2.1. Khái quát chung về khu vực nghiên cứu
2.1.2. Điều kiệntự nhiên, kinh tế- xã hội
- Dân cư: cư dân chủ yếu trên đảo là ngư dân từ Cà Mau, Kiên Giang và cán bộ biên phòng, hải quân. Dân số Thổ Châu hiện có 518 hộ với 1.912 người, trong đó 97% là dân tộc Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc Khmer. Về mùa cá (khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) có hàng nghìn tàu thuyền đánh cá từ các nơi khác về đánh bắt hải sản trong khu vực quần đảo và neo đậu ở Bãi Dong. Vào mùa này, phần lớn dân cư ở Bãi Ngự cũng di chuyển về Bãi Dong để buôn bán. Khi gió mùa Đông Bắc đến, họ lại quay về Bãi Ngự cũng để tránh gió, sóng biển. Đảo Thổ Chu có trạm hải đăng với hơn 10 nhân viên. Bộ đội hải quân và biên phòng trên đảo khá đông, đóng quân cố định theo từng đơn vị trên hầu khắp đảo Thổ Chu và đảo Hòn Từ.
Ngoài đảo Thổ Chu ra, các đảo khác trong quần đảo không có dân cư sinh sống.
- Văn hóa: dịch vụ thông tin di động, mạng Viettel, Mobifone và Vinafone đã phủ tới các đảo. Xã có một bưu điện và một đền tưởng niệm các nạn nhân bị Khmer Đỏ thảm sát. Ngôi đền vừa là nơi lưu giữ chứng tích tội ác dã man của Khmer Đỏ đối với đồng bào trên đảo, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã đảo có nơi tưởng niệm, hương khói, thờ cúng những người đã khuất; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
- Giáo dục: xã có 1 trường học mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, chưa có trường học phổ thông trung học. Để theo học cấp 3 các học sinh của đảo phải vào học ở Phú Quốc.
- Y tế: hiện tại trạm y tế xã Thổ Châu có 6 cán bộ y tế trong đó có 2 bác sĩ. Năm 2011, trạm y tế xã đã được đầu tư cải tạo và xây dựng mới cơ sở khang trang trên diện tích 1280m2 gồm có 26 phòng. Trong điều kiện hết sức
khó khăn về cán bộ chuyên môn và trang thiết bị xong cán bộ y tế vẫn đảm công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.
2.1.2.2. Công nghiệp, dịch vụ
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản đã tạo điều kiện cho kinh tế xã đảo không ngừng phát triển. Đặc biệt là nghề chế biến mực xuất khẩu.
Đảo Thổ Chu có một trạm thu mua hải sản; một xưởng sản xuất nước đá công suất nhỏ. Toàn xã hiện có 05 cơ sở chế biến mực đông lạnh hoạt động ổn định và hàng năm có thêm từ 03 đến 04 cơ sở hoạt động theo mùa vụ với sản lượng chế biến mực nguyên liệu đạt trên 500 tấn một năm. Sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 900 tấn, góp phần giải quyết việc làm cho từ 200 đến 300 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng một người/tháng.
Đi đôi với đánh bắt, chế biến hải sản là sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ các loại, từ tạp hóa, ngư lưới cụ, cơ sở hàn tiện, sửa chữa máy móc, dược phẩm, ăn uống giải khát cho đến các mặt hàng tươi sống đều có đủ phục vụ cho nhu cầu nhân dân địa phương, kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.
Trong xã có một cơ sở buôn bán nhiên liệu; một cơ sở dịch vụ cơ khí tư nhân (hàn, tiện, sửa chữa máy thủy). Điện sinh hoạt được cung cấp từ máy phát điện của bộ đội hải quân (3 giờ/ngày vào buổi tối). Hiện nay Thổ Chu có trên 95% hộ gia đình có các phương tiện nghe nhìn, điện thoại đạt 11 máy/100 dân.
2.1.2.3. Nông lâm ngư nghiệp
Nghề nuôi trồng thủy hải sản khá phát triển với hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè, thu về hàng chục tấn mỗi năm và trên 50 phương tiện khai thác đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo. Có thể nói phần lớn thu nhập của người dân trên đảo là từ nguồn đánh bắt, chế biến hải sản và các dịch vụ đi kèm.
Trung bình trên đảo cứ 3 hộ dân có một giếng nước ngọt, ngư dân trên đảo cũng tận dụng nước ngọt, đất đai để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất ra nông sản hàng hóa góp phần cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ quân dân trên đảo.
2.1.2.4. Giao thông
Với vị trí đặc biệt về mặt địa lý, là một đảo nằm ngoài biển việc giao thông với đảo mang tính chất đặc thù riêng hình thành hai loại hình giao thông chính là đường bộ và đường biển:
- Hệ thống giao thông đường bộ: trên đảo Thổ Chu có khoảng 10km đường bê tông và một số đoạn đường đất phục vụ chủ yếu cho việc đi lại của người dân trên đảo, khách du lịch và các mục đích quân sự. Các đường giao thông này nối liền Bãi Ngự với Bãi Dong và chạy trên phần địa hình cao ở phần trung tâm đảo. Xung quanh đảo, sườn thường rất dốc, giao thông đi lại trên địa hình này hết sức khó khăn. Đảo Hòn Từ có một số đoạn đường mòn ngắn. Các đảo Hòn Cao, Hòn Xanh, Hòn Nhạn không có đường.
Thổ Chu cũng đã khởi công xây dựng công trình đường cơ động quanh đảo, được tráng bê tông xi măng có tổng mức đầu tư trên 102 tỉ đồng, thi công theo tiêu chuẩn thiết kế đường miền núi cấp 5. Tổng chiều dài tuyến hơn 5,2km, chiều rộng nền đường 6,5m. Sau khi đưa vào sử dụng, công trình đường cơ động đảo Thổ Chu mở ra một cung đường tham quan cực kỳ hấp dẫn đối với du khách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân trên đảo.
- Hệ thống giao thông đường biển: phục vụ cho việc thông thương với đất liền và các đảo khác. Thổ Chu có cảng biển với cầu cảng dài 100m, rộng 8m, mực nước sâu 6-8m. Các tuyến vận tải hàng hóa chính là Thổ Chu - Phú Quốc - Rạch Giá, Thổ Chu - TP. Hồ Chí Minh, Thổ Chu - Cần Thơ và ngược lại. Có tuyến tàu khách Thổ Chu - An Thới, mỗi tháng 06 chuyến (khoảng 05
ngày 1 chuyến). Tất cả các tàu chở khách ở đây chỉ hoạt động trong điều kiện gió biển cấp 5 trở xuống. Vào mùa mưa, biển thường động, giao thông đường biển thường bị gián đoạn hàng tuần lễ. Giao thông giữa các đảo trong quần đảo rất khó khăn vì các đảo nhỏ không có nơi neo đậu tàu thuyền gần bờ, không có phương tiện vận chuyển công cộng. Ngoài ra, trên đảo còn có đường hàng không, tuy nhiên đây là sân bay trực thăng phục vụ riêng cho mục đích quân sự.
Mặc dù các điều kiện kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng của Thổ Chu đã phát triển hơn trước nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hàng năm, cư dân đảo Thổ Chu phải chịu nhiều thiên tai, thời tiết bất lợi. Nguồn lợi thủy hải sản trên ngư trường ngày càng cạn kiệt, việc làm của người dân không ổn định, giá hàng hóa cao do phải vận chuyển từ đất liền ra. Giao thông đi lại của người dân giữa Bãi Ngự với Bãi Dong đường nhiều dốc cao, quanh co rất dễ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.
2.1.2.5. Hệ sinh thái
Tuy là một một cụm đảo nhỏ nhưng hệ sinh thái trên đảo khá phong phú và đa dạng cả trên cạn lẫn dưới biển:
-Thực vật: trên các đảo Thổ Chu, Hòn Xanh, Hòn Từ, Hòn Cao phát triển khá tốt. Thực vật đa dạng, có nhiều cây thân gỗ to, tán lá rộng, có ít cây gỗ quý. Có nhiều loại cây thuốc và cây ăn trái. Cây rừng ở đây khá dày. Trước đây, cây rừng được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, nhưng hiện nay bắt đầu có sự chặt trộm cây rừng để lấy gỗ. Trên đảo Hòn Nhạn chỉ có một vài loại cây cỏ phát triển trong mùa mưa. Đảo Hòn Khô hoàn toàn trơ trụi, không có thực vật phát triển.
-Động vật: trên đảo Hòn Xanh, Thổ Chu, Hòn Từ có nhiều kỳ đà, ít khỉ và dơi quạ, không có thú lớn. Đảo Hòn Nhạn, Hòn Mô có rất nhiều chim biển cư trú.
Dưới biển có rất nhiều loài cá, đồi mồi như eretmochelys imbricata và vích chelonia mydas. Đảo Thổ Chu có môi trường thiên nhiên tươi đẹp với những rạn san hô mật độ cao, người ta thống kê được ở đây có khoảng 99 loài san hô với ưu thế thuộc về hai chi là montipora và acroporathuộc họ san hô lỗ đỉnh. Cùng với thảm cỏ biển, rạn san hô là nơi sinh sống của các loài rùa biển, các loài cá. Khu vực này đã được đề xuất là khu bảo tồn biển của Thế giới.
2.1.2.6. Du lịch
Thổ Chu có 4 bãi biển: bãi Ngự, Bãi Dong, Bãi Mun và Bãi Nhất. Các bãi biển ở đây đều rất hoang sơ như chưa từng in dấu chân người. Nước biển quanh đảo Thổ Chu trong vắt, trong phạm vi vài chục mét gần bờ có thể nhìn thấy đáy cát với hàng đàn cá bơi lội len lỏi qua những rạn san hô đủ màu sắc.
Sau hành trình leo núi, thì tắm biển và lặn ngắm san hô sẽ là một trải nghiệm thú vị và ấn tượng như một phần thưởng đáng giá mà thiên nhiên Thổ Chu dành tặng cho du khách. Ngoài ra, du khách còn có thể ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ, huy hoàng trên vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc sẽ là một ấn tượng khó phai. Đây là những thế mạnh để phát triển du lịch biển đảo thúc đẩy kinh kế xã đảo phát triển hơn nữa.