Điều kiện chính trị

Một phần của tài liệu Phật giáo và nho giáo thời trần nhìn từ triết học so sánh (Trang 20 - 29)

Chương 1: BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ NHỮNG TÍNH CHẤT, GIÁ TRỊ, VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VÀ NHO GIÁO THỜI TRẦN

1.1. Bối cảnh kinh tế xã hội thời Trần

1.1.2. Điều kiện chính trị

Sau khi nhà Lý tồn tại một thời gian hưng thịnh, thì đến cuối thế kỷ XII với chính sách cai trị hà khắc, vua quan ăn chơi sa đọa dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa trong nhân dân nổ ra. Khi mà các cuộc khởi nghĩa nổ ra thì thời cơ đến với nhà Trần được bắt đầu vào đầu thế kỷ XIII, với những biện pháp và mưu mô của Trần Thủ Độ, nhà Trần đã từng bước đạt được sự thống trị của mình. Bước sang thế kỷ XIII nước Đại Việt ba lần phải đương đầu với quân xâm lược Nguyên Mông. Tình hình đặt ra lúc bấy giờ đối với giai cấp cầm quyền và toàn thể nhân dân ta là phải củng cố chế độ phong kiến vững mạnh, xây dựng một đội quân chủ lực thiện chiến, mặt khác phải xây dựng được khối đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy nó đã làm cho các giai cấp

đối kháng trong nước phải xích lại gần nhau hơn để chống kẻ thù chung.

Cũng trong giai đoạn này giai cấp phong kiến đang trong xu thế ổn định đi lên đã có những tác động tích cực nhằm phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Tất cả các chính sách đều hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc với quân xâm lược, các mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp phong kiến đều được giải quyết theo theo tinh thần khoan dung, dân chủ. Chẳng hạn như vua tha tội chết cho Hoàng Cự Đà “Cự Đà tội đáng chết cả, song đời xưa có việc Dương Chân không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta; tha tội chết, cho đánh giặc chuộc tội” [22, 30]. Khi Thủ Độ đòi “Giết chết tên giặc Liễu” Thái Tông đã lấy mình che đỡ cho Liễu. Mùa xuân năm 1268 vua Thánh Tông đã bảo mọi người trong tôn thất rằng:“Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý; tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy” [22, 39-40]. Đây là tư tưởng đoàn kết dân tộc từ bên trong nội tộc để hướng tới mục tiêu chung là ổn định tình hình đất nước và tập trung cho chống kẻ thù xâm lược lúc bấy giờ.

Về chính sách đối nội, hệ thống quan lại triều chính thì nhà Trần vẫn tổ chức theo như thông lệ của nhà Lý trước đó, chỉ mở rộng thêm để thích ứng với nhu cầu của nhà nước cũng như tình hình thực tiễn lúc bấy giờ. Hệ thống quan lại thời Trần nhìn chung được tổ chức như sau “Trong hàng bách quan thì nhà Trần thêm nhiều chức mới. Văn ban thì thêm các cơ quan như Thẩm hình viện, Tam ty viện, coi việc hình án, Quốc sử viện, giữ việc giáo dục. Ngoài các chức Điện học sĩ và Hàn lâm học sĩ, lại thêm các chức Kinh diên đại học sĩ, Nhập thị học sĩ, chọn người Nho học có tiếng bổ vào để giúp

việc văn học cho nhà vua. Võ ban thì ngoài các chức Tướng quân đã có, nhà Trần thêm các chức tiết độ sứ, và đô thống chế để chỉ huy các cấm binh; ở trên hết thì đặt chức Phiêu kị Thượng tướng quân, dành riêng cho các hoàng tử” [1, 275]. Đối với bên văn, nhà Trần đặt các chức An phủ chánh phó sứ trị các lộ, ở các phủ thì vẫn đặt Tri phủ như thời Lê, các Châu thì đặt Tào vận sứ, lại có các chức Tri châu và Đại tri châu. Quan cai quản đê điều thì đặt Hà đê chánh phó sứ và Đồn điền chánh phó sứ ở các lộ. Các hương hay giáp thì vẫn giữ chức Quản giáp. Tại các xã đặt lại nghạch xã quan, lấy quan từ tứ ngũ phẩm trở lên làm Đại tư xã và từ lục phẩm trở xuống làm Tiểu tư xã. Về bên võ thì tại các lộ có Kinh lược sứ, tại các châu thì có Phòng ngự sứ. Ở dưới còn có các chức Thủ ngụ sứ, Quan sát sứ, Đô hộ, Tổng quản …

Nhà Trần lên nắm quyền nhưng mọi quyền hành không nằm trong tay vua mà do Thái úy Trần Thủ Độ thao túng. Đối với các tù trưởng miền núi được phong tước và giữ bộ lạc của mình như thái ấp riêng. Giai cấp quý tộc vẫn giữ được nhiều đặc quyền, khi nhà Trần lên nắm chính quyền họ được cấp bổng lộc nhất định. Quan lại cấp cao còn được cấp thêm đất đai. Với quan võ, tùy theo phẩm cấp được truyền ấm cho con cháu, sau này được đặc cách bổ dụng. Nhìn chung so với nhà Lý thì quan chế nhà Trần có tổ chức chặt chẽ, chu đáo hơn nhiều. Giai đoạn này bên cạnh vẫn tiếp tục phong cấp quan hàm theo dòng tộc, thì chế độ khoa cử vẫn được thực hiện nhằm tuyển chọn người có tài năng. Tuy nhiên giới hạn của các khoa thi này là chỉ có con em trong dòng tộc mới được học ở Quốc Tử giám và Quốc học viện và tham dự các kỳ thi, còn nếu con em của dân thường thi đậu thì không công nhận.

Quân đội thời nhà Trần do Trần Thủ Độ chỉ đạo và tổ chức, bao gồm nhiều binh chủng khác nhau. Bên cạnh bộ binh và tượng binh, thủy binh giữ vai trò quan trọng. Quân đội nhà Trần chi thành hai hạng: Cấm binh bảo vệ kinh thành và lộ binh bảo vệ dân địa phương. Ngoài quân đội của Nhà nước

còn có quân bản bộ của các vương hầu gọi là “Vương hầu gia đồng”. Cùng với quân đội của Nhà nước thì đội quân của các vương hầu có những đóng góp rất lớn trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nước ta lúc bấy giờ. Chính sách của nhà Trần cũng dùng phép “ngụ binh ư nông”. Khi bình thương thì tổ chức một số đội quân về sản xuất nông nghiệp chỉ để lại đội quân chính cấm binh để bảo vệ còn các lộ thì thay phiên nhau để sản xuất và khi có binh biến thì nhanh chóng tham gia vào quân đội. Chủ trương này chẳng những đã tiết giảm kinh phí quốc phòng cho nhà nước mà còn góp phần đáng kể vào việc ổn định và phát triển nông nghiệp là nghành kinh tế chủ yếu của nước ta. Thông qua việc tổ chức binh lực mạnh mẽ như thế, mà nhà Trần đã giữ vững được thống nhất của Nhà nước và nền tự chủ của dân tộc. Trật tự xã hội mới được thiết lập, cơ hội phục hồi và phát triển đất nước được mở ra.

Trên cơ sở xem xét lại bộ hình thư thời Lý kết hợp với các điều luật của vua Trần trước đó, nhà Trần đã biên soạn và ban hành Hình thư mới, đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới của hình thư nước ta. Pháp luật và tổ chức tư pháp thời Trần có mấy đặc điểm sau: Pháp luật đời Trần khẳng định và củng cố sự phân chia đẳng cấp. Đại quý tộc trước hết là vua và hoàng gia được pháp luật bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi. Riêng với họ hàng nhà Trần nếu phạm tội thì bị xử nhẹ hơn, luật bắt buộc các nô tì phải thích chữ vào trán. Nhà Trần lại xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa phải thích chữ mang hàm hiệu của chủ, nếu không bị coi là giặc cướp, nhẹ thì sung làm quan nô mà nặng thì tù. Nô tì không có quyền kết hôn với quý tộc. Năm 1315, Minh Tông còn ra lệnh cấm cha con vợ chồng gia nô trong nhà không được tố cáo nhau. Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên đến nước ta vào đầu năm 1293, có viết trong An Nam tức sự:

“Trong nước có một cái lầu, trong đặt quả chuông lớn, dân chúng có ai kêu ca, tố cáo việc gì thì đến đánh vào chuông” [44, 306 ].

Pháp luật xử các tội trộm cắp rất nặng, lần đầu bị tội đánh 80 trượng, thích chàm vào mặt hai chữ “Phạm đạo” và phải đền cho chủ, cứ 1 phải đền 9. Nếu không đền đủ, phải đem gán vợ con làm nô tì. Tái phạm thì bị chặt chân tay. Tái phạm lần thứ ba thì bị giết. Pháp luật thời Trần chú trọng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục xu hướng pháp luật thời Lý, pháp luật thời Trần cũng có những điều luật bảo vệ trâu bò và các công trình thủy lợi. Luật nhà nước coi việc xây dựng và sửa chữa đê điều là công việc của toàn dân kể cả triều đình. Rất tiếc bộ hình luật và các văn bản pháp luật khác của nhà Trần không còn nữa. Chúng ta cũng không rõ hiệu lực pháp luật của nhà nước phát huy đến đâu. Nhưng chắc chắn vẫn có những hạn chế nhất định, chính Minh Tông cũng nói: “Tử cái luật nan thi” (pháp luật khó thi hành đến lớp người có lọng tía).

Trước hoàn cảnh lịch sử nước ta bước sang thế kỷ XIII có những thay đổi lớn, sự thay đổi quyền lực từ thời Lý sang thời Trần có những nét đặc thù riêng, đòi hỏi các quyết sách của nhà Trần phải uyển chuyển. Việc sử dụng tư tưởng của Nho giáo kết hợp với Phật giáo là một trong những phương cách để nhà Trần tiến hành các cải cách và duy trì trật tự xã hội.

Giai cấp phong kiến thời Trần đã nhận thức được thống nhất quyền lực, ổn định tình hình xã hội, đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ cấp bách. Cho nên, từ quan điểm của nhà vua cho tới các quần thần đều thể hiện một sự nhất trí cao, các mâu thuẫn nội tộc hay trong cung đình được tập trung giải quyết một cách hài hòa. Những tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo được thể hiện rất rõ trong các quan điểm chính trị của giai cấp phong kiến thời Trần.

Thông qua những chính sách đó phản ánh những nét tương đồng và khác biệt giữa Nho giáo và Phật giáo trong giai đoạn này.

1.2.3. Điều kiện văn hóa - xã hội

Thời Trần chế độ phong kiến đang trên đà đi lên rất cần phát triển các nghành học thuật cũng như các lĩnh vực tri thức của dân tộc. Đó là một yêu cầu cấp thiết của một dân tộc đang trưởng thành, cần phải xây dựng một nền văn hóa đặc sắc với bản sắc riêng của mình, để có thể đứng vững được trước mọi thử thách của kẻ thù xâm lược từ bên ngoài và âm mưu đồng hóa của chúng. Kể từ khi giành được độc lập, từ thời nhà Lý đã có sự phát triển về tri thức khoa học và sáng tạo nghệ thuật rất rõ rệt. Sự phát triển ấy được thể hiện trên các lĩnh vực lý luận chính trị, pháp quyền, văn học, nghệ thuật.

Đến thời Trần đã tạo ra các tiền đề để Nho giáo và Phật giáo thâm nhập sâu vào các lĩnh vực văn hóa tư tưởng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của bộ máy nhà nước và khẳng định được tính độc lập tự chủ về văn hóa với Trung Quốc, nhà Trần rất chú trọng mở rộng nền giáo dục thi cử và Nho học. Nhà Trần đã ý thức được yếu tố văn hóa dân tộc nên đã đề cao hai chữ Quốc học, ngụ ý như Nho học Việt Nam vậy làm tôn chỉ giáo dục quốc gia. Vua Trần Thái Tông chú ý đến việc đào tạo nhân tài cho quốc gia theo tinh thần dân tộc độc lập, tự do trong khu vực Đông Nam Á, “Vua lập ra nhà học, tôn chuộng nghề văn, cả văn lẫn võ có vẻ rực rỡ lắm cho nên có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện” [56, 328]. Quốc học thời Trần tuy lấy cổ điển của Trung Hoa để học hỏi nhưng khi đem ứng dụng vào Việt Nam có sự biến cải. Ngô Thời Sĩ so sánh chính sách giáo dục quốc gia để tuyển lựa và đào tạo nhân tài lãnh đạo giữa thời Lý và thời Trần như sau: “Suốt thời nhà Lý chỉ có hai lần nhắc đến lập nhà học mà quy chế thi cử không nhất định. Sĩ phu thời bấy giờ không có gì để mài dũa học vấn, bồi dưỡng khí tiết. Người đã vào vòng sĩ hoạn thì chỉ mượn sự báo tin có điềm tốt để làm bậc thang bước lên, người nào đã hiểu đạt rồi thì chỉ a dua phụ họa làm kế giữ vững

địa vị. Như thế hỏi sao mà sĩ phong chẳng thối nát, nhân tài chẳng suy kém, bị lôi cuốn vào lưu tục, không thu lập được ở trên đời. Có được vài người như ông Tô, ông Lý cũng là ngẫu nhiên đó thôi” [56, 328]. Nhà Trần cũng đã tổ chức nhiều khoa thi và chế độ thi cử cũng chặt chẽ hơn so với thời Lý trước đó. Tuy chỉ mới bước đầu xây dựng, nhưng chế độ thi cử và giáo dục Nho giáo thời Trần cũng đã tạo được nhiều nhân tài xuất chúng như:

Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, ...

Việc tổ chức khoa và tuyển dụng quan lại mặc dù còn một số hạn chế trong khuôn khổ của nhà nước phong kiến nhưng vẫn có thể khẳng định rằng nhà Trần đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp khoa cử nước nhà. Những quy định của khoa cử thời Trần đã trở thành kim chỉ nam cho các triều đại sau trong việc kiện toàn hệ thống giáo dục, khoa cử đào tạo nhân tài cho đất nước sau này.

Chữ Nôm cũng đã xuất hiện vào thời kỳ này và bắt đầu được sử dụng khá phổ biến trong quần chúng nhân dân, bởi vì so với chữ Hán thì chữ Nôm dễ đọc hơn. Những tác giả thơ Nôm nổi tiếng thường được sử sách nhắc tới là: Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, … Sự xuất hiện của chữ Nôm là một sự kiện trọng đại trong lịch sử văn hóa nước ta, vì nó là điều kiện cơ bản để cho một nền văn học dân tộc chân chính được nảy nở. Nó góp phần làm cho văn học thời Trần thể hiện được tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc hơn.

Thời Trần thể loại thơ Thiền do vua và các thiền sư sáng tác, nội dung phản ánh là nhân sinh quan và vũ trụ quan của thời kỳ này. Với số lượng khá lớn thơ Thiền đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà.

Nhìn chung văn học thời Trần đã phát triển tương ứng với sự trưởng thành của dân tộc. So với nhà Lý văn học thời kỳ này đã có bước tiến rõ rệt, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức sáng tác.

Nghệ thuật dân tộc dưới thới Trần, đặc biệt kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc với những yếu tố hấp thu nghệ thuật Trung Quốc, nhưng các nghệ sĩ Việt Nam đã đem bản sắc của mình mà biến hóa đi. Nghệ thuật ca múa nhạc đã trở thành món ăn rất quen thuộc của người dân, dưới thời Lý có những ảnh hưởng của Chiêm Thành thì tới thời Trần sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Bắc rõ nét hơn. Đó là sự tiếp thu một cách có chọn lọc làm cho nghệ thuật của nước ta thêm phong phú và đa dạng hơn. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian và cung đình đã bắt đầu xuất hiện và từng bước đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật dân gian sau này, như là lối hát ả đào, các vở kịch tuồng, chèo. Về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc nhìn chung là vẫn kế tục truyền thống đã có từ trước nhưng phong cách thể hiện phóng khoáng, hiện thực và khỏe khoắn hơn.

Văn hóa đời Trần xét một cách toàn diện đã đạt đến trình độ cao trên mọi mặt: quân sự, thiên văn, lịch pháp, y học. Đỉnh cao về mặt quân sự đó là khoa học và nghệ thuật quân sự của nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn; Về thiên văn thì có Trần Nguyên Đán, “ông là người huyện Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Tây) đã chế ra một dụng cụ xét nghiệm khí tượng gọi là: lung linh nghi. Trần Nguyên Đán đã dày công nghiên cứu lịch pháp và biên soạn quyển Bách thế thông khảo khảo cứu từ những thế kỷ trước công nguyên đến thế kỷ XIV, ghi rõ ngày nhật thực, nguyệt thực và thời tiết trong năm, vị trí các ngôi sao” [71, 218]; Lĩnh vực y học có danh y Nguyễn Bá Tĩnh, đã nghiên cứu thành công nhiều loại cây trong nước để chữa trị bệnh “tác phẩm nổi tiếng của ông là Nam dược thần hiệu, trong đó ông đã nghiên cứu, 580 vị thuốc nam và 3873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh” [71, 218].

Một yếu tố ảnh hưởng đến tư tưởng thời Trần đó là chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”. Lý do xuất hiện chủ trương này là vì mỗi học thuyết đều có những hạn chế cố hữu của nó. Nho giáo chú trọng đạo trị nước, đạo làm

Một phần của tài liệu Phật giáo và nho giáo thời trần nhìn từ triết học so sánh (Trang 20 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)