Chương 1: TỔNG QUAN VỀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
1.2 Pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự
1.2.4 Thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự
Chuẩn bị cưỡng chế
Công tác chuẩn bị trước khi cưỡng chế THADS rất quan trọng. Có thể nói đây là khâu quyết định lớn tới việc cưỡng chế có thành công hay không. Nếu có sự chuẩn bị tốt Chấp hành viên sẽ chủ động đối với mọi tình huống phát sinh khi tổ chức cưỡng chế. Đây là giai đoạn rất quan trọng không chỉ giúp chúng ta nắm chắc được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà còn giúp chúng ta nắm về tâm lý, thái độ, hoàn cảnh cụ thể về gia đình, người thân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn chuẩn bị cưỡng chế. Ngoài ra còn có cơ sở để phối hợp với các cơ quan hữu quan, với chính quyền địa phương, nắm được chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn có ủng hộ hay không ủng hộ việc cưỡng chế đối với người phải thi hành án. Trên cơ sở đó xây dựng được kế hoạch cưỡng chế, cơ quan công an nơi tổ chức cưỡng chế phối hợp xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế, sự phối hợp đó là yếu tố quan trọng giúp cho chúng ta tổ chức cưỡng chế thành công hay không thành công. Chính vì vậy, đòi hỏi Chấp hành viên phải làm tốt các công việc cụ thể như sau:
28 Thứ nhất, ra quyết định cưỡng chế
Đây là một trong các căn cứ để tiến hành cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc thi hành án ban hành (Mẫu quyết định cưỡng chế được thực hiện theo quy định tại thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Chính vì vậy, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng vụ việc thi hành án, điều kiện của người phải thi hành án, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…, Chấp hành viên có thể lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế nào cho phù hợp.
Ví dụ: Áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành án chỉ được áp dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật THADS:
- Theo thỏa thuận của đương sự.
- Bản án, quyết định ấn định biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành bản án.
- Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành.
Thứ hai, tổ chức xác minh trước khi cưỡng chế
Xác minh trước khi cưỡng chế là một việc làm vô cùng quan trọng mà Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án buộc phải thực nghiệm nghiêm túc. Tùy theo mục đích của từng hồ sơ thi hành án để Chấp hành viên xây dựng kế hoạch xác minh trước khi cưỡng chế cho phù hợp. Trên cơ cở các thông tin đã xác minh được Chấp hành viên tiến hành xây dựng kế hoạch cưỡng chế mới thực sự sát, phù hợp và đạt hiệu quả. Chính vì vậy, Chấp hành viên phải xác minh làm rõ những vấn đề sau:
Một là, nhân thân của người bị kê biên và gia đình, quan hệ xã hội của họ như: trình độ nhận thưc hiểu biết pháp luật, nghề nghiệp, tiền án, tiền sự, thái độ hành vi, mức độ chống đối khi bị cưỡng chế;
Hai là, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn sẽ tiến hành cưỡng chế;
29
Ba là, quan điểm của chính quyền và nhân dân địa phương nơi sẽ tiến hành cưỡng chế đồng tình hay không đồng tình với việc cưỡng chế;
Bốn là, tình hình giao thông, địa hình, đường xá, đặc điểm khu dân cư nơi sẽ tiến hành cưỡng chế.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch cưỡng chế
Kế hoạch cưỡng chế có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho quá trình tổ chức cưỡng chế có thành công hay không; thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học của Chấp hành viên và kết quả phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế; thể hiện rõ sự phối hợp, ủng hộ hay thái độ của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể quần chúng và nhân dân địa phương trong khi tổ chức cưỡng chế; các chi phí cưỡng chế…
Sau khi đã nắm chắc được các thông tin qua xác minh trước khi cưỡng chế, Chấp hành viên tiến hành xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Trước khi xây dựng kế hoạch cưỡng chế, Chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ những quy định về xây dựng kế hoạch cưỡng chế tại Điều 72 Luật THADS, quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an. Nội dung kế hoạch cưỡng chế được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Để xây dựng kế hoạch cưỡng chế, Chấp hành viên thực hiện một số điểm sau:
Một là, quán triệt sâu sắc nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 72 Luật THADS như: Xác định rõ biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; yêu cầu về lực lượng tham gia và bảo vệ cưỡng chế; dự trù chi phí cưỡng chế.
Hai là, xác định rõ nơi nhận kế hoạch cưỡng chế được quy định tại Khoản 3 Điều 72 Luật THADS. Đặc biệt là cơ quan Công an cùng cấp nơi tiến hành cưỡng chế và chính quyền cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế.
Để xây dựng sát với tình hình thực tế và hoàn chỉnh kế hoạch cưỡng chế, Chấp hành viên phải thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/03/2012.
30
Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế của Chấp hành viên, cơ quan Công an cùng cấp sẽ xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế. Trong giai đoạn này, Chấp hành viên cần phối hợp cùng cơ quan Công an thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012.
Dự trù chi phí cưỡng chế. Chấp hành viên cần căn cứ vào Điều 73 Luật THADS, Điều 43, Điều 44 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư số 200/2016/TT-BTC để xác định chi phí cưỡng chế, những chi phí nào thì người được thi hành án chịu, chi phí nào người phải thi hành án chịu, chi phí nào thuộc ngân sách nhà nước chịu.
Thứ tư, chuẩn bị tiến hành cưỡng chế
Bước 1: Thông báo cưỡng chế
Thông báo thi hành án nói chung và thông báo cưỡng chế thi hành án nói riêng là việc làm bắt buộc đối với Chấp hành viên. Luật Thi hành án dân sự có 05 điều quy định cụ thể về các hình thực hiện thông báo thi hành án và Khoản 1 Điều 88 còn quy định cụ thể thời hạn thông báo về việc kê biên tài sản “Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện Tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại trốn tránh việc thi hành án”. Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể thực hiện do bưu tá, người được cơ quan thi hành án ủy quyền...
Bước 2: Tổ chức họp bàn thống nhất cưỡng chế
Đây là một giai đoạn quan trọng trong bước chuẩn bị cưỡng chế, giúp cho công tác chuẩn bị lực lượng, trang bị, phương tiện cũng như dự kiến tình huống có thể xảy ra và cách xử lý các tình huống đó phù hợp với thực tế trong quá trình tổ chức cưỡng chế. Muốn vậy, Chấp hành viên phải thực hiện việc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án trong việc triệu tập, mời các thành phần tham gia cưỡng chế dự họp, đối với những vụ việc cưỡng chế phức tạp cơ quan thi hành án và lực lượng bảo vệ cưỡng chế phải tập vợt trước.
31
Họp bàn trong nội bộ cơ quan Thi hành án: Chấp hành viên báo cáo toàn bộ nội dung kế hoạch cưỡng chế và dự trù bố trí lực lượng như: các Chấp hành viên tham gia, cán bộ ghi biên bản mấy người, cán bộ đo đạc hiện trạng đất, người chỉ huy lực lượng phá dỡ, xây ngăn…; phương tiện chuẩn bị những gì: roi điện, máy ảnh, máy quay camera, xe ô tô, dự trù cấp cứu 115…; chuẩn bị các văn bản, giấy tờ, tài liệu như: các loại biên bản, các loại quyết định, các văn bản khác và chuẩn bị công tác hậu cần… Những người tham gia cuộc họp thảo luận các tình huống và hướng xử lý các tình huống đó…
Họp thống nhất kế hoạch và phương án bảo vệ với cơ quan Công an. Lực lượng bảo vệ cưỡng chế rất quan trọng cho sự thành công của buổi cưỡng chế. Chấp hành viên là người chủ trì, điều hành cưỡng chế phải nắm rõ người chỉ huy bảo vệ cưỡng chế, các mục tiêu trong phương án bảo vệ, số lượng người từng mục tiêu và lực lượng khống chế những phần tử chống đối, khống chế người bị cưỡng chế và người nhà của họ nếu có hành vi chống đối.
Họp thống nhất với thành phần tham gia cưỡng chế. Để buổi cưỡng chế thành công, Chấp hành viên cần thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA. Cụ thể như sau: Trước thời điểm cưỡng chế 01 ngày làm việc, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cuộc họp với cơ quan Công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để bàn biện pháp triển khai kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tham dự cuộc họp đầy đủ, đúng thành phần theo giấy mời của cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp các thông tin về nội dung vụ việc, quá trình tổ chức thi hành và bảo đảm kinh phí cho việc cưỡng chế, bảo vệ cưỡng chế theo quy định.
32
Hình 1.1 Cuộc họp thống nhất với các thành phần tham gia cưỡng chế
(Nguồn: Tạp chí dân chủ và pháp luật)
Mục tiêu của cuộc họp để Chấp hành viên giới thiệu bản thân mình và những người giúp việc, nắm chắc thành phần tham gia cưỡng chế, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng tham gia, chuẩn bị ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Trường hợp vụ việc phức tạp, Chấp hành viên đề nghị chỉ huy lực lượng bảo vệ cưỡng chế trình bày phương án bảo vệ cưỡng chế; cán bộ xã, thôn và các đoàn thể trình bày một số nội dung liên quan như: Thái độ của người bị cưỡng chế và gia đình, người thân của họ, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chấp hành viên tiến hành phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận và yêu cầu đối với từng bộ phận trong quá trình tiến hành cưỡng chế, công tác phối hợp, xử lý các tình huống.
Tiến hành cưỡng chế Bước một, tại địa điểm tập kết.
Chấp hành viên có thể chọn tại UBND cấp xã làm địa điểm tập kết trước khi đến nơi cưỡng chế. Thời điểm tập kết có thể trước khi tiến hành cưỡng chế 1 giờ. Chấp hành viên nắm lại thành phần tham gia cưỡng chế, đề nghị chỉ huy lực lượng bảo vệ cưỡng chế có ý kiến về việc tổ chức các chốt bảo vệ; cán bộ xã, thôn cho ý kiến về tình hình địa phương, thái độ, tâm lý của người bị cưỡng chế, người
33
thân của họ trong thời gian từ buổi họp hôm trước đến thời điểm tập kết. Tổ chức di chuyển từ nơi tập kết đến địa điểm cưỡng chế. Đối với vụ việc phức tạp cần đề nghị lực lượng bảo vệ thành phần tham gia cưỡng chế từ nơi tập kết đến địa điểm cưỡng chế.
Bước hai, tại địa điểm cưỡng chế
Chọn vị trí điều hành:
Một là, đứng cách xa đương sự, người nhà đương sự một khoảng cách nhất định và là nơi thuận tiện cho việc quan sát, quán xuyến, điều hành, xử lý các tình huống trong quá trình tổ chức cưỡng chế.
Hai là, yêu cầu người bị cưỡng chế tự nguyện thi hành án: Người bị cưỡng chế tự nguyện thi hành án (nếu họ tự nguyện thì lập biên bản về sự tự nguyện) hoặc không tự nguyện để tiến hành cưỡng chế.
Ba là, đọc toàn bộ nội dung Quyết định cưỡng chế (đối với những trường hợp giao nhà, đất mà bị khóa cổng thì Chấp hành viên đọc Quyết định cưỡng chế trước khi tiến hành mở khóa).
Hình 1.2 Chấp hành viên đọc quyết định cưỡng chế THADS
(Nguồn: Báo điện tử đại biểu nhân dân)
34 Bước ba, tiến hành tổ chức cưỡng chế:
Chấp hành viên chủ trì:
- Điều hành các lực lượng tham gia cưỡng chế tiến hành thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Trường hợp giao đất, giao nhà phải yêu cầu làm tỷ mỷ, đo đạc thật cụ thể, chính xác các vị trí mốc giới, các điểm tiếp giáp, chiều dài, chiều rộng, các loại tài sản gắn liền với đất, so sánh diện tích thực tế với quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cưỡng chế giao nhà mà có tài sản trong nhà thì phải thống kê cụ thể các tài sản và giao cho người phải thi hành án hoặc người nhà của họ…
- Trường hợp đang tiến hành cưỡng chế giao vật mà có người thứ ba tranh chấp về vật phải cưỡng chế thì Chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế giao vật theo bản án, quyết định và hướng dẫn đương sự, người có tranh chấp khởi kiện ra Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Trường hợp kê biên nhà là tài sản duy nhất thì Chấp hành viên có thể xác định phải thuê một nơi ở khác cho người phải thi hành án và gia đình họ, có thể Chấp hành viên động viên, thuyết phục người được thi hành án trong việc thuê nơi ở cho người phải thi hành án.
- Kịp thời điều hành, phối hợp xử lý các tình huống phát sinh. Khi có các tình huống phát sinh, Chấp hành viên yêu cầu thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 và Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA và có phương án xử lý kịp thời.
Bước bốn, lập biên bản kê biên và các biên bản khác
- Quá trình kê biên phải lập biên bản kê biên (biên bản được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật THADS) và các loại biên bản khác (kể cả biên bản xử phạt vi phạm hành chính).
- Trường hợp phải phá khóa,Chấp hành viên phải lập biên bản phải nêu rõ lý do và phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia cưỡng chế, đại diện Viện kiểm sát và người làm chứng.
35
- Trường hợp giao tài sản cho người phải thi hành án hoặc người nhà của họ mà họ không nhận phải ghi rõ lý do, số lượng, chủng loại và ghi rõ nội dung giải thích quyền và nghĩa vụ của họ đối với tài sản, thời hạn nhận lại tài sản.
Bước năm, kết thúc cưỡng chế
Sau khi kết thúc cưỡng chế, Chấp hành viên cần kiểm tra lại toàn bộ hiện trường cưỡng chế xem có sai xót gì cần phải khắc phục ngay hay không và yêu cầu người bị cưỡng chế, người nhà của họ kiểm tra lại các tài sản trong gia đình (việc kiểm tra cũng được thể hiện rõ trong biên bản). Thư ký thông qua các loại biên bản và các thành phần đọc lại, ký vào biên bản. Trường hợp người phải thi hành án không ký thì phải ghi rõ lý do.
Bước sáu, rút kinh nghiệm sau cưỡng chế
Tùy thuộc vào từng vụ cưỡng chế mà tổ chức rút kinh nghiệm tại nơi tổ chức cưỡng chế, tại trụ sở tập kết hay trụ sở cơ quan thi hành án. Tuy nhiên với những vụ việc phức tạp thì sau khi tổ chức cưỡng chế xong, toàn bộ thành phần tham gia cưỡng chế nên tập trung về UBND xã để rút kinh nghiệm về những thành công, những việc chưa đạt yêu cầu, quá trình xử lý tình huống và những tình huống phức tạp phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Qua đó rút ra những kinh nghiệm để áp dụng cho những buổi cưỡng chế khác.