CHƯƠNG III. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC KHAI THÁC ĐÁ ĐẾN MÔI TƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ ĐỜI SỐNG SẢN XUẤT CỦA NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG
3.2. Tác động của việc khai thác đá đến sản xuất và đời sống của người dân địa phương
3.2.1. Đối với sản xuất
Hoạt động khai thác đá vừa tác động tích cực, vừa tác động tiêu cực đến sản xuất tại địa phương, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
a. Đối với sản xuất nông nghiệp.
Việc khai thác đá diễn ra ngày càng mạnh, đất đá càng nhiều làm đổ ra khắp các đường xá, lấn chiếm cả diện tích đồng ruộng, đất đá còn làm tắc nghẽn sự lưu thông của nguồn nước đổ về đồng ruộng gây hiện tượng thiếu nước tưới. Ngoài ra, khói bụi từ bột đá, các chất độc hại như dầu, nhờn … thải ra làm cho cây trồng bị bạc màu, nhiễm bệnh.
b. Đối với công nghiệp – xây dựng
Hoạt động khai thác đá ở địa phương đã thúc đẩy các ngành công nghiệp – xây dựng phát triển mạnh mẽ và ngày càng mở rộng với quy mô lớn.
Đối với khu vực mỏ đá Hoàng Mai, hoạt động khai thác đá đã tạo ra nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, thúc đẩy tiến trình hoạt động và sản xuất diễn ra liên tục . Hiện tại, ở đây đã hình thành khu công nghiệp Hoàng Mai chuyên sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng cho huyện và cho toàn tỉnh. Với vị trí được bao bọc xung quanh bởi núi Xước và núi đá vôi Lèn Nạy, ngoài ra còn gần các điểm khai thác đá lớn nhỏ như:
Trụ Hải (Quỳnh Văn), Lèn Chùa (Quỳnh Xuân), núi Bài thơ… Vì vậy có nguồn cung cấp thường xuyên và đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục.
Việc khai thác đá ở đây đảm bảo được nhu cầu sản xuất của nhà máy, hàng trăm tấn xi măng được sản xuất ra mỗi ngày và đảm bảo được nhu cầu xây dựng trên toàn tỉnh.
Tại khu vực mỏ đá Lèn Trụ Hải (Quỳnh Văn) và khu vực mỏ đá Lèn Chùa ( Quỳnh Xuân), ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rất phát triển. Theo báo
cáo về tình hình sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu của phòng tài nguyên môi trường huyện Quỳnh Lưu năm 2012, trên địa bàn các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân và Quỳnh Thạch có khoảng 300 cơ sở sản xuất vật liệu sò táp lô, dùng để xây dựng nhà cửa. Để sản xuất ra các sản phẩm này, các cơ sở cần có đá bột hoặc đá bây và xi măng để nhào trộn và đóng khuôn, một cơ sở sản xuất mỗi ngày cần khoảng 5 xe tải đá bột và đá dăm mới đủ sản xuất, vì vậy với hơn 300 cơ sở sản xuất gần ở các mỏ đá, mỗi ngày tiêu thụ hết hàng trăm tấn đá.
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở địa phương rất phát triển, với nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, các cơ sở đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẳn có để tạo ra sản phẩm phục vụ nhân dân trên toàn huyện và cho cả tỉnh.
Việc khai thác đá ở khu vực mỏ đã cung cấp đá các loại phục vụ công trình xây dựng như đường xá, cầu cống.. và hiện nay, trên toàn huyện nhiều đoạn đường đã được đổ nhựa, làm đường bê tông rất thuận tiện cho việc đi lại.
Qua đó, ta thấy được việc khai thác đá tại địa phương đã giúp cho ngành công nghiệp – xây dựng phát triển, đưa kinh tế của vùng đi lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mang lại từ việc khai thác đá còn có những mặt tiêu cực đó là do gần ở các mỏ khai thác đá, vì vậy nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng mọc lên một cách tự phát, hàng ngày tiêu thụ hàng trăm tấn đá để sản xuất gây ra ồn ào và bụi, ảnh hưởng đến người dân địa phương.
c. Đối với ngành dịch vụ
Khi hoạt động khai thác đá được đẩy mạnh, sản phẩm tạo ra ngày càng nhiều để phục vụ cho các công trình xây dựng sẽ làm nãy sinh các hoạt động dịch vụ chuyên chở hàng hóa như các ô tô tải chở đá, chở vật liệu tới nơi tiêu thụ, rồi chở máy móc về nơi sản xuất…góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Theo thống kê của UBND xã Quỳnh Văn, toàn xã có khoảng 20 chiếc xe ô tô tải các loại và nhiều xe chuyên dụng khác, mỗi ngày xe chở đá từ các mỏ đá trong vùng về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và các nơi cần xây dựng. Còn tại các xã khác trong huyện số lượng ô tô tải rất nhiều và chuyên chở chủ yếu là đất đá và các loại vật liệu xây dựng.
Trong quá trình khai thác và chế biến đá, máy móc hoạt động liên tục không tránh khỏi sự hư hỏng đòi hỏi có các thợ sửa chữa, bảo trì và nghề sửa chữa máy móc phát triển theo, nhiều cơ sở sửa chữa máy móc mọc lên.
Hiện tại ở khu vực xung quanh mỏ đá Hoàng Mai, mỏ đá Lèn Trụ Hải và Mỏ đá Lèn Chùa đã có các xưởng cơ khí, chuyên tạo ra các máy móc và sửa chữa phục vụ khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng thông thường.
Hoạt động khai thác đá tại địa phương còn gia tăng các dịch vụ ăn uống, mua bán hàng hóa như quán ăn, quán nước, quầy tạp hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân
Ngoài ra, còn có các dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế…cũng phát triển theo.
Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, giải quyết được việc làm tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để mọi người có cuộc sống ngày càng tôt hơn. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không kiểm soát được an ninh trật tự, tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè.
3.2.2. Đối với đời sống của người dân địa phương.
a. Việc làm
Việc các doanh nghiệp khai thác đá ở địa phương đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn thời điểm nông nhàn.
Theo thống kê của phòng lao động – xã hội. Trong năm 2011, tại các mỏ đá xây dựng trên toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 5.300 người lao động. Điều này giúp người dân tại địa phương tăng thu nhập và đời sống khá hơn.
b. An toàn lao động
Vấn đề lớn đặt ra đối với lĩnh vực khai thác đá là an toàn vệ sinh lao động đối với người trực tiếp làm việc tại các mỏ đá.
Trong quá trình khai thác đá có rất nhiều điều bất cập xảy ra đối với công nhân, đó là các tai nạn khi đang làm việc.
Đặc thù của các mỏ đá vôi ở đây nằm theo lớp, độ dốc lớn, trong khi đó quy trình và công nghệ khai thác không phù hợp, chủ yếu kiểu khai thác “hàm ếch”, nghĩa là khai thác từ dưới lên, làm hệ thống đá bị mất chân, độ liên kết kém nên đá bị sụt xuống.
Ngoài ra, vào thời điểm mùa mưa xảy ra, các lớp đất đá bị chảy rửa theo dòng nước từ trên xuống gây nên hiện tượng đất trượt, đá lở. Do vậy, các lớp đá và khối đá lớn sẽ cuốn theo gây sập đá, gây tai nạn cho công nhân làm việc tại mỏ. Thực tế, nhiều vụ sập mỏ đá diễn ra bất ngờ làm nhiều công nhân bị đá đè vào người.
Hoạt động khai thác đá rất sôi động và dưới nhiều hình thức nên rủi ro đối với người lao động rất lớn. Khi khai thác các đơn vị dùng điện để vận hành máy móc như máy khoan, máy xay, máy nghiền đá…nếu xảy ra sự cố về điện sẽ gây điện giật. Đặc biệt, để lấy được đá, khai thác phải vừa sức người vừa dùng máy móc đó là công nhân dùng máy khoan để khoan đá, dùng mìn để nổ và xà beng để cạy đá, cứ hết một đợt nổ mìn, thì tiếp tục làm lại như vậy. Công việc rất nguy hiểm, người công nhân phải cheo leo trên vách đá với một sợi dây thừng ngoài ra không có một bảo hộ lao động nào khác, trường hợp đang khoan đá, cạy đá bị đứt dây hay buộc dây không chặt vào người đã xảy ra tai nạn.
Công đoạn nổ mìn cũng rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận sẽ bị đá văng trúng. Khi nổ ở dưới chân đá thường văng rất xa, vì vậy công nhân phải tránh xa khỏi khu vực khai thác.
Còn rất nhiều rủi ro khác có thể diễn ra, vì vậy chịu hậu quả lớn nhất vẫn là người lao động. Các năm trở lại đây, việc khai thác đá tại các mỏ xảy ra nhiều điều bất cập, số lượng người chết và bị thương tương đối nhiều, đặc biệt ở khu vực mỏ đá Hoàng Mai (Quỳnh Thiện), Lèn Chùa ( Quỳnh Xuân). Nguyên nhân là do trong quá trình khai thác các đơn vị chưa khai thác đúng kĩ thuật và không chấp hành các thủ tục về an toàn lao động.
c. Ảnh hưởng đến sinh hoạt
Người dân sống trong khu vực khai thác đá phải chịu tác động rất lớn từ các hoạt động khai thác đá. Qua phỏng vấn trực tiếp ý kiến người dân khu vực xóm 9 (Quỳnh Xuân) nằm sát mỏ đá Lèn Chùa, được người dân cho biết: khu vực này cách mỏ đá chưa đầy 1 km, hàng ngày hàng chục chiếc máy xay đá hoạt động hết công suất, mìn nổ văng ra tận nhà dân, xe ô tô, công nông chở đá phóng nhanh vượt ẩu rơi vãi đá dồn thành đống bên lề đường, xe chạy qua lại tạo nên những đám bụi khổng lồ, tiếng ồn và các chấn động mạnh gây tâm lí rất khó chịu. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người dân phải chịu cảnh oi bức cộng với tiếng may xay đá nổ inh tai nhức óc và một màu trắng đục của bụi bẩn. Ngày nào cũng vậy, tiếng ồn ào kéo dài làm mọi người ăn ngủ không yên, giờ ăn cơm phải đóng kín cửa, đêm ngủ thì phải dùng chăn bịt hết cửa sổ để chống bụi. Cuộc sống người dân bị đảo lộn.
d. Sức khỏe người dân
Trong quá trình khai thác đá, tất cả các nguồn gây ô nhiễm đều có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân làm việc và sống xung quanh khu mỏ.
- Tác động đến sức khỏe của công nhân mỏ
Đối với công nhân lao động tại mỏ là những người chịu tác động trực tiếp từ các loại khí độc hại, bụi và tiếng ồn. Do làm việc trong phạm vi của mỏ và kéo dài trong nhiều giờ vì vậy nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, phổi, thính giác rất cao và các căn bệnh như đau đầu và chóng mặt thường xuyên mắc phải… Việc phải hứng chịu trực tiếp các khí độc hại nên nhiều công nhân có nguy cơ bị điếc sau tuổi 35 trở đi.
Với công suất làm việc lớn của máy móc, thiết bị tại mỏ đá, cường độ tiếng ồn sẽ rất cao, bụi và các khí thải độc hại sẽ gia tăng vì vậy sức khỏe người lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
- Tác động đến sức khỏe của nhân dân địa phương
Hoạt động khai thác đá ở các khu mỏ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người dân, những khu vực dân cư nằm gần mỏ đá người dân phải chịu tiếng ồn, khí độc hại và bụi đá.. phát ra từ khu mỏ. Tiếng ồn gây cảm giác đau đầu, mệt mỏi và gây
tâm lí khó chịu, dễ cáu gắt cho người dân, các khí độc và bụi làm mắc các bệnh về đường hô hấp.
Do môi trường sống bị ảnh hưởng bởi các tác nhân độc hại như vậy nên một bộ phận người dân ở đây đã mắc bệnh, đa số là trẻ nhỏ và cụ già quanh năm suốt tháng ho thâm niên và khó tránh khỏi.
e. Tác động đến giao thông và hạ tầng
Đường bộ có vai trò rất quan trọng đối với việc lưu thông giữa các xã ở địa phương, tuy nhiên đối với khu vực có mỏ đá khai thác, các tuyến đường bị hư hỏng rất nặng nề, các con đường rãi nhựa bị các loại xe công nông, xe ô tô tải chở đất đá có trọng tải lớn hàng chục tấn đi lại hằng ngày, vì vậy trên các con đường ổ gà mọc lên nhiều, một số đoạn đường bị lún sâu, vào mùa mưa lũ người dân đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.
Các đoạn đường thông với các mỏ đá như đoạn từ quốc lộ 1A lên mỏ đá Lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn con đường vừa mới được rãi nhựa từ năm 2006 trở lại đây nhưng đã bị hư hỏng nặng nề, nhiều đoạn đường bị lún sâu, đất đá rơi vãi khắp đường hay đoạn đường từ quốc lộ 1A xuống mỏ đá Lèn Chùa xã Quỳnh Xuân, tuy đường được sữa chữa hằng năm nhưng vẫn không khắc phục được hư hỏng.
Hình 3.5. Đoạn đường từ mỏ đá Lèn Chùa qua xóm 9 xã Quỳnh Xuân (Ảnh chụp ngày 15/04/2013)
3.3. Đánh giá sơ bộ tác động của khai thác đá đến môi trường tự nhiên và đời sống sản xuất của người dân địa phương.
3.3.1. Tích cực
Các khu mỏ đá được sau khi đi vào khai thác đã không ngừng thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển đi lên. Đó là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, đưa đời sống người dân trở nên khấm khá hơn và nó đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho các nhà máy sản xuất, các công trình xây dựng…
3.3.2. Tiêu cực
a. Đối với môi trường tự nhiên
Hoạt động khai thác đá thải ra môi trường tự nhiên lượng bụi lớn và các khí thải độc hại, sự vận hành của hệ thống máy móc và thiết bị tại mỏ đá còn gây ra tiếng ồn lớn, các chấn động từ quá trình nổ mìn, phá đá, các chất đổ thải của công trường…tất cả đã làm cho môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
b. Đối với đời sống sản xuất của người dân địa phương
Cuộc sống của người dân tại địa phương bị tác động mạnh, các sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, chấn động mạnh từ các vụ nổ mìn đá, không kể quá trình nổ mìn, đá còn văng vãi ra tận nhà cửa, ruộng vườn của người dân
Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do các đống đất đá không sử dụng để thành từng đống cao, lấn chiếm đồng ruộng, đất đá làm tắc nghẽn các nguồn nước…