Không gian kỳ ảo

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong tập người ăn gió và quả chuông bay đi của nhật chiêu (Trang 24 - 27)

Không gian nghệ thuật là “Hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó...Có tác dụng mô hình hóa các liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đời” [9,tr.160].

Nhật Chiêu đã vẽ lên nhiều loại không gian huyền bí, đó có thể là không gian của một ngôi làng, có thể là không gian của một khách sạn ở trên cao, cũng có thể là không gian của xứ sở xa lạ Sương Mù Xanh, không gian trên biển... Với mỗi truyện, Nhật Chiêu luôn ý thức về việc tạo ra cái mới trong không gian. Không gian huyền bí mang người đọc đến một miền đất vừa thực vừa hư, để người đọc tha hồ tưởng tượng.

Trong truyện ngắn Mây, nhân vật Tôi chọn một khách sạn để ở trong chuyến đi chơi xuân và anh ta chọn “một khách sạn ở trên cao”, thành phố dường như thu nhỏ vào trong mắt anh ta: “những ngôi nhà cũ bềnh bồng trong sương mù, không xa một áng mây đẹp đang đứng yên hoặc đang nằm yên.

Trắng muốt. Đẫy đà. Lơ mơ, nghĩa là không biết mình đang làm gì, nghĩ gì”

[2,tr.21]. Không gian trở nên huyền bí, xa xăm hơn khi nhân vật tôi ngắm nhìn thành phố trong lớp sương mù từ cao, xa. Cái đẹp và cái tuyệt mỹ luôn là điều mà Nhật Chiêu hướng đến, chính vì vậy, Nhật Chiêu đã vẽ nên một không gian huyền bí để xóa mờ khoảng cách giữa con người và thiên nhiên.

Với truyện ngắn Hòn đá ma, đó là không gian huyền bí của làng Quế

“một miền quê xa lạ dường như nằm ngoài thế kỷ này”. Không gian của làng Quế càng huyền bí với những con người kỳ lạ “hoang hoải, lừ khừ, ít nói và cổ lỗ một cách kỳ lạ” nhưng nó còn mang thêm cái nặng nề bí ẩn với bức tượng Linga thần bí :“Ai nhìn nó rồi thì thế nào cũng cảm thấy tâm tư nặng

trĩu như là toàn thể hòn đá Ma đang đè nghiến lên mình và nghe một thứ tiếng rù rì ông ông trong đầu” [2,tr.179]. Sự đan xen thật - ảo của không gian trong Hòn đá ma thể hiện rất rõ trong việc miêu tả không gian nơi hòn đá ma nằm.

Đó là không gian của những con đường được nối nhau bằng những tảng đá được sắp xếp theo một cách vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo. Bằng cách để cho những người dân trong làng Quế đồn thổi về hòn đá ma ám ảnh linh hồn, Nhật Chiêu đã rất tài tình, khéo léo khi kết hợp nét huyền bí của ngôi làng và sự thật về hòn đá Ma – Linga. Cả làng Quế hiện lên với những hình ảnh kỳ bí về con sông, ngoại hình con người, tiếng thác, con đường, cùng tiếng thì thầm của Linga với những âm thanh ma mị tạo cảm giác vừa tò mò, vừa rùng rợn, đồng thời cũng kích thích trí tưởng tượng và khả năng khám phá của người đọc. Rõ ràng Nhật Chiêu đã có chủ ý tô đậm sự huyền bí của không gian trong tác phẩm, gợi lên miền đất hoang sơ, man dại, bí hiểm của làng Quế.

Đây chính là cách nhà văn thể hiện đời tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người.

Tương tự, tất cả những điều bí ẩn trong căn phòng trong truyện ngắn Bụi hồng chiêm bao. Hay không gian biển trong Biển mới đã tạo nên một không gian huyền bí cho câu chuyện, giúp Nhật Chiêu thể hiện những quan niệm nghệ thuật “nghệ thuật là ảo thực tương duyên” của mình về con người.

Bằng cách đã vẽ lên những không gian khác nhau, với vẻ đẹp huyền bí, hoang vu, bí ẩn... Nhật Chiêu đã đưa người đọc nhiều bất ngờ thú vị. Yếu tố kỳ ảo chính là một phương thức nghệ thuật đắc dụng giúp Nhật Chiêu đi sâu khám phá thế giới tâm linh trừu tượng, khó nắm bắt của con người, nhằm thấu hiểu được con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu.

2.1.2. Không gian tâm tưởng

Trong truyện ngắn Nhật Chiêu, bên cạnh không gian huyền bí, không gian tâm tưởng cũng là một điều thú vị. Khác với không gian huyền bí, không

gian tâm tưởng xuất hiện bên trong nhân vật, là không gian để nhân vật có thể hoài nhiệm nhớ mong về thời quá khứ đã xa. Vì thế, nếu ở không gian huyền bí người đọc như lạc vào một thế giới hư hư, thực thực đầy ảo mộng, thì ở không gian tâm tưởng, người đọc được hoà mình vào những suy nghĩ, những ẩn ức trong dòng hồi tưởng của nhân vật.

Giấc mơ của đôi vợ chồng nọ về đứa con mà họ đã để mất trong cuộc dạo chơi trên bãi biển hôm nào đã được Nhật Chiêu tài tình miêu tả bằng cách tạo ra một không gian chiều pha trộn nắng và gió, pha trộn cái rực rỡ và cái lạnh, nỗi điêu tàn và hoan lạc “Bé đã từng ở đây nghịch cát. Bé thích chơi với cát cả ngày. Bé cũng thích hoa, nhất là cúc xanh. Bé thích những chiếc phong linh nhỏ xíu kêu linh-linh, linh- linh khi bé đưa võng. Bé thích…” [2, tr.51].

Để nhân vật chìm vào trong giấc mơ, Nhật Chiêu đã kiến tạo một “hoàn cảnh”

hợp lý, được chấp nhận để gợi giúp họ gặp lại thiên thần của mình. Qua đó, Nhật Chiêu phần nào khẳng định được quan niệm “nghệ thuật là ảo thực tương duyên” của mình. Văn học trở nên đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhiều tìm tòi về thủ pháp nghệ thuật, đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ.

Cuộc sống hiện đại khiến con người luôn bận rộn. Sau khi đã để vụt mất nhiều thứ quý giá trong cuộc sống, trong vòng xoáy thời gian, con người mới nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Cô gái xinh đẹp xưa, do chạy theo những dục vọng của bản thân mà đánh mất đi vẻ đẹp của chính mình.

Trở về với quê hương, trong căn phòng thân thương mà mình đã lớn lên, đối diện với không gian trong chiếc gương, cô gái- bây giờ đã là một bà lão mới nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc sống. “hai cánh mũi thanh mảnh, phơn phớt hồng. Bờ môi cong như cầu vòng kiêu kỳ” [2, tr.77]. Vẻ đẹp của con người, hiện thân của tuổi trẻ, tình yêu, sự sống bây giờ đã không còn nữa. Bà cảm thấy buồn, thấy mất mát một thứ gì đó lớn lao trong cuộc sống. Chính

không gian của căn phòng, không gian trong chiếc gương đã làm sống dậy những suy nghĩ, tình cảm trong bà lão. Qua đó, Nhật Chiêu đã làm cho không gian của câu chuyện thêm huyền ảo hơn, không gian của câu chuyện phần nào giúp nhân vật nhận ra chân giá trị đích thực của mình.

Các không gian tâm tưởng khác nhau được Nhật Chiêu xây dựng, phối kết hợp khiến chúng thường hiện như những cảnh giới đặc biệt, làm nổi bật tâm trạng con người. Mỗi không gian khác nhau của từng cảnh giới trong truyện ngắn Bạch dương đã hướng nhân vật Tôi đến những miềm tâm tưởng khác nhau, tạo nên điểm nhấn quan trọng trong tính cách, tâm hồn nhân vật.

Có thể thấy, trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi, các không gian không tách rời hiện thực xã hội phảng chút hoang đường, kỳ diệu và bí ẩn. Sự va chạm giữa không gian thực và ảo, không gian tâm tưởng và không gian huyền bí chính là một nét đặc sắc trong truyện ngắn Nhật Chiêu. Nhật Chiêu thường khắc họa không gian vừa hiện thực, vừa phi thực, tô đậm những nét phi lý, ảo ảnh nhưng lại không ngừng lôi kéo người đọc về phía thực tại, những điều có thực đang hiện hữu trên thế giới.

Một phần của tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong tập người ăn gió và quả chuông bay đi của nhật chiêu (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)