Vai trò của Phật giáo và Nho giáo

Một phần của tài liệu Phật giáo và nho giáo thời trần nhìn từ triết học so sánh (Trang 54 - 63)

Chương 1: BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ NHỮNG TÍNH CHẤT, GIÁ TRỊ, VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VÀ NHO GIÁO THỜI TRẦN

1.2. Tính chất, giá trị, vai trò của Phật giáo và Nho giáo thời Trần

1.2.3. Vai trò của Phật giáo và Nho giáo

Trên cơ sở những đặc điểm của triết học Phật giáo thời Trần, có thể thấy các nhà thiền học thời Trần đã khẳng định tính độc lập về văn hóa tư tưởng của Đại Việt. Họ vẫn có sự tiếp thu từ văn hóa tư tưởng bên ngoài nhưng sự tiếp thu có chọn lọc đó nhằm làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc.

Nhà Trần đã chinh phục thống nhất được những lực lượng cát cứ của triều Lý, bởi vậy họ muốn thống nhất về mặt tư tưởng, tinh thần. Trần Thủ Độ đã đảm đương nhiệm vụ thống nhất về mặt chính trị, còn lĩnh vực tư tưởng thì do Trần Thái Tông đứng ra gánh vác. Cũng vì lý do đó mà ba thiền phái thời Lý hầu như biến mất, chỉ còn lại thiền phái Vô Ngôn Thông và học thuyết Không hư của Trần Thái Tông ra đời. Đây là học thuyết tổng hợp cả Thiền, Tịnh, Nho, Lão là sự tổng hợp tư tưởng của các thiền phái trước. Về vai trò của vua Trần Thái Tông: “Là bậc anh hùng tài kiêm văn võ, không những đã có công khai sơn phá thạch cho cả một triều đại anh dũng bậc nhất của lịch sử dân tộc, ngài còn mở đường cho cả một dòng tư tưởng thiền học riêng biệt Việt Nam phản chiếu cả một giai đoạn lịch sử dân tộc” [56, 130].

Ý đồ tạo nên một hệ tư tưởng mới mà Trần Thái Tông là người mở đầu của nhà Trần đã định hình. Nhưng ý định đó chưa được hình thành bao lâu thì thì quân Nguyên Mông lại lăm le xâm phạm bờ cõi. Và đến năm 1258 quân Nguyên bắt đầu tiến hành xâm lược nước ta lần thứ nhất. Bởi vậy ý định này của Trần Nhân Tông phải tạm gác lại. Sau ba cuộc kháng chiến hào hùng, oanh liệt thắng lợi, khí thế đất nước, tinh thần dân tộc được thổi bùng lên mạnh mẽ chưa từng thấy, ý thức độc lập tự cường được thổi thêm luồng sinh khí mới. Bởi vậy, nhiệm vụ ý đồ trước kia đáng lẽ phải hoàn thành thì nay được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Trần Nhân Tông là cháu của Trần Thái Tông đã đứng ra đảm đương trọng trách này. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến cuối cùng vào năm 1288, sau đó ông đã nhường ngôi cho con đi chu du khắp thiên hạ học hỏi đạo Phật, đến năm 1299 ông lên núi Yên Tử thành lập một thiền phái mới mang đậm màu sắc tư tưởng Việt Nam.

Nhìn tổng thể Phật giáo thời Trần so với các thời trước, nhiều vấn đề tinh tế của Phật học đã được các thiền sư thời Trần đi sâu. Về mặt lý luận Phật giáo thời Trần có nhiều đóng góp quan trọng cho Phật giáo Việt Nam

cũng như Phật giáo thế giới như tư tưởng thiền của Trần Thái Tông, tư tưởng biện chứng của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhiều tác phẩm Phật giáo, đặc biệt là các bản ngữ lục ra đời. Không chỉ về mặt lý luận, về mặt giáo hội thì giai đoạn nhà Trần đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm cũng có sự tiến bộ vượt bậc, đó là việc quy định chặt chẽ về chức vụ sư tăng trong cả nước.

Trong hoàn cảnh đất nước phải đối diện với kẻ thù hết sức hùng mạnh, Phật giáo thời Trần đã thể hiện là một hệ tư tưởng đoàn kết xã hội, góp phần xóa mờ sự khác biệt về lợi ích, địa vị xã hội giữa các giai tầng trong xã hội.

Sự phát triển xã hội thời Trần đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn mới. Rút kinh nghiệm của triều Lý, do sợ mất địa vị của dòng họ mình nên hôn nhân của nhà Trần chỉ lấy người trong họ, nhưng mặt khác do sự đòi hỏi của lịch sử, sự phát triển của xã hội, giai cấp lãnh đạo luôn dược bổ sung bởi những người ngoài dòng tộc, đó là những nhà Nho.

Phật giáo thời Trần mang những đặc điểm mà không một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng nước ta có, với những vị thiền sư uyên thâm và có những ảnh hưởng to lớn đối với các vị vua và tướng lĩnh. Chính điều đó đã tạo nên tính chất nhập thế sâu sắc của Phật giáo thời Trần. Sự nhập thế tích cực của các vị thiền sư đã tạo cho Phật giáo thời Trần có một cơ sở xã hội vững chắc để tồn tại và phát triển. Tư tưởng của Phật giáo đã đi vào cuộc sống thông qua những chủ trương và chính sách của nhà nước, tạo ra một xã hội yên bình, mọi người sống hướng thiện, góp phần cùng nhau đánh thắng kẻ thù và xây dựng đất nước. Chính điều đó tập hợp đoàn kết được toàn dân, tạo nên nguồn sức mạnh để đánh thắng kẻ thù, để lại thời đại vàng son trong lịch sử Việt Nam.

Phật giáo là quốc giáo và chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng Phật giáo lại không thể cung cấp cho nhà vua và triều đại phong kiến những căn cứ, những điều cần thiết, những bài học kinh nghiệm để bảo

vệ ngai vàng và khẳng định uy quyền của mình trong việc trị nước an dân.

Lúc này vấn đề xây dựng chính quyền và tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong tư tưởng chính trị xã hội đương thời. Yêu cầu của lịch sử đặt ra là cần phải có một vương triều hùng mạnh, giai cấp phong kiến Việt Nam đã kết hợp những tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo để thực hiện được điều đó. Bên cạnh việc nghiên cứu nội điển của Phật giáo nhà Trần cũng vận dụng những tư tưởng của Nho giáo để xây dựng nhà nước trên nguyên tắc “Quốc dĩ dân vi bản”. Phải biết “Khoan thư sức dân”, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm kế sâu giữ nước, làm sơ sở vững chắc cho nhà nước quân chủ. Ba lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược là một minh chứng hùng hồn cho việc tổ chức xây dựng một nhà nước quân chủ phong kiến hùng mạnh.

Thời Trần đã chọn Nho giáo với tư cách là học thuyết chính trị - xã hội làm chỗ dựa tư tưởng trong việc cai trị, quản lý xã hội, trong việc kiến tạo, duy trì và phát triển chế độ phong kiến về mọi mặt. Các ông vua và triều đại phong kiến cuối thời Trần càng nhận thức một cách rõ ràng hơn vai trò của Nho giáo trong việc trị nước và xây dựng bộ máy nhà nước. Thuyết “Chính danh”, luân lý “Tam cương” đã được khai thác để biện hộ cho trật tự xã hội đương thời và quy định trách nhiệm của mỗi tầng lớp người, lý tưởng “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” là căn cứ để đề ra đường lối trị nước. Vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông đã xác định trách nhiệm của nhà vua là

“Đặt mực thước cho hậu thế”, “Làm khuôn mẫu cho tương lai” cũng chủ yếu dựa vào Nho giáo. Và nếu như lúc đầu, Nho giáo mới chỉ được triều đại phong kiến chấp nhận trên nguyên tắc để trị nước thì đến cuối triều Trần đã trở thành ý thức hệ đang trên đà thống trị xã hội. Nền giáo dục khoa cử Nho học ngày càng khởi sắc hơn, trường lớp được mở mang thêm, khoa cử Nho học được tổ chức đều đặn.

Tư tưởng của Nho giáo được chú trọng vào thời Trần cho nên Ngô Thời Sĩ đã viết: “Vua lập ra nhà học, tôn chuộng nghề văn, dựng lên ngôi nhà giảng tập nghề võ, cả văn lẫn võ có vẻ rực rở lắm, cho nên các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện, Văn Trinh và Hưng Đạo là bậc danh Nho danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, là kết quả của sự chuộng văn võ đó” [56, 409]. Tầng lớp Nho sĩ ngày một phát triển, trong đó nhiều người đỗ đạt như: Lê Văn Hưu, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi đã giữ các chức vụ cao trong triều đình và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc.

Để xây dựng nên được vương triều hùng mạnh, nhà Trần đã triệt để thực hiện những tư tưởng pháp luật của nhà nho Phạm Mại làm quan ở Viện thẩm hình cũng nổi tiếng là “Thẳng thắn, bạo nói, có vẻ là gián thần, có trách nhiệm can vua”. Pháp luật và tổ chức tư pháp thời Trần có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố quyền lực của của giai cấp phong kiến thống trị, cũng như ổn định tình hình kinh tế xã hội. Đánh giá về đường lối pháp trị của nhà Trần, sử gia Phan Huy Chú viết: “Hình pháp nhà Trần rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt ngón chân, giao cho người sự chủ được thoả chí xử trị hoặc cho voi giày chết. Có lẽ ngoài luật thường ra, còn dùng những hình phạt nghiêm khắc này để cấm cho hết tội chăng” [56, 290]. Suy cho cùng, sự tàn khốc ấy cũng chỉ nhằm mục đích răn đe để bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội, qua đó củng cố đường lối trị nước.

Trương Hán Siêu đã tuyên bố: “Làm kẻ sĩ đại phu không phải đạo Nghiêu, Thuấn không bày tỏ, không phải đạo Khổng Mạnh không trước thuật. Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện Phật, ta, định lừa ai đây” [60, 228].

Còn Lê Quát, Phạm Sư Mạnh thì yêu cầu triều đình tiến hành cải cách thể chế theo hướng Nho giáo hóa, theo mô hình nhà nước của Trung Quốc. Lê Văn Hưu đã giành lại vị thế cho Nho giáo, xem Nho giáo là địa vị cơ sở lý

luận của mọi hoạt động chính trị của triều đình, ông viết: “Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng nhẽ phải cáo thắng trận ở thái miếu, bàn công ở triều đường, để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc mới là phải;

nay lại quy công cho đạo Phật, đến các chùa quán mà lễ tạ, như vậy đâu phải là úy đạo kẻ có công cổ lệ tinh thần quân lính” [60, 229]. Sự phê phán của Nho sĩ tập trung chủ yếu là nhằm vào sự hao phí nhân lực, tài lực của Phật giáo, điều này ảnh hưởng không tốt tới quan điểm chính trị của quốc gia.

Tư tưởng của Nho giáo không thể thiếu được trong đường lối chính trị của nhà Trần, nó là cơ sở để góp phần đánh thắng quân Nguyên Mông. Lý do dẫn tới việc ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên còn được thể hiện bằng việc các ông vua và vị tướng nhà Trần đã sử dụng tư tưởng của Nho giáo để khích lệ tinh thần binh lính cũng như để xây dựng thể chế chính trị, ổn định xã hội. Ngay từ lúc mới thiết lập được vị thế cầm quyền của nhà Trần, Trần Thủ Độ đã thể hiện tư tưởng của Nho giáo rất nhất quán. Thủ Độ coi việc công làm trọng và việc tư làm nhẹ, sử chép rằng: “Sau khi anh ruột Thái Tông là Trần Liễu bị cướp mất vợ con, bèn mưu nổi loạn chống đành triều đình. Thủ Độ lại phải đánh dẹp. Trần Liễu yếu thế mới phải tìm đến Thái Tông để xin hàng. Anh em gặp nhau ôm lấy nhau mà khóc. Thủ Độ được báo tin liền đến thẳng thuyền ngự, thấy Trần Liễu bèn rút gươm quát lớn “Sát Liễu tặc” [56, 52].

Thái độ pháp trị của Thủ Độ còn được thể hiện ngay cả đối với những người thân thuộc trong gia đình khi liến đới tới quốc gia đại sự, vua Trần Thái Tông từng muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng nhưng Thủ Độ nói: “An Quốc là anh thần nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng làm tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao?” [71, 36]. Thậm chí

ngay cả phu nhân của Thủ Độ khi ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu ngăn lại không cho đi về nhà mới than với Thủ Độ, ông đã sai người đi bắt tên quân hiệu ấy và nói “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa”. Lấy lụa vàng thưởng cho rồi về” [71, 36]. Tư tưởng pháp trị bộc lộ rõ chủ trương bảo vệ quyền của tầng lớp quý tộc quan liêu, bảo vệ chế độ tư hữu, trước hết là chế độ tư hữu về ruộng đất trong điều kiện chế độ phong kiến. Các luật lệ về tranh chấp được quy định rất rõ ràng nhằm chống lại mọi sự xâm phạm về ruộng đất đã được công nhận là hợp pháp. Ngoài ra để bảo vệ chế độ tư hữu những tội trộm cắp bị xử rất nặng, tư tưởng pháp trị được thể hiện trong toàn bộ quan điểm về tiền tệ, quy chế về hoạt động quân lính, đặt ra quan Hà đê sứ trông coi việc đê điều.

Ý thức được thời đại lịch sử của dân tộc và nắm bắt được những nội dung tích cực của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, giai cấp phong kiến nhà Trần đã biết phát huy tối đa vai trò của nó. Ngoài việc kết hợp tư tưởng Nho và Phật để củng cố quyền lực nhà nước quân chủ, nhà Trần còn biết sử dụng nó là thứ vũ khí tư tưởng trên mặt trận chống ngoại xâm. Vai trò của tư tưởng thời Trần là một trong những hạt nhân rất quan trọng trong văn hóa nước ta, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay đòi hỏi phải phát huy những yếu tố tích cực trong văn hóa thời Trần.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Quá trình nghiên cứu bối cảnh xã hội và những tính chất, giá trị, vai trò của Phật giáo và Nho giáo thời Trần, có thể rút ra một số kết luận sau:

1. Thời Trần là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Trên nhiều lĩnh vực và phương diện nhà Trần đều có những thành tựu đáng tự hào. Nhà nước phong kiến phát triển đã đưa đất nước đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên tất cả các lĩnh vực:

quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa tư tưởng, … Điều đó đảm bảo sự vững chắc cho sự tồn tại của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, đồng thời là động lực đưa đến những thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

2. Trong bối cảnh lịch sử nước Đại Việt thời bấy giờ thì mối quan hệ gần gũi giữa vua quan và quần chúng nhân dân cùng với một xã hội phong kiến được tổ chức chặt chẽ là yếu tố làm nảy nở văn hóa tư tưởng dân tộc.

Bối cảnh lịch sử đã tác động sâu sắc tới những tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo thời Trần. Hoàn cảnh lịch sử đó đã quy định những tính chất, giá trị và vai trò của tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, tạo nên những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam dưới thời Trần. Các giá trị truyền thống tiếp tục được phát triển đồng thời những đặc điểm mới được bổ sung đã tạo nên sự phong phú đa dạng trong nền văn hóa tư tưởng dân tộc. Đặc biệt tư tưởng của Nho, Lão và Phật đã có sự hòa quyện giao thoa hình thành nên hình thức tam giáo tồn tại rất đặc sắc, tạo nên nét riêng của văn hóa Đại Việt.

3. Trên bình diện chung của những nhận thức và quan điểm về Nho, Lão và Phật, với mỗi tư tưởng các vị vua nhà Trần lại thể hiện một thái độ và một cách ứng xử riêng. Dưới thời Trần Nho-Phật-Lão đều có chỗ đứng riêng của mình, Nho giáo được coi là rường cột trong thể chế chính trị quốc

gia thì Phật giáo được xem là tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần và Đạo giáo là để phục vụ đời sống tín ngưỡng phong phú của người dân Đại Việt lúc bấy giờ. Trong ba tôn giáo đó thì Phật giáo vẫn được nhà Trần đề cao và coi trọng trong xã hội, mặc dù có những xung đột trong tư tưởng của Nho và Phật nhưng nhà Trần đã biết cách điều hòa mâu thuẫn đó để tư tưởng của Nho và Phật tiếp tục thể hiện vai trò đối với lịch sử. Thời Trần trong lịch sử dân tộc không chỉ là giai đoạn chói lọi về những chiến tích hào hùng của dân tộc Việt Nam, mà đó còn là một giai đoạn để lại những tư tưởng văn hóa có ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Một phần của tài liệu Phật giáo và nho giáo thời trần nhìn từ triết học so sánh (Trang 54 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)