CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ GIẢI PHÁP KHUYẾN NGHỊ
3.2 Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kênh phát thanh chuyên biệt về sức khoẻ Joy Fm
3.2.3 Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định đến nội dung của các chương trình phát sóng. Hiện nay, nguồn nhân lực của JoyFm đa phần là những người trẻ, mới ra trường, tuổi nghề còn ít, kinh nghiệm còn thiếu. Vì vậy, khả năng khai thác vấn đề, đặc biệt là khả năng đi hiện trường, quan sát và phỏng vấn còn hạn chế. Điều này khiến nội dung của nhiều chương trình không được khai thác sâu và đôi lúc thông tin đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Tuy nhiên, kinh nghiệm là điều cần phải có thời gian để trau dồi. Vì vậy, vấn đề này không thể nóng vội giải quyết trong một sớm một chiều được. Giải pháp đưa ra là cần phải có một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này cố vấn, hỗ trợ và giúp cho các phóng viên nâng cao
tay nghề hơn. Điều này Joy Fm cũng đã làm được khá thành công khi ban cố vấn của Joy Fm đều là những người lành nghề và có bề dày kinh nghiệm. Ban cố vấn có nhiệm vụ định hướng nội dung, cách khai thác chủ đề và duyệt lại các tin bài, chương trình trước khi phát sóng. Nhưng, do khối lượng chương trình khá lớn, nhân sự trong ban cố vấn lại ít (3 người) nên áp lực dồn lên những người duyệt chương trình là rất lớn. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm nhân lực cho ban cố vấn để hỗ trợ cho các thành viên khác giúp nâng cao chất lượng chương trình hơn.
Thêm vào đó, những phóng viên của Joy Fm có nhiều người không xuất phát từ các trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành báo chí, mà họ đến từ nhiều ngành học khác nhau. Và đương nhiên, đối với những người chưa qua đào tạo một cách kĩ càng về kĩ năng làm báo thì sẽ gặp phải khó khăn rất nhiều đối với công việc này. Giải pháp đưa ra là tạo điều kiện cho các phóng viên được đào tạo, được học tập qua các khóa đào tạo, các chương trình đào tạo chuyên môn ngắn hạn hoặc dài hạn, để các phóng viên được trau dồi nhiều hơn nữa kĩ năng làm báo của mình.
Đối với các nhân lực của bộ phận kĩ thuật. Với khối lượng công việc khá nhiều như vậy lại chỉ có 5 kĩ thuật đảm nhiệm, nên việc kĩ thuật phải làm việc căng thẳng, tăng ca là điều không thể tránh khỏi. Và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều sự cố đã xảy ra như phát nhầm file quảng cáo, nhạc cắt bị lỗi, file thu âm cắt còn bị sót….. Với tần suất làm việc căng thẳng, đôi khi, ngay cả trường hợp chương trình phát sóng trực tiếp, kĩ thuật cũng đôi khi khó có thể xử lí các sự cố phát sinh một cách hiệu quả.
Có những trường hợp, khi phát sóng trực tiếp, máy móc bị lỗi khi hệ thống máy tính bị chậm, chưa kịp xử lí, kĩ thuật lại đang chịu nhiều áp lực, mệt mỏi nên giải quyết vấn đề khá vụng về, đôi khi xảy ra tình trạng bị trống sóng mà không có những phương án phòng bị kịp thời (phát quảng cáo hoặc một bài hát…..). Do vậy, để giảm tải áp lực cho kĩ thuật, Joy Fm cần
lưu ý đến việc tuyển thêm kĩ thuật viên để mỗi người có thể làm việc một cách hiệu quả và năng suất nhất.
Thêm vào đó, đội ngũ kĩ thuật khá trẻ, kinh nghiệm làm việc chưa có nhiều, lại có thành viên nữ nên đôi khi đây cũng là những trở ngại khiến bộ phận kĩ thuật làm việc đôi lúc còn để ra sai sót. Do tính chất cần phải làm đêm và trực sóng nên có những lúc, nữ kĩ thuật viên phải ở lại một mình trông sóng. Và sức khỏe của phái nữ không được ổn định như nam giới nên rủi ro xảy ra cho mỗi chương trình là rất cao. Tuy nhiên, đây là vấn đề cũng không quá khó khăn để giải quyết khi hiện nay Joy Fm đã thực hiện ưu tiên nữ giới, số ngày trực đêm của nữ kĩ thuật viên ít đi, thêm vào đó, các kĩ thuật viên còn thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao tay nghề cũng như trau dồi được kinh nghiệm để khi làm việc, mọi thứ đều ở mức tốt nhất có thể.
Một yếu tố nữa đóng góp vào sự thành công của mỗi chương trình đó là bộ phận MC. Hầu hết các MC ở Joy Fm đều là các cộng tác viên (CTV) với số lượng khoảng 10 người. Còn MC chính của kênh Joy Fm chỉ có 2 người cố định. Do đó, điều hạn chế lớn nhất là đôi khi Joy Fm sẽ rơi vào tình thế bị động khi các CTV có việc bận mà không thể lên dẫn theo lịch đã sắp xếp. Hoặc, có những trục trặc phát sinh (như MC đến phút chót không đến vì lí do cá nhân….) số lượng người có thể thay thế và “chữa cháy” là rất ít bởi MC cố định chỉ có 2 người túc trực. Hoặc, do các CTV thường có một nơi làm việc chính thức và chủ yếu nên nhiều khi, ở nơi làm việc chính của họ có việc phát sinh khiến họ không đến kịp để dẫn chương trình trực tiếp mà họ được sắp xếp lịch bên Joy, họ cũng thường bỏ qua không sang Joy Fm để dẫn ngày hôm đó nữa, dù biết chương trình là trực tiếp. Vì vậy, giải pháp đầu tiên là cần bổ sung thêm các MC “đinh” là nhân sự chính thức của Joy Fm và làm việc tại trụ sở của Joy hàng ngày. Giải pháp này sẽ giúp cho các chương trình không bị rơi vào tình thế bị động, nhất là đối với các chương trình trực tiếp.
Điều tiếp theo, hiện nay các MC đã được bổ sung theo hướng đa dạng về vùng miền, do Joy Fm đã phủ sóng ở miền Nam nên giọng phát thanh viên cũng cần được bổ sung giọng nói của người miền Nam. Hiện tại, Joy đang có 2 MC là người nói giọng miền Nam. Điều này khiến cho các MC gặp phải sự cố là cách dẫn khác nhau và đôi khi không hiểu nhau do bất đồng ngôn ngữ giữa MC miền Bắc và MC miền Nam. Thời gian đầu làm việc cùng nhau, MC hai miền còn chưa hiểu nhau, nhất là khi dẫn trực tiếp, đôi khi 2 MC làm việc không ăn ý và dẫn đến tình trạng cuộc nói chuyện của 2 MC có thể trở nên “vô duyên” đôi với thính giả nghe đài. Thế nhưng, tình trạng này cũng dần được cải thiện và nhờ đó, các MC làm việc với nhau ăn ý hơn. Tuy nhiên, Joy Fm cũng cần có sự sắp xếp lịch dẫn của các MC một cách hài hòa, tránh tình trạng khi 2 MC trái ngược nhau lại làm việc cùng nhau, sẽ khiến chương trình trở nên không hay.
Các MC cũng là những người có tuổi đời khá trẻ, và ít kinh nghiệm trong nghề, đặc biệt là đối với các chương trình trực tiếp. Do vậy, không tránh khỏi việc họ xử lí các tình huống phát sinh không khéo léo dễ gây đến phản cảm hoặc khiến thính giả cảm thấy nhàm chán khi họ nói những câu chuyện không đầu không cuối, hoặc hỏi thính giả những câu hỏi thuộc phạm trù “tế nhị”. Ví dụ, trong một số phát sóng chương trình Gặp thầy thuốc nổi tiếng, do hôm đó MC dẫn bị vướng vào việc đột xuất nên không thể lên dẫn, MC Đình Quang là MC được chỉ định là dẫn thay MC chính ngày hôm đó. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Đình Quang được dẫn trực tiếp một chương trình về sức khỏe nên anh ấy có phần khá lúng túng. Và ở một cuộc trò chuyện với thỉnh giả, khi thính giả gọi điện lên nhờ tư vấn về tình trạng sức khỏe của họ và bệnh tình của họ khá bi quan thì MC Đình Quang lại nói rằng: rất cảm ơn những lời chia sẻ thú vị vừa rồi của chị. Từ
“thú vị” đã được dùng không phù hợp với hoàn cảnh và khiến cho người nghe có phần cảm thấy hơi “vô duyên”. Do vậy, đối với các chương trình trực tiếp có nội dung khá phức tạp, cần phải để những người MC có kinh nghiệm lâu năm đảm nhận thì hiệu quả chương trình mới cao.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Trong chương này, chúng ta đã điểm qua một số mặt hạn chế của Joy Fm về: chất lượng phát sóng, đôi chỗ lạm dụng quảng cáo, khả năng kết nối với khán giả hạn chế, format đơn giản, trùng lặp, nội dung không cân đối (ưu tiên khu vực miền Bắc hơn là vùng Đông Nam Bộ), nhân lực mỏng. Đó cũng là những vấn đề là bất kỳ chương trình phát thanh chuyên biệt nào cũng phải đối mặt.
Đối với những nguyên nhân chủ quan, chúng tôi đã bước đầu đề ra được giải pháp xử lý, giải quyết, ví dụ: tăng thời lượng các chương trình trực tiếp để thu hút khán giả, thu hút nhà tài trợ, đa dạng hóa format chương trình, mở thêm các chuyên mục, tăng cường phỏng vấn chuyên sâu các chuyên gia...
Kể cả những giải pháp mang tính quy mô như đầu tư, làm mới cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao đội ngũ nhân lực cũng đã được tính tới.
Joy Fm là chương trình phát thanh chuyên biệt về sức khỏe đầu tiên nên đương nhiên phải đối diện với nhiều thách thức. Đưa ra những giải pháp cụ thể như trên, chúng tôi muốn đưa ra một khung giải pháp có ích, thiết thực, hiệu quả để Joy Fm áp dụng, thực hiện, vừa là nâng cao được hiệu quả sản xuất phát thanh, vừa làm kiểu mẫu cho các kênh phát thanh chuyên biệt khác học tập kinh nghiệm.