Đối với xã hội

Một phần của tài liệu Tình hình khai thác than tại tỉnh quảng ninh và ảnh hưởng của nó tới kinh tế xã hội và môi trường địa phương (Trang 52 - 55)

CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.3.2. Đối với xã hội

Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho đội ngũ công nhân, lao động. Thực hiện giải pháp này, tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa và có các biện pháp, hình thức thích hợp để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho công nhân, lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp; hiểu rõ vinh dự và nghĩa vụ của mình đối với việc sản xuất nhiều than cho đất nước; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, sáng tạo trong công nhân, lao động.

Thứ hai, bảo đảm việc làm, an toàn vệ sinh nơi làm việc cho đội ngũ công nhân, lao động. Để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm thường xuyên, vấn đề hàng đầu hiện nay là nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của họ. Trước mắt, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng các yêu cầu cấp bách về nguồn lao động có chất lượng cao. Phát triển các loại hình dịch vụ liên quan đến khai thác, chế biến, tiêu thụ than, khoáng sản.

Xây dựng văn hóa an toàn trong lao động tại nơi làm việc. Nâng cao trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện an toàn - vệ sinh lao động. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực hành vi ứng xử an toàn cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp để dần trở thành nếp sống văn hóa về an toàn - vệ sinh lao động.

Ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm, quy chế về an toàn - vệ sinh lao động trong điều kiện mới; phát triển hệ thống bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp; cơ chế tự kiểm tra giám sát an toàn tại nơi làm việc… Đổi mới công nghệ khai thác than, trang bị máy móc, phương tiện hiện đại cho khai thác than lộ thiên, cơ giới hóa khai thác hầm lò và đi lại của công nhân trong hầm lò.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân, lao động. Hình thành một số cơ sở đào tạo đạt trình độ tiên tiến của khu vực, gắn đào tạo với chuyển giao công nghệ và thực nghiệm sản xuất tại một số mỏ. Thành lập cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác than, khoáng sản sử dụng nhiều lao động. Tập trung đầu tư phát triển một số trung tâm dạy nghề ở các vùng mỏ, phù hợp với quy hoạch chung về phát triển ngành.

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, bồi dưỡng công nhân lành nghề, có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn để làm giáo viên hướng dẫn thực hành trong các trường đào tạo công nhân mỏ. Đổi mới phương pháp dạy nghề, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào giảng dạy; phát huy tính chủ động của học sinh, tăng thời gian thực hành, thực tập và tự rèn luyện của học sinh; kết hợp dạy nghề với thực hành tại mỏ.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề của Tập đoàn; đổi mới, bổ sung cơ chế, cơ sở về dạy nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đào tạo, tái đào tạo đội ngũ lao động phải chú trọng đồng bộ các lĩnh vực: chuyên môn, tay nghề, kiến thức luật pháp, tính kỷ luật và tác phong làm việc khoa học.

Thứ tư, phát huy vai trò của tổ chức đảng, Đoàn Thanh niên ở các doanh nghiệp trong xây dựng đội ngũ công nhân của Tập đoàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khai thác mỏ. Đi sâu, đi sát doanh nghiệp, với phương châm “Bám công nhân tại nơi làm việc và nơi ở” tổ chức tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết và đường lối của Đảng đến với đội ngũ công nhân, lao động. Thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn.

Đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp. Các cơ sở đoàn trong doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức các diễn đàn thanh niên công nhân, nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên, thanh niên.

Phát triển các hình thức tập hợp thanh niên công nhân thông qua tổ chức đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp hoặc ở các khu nhà trọ, thực hiện phương châm “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức đoàn, hội”.

Thứ năm, vai trò của công đoàn các cấp trong chăm lo đời sống công nhân, lao động. Công đoàn Tập đoàn tham gia với các cơ quan chức năng về đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, quy định rõ việc tăng lương hằng năm và mức chênh lệch giữa các bậc lương. Công đoàn tham gia với lãnh đạo Tập đoàn thực hiện các biện pháp, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm nhà ở cho cả công nhân đơn thân và hộ gia đình công nhân. Trong các khu công nghiệp, khu mỏ phải có một tỷ lệ cân đối, thích hợp dành để xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, chợ, khu vui chơi giải trí và cảnh quan thiên nhiên hài hoà

với môi trường sống của công nhân. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các câu lạc bộ lao động vừa và nhỏ ở các khu mỏ để công nhân tham gia vui chơi, giải trí, đọc sách, nghe nhạc, xem phim…

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục của công đoàn cơ sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công nhân, lao động; phối hợp giữa công đoàn các đơn vị thành viên Tập đoàn với liên đoàn lao động địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đội ngũ công nhân, lao động. Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cần phối hợp với các cơ sở, ban, ngành chức năng của liên đoàn lao động các tỉnh kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, pháp luật lao động, nhất là pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động, điều kiện làm việc của công nhân, lao động than, khoáng sản. Phối hợp với liên đoàn lao động địa phương tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có nhiều công nhân, lao động than, khoáng sản.

Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng đội ngũ công nhân mỏ. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược, định hướng phát triển đội ngũ công nhân phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của ngành than, sử dụng có hiệu quả số công nhân có trình độ, chất lượng cao; đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn trong lao động tại nơi làm việc.

Xây dựng, phát triển cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp; nâng cao tay nghề cho công nhân, lao động. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phong trào hoạt động thể thao, văn nghệ, kết hợp với các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ chuyên nghiệp để công nhân có điều kiện hưởng thụ văn hóa, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân mỏ.

Một phần của tài liệu Tình hình khai thác than tại tỉnh quảng ninh và ảnh hưởng của nó tới kinh tế xã hội và môi trường địa phương (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)