CHƯƠNG 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.10. Đề xuất quy trình tổng hợp keo UF biến tính PVA (quy mô phòng thí nghiệm)
4.10.4. Hướng dẫn sử dụng keo UF biến tính trong sản xuất ván dán
Pha chế và sử dụng keo dán hợp lý trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng của keo, đảm bảo chất lượng mối dán theo yêu cầu công nghệ của sản phẩm và công nghệ dán ép. Việc lựa chọn và sử dụng keo dán cần căn cứ vào một số yếu tố sau [4]:
- Nguyên liệu: loại gỗ, chất lượng gia công, khối lượng thể tích, độ ẩm, nhiệt độ, …
- Keo dán: loại keo, phương pháp pha chế, loại và lượng chất đóng rắn - Phương pháp bôi tráng
- Phương pháp dán ép: nhiệt độ, áp suất, thời gian
Đối với keo UF biến tính được sử dụng trong sản xuất ván dán cần lưu ý một số vấn đề sau:
Pha chế keo, sử dụng keo UF biến tính dạng dung dịch:
Thành phần Phần trọng lượng
Keo UF biến tính PVA 100
Nước 7
Chất đóng rắn 6
Lượng keo tráng:
Tùy thuộc vào chiều dày ván mỏng để dùng lượng keo tráng phù hợp [4]:
Chiều dày ván mỏng, mm Lượng keo tráng (dạng dung dịch), g/m2
1,5 140 - 165
2,5 185 - 195
3,2 205 – 214
4,2 224 - 234
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Luận án đã giải quyết được mục tiêu đề ra là xác định được ảnh hưởng của thông số công nghệ trong quá trình tổng hợp đến chất lượng keo UF biến tính bằng PVA dùng để sản xuất ván dán. Với các kết quả thu được, qua phân tích đánh giá, luận án rút ra một số kết luận sau:
(1) Luận án là công trình đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống về biến tính keo UF bằng PVA dùng để sản xuất ván dán;
(2) Luận án đã tổng hợp được cơ sở lý luận về quá trình tổng hợp keo UF biến tính, vai trò và sự tác động của hợp chất PVA đối với quá trình tổng hợp keo UF, các tiêu chuẩn và phương pháp xác định hàm lượng formaldehyde phát thải;
(3) Luận án xác định được ảnh hưởng của lượng dùng PVA và tỉ lệ mol trong giai đoạn phản ứng cộng (F:U1) đến các chỉ tiêu chất lượng keo UF:
- Hàm lượng khô tăng khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 1,85 sau đó giảm xuống khi tỷ lệ mol tiếp tục tăng.
- Thời gian đóng rắn giảm khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 1,9 sau đó tăng lên khi tỷ lệ mol tiếp tục tăng. Thời gian đóng rắn tăng khi lượng dùng PVA tăng.
- Độ tan trong nước tăng khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 1,95 sau đó giảm khi tỷ lệ mol tiếp tục tăng. Tăng lượng dùng PVA thì độ tan trong nước tăng lên.
- Hàm lượng formaldehyde tự do giảm khi F:U1 tăng và lượng dùng PVA tăng.
(4) Luận án xác định được ảnh hưởng của lượng dùng PVA và tỉ lệ mol trong giai đoạn phản ứng cộng (F:U1) đến một số tính chất cơ học của ván dán sử dụng keo UF biến tính bằng PVA:
- Độ bền kéo trượt màng keo tăng khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 1,95 sau đó giảm xuống khi tỷ lệ mol tiếp tục tăng. Độ bền kéo trượt màng keo tăng khi tăng lượng dùng PVA.
- Độ bền uốn tĩnh tăng khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 1,85 sau đó giảm xuống khi tỷ lệ mol tiếp tục tăng. Độ bền uốn tĩnh tăng khi tăng lượng dùng PVA từ 0,6% đến 2,5% sau đó giảm khi tiếp tục tăng lượng dùng PVA.
- Mô đun đàn hồi uốn tĩnh tăng khi F:U1 tăng từ 1,76 đến 2,0. Mô đun đàn hồi uốn tĩnh tăng khi lượng dùng PVA tăng đến 2,5% sau đó giảm xuống khi lượng dùng PVA tiếp tục tăng.
(5) Luận án xác định được thông số công nghệ phù hợp để tổng hợp keo UF biến tính bằng PVA dùng trong sản xuất ván dán thông dụng, cụ thể lượng dùng PVA là 1,6% so với tổng lượng urea và tỷ lệ mol trong giai đoạn phản ứng cộng F:U1 là 1,91;
(6) Luận án đã đưa ra được quy trình công nghệ tổng hợp keo UF biến tính PVA dùng để sản xuất ván dán thông dụng.
2. Kiến nghị
(1) Tiếp tục nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ chỉ tiêu chất lượng keo về độ nhớt, độ bền kéo trượt màng keo, … và đánh giá toàn diện chất lượng ván dán với việc bổ sung chỉ tiêu bong tách màng keo ở các chế độ cao hơn;
(2) Nghiên cứu một cách hệ thống hơn sự ảnh hưởng đến hàm lượng F phát thải từ ván;
(3) Trên cơ sở kết quả của luận án, tiếp tục nghiên cứu các loại chất biến tính bổ sung vào quá trình tổng hợp keo dùng sản xuất ván dăm, ván sợi, … sao cho giá trị formaldehyde phát thải thấp hơn nữa để đảm bảo lưu thông được trong các thị trường quy định nghiêm ngặt hơn về hàm lượng phát tán formaldehyde.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
1. Nguyễn Thị Thuận, Vũ Mạnh Tường, Trần Văn Chứ. Ảnh hưởng của tỉ lệ thành phần nguyên liệu đến một số tính chất keo UF biến tính bằng PVA. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Lâm nghiệp, số 3-2020, trang 114-122.
2. Nguyễn Thị Thuận, Vũ Mạnh Tường, Trần Văn Chứ. Ảnh hưởng của keo UF biến tính bằng polyvinyl alcohol đến một số tính chất cơ học của ván dán.
Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, số 394-2020, trang 52-57.