CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.3. Ảnh hưởng của khai thác than tới kinh tế - xã hội và môi trường địa phương
2.3.2. Ảnh hưởng tới xã hội
Hoạt đông khai thác và chế biến than đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn CBCNV của ngành than. Đời sống của cán bộ công nhân viên mỏ luôn là mối quan tâm hàng đầu của ban lãnh đạo các mỏ than. Ngoài tiền lương cố định cho các CBCNV, các mỏ than còn thực hiện đầy đủ các chế độ phụ cấp độc hại và phụ cấp trách nhiệm cho các đối tượng sản xuất. Hàng năm các mỏ đều thực
hiện công tác khám sức khoẻ cho CBCNV mỏ để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác than… Cụ thể tại một số mỏ:
+ Công ty than Khe Chàm: lắp đặt cho toàn bộ 21 phòng nhận lệnh giao ca của các công trường, phân xưởng. Lắp đặt hệ thống xử lý và lọc nước đảm bảo nhu cầu nước nóng và vệ sinh trong tắm giặt và sinh hoạt tại công trường công ty. Từ đầu năm 2003 đến nay năm nào lãnh đạo công ty than Khe Chàm đã tổ chức cho cán bộ công nhân công ty đi điều dưỡng , nghỉ cuối tuần và du lịch tại nhiều nơi trong và ngoài nước như Thái Lan, Trung Quốc hay các điểm du lịch Hạ Long, Trà Cổ….
+ Công ty than Dương Huy cán bộ công nhân viên đi làm có xe đưa đón . Nhà tắm và giặt, sấy quần áo, ủng, mũ ...được xây dựng liên hoàn. Các khu nhà ăn ở, nhà tập thể được quy hoạch xây dựng và cải tạo, đảm bảo điều kiện cảnh quan, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó đời sống của cán bộ công nhân viên gắn bó với ngành than trong những năm gần đây không ngừng được tăng lên, thể hiện qua doanh thu của người lao động.
+ Công ty cổ phần than Mông Dương: đối với tiền lương, ngoài việc áp dụng chế độ giãn cách của tập đoàn, công ty còn xây dựng chế độ tiền lương ưu tiên cho các đơn vị sản xuất chính trong khu vực hầm lò; khuyến khích thưởng năng suất cho những tấn than hầm lò vượt kế hoạch đồng thời gắn thu nhập của tất cả CBCNV với việc thực hiện công tác an toàn và từng tấn than vì vậy ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công việc được nâng lên rõ rệt. Trong năm qua 2012, công ty đã xây dựng hàng loạt các công trình phúc lợi từ nhà giao ca đến hội trường 350 chỗ, sân bóng đá mini, nhà truyền thống, công viên và tượng đài thợ mỏ Mông Dương... Qua đó đã thu hút được công nhân mỏ vào các hoạt động vui chơi, giải trí đồng thời giáo dục truyền thống giai cấp công nhân vùng mỏ đối với thế hệ trẻ để họ tự hào về truyền thống và từ đó thấy được trách nhiệm của mình đối với Công ty.
Bên cạnh đó, hàng năm các mỏ cũng dành riêng ngân sách cho các hoạt động phúc lợi xã hội, hỗ trợ xã hội của địa phương với số tiền không nhỏ. Nhờ vậy, các công trình phúc lợi, văn hoá thể thao, trường học, trạm y tế… trong khu vực các mỏ than được nâng cấp cải tạo đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong vùng.
+ Công ty than Khe Chàm và Mông Dương đầu tư xây dựng trường từ mẫu giáo đến trung học phổ thông nhằm phục vụ cho con em cán bộ của công ty trên địa bàn, xây dựng một sân tenis, một khu trạm xá 3 tầng với trang bị hiện đại.
+ Xây dựng quảng trường và tượng đài người thợ mỏ tại trung tâm thành phố Cảm Phả là nơi vui chơi giải trí của cán bộ và công nhân sau những giờ làm việc nặng nhọc.
+ Công ty Tuyển Than Cửa Ông bằng nguồn quỹ phúc lợi và cán bộ công nhân công ty đã xây dựng một trung tâm văn hoá thể thao gồm một sân vận động hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc gia có 5000 chỗ ngồi, một nhà luyện tập và thi đấu thể thao 1000 chỗ ngồi, 1 sân tenis....
+ Công ty than Mạo Khê đã xây dựng tại thị trấn Mạo Khê một số trụ sở và văn phòng đại diện khang trang, một công viên mỏ, một bệnh viện mỏ phục vụ khám chữa bệnh cho cả công nhân mỏ than và người dân địa phương. Công ty còn tham gia vào xây dựng các tuyến đường giao thông trong thị trấn phục vụ việc tiêu thụ than và đi lại cho nhân dân địa phương.
Hoạt động sản xuất của mỏ không những tác động đến đời sống văn hoá tinh thần của CBCNV trong mỏ mà còn tác động đến cơ cấu tổ chức kinh tế xã hội và dân số trong vùng. Một số đặc trưng chính của tác động này là:
- Mật độ dân số cao, tập trung quanh khu vực khai thác mỏ như Thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí, Huyện Đông Triều, Hoành Bồ, Hạ Long
- Tỷ lệ lao động trên tổng số dân cao, chiếm 66,2% dân số (năm 2010).
- Nghề nghiệp chủ yếu là khai thác mỏ và các dịch vụ phục vụ công nghiệp mỏ. Chỉ có một số ít làm nông nghiệp và lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng ven huyện Đông Triều, Thành phố Uông Bí, huyện Ba Chẽ…
- Văn hoá giáo dục phát triển, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt so với các vùng khác. Nhiều công ty than đã tài trợ xây trường học, khen thưởng cho con em CBCNV có thành tích suất sắc trong học tập như công ty cổ phần than Mông Dương, công ty than Khe Chàm…bên cạnh đó còn xây dựng các trạm y tế, khu vui chơi…
2.3.2.2. Ảnh hưởng tiêu cực
Ngoài những tác động tích cực trên, hoạt động khai thác than trên địa bàn cũng có những tác động tiêu cực về mặt xã hội. Đó là:
- Do sự tập trung dân cư với nhiều thành phần xã hội, chủ yếu nhập cư từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… nên dễ tạo ra sự phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Tệ nạn cờ bạc, rượu chè, cá độ…xảy ra ở khắp các mỏ gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng tới công việc.
- Tình hình khai thác than trái phép vẫn xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh như Đông Triều, Tp Hạ long… gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Do tính chất công việc khắc nghiệt việc khai thác than ngày càng phức tạp hơn, đi xa và xuống sâu hơn, tiết diện lò chợ, lò cái hẹp làm tăng sức cản thông gió, nhiệt độ cao từ 28 – 310C; độ ẩm nhiều vị trí cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép tới 16%. Ánh sáng hết sức quan trọng đối với sức khoẻ người lao động, song hầu hết các hầm lò khai thác than độ chiếu sáng chỉ đạt từ 18 – 44% so với tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Tốc độ lưu chuyển không khí thường không ổn định. Điều này rất bất lợi cho sự thích ứng của cơ thể. Do vậy mà tình trạng công nhân bỏ việc diễn ra ở hầu khắp các mỏ. Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có trên 900 thợ lò bỏ việc, kể cả ở các đơn vị sản xuất kinh doanh có điều kiện làm việc, sinh hoạt cho CNLĐ khá tốt, thậm chí vào loại hàng đầu của ngành như Than Hà Lầm, Quang Hanh, Hạ Long... Một số đơn vị đang diễn ra tình trạng số lượng công nhân hầm lò tuyển mới và công nhân hầm lò bỏ việc ngang nhau. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động hầm lò trong tương lai.
- Môi trường trong hầm lò có rất nhiều bụi, bụi hầm lò được tạo ra bởi nổ mìn, vận tải, xúc than… nấm mốc có mặt ở khắp nơi trong hầm lò và đều cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Nhiều nơi số lượng nấm cao hơn gấp 20 lần, với số nấm mốc là 16.222 sợi/1m3 không khí.
- Do đặc điểm, tính chất và điều kiện lao động của ngành than mà nhiều công nhân có biểu hiện bệnh có liên quan nghề nghiệp rõ rệt như bệnh bụi phổi silic, bụi phổi than, bệnh nấm da, nấm kẽ… chiếm hơn 70% trên 25 loại bệnh nghề nghiệp của Việt Nam. Các bệnh thường gặp của công nhân hầm lò là bệnh xương khớp chiếm 12,6%, bệnh tiêu hoá 13,8%, bệnh thần kinh 26,3%, bệnh ngoài da 34,9%, bệnh hô hấp 32% và bệnh tai mũi họng là 69,5%. Nói chung, tỷ lệ bệnh mà công nhân khai thác than hầm lò mắc phải đều cao và có những công nhân cùng một lúc mắc 2 đến 3 bệnh. Với đặc điểm điều kiện và môi trường lao động như đã nêu trên, ảnh hưởng tác hại của chúng tới sức khoẻ người lao động là không tránh khỏi.