Chương 1: BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ NHỮNG TÍNH CHẤT, GIÁ TRỊ, VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VÀ NHO GIÁO THỜI TRẦN
1.2. Tính chất, giá trị, vai trò của Phật giáo và Nho giáo thời Trần
1.2.1. Tính chất của Phật giáo và Nho giáo
Nho giáo với Phật giáo là những học thuyết xuất hiện ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã du nhập vào Việt Nam hàng ngàn năm. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam, đặc biệt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp nhận và chủ yếu sử dụng Nho giáo, Phật giáo làm hệ tư tưởng và công cụ để trị nước. Tại Việt Nam Nho giáo, Phật giáo đã ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tới quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Có thể nói từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến giai đoạn nhà Trần thì Nho giáo, Phật giáo đã được tiếp nhận trên nhiều phương diện từ góc độ chính trị - xã hội cho tới đạo đức nhân sinh. Xét đến cùng, do điều kiện kinh tế xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn lịch sử này thì nội dung của Nho giáo, Phật giáo được trình bày và đề cập tới khá phong phú. Nho giáo được du nhập và tồn tại ở Việt Nam không hoàn toàn là Nho giáo của Trung Quốc mà được tiếp nhận trên cơ sở có chọn lọc, biến đổi và đơn giản hóa nhằm phục vụ những nhiệm vụ chính trị thực tiễn của giai cấp phong kiến và dân tộc.
Xuất phát từ căn tính của triết học Ấn Độ, ngay từ khởi thủy Phật giáo tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người với vũ trụ nhằm giải thoát con người. Đây là sự phản ánh bối cảnh văn hóa Ấn Độ, “Trong triết học của mình, Đức Phật thường giữ im lặng, ít bàn đến những vấn đề bản thể luận, để tập trung vào mục đích tối cao là giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ của cuộc đời”; “Đức Phật nói: Như Lai chỉ dạy một điều là khổ não và chấm dứt mọi đau khổ” [10, 279]. Triết lý Phật giáo đã vạch ra nguồn gốc nỗi khổ của con người và con đường dẫn tới sự diệt khổ nhằm giải thoát chúng sinh
khỏi bể khổ của cuộc đời, bằng “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên”, và
“Bát chính đạo”. Tuy nhiên, do chưa giải thích đúng bản chất các hiện tượng lịch sử xã hội, chưa tìm ra được nguyên nhân đích thực của nỗi khổ. Cho nên Phật giáo chưa chỉ ra được con đường và biện pháp cải tạo xã hội đúng đắn, hiệu quả, để xóa bỏ tận gốc rễ sự đau khổ và bất công trong xã hội.
Phật giáo cho rằng bằng con đường giáo dục và hoàn thiện đạo đức, bằng cách trầm tư mặc tưởng, chiêm nghiệm trong thế giới nội tâm, con người có thể giải thoát được đau khổ, đạt tới Niết bàn.
Trong bối cảnh xã hội Trung Quốc, học thuyết Nho giáo chủ yếu đi sâu vào các vấn đề xã hội, về luân lý đạo đức và cuộc sống con người. Vấn đề trung tâm của Nho giáo đó là giải thoát xã hội khỏi chiến tranh loạn lạc, ở điểm này Nho giống với Phật là tập trung giải quyết mối quan hệ giữa con người với xã hội. Khổng Tử cho rằng sự thay đổi của xã hội làm cho thiên hạ rối ren bắt nguồn từ sự sa đọa của các thế lực cầm quyền. Từ đó ông xây dựng nên học thuyết “Chính danh” phản ánh thái độ tôn ti trật tự, phép tắc của Khổng Tử. Có thể nói với tư cách là một hệ thống, Nho giáo đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và con người. Trước hết và chủ yếu, Nho giáo đề cập đến các mối quan hệ chính trị - xã hội, những phạm trù, những nguyên lý cơ bản chủ yếu phản ánh những quan hệ chính trị và nhằm mục đích chính trị. Các vấn đề vũ trụ, xã hội, con người được Nho giáo đưa ra nhằm làm cơ sở cho việc hình thành, bổ sung và phát triển học thuyết chính trị - xã hội.
Với những đặc điểm như thế Phật giáo và Nho giáo du nhập vào Việt Nam cho đến giai đoạn nhà Trần mang tới những tính chất sau:
Thứ nhất, Phật giáo và Nho giáo đã phản ánh được “căn tính” của triết học phương Đông. Theo đó tư tưởng khó tách bạch, thường đan xen giữa các lĩnh vực triết học, tôn giáo, chính trị, đạo đức, lịch sử, thơ ca. Đây
cũng là đặc điểm chung của tư tưởng triết học phương Đông, phản ánh đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo các nhà tư tưởng thời Trần đã phản ánh gần như tất cả sự đan xen, khó tách bạch giữa các lĩnh vực.
Khi đề cập tới vấn đề bản thể luận, Phật giáo thời kỳ này trói buộc con người trong vòng luẩn quẩn của nhận thức, chồng chất thêm những mê lầm, buộc con người phải lao đao điên đảo chạy tìm Phật tổ ở Đông, Tây cầu thiền ở Nam, Bắc. Các khái niệm và quan điểm của Phật giáo đưa ra mang nghĩa trừu tượng rất cao, xem thế giới hiện thực cứ mờ mờ, ảo ảo, hư hư, thực thực. Trong triết học của Trần Thái Tông, bản thể xuất phát từ không.
Từ không hiểu lý do gì, nguyên nhân nào mà xuất hiện vọng (vô minh), các khái niệm “Không”, “Hư”, “Thái hư” đã phản ánh sự vòng vo của Thái Tông khi nói về bản thể luận, ông viết : “Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc” [74, 198]. Trong câu trích trên “không” là bản thể còn “hư” là bản thể ấy được thể hiện trong mỗi con người, vậy làm thế nào để nhận biết được bản thể trong mỗi con người. Theo đó, Thái Tông cho rằng mỗi người hãy gắng sức tập luyện để đạt tới cái tâm hư thì tiểu ngã sẽ hòa nhập với đại ngã, cá nhân sẽ hòa đồng với bản thể. Do đó, triết học của ông cũng nằm trong dòng chảy của tư tưởng phương Đông mang tính thần bí, khó tách bạch. Điều này cũng được tiếp tục thể hiện trong bài Chiều thu ở Vũ Lâm của Trần Nhân Tông cũng đề cập tới tính hư hư thực thực của thế giới hiện tượng:
“Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa” [76, 467].
Quan điểm của Trần Nhân Tông cũng giống với quan điểm của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, đó là kết quả của nhận thức nên vạn
phát đan quyện vào nhau hết sức rắc rối. Thế giới hiện tượng là giả tướng, không thật vừa hư vừa thực, rất khó xác định. Điều này được thể hiện qua bài Tỏa Mai, Trần Nhân Tông đã nhìn thấy hiện tượng hoa nở rồi lại lụi tàn để nói về sự vận động của thế giới:
“Đông ba tháng trải, cành khoe trắng,
Xuân một làn thơm, nhánh nhẹ đưa” [76, 470-471].
Xét về mặt bản thể luận trong quan niệm của Trần Nhân Tông đã không bác bỏ tính hiện thực của thế giới hiện tượng, song ông cũng không thừa nhận tính chân thật bền vững, bất biến của nó. Chính cách diễn đạt vòng vo, không đi thẳng trực tiếp vào vấn đề là phương pháp hoàn toàn khác với các nhà tư tưởng phương Tây. Điều này còn được thể hiện trong quan niệm giữa tâm, tính, pháp, Phật, Nhân Tông cho rằng chúng hầu như là như nhau.
Ông viết: “Những tiếng nói cười, gương mày nhíu mắt, tay cầm chân đi ấy là tính gì? Tính ấy thuộc tâm nào? Tâm và tính cùng rõ thì cái gì là phải, cái gì là không phải? Pháp tức là tính, Phật tức là tâm, vậy tính nào không phải Pháp, tâm nào không phải Phật? Tâm là Phật mà tâm cũng là Pháp. Nhưng vì Pháp vốn là không pháp nên nói pháp là tâm, cũng như nói tâm là không tâm, mà tâm là Phật cũng có nghĩa Phật là không Phật’’ [44, 244]. Đó là tư tưởng phá chấp triệt để đối với thiền học nói chung và Phật giáo thời Trần nói riêng, nếu chúng ta không nhận thấy được thì rất khó hiểu.
Khi giải thích về phạm trù “Kiến tính”, theo Pháp Loa “Người học Phật phải chú trọng trước hết đến vấn đề “kiến tính”, “kiến tính” theo ông là kiến cái không thể kiến. Trong quan niệm của Pháp Loa tính là cái không thể thấy, biết, bàn, suy nghĩ được, bởi vậy không phải là cái thấy theo nghĩa thông thường được. Nghĩa thứ nhất của khái niệm kiến tính là nhận thức ra bản thể, bản tính nơi mình, người kiến tính là người giác ngộ. Còn theo nghĩa thứ hai thì kiến tính mới chỉ là bước đầu của quá trình đi đến giác ngộ.
Nếu không tìm hiểu những đặc điểm chung của triết học phương Đông thì rất khó hiểu những quan điểm của Pháp Loa trình bày.
Trong bài Chợt tỉnh Tuệ Trung Thượng Sĩ có viết:
“Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay Hoa nở năm mới vẫn là năm cũ” [76, 269].
Tư tưởng đó đã tuyệt đối hóa vận động, phủ nhận đứng im tương đối, do đó chúng ta không thể nhận thức được sự vật mới ra đời. Tư tưởng về vận động trong triết học Tuệ Trung về cơ bản là đúng, vì mọi sự vật trong vũ trụ dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào cũng nằm trong quá trình biến đổi không ngừng. Tuy nhiên quan điểm của Tuệ Trung chỉ thấy vận động mà không thấy đứng im tương đối, cho nên trong cách diễn đạt của ông cũng khá khó hiểu. Ngoài ra Tuệ Trung còn quan niệm mọi sự vật suy cho cùng đều là không, mọi sự vật trong thế giới hiện tượng đều biến diệt không ngừng, tất cả đều là “không”. Cái “không” của Tuệ Trung là không có tự tính, không có cái gì có thể gọi là nó được, do sự biến đổi nhanh chóng khiến chúng ta không nhận biết được sự thay đổi ấy. Ông viết:
“Bọt trong biển lớn lênh đênh ẩn hiện
Mọi hiện tượng đều biến diệt không ngừng, hết thảy là không”
[76, 275].
Trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của đội quân Mông Cổ, Trần Quốc Tuấn đã nêu ra những nhận định có tính chất tổng kết kinh nghiệm, rồi vạch ra quy luật của những cuộc chiến tranh giữ nước suốt từ thời Bắc thuộc cho đến kháng chiến chống Nguyên Mông. Nhìn thấy vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, dựa vào dân để đánh giặc giữ nước, vì thế cần phải thực hiện được sự đoàn kết toàn dân như Trần Quốc Tuấn đã nói: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc tự bị bắt” [74, 178]. Trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn thì nhân dân là
nơi chất chứa những tiềm lực về kinh tế và quốc phòng, đảm bảo cho sự vững chắc của nền độc lập và chủ quyền của đất nước. Vì vậy ông đã coi việc “Khoan thư sức dân” là “Kế sâu gốc bền rễ” và là “Thượng sách để giữ nước”, cho nên ông không tin vào sức mạnh nào ngoài sức mạnh của nhân dân. Đó là sự kết hợp giữa tư tưởng triết học với chính trị xã hội, nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù chính là việc xây dựng được khối đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở nắm chắc thời cơ để có hình thức chiến đấu thích hợp. Có thể khẳng định Trần Quốc Tuấn không những là người có công lao đưa cuộc chiến tranh giữ nước thời Trần đi đến thắng lợi mà bằng những tư tưởng chính trị và quân sự thiên tài, ông đã có những cống hiến vào sự phát triển của lịch sử tư tưởng nước nhà. Qua đó minh chứng một điều rằng, tư tưởng của Trần Quốc Tuấn đã ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng của Nho giáo trong đường lối chính trị và quân sự của mình.
Tư tưởng đó gắn liền với đường lối độc lập dân tộc, với vận mệnh của quốc gia và để có được những thắng lợi to lớn và vĩ đại ông đã biết phân tích dựa trên cơ sở của thực tiễn.
Là nhà sử học tư tưởng của nhà Nho Lê Văn Hưu được thể hiện thông qua lời bình các sự kiện lịch sử của đất nước. Từ đó đưa ra những nhận định đánh giá về tinh thần tự hào dân tộc, về thời thế, về các nhận vật lịch sử, về tinh thần sùng bái Phật giáo dựa trên tinh thần của Nho giáo. Khi bàn về tinh thần tự hào dân tộc Lê Văn Hưu có viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và sáu mươi lăm thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay.
Như thế đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương.
Tiếc rằng nối sau họ Triệu đến nước họ Ngô, trong khoảng hơn một nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, chịu làm tôi tớ cho bạn phương Bắc, chưa từng biết xấu hổ với hai người họ Trưng là con gái …” [74, 203].
Thứ hai, tư tưởng Phật giáo và Nho giáo thời Trần luôn mang trong mình tinh thần nhập thế tích cực. Khái niệm nhập thế được thể nhập vào đời sống tâm thức người Việt Nam ngay từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta.
Lúc mới nghe có vẻ đây là khái niệm của Nho giáo, tuy nhiên khái niệm nhập thế không chỉ dành riêng cho Nho giáo. Thật ra, khái niệm nhập thế đã được đức Phật đã nói từ lâu: “Này các tỳ kheo vì hạnh phúc, an lạc cho quần sinh, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, hãy đi mỗi người một ngã, đừng đi hai người trên một đường, vì lòng thương tưởng cho đời hãy đem chánh pháp đến gieo rắc khắp nơi” [54, 215].
Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần xuất phát từ lời dạy của Quốc sư Viên Chứng với vua Trần Thái Tông là người đi đầu thực hiện đã tạo thành làn sóng Phật giáo Việt Nam mang vị mặn dân tộc, phả vào tất cả mọi bờ mé tâm thức của từng người dân Việt và kết tụ nên tiếng vang lớn “Phật giáo đời Trần là quốc giáo” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đến đời vua thứ ba triều Trần là Trần Nhân Tông, vừa tiếp thu dòng chảy “nhập thế” ấy và vừa thừa sức sáng tạo đã làm nên đợt sóng thần bất diệt, tác động lớn đến nền văn hóa xã hội Đại Việt thời Trần. Đó là sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mà chính Ngài làm Đệ Nhất Tổ. Căn cứ vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta sẽ thấy, rõ ràng không phải ngẫu nhiên đạo Phật khi du nhập vào Việt Nam lại có thể trở thành thứ tôn giáo tín ngưỡng của đa số dân chúng Việt Nam, thở cùng nhịp đập Việt Nam, gắn chặt với văn hóa Việt Nam và hòa quyện cùng vận mệnh thịnh suy của Việt Nam. Chắc chắn phải nhờ một nét đặc thù nào đó đã kết tụ nên sắc thái Phật giáo Việt Nam như thế. Người ta có thể khẳng định đó là do tính vô ngã, từ bi bác ái, bình đẳng, trí tuệ, ... của đạo Phật. Tuy nhiên, một điểm son đặc biệt bao trùm lên tất cả, ấy là “tinh thần nhập thế” của đạo Phật. Nhất là tinh thần ấy lại nở nụ kết hoa ở thời Trần, thời đại để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Thời Trần với luồng gió nhập thế lớn mạnh của Phật giáo đã dựng nên một bối cảnh huy hoàng của lịch sử Việt Nam trải dài gần hai trăm năm, tạo nên những trang sử hào hùng oanh liệt của dân tộc Đại Việt nhỏ bé đã ba lần chiến thắng đội quân xâm lược vô địch Nguyên Mông đương thời. Một thời đại điển hình về những vị vua anh minh: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông ...
mãi mãi lưu danh trong hậu thế cùng những vị tướng tài ba, trung hiếu: Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản ... quyết một lòng gìn giữ xã tắc. Một thời đại Phật giáo Việt Nam chuyển sang bước ngoặt mới mà đỉnh cao là sự khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đứng đầu là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã đắc đạo nhờ vị thầy lãnh đạo tinh thần phong cách siêu phóng Tuệ Trung Thượng Sĩ và các đệ tử kế thừa xuất sắc: Pháp Loa, Huyền Quang, Kim Sơn, ... Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ xuất gia không phải là cắt tóc, mặc áo cà sa, lên chùa tụng kinh, mà quan trọng là giác ngộ được chính đạo. Vì vậy, ông vẫn ăn mặc bình thường, có thê thiếp như những người bình thường mà vẫn tu với đạo và vui với đạo.
Với sự kiện Văn Miếu được xây dựng năm 1070 và các khoa thi được mở kế tiếp sau đó đã ghi nhận sự ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Nho giáo thời Trần đã khẳng định được ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực giáo dục khác hẳn nền giáo dục của nhà chùa, nó không những tác động trực tiếp vào sự hình thành đội ngũ trí thức dân tộc và lựa chọn những người hiền tài phục vụ trong bộ máy của nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến thế giới quan cũng như những quy phạm về chính trị và đạo đức của con người.
Nhận thấy được sức mạnh ở nhân dân nên các nhà lãnh đạo thời Trần đã đề cao nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Trần Quốc Tuấn cho rằng: “Nhân dân là cơ sở để tiến hành cuộc kháng chiến giữ nước, vì vậy muốn giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến đó thì phải khoan