Chương 3: ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG YẾU TỐ KỲ ẢO
3.3. Sử dụng ngôn từ nghệ thuật
Ngôn ngữ có tầm quan trọng trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống, chiều sâu nội tâm phong phú của con người. Trong tác phẩm văn học ngôn ngữ bao giờ cũng thể hiện rõ nhất cá tính sáng tạo, tài năng và phong cách của nhà văn. Bản thân ngôn ngữ không mang tính chất kỳ ảo nhưng dưới bàn tay sáng tạo của mình, Nhật Chiêu đã chọn lựa, nhào nặn, tinh luyện để tạo nên một không khí kỳ ảo trong tác phẩm.
Khảo sát hệ thống ngôn ngữ có yếu tố kỳ ảo trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi chúng tôi nhận thấy Nhật Chiêu đã sử dụng khá nhiều các phó từ mang tính chất đột biến và sử dụng những kí hiệu ngôn ngữ lạ. Các phó từ như: bỗng, bất chợt, đột nhiên, bất ngờ, bỗng dưng…
chỉ tính chất đột biến , bất thường của sự vật, hiện tượng. Xuất hiện trong tác
phẩm với tần suất khá cao chúng được nhà văn kết hợp với nhiều động từ để tạo ra không khí kì ảo, ma quái cho câu chuyện và bất ngờ đối với bạn đọc.
Đó có thể là sự xuất hiện của một sự việc kì lạ: “Bất ngờ con chó nhỏ lồng lên bỗng phóng chạy như bay. Và cụ già, tuy lẩy bẩy là thế, vẫn bốc mình lên mà bay theo nó. Cả hai lướt bổng trên mặt đất, nhưng chỉ cất đầu ngọn cỏ một chút” [2, tr.8]. Hay sự xuất hiện, biến hóa đột ngột của ngôi miếu trong lời kể của nhân vật tôi trong truyện ngắn Động Từ Thức: “Tôi rẽ vào Phố Đông. Một ngôi đền lớn bất ngờ mọc lên, chắn đường” [2,tr.10].
Các phó từ này đã phát huy hiệu quả đắc lực khi Nhật Chiêu dùng chúng để thuật lại hàng loạt sự kiện lạ lùng diễn ra khiến nhân vật trong truyện cũng phải ngạc nhiên: “Một đêm kia, trên sân thượng của một trà quán, tôi bất ngờ khám phá ra mình ăn được gió. Một miếng gió bỗng dưng bay nhẹ vào miệng tôi, chạm vào đầu lưỡi và trong đó có lẫn chút hương cà phê”
[2,tr.12]. Hay là “Sau một tháng đói lả, tôi bỗng tươi tỉnh hẳn lên, lấy lại khí sắc xưa” [2,tr.13] và “Bỗng dưng nàng sững người, nhìn đăm đăm lên vách.
Từ trong chiếc bóng của nàng, như từ dưới bóng cây râm mát, một đứa bé hớn hở bước ra, hay đúng là một đứa bé bóng” [2,tr.201].
Có khi các phó từ đó lại phá vỡ một trạng thái đang tĩnh lặng của không gian hoặc thời gian “Sau khi cô gái rời phòng, tôi chợt có ý định đi dạo trên bờ biển… Bỗng dưng có một tiếng gọi ngân dài từ đâu vang về phía chúng tôi nghe như giọng trẻ thơ” [2,tr.19].
Bằng việc sử dụng các phó từ chỉ sự đột biến và có chủ ý, Nhật Chiêu đã làm cho các sự kiện, hiện tượng, sự vật trở nên bí ẩn, lạ lùng, li kỳ và kỳ ảo. Cái thế giới vừa thực, vừa ảo với những bất ngờ, đúng thật sự đã lôi cuốn, gợi trí tò mò cho đọc giả.
Nhật Chiêu quan niệm văn chương là “tiêu giao, là phiêu du” chính vì vậy, ngôn ngữ mà Nhật Chiêu đưa vào tác phẩm có phần bóng bẩy, hoa mỹ.
Bên cạnh việc sử dụng các phó từ mang tính chất đột biến, Nhật Chiêu còn sử dụng những kí hiệu ngôn ngữ lạ bởi “thế giới này chỉ là Maya”. Mỗi truyện là một tác phẩm được dệt lên chủ yếu bằng ngôn từ thuần túy đúng như Nhật Chiêu viết “Bạn đang đọc chữ, không có gì ngoài chữ, ngoài thế giới của ngôn từ, một thế giới bất xác, biến ảo như mây” [2, tr.192] và “Con có biết con người đặt ra tiếng nói làm gì không? Không chỉ để con người nói với nhau, mà để chúng ta nói thay cho cá, cho chim, cho chiếc đèn, cho hoa cúc, cho búp bê…[2,tr.199]. Khảo sát hai mươi sáu truyện ngắn của Nhật Chiêu, chúng tôi nhận thấy có sự lặp đi lặp lại của những đường hình học, những hình vẽ, cắt dán liên văn bản. Đó chính là việc sử dụng những kí hiệu ngôn ngữ lạ.
Trong tập truyện ngắn Người ăn gió và quả chuông bay đi, ta bắt gặp những hình vẽ, những đường hình học lặp đi lặp lại. Ví dụ như trong truyện ngắn H, ta bắt gặp kí hiệu H -> H. X. H. Từ đầu đến cuối câu chuyện là sự truy tìm bí mật về H, hình vẽ của Nhật Chiêu phần nào trong truyện giúp ta liên tưởng đến bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhưng chúng ta không thể nắm chắc được đó có phải là Hồ Xuân Hương hay không mà chỉ là sự tiên đoán, đó có thể là hương, hoa, hĩm, hòm… Bằng ngôn ngữ và cách tạo dựng tình huống trong truyện ngắn H, Nhật Chiêu đã đưa người đọc vào một thế giới đầy huyền bí, kì ảo.
Trong truyện ngắn Chơi hay không chơi, Nhật Chiêu đưa ta vào một thế giới kỳ ảo với những đường vẽ hình học “ ”,càng đọc chúng ta càng thấy thú vị bởi thế giới trong truyện không chỉ là do người viết sáng tạo nên mà còn có sự giao lưu, tương tác với người đọc. Độc giả tham gia vào câu chuyện để giải quyết những thắc mắc, hoài nghi còn vướng bận trong lòng. Như vậy, với việc đan xen những mẩu đối thoại để trong kí hiệu trên, truyện ngắn trở nên mới lạ hơn, sinh động và hấp dẫn hơn.
Hoặc trong các truyện ngắn Người ăn gió, Nàng đi đâu, Đồng trinh, Bụi hồng chiêm bao, chúng tôi nhận thấy Nhật Chiêu có sử dụng cắt dán liên văn bản. Trong Người ăn gió có sử dụng bốn đoạn của Nguyễn Du, Kinh Dịch, Trang Tử, Hàn Mặc Tử. Truyện ngắn Nàng đi đâu có sử dụng bốn đoạn của Nietzsche, Upanishad, William Blake, Bích Nham Lục. Truyện ngắn Đồng trinh có sử dụng hai đoạn của Rilke và John Fowles. Truyện ngắn Bụi Hồng chiêm bao có sử dụng hai đoạn của Nguyễn Du và Kinh Tâm Địa Quán. Như vậy, với việc sử dụng những kí hiệu ngôn ngữ lạ, Nhật Chiêu đã tạo dựng lên một thế giới đa sắc trong truyện ngắn của mình, đó có thể là sự bỏ lửng để người đọc có thể dừng lại trầm ngâm với một câu nói, một câu hỏi, một ý tưởng của tác giả. Từ đó người đọc từng chút một trôi vào cõi kỳ ảo do Nhật Chiêu tạo ra. Có thể thấy đa số các nhà văn đương đại khi sử dụng yếu tố kỳ ảo như một thủ pháp nghệ thuật, đều ý thức cao trong việc miêu tả thứ ngôn ngữ nằm giữa đường biên của hư và thực, bình thường và kinh dị nhằm diễn tả một thế giới li kỳ, đầy thách thức đối với trí tuệ, tình cảm con người. Cũng như nhiều cây bút đương đại khác, Nhật Chiêu đã nổ lực tìm tòi, đổi mới ngôn ngữ để “ Ngôn ngữ không còn là tạo phẩm viên thành mà là suối nguồn sinh nở. Chữ dẫn dắt chữ. Lời dẫn dắt lời. Ý tưởng lôi cuốn ý tưởng. Tâm viên ý mã. Cũng vì vậy, khi đọc hết truyện rồi chúng ta không có cảm giác yên ổn vì những dòng chữ cuối cùng như còn đang khai mở một ý nghĩa nào đó… Bằng và chỉ bằng ngôn ngữ, Nhật Chiêu tha hồ đùa chơi xây dựng những cái khả hữu, những thể nghiệm của đời sống tinh thần. Một việc làm tưởng như hiển nhiên nhưng không phải người cầm bút nào cũng nhớ, để rồi mặc cho một thế giới ngoài ngôn ngữ tràn lên xóa tan những kết cấu sáng tạo đầu tiên của mình. Nhật Chiêu đặt nền móng kỳ ảo ngay từ những câu đầu tiên của truyện và cứ thế đi đến cuối truyện, không phút lơ là. Trọn vẹn.
Thuần túy” [2,tr.214]. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất kỳ ảo, Nhật Chiêu
đã góp phần hoàn thiện nghệ thuật cho tác phẩm cũng như khẳng định cá tính sáng tạo của nhà văn.