Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2.3. Một số thông tin cơ bản về cây Nghiến
Ở Việt Nam, Nghiến còn được gọi là Kiên quang, Nghiến đỏ, Nghiến trứng, Kiêng mật, Kiêng đỏ với tên khoa học là (Burretiodendron hsienmu Chun et How) thuộc họ Đay (Tiliaceae). Ngoài ra, Nghiến còn được sử dụng với nhiều tên khoa học đồng nghĩa khác như: Excentrodendron hsienmu (Chun et How) Chiang et Miau; Pentace tonkinensis A.Chev. [2], [3], [6]. Còn theo tiếng của người dân tộc H’Mông (Sơn La), Nghiến được gọi là Pá tông.
Theo Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên (2000) [8], Nghiến là cây gỗ lớn, cao trên 30m, đường kính có thể tới 100cm, bạn lớn. Thân tròn thẳng, vỏ màu xám, sau xám nâu, bong mảng. Lá đơn mọc cách, hình trứng tròn, đầu nhọn dần, có mũi lồi dài, đuôi hình tim hoặc gần tròn dài 8 – 12cm, phiến lá dầy,
cứng, nhẵn, bóng, mép nguyên, có 3 gân gốc. Nách gân lá có tuyến và có túm lông. Cuống lá thô, dài 3,5 – 5 cm, hơi đỏ. Lá non hơi dính.
Khi nghiên cứu đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của Nghiến tại khu vực Thuận Châu, Sơn La, Phàng Thị Thơm (2009) [45] cho biết, hiện nay những cây Nghiến cổ thụ đã bị khai thác kiệt, chỉ còn lại chủ yếu là cây có đường kính rất nhỏ, dao động từ 19 cm – 24,7cm; chiều cao dao động từ 15,4cm – 18,5cm; thân thường phân cành sớm, chiều cao dưới cành thấp. Tác giả cũng đã nghiên cứu về một số đặc điểm hình thái lá, rễ, kết quả cho thấy:
Đối với cây trưởng thành, chiều dài cuống lá dao động từ 5,1cm – 6,5cm;
chiều dài lá từ 8,8cm – 11,9cm; chiều rộng lá từ 7,2cm – 7,7cm. Đối với cây tái sinh: Vỏ cây ở gần gốc có màu xám, giáp với ngọn có màu xanh; lá non hơi dính; Nghiến có hệ rễ cọc phát triển mạnh, ăn sâu xuống dưới đất giúp cây đứng vững.
Cũng tiến hành các nghiên cứu tại khu vực này, Bùi Thị Tiền (2013) [43]cho biết, mặc dù thời gian tăng lên (sau 4 năm so với nghiên cứu của Phàng Thị Thơm, 2009) song kích cỡ trung bình của cây Nghiến trong tự nhiên lại có xu hướng giảm xuống, đường kính 1,3m trung bình là 23cm, chiều cao trung bình 14m, chứng tỏ khu vực vẫn đang tiếp tục diễn ra các hoạt động khai thác.
-Giá trị sử dụng và mức độ nguy cấp của Nghiến
Nghiến có giá trị cung cấp gỗ là chủ yếu. Gỗ Nghiến màu nâu đỏ, nặng, rắn, không bị mối mọt, thớ mịn, không vênh, dễ bào trơn, đánh bóng, được dùng nhiều trong các công trình xây dựng lớn, làm tà vẹt, gối trục đóng thuyền [2]. Đặc biệt, theo những nghiên cứu khảo sát cho thấy, gỗ Nghiến được sử dụng rất nhiều để đóng các đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp: Lọ lộc bình, tượng phật, bàn nghế, giường, tủ, sập, v.v... Ở những cây Nghiến cổ thụ thường xuất hiện các “sùi u bướu”, thực tế đây chính là các khuyết tật hình thành trong quá trình sinh trưởng, phát triển khi cây bị sâu bệnh, sét đánh
hoặc bị đốn hạ giữa chừng và thường xuất hiện ở những loài cây gỗ sinh trưởng chậm. Khuyết tận Nghiến, sùi hay u nghiến thường được người dân địa phương gọi là “Ngọc Nghiến” bởi giá trị kinh tế và mức độ khan hiếm chúng trong tự nhiên. U Nghiến không bị nứt, không mối mọt, nhiều hoa văn đẹp mắt, được sử dụnglàm các đồ thủ công mỹ nghệ trị giá hàng chục – trăm triệu đồng nên đã dẫn đến việc khai thác bừa bãi nghiến với số lượng lớn trong tự nhiên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, Điện Biên và nhiều tỉnh thành khác, u nghiến được người dân địa phương thường xuyên săn tìm ráo diết và mua bán theo kg.
Theo kinh nghiệm của một số người dân vùng núi đá cao (chủ yếu là người Tày, Nùng), Nghiến thường được dùng để làm nhà: Cột nhà, sàn nhà, hoành, vì, kèo, v.v.. Đi lại trên sàn không bao giờ có tiếng cót két - một đặc trưng của loại gỗ mềm dẻo.
Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc (2010) [36], Bùi Thị Tiền (2013) [43] cho thấy, không chỉ có giá trị đóng đồ mỹ nghệ cao cấp, gỗ Nghiến còn rất được ưa chuộng để sản xuất thớt do không có mùn thớt khi sử dụng. Vì vậy, phần đa các hộ gia đình trong vùng nghiên cứu đều tham gia khai thác Nghiến, sản xuất thớt mà chủ yếu là người H’Mông. Việc cưa thân cây thành những chiếc thớt gỗ vừa nhanh, dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ, giá thành lại cao, giá một chiếc thớt dầy 5cm, có đường kính 30 – 50 cm, dao động từ 250.000–350.000 đồng. Khi khai thác một cây Nghiến, người dân có thể tạo ra rất nhiều chiếc thớt Nghiến, nguồn thu cao hơn rất nhiều và dễ dàng vận chuyển hơn rất nhiều so với việc xẻ gỗ hộp. Ngoài ra, thớt Nghiến còn được thu mua để làm các sàn gỗ cao cấp.
Ngoài giá trị sử dụng gỗ, vỏ Nghiến có chứa chất tanin, được sử dụng làm thuốc nhuộm trong ngành công nghiệp [2]. Trong Y học, vỏ cây Nghiến được dùng để sắc thuốc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ. Theo Hứa Văn Thao, Phạm Văn Khang (2012), vỏ cây Nghiến đang sinh trưởng là môi trường sống
lý tưởng cho tầm gửi. Kinh nghiệm người dân bản địa, tầm gửi cây nghiến có nhiều ở các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang,…và nhiều nơi khác trong cả nước. Nhân dân ta thường thu hái về phơi khô ngâm với rượu hoặc sắc lấy nước uống để chữa đau lưng, bệnh thận, điều hòa tim mạch, kiết lỵ, v.v.. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định là đây mới chỉ là những nghiên cứu sơ bộ, cần được tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ về hoạt tính sinh học của nó[41].
Bùi Thị Tiền (2013) [43] khẳng định, Nghiến còn là môi trường lý tưởng cho phong lan và các loại dương xỉ, v.v.. leo bám.
Do giá trị kinh tế to lớn, Nghiến đã và đang bị khai thác rất mạnh trong tự nhiên, việc khai thác ồ ạt, không có kế hoạch, không đi cùng với thúc đẩy xúc tiến tái sinh, trồng bổ sung đã làm loài này có nguy cơ bị đe dọa dẫn đến tuyệt chủng trong tự nhiên. Theo phân loại mức độ nguy cấp của Việt Nam, Nghiến có tên trong sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm V – sẽ nguy cấp, và thuộc nhóm IIA trong nghị định 32/2006/NĐ-CP của chính phủ [2], [7].
Chương 2