Các giải pháp phi công trình

Một phần của tài liệu Ứng dụng công nghệ viễn thám và gis nghiên cứu sự thay đổi đường bờ và đánh giá nguy cơ xói lở bờ biển khu vực quần đảo thổ chu, tỉnh kiên giang (Trang 91 - 97)

3.4. Đề xuất các giải pháp phòng chống xói lở bờ

3.4.2. Các giải pháp phi công trình

Tại khu vực hải đảo và ven bờ, các giải pháp phi công trình giảm thiểu thiệt hại do tai biến bao gồm: Quản lý tổng hợp đới bờ, quy hoạch sử dụng hợp lý; cảnh báo tai biến; bố trí sản xuất và sinh hoạt theo phương châm sống chung với tai biến; lập quỹ bảo hiểm thiên tai; nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh thiên tai cho cộng đồng.

- Quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ - lãnh hải là giải pháp phòng chống tai biến một cách có hiệu quả cao và chủ động, có hiệu quả cao và tiết kiệm.

Đối với các vùng có nguy cơ tai biến cao, công tác quản lý cần chú trọng công tác phòng tránh, giảm nhẹ tai biến và bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm hạn chế tối đa thiệt hại mà các tai biến có thể gây ra. Đối với vùng có nguy cơ tai biến thấp hơn có thể cho phép có kiểm soát đối với các hoạt động đánh bắt hải sản, khai thác xa bờ.

- Cảnh báo tai biến bao gồm tổ chức theo dõi tai biến và thông tin kịp thời tới người dân và phát lệnh tổ chức di dời dân cư vĩnh viễn hoặc tạm thời

ra khỏi khu vực nguy hiểm, tùy khu vực cụ thể cần thiết phải lắp đặt các phao cảnh báo.

- Để bảo vệ môi trường nước và trầm tích vùng nghiên cứu, cần quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ các khu vực dân cư. Đồng thời, lập quỹ bảo hiểm thiên tai nhằm chia sẻ bớt thiệt hại cho cộng đồng khi tai biến xảy ra.

- Nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh thiên tai cho cộng đồng dân cư trên đảo thông qua tuyên truyền giáo dục, tập huấn bằng các giải pháp mềm dẻo, linh hoạt và thiết thực.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Xói lở là tai biến phổ biến ở khu vực bờ biển thuộc quần đảo Thổ Chu, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông và Đông Nam của các đảo. Tuy nhiên, xói lở trên các đảo nổi chủ yếu diễn ra tại các khu vực ít có dân cư sinh sống, không gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bồi tụ ít xảy ra do trên đảo nhỏ xa bờ, không có các dòng chảy lớn tập trung và đặc biệt là nguồn vật liệu trầm tích theo dòng biển đến đảo không lớn.

Từ các kết quả nghiên cứu thu được trong luận văn, có thể rút ra được một số kết luận như sau:

1. Các yếu tố chính quyết định tới tai biến địa chất vùng biển đảo Thổ Chu là: Các yếu tố nội sinh (cấu trúc địa chất, hệ thống đứt gãy), các yếu tố ngoại sinh (điều kiện địa hình, địa mạo, khí hậu, chế độ mưa, chế độ gió, chế độ hải văn - thủy văn) và các hoạt động nhân sinh (Các hoạt động đánh bắt thủy sản và dịch vụ nghề cá, hoạt động giao thông thủy, du lịch). Mức độ xói lở - bồi tụ do các tác nhân nội sinh lại liên quan chặt chẽ đến cấu tạo vùng bờ, hướng đường bờ. Vì vậy, quá trình xói lở vùng bờ biển đá của các đảo thuộc quần đảo Thổ Chu sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm và diện tích nhỏ. Tại các khu vực bờ biển là các trầm tích bở rời với các vật liệu cát, cát bùn… khả năng xói lở sẽ diễn ra mạnh mẽ do vùng không có các nguồn cung cấp vật liệu trầm tích từ trong bờ.

2. Tại các khu vực có đường bờ mở và có hướng Bắc, Tây Bắc các đảo Thổ Chu, Hòn Từ, Hòn Cao và toàn bộ Hòn Xanh, Hòn Khô… quá trình xói lở sẽ diễn ra với quy mô và cường độ mạnh hơn các nơi khác do chịu tác động trực tiếp của áp lực sóng và dòng chảy vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc. Theo các số liệu phân tích từ ảnh viễn thám từ 1989 đến 2013 cho thấy diễn biến bồi tụ ở vùng nghiên cứu đang giảm về quy mô, tập trung ở khu vực Bãi Ngự, Bãi Nhì, Bãi Dong.

3. Kết quả nghiên cứu dựa trên các phương pháp phân tích ảnh viễn thám đa thời gian và tính toán định lượng cũng cho phép chỉ ra các vùng có khả năng xói lở với các cấp độ nguy cơ khác nhau trong khu vực nghiên cứu.

Phương pháp toán Chỉ số thống kê đã được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa nguy cơ xảy ra tai biến xói lở bờ với các thông số địa chất và môi trường liên quan. Việc sử dụng phối hợp các phương pháp toán và viễn thám trên nền GIS cho phép phân tích và dự báo khả năng xảy ra xói lở tại một vị trí cụ thể bất kỳ trong khu vực nghiên cứu. Kết quả phân vùng được kiểm nghiệm sử dụng vị trí các điểm trượt lở thực tế trong diện tích nghiên cứu cho thấy kết quả phân vùng theo phương pháp Chỉ số thống kê có độ chính xác và độ tin cậy cao. Các khu vực được đánh dấu có nguy cơ xói lở mạnh chiếm khoảng 27,08% diện tích ven biển các đảo song dự đoán chính xác tới gần 73% các vị trí xói lở đã ghi nhận được.

4. Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả nghiên cứu cung cấp cho các nhà quản lý các dữ liệu về tai biến xói lở tại khu vực nghiên cứu. Vùng biển đảo Thổ Chu không những có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển đảo, phát triển du lịch mà còn có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ đất nước. Với các vai trò nổi bật như trên, nhiệm vụ hoạch định các chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng cho các đảo và cụm đảo là nhiệm vụ rất cấp bách, cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Muốn làm được điều này thì phải có được một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường tại các khu vực này. Các số liệu nghiên cứu và phân tích có thể sử dụng trong công tác khảo sát và đánh giá mức độ xói lở cho từng vị trí cụ thể nhằm đưa ra các giải pháp an toàn hợp lý.

2. Kiến nghị

1. Về mặt khoa học, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đánh giá các điều kiện địa chất, điều kiện tự nhiên cũng như nhân sinh, đặc biệt là những yếu tố bất lợi có khả năng gây ra xói lở cần phải được tiến hành chu đáo nhằm có được hiểu biết đầy đủ trước khi triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng trên các đảo. Việc khảo sát tai biến, nghiên cứu xác định nguyên nhân, hiện trạng và phân vùng dự báo xói lở nói riêng và tai biến địa chất nói chung phải được coi là một phần quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cũng như môi trường, đặc biệt đối với các khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng như tại quần đảo Thổ Chu.

2. Các kết quả nghiên cứu có thể được mở rộng phân tích cho từng khu vực cụ thể, đặc biệt tại các đoạn đường bờ được đánh giá có nguy cơ xói lở mạnh được mô tả ở trên nhằm đánh giá hệ số an toàn cũng như tốc độ xói lở có thể có, giúp thiết kế biện pháp an toàn, phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn cho các công trình cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân.

3. Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền những kiến thức truyền thống cũng như khoa học trong việc lựa chọn các vị trí định cư, chuẩn bị các vị trí xây dựng cơ sở hạ tầng. Không xây nhà cửa gần các sườn bờ nguy hiểm, các vách núi ven biển nơi có dấu hiệu của xói lở bờ. Tăng cường phủ xanh, giữ đất, giữ rừng, phát triển rừng ngập mặn ven biển… Chính quyền địa phương cũng cần có kế hoach di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi vào mùa mưa bão. Đồng thời, cần quan trắc, theo dõi diễn biến các khu vực đã từng bị xói lở và các khu vực có nguy cơ cao. Cần có đánh giá quy mô và xu hướng phát triển để có những biện pháp hợp lý kịp thời đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện cũng như các công trình liên quan.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ

1. Nguyễn Quốc Phi, Phí Trường Thành, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (2014),“Ứng dụng công nghệ viễn thám nghiên cứu chất lượng nước khu vực ven biển Cửa Đáy”, Tạp chí các Khoa học về Trái Đất, Hà Nội. tr335-346.

Một phần của tài liệu Ứng dụng công nghệ viễn thám và gis nghiên cứu sự thay đổi đường bờ và đánh giá nguy cơ xói lở bờ biển khu vực quần đảo thổ chu, tỉnh kiên giang (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)