CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ GIẢI PHÁP KHUYẾN NGHỊ
3.2 Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kênh phát thanh chuyên biệt về sức khoẻ Joy Fm
3.2.1 Nhóm giải pháp về nội dung
a. Giải pháp cho các chương trình về sức khỏe
Mặc dù các chương trình được phát sóng trên kênh Joy Fm đã đa dạng và phong phú về thể loại cũng như nội dung. Tuy nhiên, làm sao để hay và hấp dẫn thì lại là một vấn đề cần khắc phục. Định hướng của kênh
trong thời gian tới là nâng cao chất lượng các chương trình tư vấn sức khỏe đang thu hút thính giả. Chẳng hạn như hiện nay, chương trình Gặp thầy thuốc nổi tiếng đã được tăng hơn về số lượng, đã phát thêm vào khung giờ 15h các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Điều này giúp thu hút nhiều thính giả gọi điện về cho tổng đài hơn. Ngoài ra, kênh Joy Fm cũng cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia, vì đây là lực lượng chủ chốt quyết định đến nội dung tư vấn của chương trình. Với một đội ngũ chuyên gia vừa giàu về kinh nghiệm, vừa giỏi về chuyên môn, lại tốt về khả năng diễn đạt trước thính giả, thì các chương trình tư vấn về sức khỏe sẽ ngày một hay hơn, chuyên sâu hơn và nhận được nhiều sự ủng hộ của thính giả hơn.
Điều quan trọng nhất mà các chương trình cần hướng tới đó chính là cần phải đổi mới về format chương trình để thính giả không bị nhàm chán bởi các mô tuýp cũ. Đôi khi, có nhiều thính giả cũng đã góp ý rằng, với thời lượng 90 phút và phần giao lưu giữa chuyên gia và các thính giả quá dài, dễ khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán bởi không phải vấn đề nào cũng là mối quan tâm của họ và không phải thính giả nào gọi điện lên cũng có thể trình bày rõ ràng, mạch lạc. Có thể, vấn đề này là sự quan tâm của một bộ phận thính giả này, nhưng đối với những thính giả khác, họ lại cảm thấy nhàm chán bởi những cái họ quan tâm lại không nằm ở những câu hỏi của thính giả. Do vậy, một vài giải pháp để thay đổi format chẳng hạn như thêm phần phóng sự vào mỗi chương trình để cập nhật thực trạng cũng như những câu chuyện xung quanh liên quan đến chủ đề của ngày hôm đó, hoặc là tăng thêm thời lượng dành cho chuyên gia để họ có thể nói sâu hơn về những vấn đề liên quan đến bệnh mà chủ đề hôm đó đề cập……
Thực tế là các chương trình cũng đã cố gắng để hoàn thiện và làm cho thính giả bớt nhàm chán hơn. Ekip thực hiện cũng đã cố gắng giữa các phần trong cùng một chương trình được giãn ra bởi một bài hát hoặc là một tiểu phẩm về chủ đề chương trình. Tuy nhiên, chất lượng của nhiều tiểu
phẩm còn chưa đạt yêu cầu, chất lượng của các diễn viên đóng tiểu phẩm cũng còn hạn chế. Nội dung còn sơ sài và chưa gây được hấp dẫn cho thính giả, đôi khi, những vấn đề được lồng ghép trong tiểu phầm còn “thô” và chưa được “mềm mại, chau chuốt”. Vì vậy, yếu tố nâng cao chất lượng các tiểu phẩm lồng ghép trong một chương trình cũng cần được quan tâm và đầu tư “chất xám” nhiều hơn nữa.
Một giải pháp nữa cũng cần được xem xét đó là tăng thêm các chương trình trực tiếp, bởi đây chính là điểm thu hút thính giả nhất. Đối với các chương trình trực tiếp, thính giả có thể được giải đáp những vấn đề mà mình đang băn khoăn một cách nhanh chóng, giúp cho họ bớt đi những nỗi lo lắng và trăn trở mà đôi khi, chính những băn khoăn đó khiến cuộc sống của họ không thoải mái và làm cho bệnh tình nặng hơn. Thế nhưng, khi thêm các chương trình mới thì cần phải tập trung vào nội dung khai thác để tránh trùng lặp giữa các chương trình và dễ khiến thính giả nhàm chán.
Thực tế thì các chương trình hiện nay chưa có sự khác biệt rõ ràng, mới chỉ dừng lại ở việc đa dạng đầu mục chương trình mà chưa phân hóa một cách chuyên biệt. Trong số các chương trình trực tiếp, “Tuổi vàng” là chương trình dành riêng cho người cao tuổi, “Thuốc đông y” là chương trình chuyên biệt về mảng Đông y, “Vì trái tim khỏe Việt Nam” là chương trình nói về các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường, “Lời thì thầm” là chương trình về lĩnh vực sức khỏe tình dục. Còn lại, những chương trình “Gặp thầy thuốc nổi tiếng”, “Nhịp cầu sức khỏe” là hai chương trình tư vấn sức khỏe dành cho mọi lứa tuổi. Đôi khi, giữa các chương trình này, sẽ có sự trùng lặp về chủ đề. Chẳng hạn, cùng trong ngày 18/7/2015, chương trình Thuốc đông y được phát trực tiếp với chủ đề Bệnh tim mạch và suy tim, nhưng tại chương trình Vì trái tim khỏe Việt Nam ngày hôm đó cũng có một chủ đề tương tự là Bệnh mạch vành. Mặc dù, 2 chủ đề này khác nhau về phạm vi đề cập, nhưng những nội dung được nhắc đến lại trùng lặp nhau khá nhiều.
Do đó, một giải pháp đưa ra khi gặp những trường hợp như vậy là có thể
đổi chủ đề của chương trình Thuốc đông y sang một lĩnh vực khác, chẳng hạn như các bệnh đường hô hấp hay là về da liễu….Không nên cùng một ngày mà nhắc lại nhiều kiến thức về một vấn đề. Như vậy sẽ khiến thính giả cảm thấy nhàm chán và không có sự mới mẻ.
Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm đối tượng thính giả khi tăng cường sản xuất các chương trình trực tiếp tư vấn sức khỏe cho các lứa tuổi khác như tuổi vị thành niên, hoặc trẻ em, hoặc cho các đối tượng là phụ nữ đang mang bầu…….Với việc thêm các chương trình với đối tượng thính giả chuyên biệt như vậy, thứ nhất, nội dung tư vấn sức khỏe sẽ thêm phong phú hơn. Các phóng viên sẽ không bị bó hẹp bởi nội dung chủ đề của các chương trình. Bởi lẽ, những chương trình trực tiếp đa số đều phát hàng ngày hoặc phát cách nhật. Việc khai thác chủ đề rất khó khăn và dễ bị trùng lặp. Nếu như mở rộng thêm phạm vi đối tượng tiếp nhận thì sẽ mở rộng thêm phạm khi khai thác đề tài. Và chủ đề của mỗi chương trình cũng sẽ đa dạng, phong phú hơn, thông tin mang đến cho thính giả cũng đa chiều hơn và thuộc về nhiều lĩnh vực hơn. Thứ hai, với việc mở rộng đối tượng tiếp nhận thông tin, đồng nghĩa với việc sẽ thu hút thêm nhiều thính giả nghe đài hơn. Đó cũng là một cách tăng doanh thu cho kênh cũng như là thu nhập cho các nhân sự. Không những thế, đó cũng là cách kêu gọi nhiều nguồn tài trợ khác nhau, bởi đối với các lứa tuổi khác nhau sẽ có rất nhiều các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe khác nhau. Do vậy, để thu hút thêm nhiều nhãn hàng tài trợ cho chương trình, việc mở rộng đối tượng phạm vi tiếp cận là hết sức cần thiết.
Và do các chương trình trực tiếp thu hút được khá nhiều nhà tài trợ nên một vấn đề gặp phải đó là đôi khi nội dung lại bị chi phối bởi nhà tài trợ, trong đó yếu tố PR cài cắm vào đó khá nhiều. Điều này thể hiện rất rõ khi nhà tài trợ yêu cầu nhắc đến tên sản phẩm của mình quá nhiều lần trong một chương trình. Thậm chí, ở rất nhiều chương trình, phía bên nhà tài trợ đã cử người trực tiếp gọi lên tổng đài để làm thính giả nhờ tư vấn sử dụng
sản phẩm thuốc. Điều này đã gây không ít phiền toái cho các chuyên gia.
Vẫn biết đó là yếu tố quyền lợi nhất định của nhà tài trợ. Tuy nhiên, nếu PR quá lộ liễu và tần suất quá nhiều lần trong cùng một chương trình thì sẽ dễ gây phản cảm cho thính giả. Lấy ví dụ trường hợp của nhà tài trợ Azacne.
Đây là một sản phẩm dùng để trị mụn và giúp cho làn da được khỏe mạnh, phục hồi. Trong một chương trình chủ đề về mụn trứng cá, có một thính giả gọi điện đến nhờ chuyên gia tư vấn về việc sử dụng sản phẩm Azacne. Tuy nhiên, những biểu hiện mà thính giả đó nêu ra lại chung chung, không đặc trưng, làm cho chuyên gia không tìm hiểu được căn nguyên của bệnh cũng như là đặc điểm của bệnh như thế nào. Do vậy, chuyên gia cũng không thể tư vấn cụ thể cho người bệnh này, và cũng không dám chắc về tính năng của sản phẩm có phù hợp với căn bệnh này hay không. Như vậy, với cách này, vị thính giả kia không PR được nhiều cho sản phẩm mà trái lại, sự vụng về và có phần “hơi thô” của thính giả đó khiến mọi người đều có thể nhận ra đây là hình thức PR sản phẩm, và khiến thính giả nghe đài không mấy hài lòng về nội dung thông tin lúc đó.
Vì vậy, để nội dung các chương trình không bị chi phối quá nhiều bởi nhà tài trợ, ekip thực hiện cần thảo luận rõ ràng và thương lượng các điều khoản thật phù hợp, yêu cầu nhà tài trợ ít can thiệp vào nội dung chương trình hơn.
Liên quan đến nội dung của các chương trình trực tiếp về sức khỏe đó là sự có mặt của các chuyên gia. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cho chương trình có được thành công hay không. Bởi những thông tin mà chuyên gia cung cấp trong chương trình có tác động rất lớn đến thính giả nghe đài. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng có khả năng trả lời một cách trôi chảy và dễ hiểu, có những chuyên gia trong quá trình tư vấn đã vấp phải sự phản ứng của thính giả và lập tức nhận được góp ý từ phía thính giả gọi điện về tổng đài. Ví dụ như trường hợp chuyên gia Phạm Văn Hiển - Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam. Trong một số nói về các bệnh Da
liễu trong chương trình Nhịp cầu sức khỏe, khi các thính giả gọi điện đến nhờ chuyên gia tư vấn về các bệnh da liễu. Tuy nhiên, khi thính giả nêu các triệu chứng và nhờ tư vấn, có thể do cách diễn đạt của chuyên gia chưa được rõ ràng, nên những thông tin mà thính giả nhận được rất chung chung, khó hiểu và không tìm ra được phương án giải quyết cho bệnh đó một cách thích hợp. Và ngay lập tức, trong chương trình hôm đó, có một thính giả gọi điện kết nối với chuyên gia và góp ý trực tiếp rằng chuyên gia trả lời không thỏa đáng. Và đương nhiên, sau khi bộ phận kĩ thuật xử lí khéo léo để cắt phần góp ý của thính giả kèm theo lời xin lỗi của MC, chương trình vẫn không bị gián đoạn. Thế nhưng sau đó, ban biên tập đã có lời xin lỗi với vị thính giả đó và cũng đã họp bàn rút kinh nghiệm trong trường hợp chuyên gia được mời đến có khả năng diễn đạt không được tốt lắm. Vì vậy, để khắc phục những lỗi về tư vấn của chuyên gia, các chương trình thường mời những chuyên gia có tiếng, và có khả năng tư vấn một cách trôi chảy, dễ hiểu. Trong trường hợp, chuyên gia được mời đến chưa thực sự tốt trong kĩ năng trả lời phỏng vấn thì biên tập viên phải có trách nhiệm hội ý cùng với chuyên gia từ trước, và soạn thảo một vài nội dung chính để giúp chuyên gia tập luyện trả lời trước khi lên sóng. Trong trường hợp, nếu chuyên gia quá khó khăn trong việc diễn đạt thì biên tập viên có trách nhiệm tìm một chuyên gia khác có khả năng diễn đạt tốt hơn. Nhiều khi, chuyên gia giỏi về chuyên môn những chưa chắc đã vững về khả năng nói.
Vì vậy, lựa chọn chuyên gia để góp mặt trong các chương trình trực tiếp cũng là yếu tố vô cùng quan trọng vào nội dung của một chương trình.
Một giải pháp tiếp theo đối với các chương trình về sức khỏe để giúp cho nội dung các chương trình này được nâng cao, đó là thay đổi format của nhiều chương trình để khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt là đối với các chương trình không trực tiếp (chương trình off), việc các chuyên mục có nét tương đồng trong mô tuýp thể hiện là khá phổ biến. Một vài chuyên mục như Phòng bệnh từ những thói quen, An toàn vệ sinh thực
phẩm, Hôm nay bạn đã chăm sóc sức khỏe, Nhật ký Joy Fm….đều có format quen thuộc là đưa ra các thông tin dưới hình thức một bài phản ánh và sau đó là những chỉ dẫn, gợi ý được đưa ra. Hình thức thể hiện giống nhau sẽ khiến cho các chuyên mục đôi khi chưa phân biệt được rạch ròi, nhiều thính giả sẽ không phân biệt được đâu là chương trình Phòng bệnh từ những thói quen, đâu là chương trình Hôm nay bạn đã chăm sóc sức khỏe……khi cách thể hiện khá giống nhau như vậy. Đồng ý với việc, nội dung chủ đề của mỗi chuyên mục là khác nhau, nhưng cách thể hiện cốt lõi vấn đề lại giống nhau khiến chúng không trở nên nổi bật và khó phân biệt rạch ròi. Vì vậy, cần thay đổi lại các format của những chương trình này.
Có thể tham khảo nhiều cách thể hiện chương trình như MC đóng vai trò như nhân vật trải nghiệm và kể lại câu chuyện nào đó cho chúng ta nghe.
Hoặc, lồng ghép nhiều hơn những phỏng vấn của thính giả theo hướng trái chiều để làm nổi bật lên ý đồ cần thể hiện cũng như nội dung thông tin được đề cập đến. Hay thay vì 1 MC, có thể cho 2 MC giao lưu với nhau và cùng nhau đưa ra những thông tin tư vấn về sức khỏe dưới hình thức chia sẻ mẹo vặt…..
Nên thêm vào các chương trình những phỏng vấn của nhiều chuyên gia. Vì đây là một kênh chuyên biệt về sức khỏe, nên những thông tin về sức khỏe sẽ chiếm đa số thời lượng phát sóng. Bên cạnh những chương trình trực tiếp có sự tư vấn của chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực về y tế, những chương trình phát off cũng cần đẩy mạnh việc đưa thêm các phỏng vấn, ý kiến chuyên gia để chuyên mục vừa phong phú đa dạng hơn, vừa tạo được lòng tin từ phía thính giả nghe đài nhiều hơn. Hiện nay, các chương trình off có khá nhiều chương trình không sử dụng yếu tố phỏng vấn trong khi thể hiện nội dung. Vì vậy, đôi khi thông tin đưa ra mang tính chất hơi chủ quan và có phần chưa thuyết phục. Vậy thay vì viết để thính giả tin rằng điều đó là sự thật hoặc điều đó là có ích, chỉ cần phát một đoạn phỏng
vấn (ghi âm) câu trả lời của một chuyên gia về lĩnh vực nói đến là thính giả nghe đài sẽ cảm thấy dễ tiếp nhận và tin tưởng hơn rất nhiều.
b. Nhóm giải pháp cho các chương trình giải trí
Bên cạnh các chương trình về sức khỏe được nhiều người ưa thích, các chương trình về giải trí cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều thính giả, đặc biệt là đối với các chương trình ca nhạc trực tiếp. Tuy nhiên, đối với những chương trình này lại vấp phải sự cạnh tranh khá gay gắt của nhiều “đối thủ” khác nhau. Đó là các chương trình ca nhạc trên XoneFm, 365 ngày hạnh phúc hoặc là VOV Fm Cảm xúc. Fm Cảm xúc là một kênh chuyên biệt, nhằm cung cấp cho thính giả thông tin về đời sống, chia sẻ cảm xúc về các vấn đề trong cuộc sống, xã hội trên các lĩnh vực văn hóa, âm nhạc, giải trí, nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ, kết nối thính giả, tạo nên một món ăn tinh thần, giúp người dân thư giãn, giải tỏa, giảm bớt áp lực trong cuộc sống hiện đại. Kênh FM Cảm xúc cũng có ý nghĩa giúp con người xích lại gần nhau hơn, đề cao tính nhân văn, truyền thống, hiếu nghĩa trong các gia đình Việt Nam.
VOV “FM CẢM XÚC”
Đơn vị quản lý Sự đầu tư kỹ lưỡng và bài bản của đài tiếng nói Việt Nam VOV
Nội dung Một kênh chuyên biệt, nhằm cung cấp cho thính giả thông tin về đời sống, chia sẻ cảm xúc về các vấn đề trong cuộc sống, xã hội trên các lĩnh vực văn hóa, âm nhạc, giải trí, nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ, kết nối thính giả, tạo nên một món ăn tinh thần, giúp người dân thư giãn, giải tỏa, giảm bớt áp lực trong cuộc sống hiện đại.