân chung cảnh ngộ, của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng khám và điều trị. Chị nghẹn ngào tâm sự:

REC2:

Từ lâu, những người nhiễm HIV/AIDS thường bị gắn với những hình ảnh xấu xí, bị liên hệ, gán ghép với các tệ nạn xã hội … nên dần dần bị cô lập. Mặc dù, đã có nhiều điều luật hay các cuộc tuyên truyền về việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Thế nhưng, ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn. Nó xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Ở một số quốc gia vẫn còn những quy định cấm người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS. Ở nhiều gia đình, người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở

riêng, sinh hoạt riêng; hoặc nếu ở chung thì những người khác trong gia đình cũng hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV. Khi ra ngoài xã hội, người bị nhiễm HIV cũng thường bị xa lánh, những người xung quanh không muốn làm việc, học tập cùng.

Chính sự kỳ thị, cấm đoán, phân biệt đối xử là rào cản lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS và làm gia tăng dịch bệnh này trong cộng đồng vì những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị HIV. Đồng thời, đây cũng là hạn chế khiến Việt Nam rất khó đạt được mục tiêu xoá bỏ đại dịch AIDS vào năm 2030 như đã đề ra. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói:

REC3:

Nếu như HIV/AIDS là “án tử” thì kì thị chính là bản án “chung thân” đẩy những người nhiễm bệnh vào ngõ cụt không lối thoát. Bớt đi một ánh mắt kỳ thị là tăng thêm một tia hi vọng cho người nhiễm HIV/AIDS. Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và của mỗi cá nhân. Thực tế, HIV/AIDS không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống, bắt tay, ôm, hôn, ở cùng nhà, làm cùng cơ quan,... Vì vậy, gia đình và cộng đồng hãy đừng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS mà hãy hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập với cộng đồng.

Quý thính giả thân mến! Đến đây thời lượng dành cho trang Nhật ký JoyFm ngày hôm nay cũng đã hết. Hẹn gặp lại quý vị ở những chương trình với những câu chuyện, tâm sự, khuyến cáo hữu ích của bác sĩ để giảm bớt nỗi lo bệnh tật cùng mọi người. Còn bây giờ, mời quý thính giả đón nghe những chương trình hấp dẫn khác trên sóng JoyFm.

3 Nhạc cắt

Và Joy Fm cũng đã giúp được rất nhiều trường hợp vượt qua khó khăn bằng những giá trị mà họ nhận được qua các tấm lòng hảo tâm. Đó là trường hợp anh Nguyễn Đình Đạt (Hoài Đức, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hưng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã được hỗ trợ xe lăn từ phía Công ty TNHH MTV Xe đạp Thống Nhất do 2 anh có hoàn cảnh khó khăn mà lại bị tàn tật

bẩm sinh; đó là trường hợp bé Trần Mai Trinh (Thanh Hóa), 3 tuổi, bị ung thư máu bẩm sinh được giúp đỡ trong việc hỗ trợ chi phí điều trị căn bệnh hiểm nghèo này; đó là trường hợp gia đình ông Phan Đình Nhâm (Quỳ Hợp, Nghệ An) được giúp đỡ khi gia đình ông có hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông là cựu chiến binh mang trong mình chất độc da cam nhưng lại không được hưởng chế độ do giấy tờ bị thất lạc và con trai ông là anh Phan Đình Tường phải mang khối u khổng lồ trong suốt 40 năm mà không thể chữa chạy... Và còn rất nhiều những trường hợp éo le khác đã được giúp đỡ, được hỗ trợ bởi những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Thi đua, Khen thưởng - Bộ Y tế chia sẻ: “Diễn đàn Sẻ chia vị ngọt, Tri ân cộng đồng hàng năm là một trong những hoạt động phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách có từ bao đời nay của dân tộc ta. Hoạt động sự kiện “Sẻ chia vị ngọt – Tri ân cộng đồng” đã đánh dấu được các bước tiến mới về qui mô tổ chức và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến với cộng đồng. Đồng thời, sự kiện cũng đã trở thành cầu nối tin cậy để các hoạt động thiện nguyện đến được với các bệnh nhân nghèo. Những hoạt động này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giảm bớt nỗi đau, chung tay trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Sự kiện “Sẻ chia vị ngọt – Tri ân cộng đồng” năm 2015 được phát sóng trực tiếp trên Kênh phát thanh JoyFM, tần số FM 98.9 MHz với hình thức cầu phát thanh tương tác tại 3 điểm cầu thu hút sự chú ý của đông đảo thính giả gần xa trên cả nước. Tham dự sự kiện này, ngoài các hoạt động thiện nguyện đối với các bệnh nhân nghèo, Bệnh viện mắt Quốc tế DND đã mang đến những thông tin thiết thực và bổ ích liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe chủ động đôi mắt, qua đây người dân cũng có điều kiện tiếp cận được các phương pháp và công nghệ hiện đại trên Thế giới về chăm sóc, điều trị và khám chữa cho các bệnh nhân có vấn đề liên quan đến sức khỏe

đôi mắt. Đồng thời, nhằm chia sẻ với các bệnh nhân trong thời gian tới, Bệnh viện mắt Quốc tế DND đã cam kết, thực hiện hỗ trợ tới 60% các chi phí đối với việc thực hiện phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân cận thị, loạn, viễn và lão thị bằng các phương pháp tiên tiến như Lasik, Femtolassik, ReLEX SMILE...

Phát huy tinh thần tương thân tương ái, từ nhiều năm qua, Kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe Joyfm luôn đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, luôn kêu gọi những mạnh thường quân trong và ngoài nước hướng về những người nghèo... Chia sẻ về hoạt động của JoyFM trong thời gian qua, Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Tổng Giám đốc, Phó tổng biên tập Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội nói: “Mỗi một người đóng góp một phần nhỏ bé thì cả tập thể sẽ là một phần quà to lớn. Từ bây giờ mỗi người trong chúng ta hãy cùng cống hiến cho xã hội bằng chính các hoạt động thiện nguyện của mình, dù là nhỏ nhất! Hãy cùng nhau hỗ trợ cho người bệnh nghèo qua chương trình “Sẻ chia vị ngọt tri ân cộng đồng” để chương trình mãi là ngôi nhà nhân văn của tâm hồn, cho những số phận còn kém may mắn”.

Với quy mô và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng và xã hội, sự kiện “Sẻ chia vị ngọt tri ân cộng đồng” lần thứ III, năm 2015 đã quyên góp được tổng giá trị từ thiện tương đương với 74 triệu đồng. Và đó chính là cầu nối để các nhà hảo tâm đến gần hơn với những mảnh đởi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt những người đang phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo; đồng thời cũng là cơ hội để Doanh nghiệp, các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm thực hiện thiện nguyện của mình vì cộng đồng, vì xã hội một cách thiết thực và hiệu quả.

Như vậy, một điểm rất riêng của Joy Fm là mở rộng quy mô của một chuyên mục với thời lượng 10 phút thành một sự kiện thường niên được tổ chức mỗi năm một lần với thời lượng khoảng 2 tiếng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm của kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe JOY FM đài phát thanh và truyền hình hà nội (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)