CHƯƠNG 4: VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC
4.2.2. Bản chất của ý thức
Dựa trên lý luận phản ánh của mình, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã giải quyết một cách khoa học vấn đề bản chất của ý thức. Trước C.Mác, các nhà duy vật đều thừa nhận sự vật vật chất tồn tại khách quan và ý thức là sự phản ánh sự vật đó. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi quan điểm siêu hình nên nhiều nhà duy vật trước C.Mác đã coi ý thức là sự phản ánh thụ động, giản đơn, máy móc sự vật mà không thấy được tính năng động sáng tạo của ý thức, tính biện chứng của quá trình phản ánh. Trái lại, các nhà duy tâm lại cường điệu tính năng động sáng tạo của ý thức đến mức coi ý thức sinh ra vật chất, chứ không phải là sự phản ánh của vật chất.
4.2.2.1. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật Mác xít về bản chất của ý thức
a. Ý thức là sự phản ánh sáng tạo thế giới khách quan vào trong bộ óc con người
Điểm xuất phát để hiểu bản chất của ý thức là phải thừa nhận ý thức là sự phản ánh, là cái phản ánh, ý thức là ảnh chứ không phải là bản thân vật; còn vật chất là cái được phản ánh, tồn tại ở bên ngoài và độc lập với cái phản ánh là ý thức. Vì vậy, cả vật chất và ý thức đều là “hiện thực”
nghĩa là đều tồn tại. Nhưng ý thức là cái phản ánh thế giới khách quan, là hiện thực chủ quan chủ
1 Sách đã dẫn,t.20, tr.645
quan, là sự phản ánh thế giới khách quan vào trong đầu óc con người, hay là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
Khẳng định ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan có nghĩa là nói ý thức không phải là vật chất nhưng ý thức lại có nguồn gốc từ vật chất và thuộc về thế giới vật chất. Do đó, Lênin viết: trong thế giới không có gì ngoài vật chất đang vận động
Tuy nhiên, ý thức không phải là bản sao giản đơn, thụ động, máy móc của sự vật. Ý thức là của con người, mà con người là một thực thể xã hội năng động sáng tạo. Do đó, ý thức con người là sự phản ánh có tính năng động, sáng tạo, ý thức “chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó”1.
Tính sáng tạo của ý thức được thể hiện ra rất phong phú. Trên cơ sở những cái đã có, ý thức có thể tạo ra tri thức mới về sự vật, có thể tưởng tượng ra cái không có trong thực tế. Ý thức có thể tiên đoán, dự báo tương lai (phản ánh vượt trước), có thể tạo ra những ảo tưởng, những huyền thoại, những giả thuyết, lý thuyết khoa học hết sức trừu tượng và khái quát cao, thậm chí ở một số người có những khả năng đặc biệt như tiên tri, thôi miên, ngoại cảm, thấu thị, v.v… Những khả năng đó càng nói lên tính chất phức tạp và phong phú của đời sống tâm lý - ý thức ở con người mà khoa học còn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ bản chất của những hiện tượng
“kỳ lạ” đó.
b. Ý thức là sự phản ánh khách quan một cách chủ động và tích cực
Phản ánh của ý thức không phải là phản ánh tuỳ tiện, mà trong quá trình phản ánh con người chủ động tác động vào sự vật, hiện tượng, bắt sự vật hiện tượng bộc lộ đặc tính của mình, để qua đó con người khái quát, nhận thức được tính quy luật của sự vật hiện tượng
Con người không những phản ánh sự vật một cách chủ động mà còn biết vận dụng tri thức về sự vật, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của mình để cải tạo hiện thực khách quan theo mục đích của mình.
c. Ý thức mang bản chất xã hội
Ý thức ra đời và phát triển do nhu cầu và trên cơ sở của lao động (phương thức tồn tại cơ bản đầu tiên của con người) và các hình thức hoạt động xã hội khác. Do đó, xét về bản chất thì ý thức có tính xã hội. Con người tách khỏi xã hội sẽ không hình thành được ý thức.
Tóm lại
Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người, song đây là sự phản ánh đặc biệt - phản ánh trong quá trình con người cải tạo thế giới. Quá trình ý thức là một quá trình thống nhất của 3 mặt sau đây:
Một là, trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh, sự trao đổi này mang tính chất hai chiều, có định hướng và chọn lọc các thông tin cần thiết.
Hai là, mô hình hoá đối tượng trong tư duy dưới dạng hình ảnh tinh thần. Thực chất đây là quá trình “sáng tạo lại” hiện thực của ý thức theo nghĩa: mã hoá các đối tượng vật chất thành các ý tưởng tinh thần phi vật chất.
1 C.Mác-Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà nội,1993, t.23, tr.35
Ba là, chuyển mô hình từ tư duy ra hiện thực khách quan, tức là quá trình hiện thực hoá tư tưởng, thông qua hoạt động thực tiễn biến cái quan niệm thành cái thực tại, biến cái ý tưởng phi vật chất trong tư duy thành các dạng vật chất ngoài hiện thực. Trong giai đoạn này con người lựa chọn những phương pháp, phương tiện, công cụ để tác động vào hiện thực khách quan nhằm thực hiện mục đích của mình. Điều đó càng nói lên tính năng động sáng tạo của ý thức.
Tính sáng tạo của ý thức không có nghĩa là ý thức đẻ ra vật chất. Sáng tạo của ý thức là sáng tạo của sự phản ánh, theo quy luật và trong khuôn khổ của sự phản ánh, mà kết quả bao giờ cũng là những khách thể tinh thần.
Phản ánh và sáng tạo là hai mặt thuộc bản chất của ý thức. Ý thức - trong bất cứ trường hợp nào - cũng là sự phản ánh và chính thực tiễn xã hội của con người tạo ra sự phản ánh phức tạp, năng động sáng tạo của bộ óc.
4.2.2.2. Kết cấu của ý thức
Ý thức có kết cấu phức tạp, bao gồm nhiều thành tố có quan hệ với nhau. Có thể phân chia kết cấu đó theo nhiều “lát cắt” khác nhau tuỳ theo cách tiếp cận. Ở đây, có thể chia cấu trúc đó theo hai chiều sau đây:
a. Theo chiều ngang
Bao gồm các yếu tố cấu thành như tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí…Trong đó tri thức là nhân tố cơ bản, là cốt lõi.
Tri thức là kết quả của quá trình con người nhận thức thế giới, là sự phản ánh thế giới khách quan. Tri thức có nhiều lĩnh vực khác nhau như tri thức về tự nhiên, về xã hội, về con người…và có nhiều cấp độ khác nhau như tri thức cảm tính và tri thức lý tính, tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học vv…
Để cải tạo tự nhiên và xã hội, con người phải có hiểu biết về thế giới, nghĩa là, phải có tri thức về sự vật. Do đó mọi hiện tượng ý thức đều có nội dung tri thức ở mức độ nhất định. Theo Mác, tri thức là phương thức mà theo đó ý thức tồn tại và theo đó một cái gì đó nảy sinh ra đối với ý thức…
Quá trình hình thành và phát triển của ý thức cũng là quá trình con người tìm kiếm, tích luỹ tri thức về thế giới xung quanh. Càng hiểu biết về sự vật thì ý thức về sự vật càng sâu sắc.
Tuy nhiên, sự tác động của thế giới bên ngoài đến con người không chỉ đem lại hiểu biết về thế giới mà còn đem lại tình cảm của con người đối với thế giới. Tình cảm là một hình thái đặc biệt của sự phản ánh tồn tại, nó phản ánh quan hệ giữa người với người và quan hệ giữa người với thế giới khách quan. Tình cảm tham gia vào mọi hoạt động của con người và trở thành một trong những động lực quan trọng của hoạt động con người. Tri thức có biến thành tình cảm mãnh liệt mới sâu sắc và phải thông qua tình cảm thì tri thức mới biến thành hành động thực tế, mới phát huy được sức mạnh của mình.
b. Theo chiều dọc
Đó là “lát cắt” theo chiều sâu của thế giới nội tâm con người bao gồm các yếu tố như tự ý thức, tiềm thức, vô thức…
* Tự ý thức: đó là quá trình con người tự nhận thức bản thân mình. Như vậy, tự ý thức cũng là ý thức, là một thành tố quan trọng của ý thức, song đây là ý thức về bản thân mình trong mối quan hệ với ý thức về thế giới bên ngoài.
Tự ý thức là ý thức của con người về những hành vi, những tình cảm, tư tưởng, động cơ, lợi ích của mình, về địa vị của mình trong xã hội. Thông qua tự ý thức, con người ý thức về mình như một cá nhân đang tồn tại, đang hoạt động, có tư duy, có cảm giác, có các hành vi đạo đức và có vị trí trong xã hội.
Tự ý thức không chỉ là tự ý thức của cá nhân mà còn là tự ý thức của một giai cấp, một tập đoàn xã hội, thậm chí của xã hội. Trình độ tự ý thức nói lên trình độ phát triển của nhân cách, trình độ làm chủ bản thân. Nhờ có tự ý thức, con người tự điều chỉnh bản thân theo các quy tắc, các chuẩn mực mà xã hội đề ra.
Tiềm thức là những hoạt động tâm lý (chủ yếu là hoạt động nhận thức ở cả hai trình độ cảm tính và tư duy) tự động diễn ra bên ngoài sự kiểm soát của chủ thể, song lại có liên quan trực tiếp đến các hoạt động tâm lý đang diễn ra dưới sư kiểm soát của chủ thể ấy.
Về thực chất, tiềm thức là những tri thức mà chủ thể đã có được từ trước (bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp nắm bắt chúng) nhưng đã gần trở thành bản năng, thành kỹ năng nằm trong tầng sâu của ý thức chủ thể, là ý thức dưới dạng tiềm năng. Do đó, tiềm thức có thể chủ động gây ra các hoạt động tâm lý và nhận thức mà chủ thể không cần kiểm soát chúng một cách trực tiếp.
Tiềm thức có vai trò quan trọng cả trong hoạt động tâm lý hàng ngày của con người và cả trong tư duy khoa học. Trong tư duy khoa học, tiềm thức chủ yếu gắn với các loại hình tư duy chính xác, với các loại hình tư duy thường lặp đi lặp lại nhiều lần góp phần giảm sự quá tải của đầu óc trong việc xử lý khối lượng lớn các tài liệu, dữ kiện, tin tức diễn ra một cách lặp đi lặp lại mà vẫn đảm bảo được độ chính xác và chặt chẽ cần thiết của tư duy khoa học.
Vô thức là những hiện tượng tâm lý không phải do lý trí điều khiển. Lĩnh vực vô thức là lĩnh vực các hiện tượng tâm lý nằm ngoài phạm vi của lý trí mà ý thức không kiểm soát được trong một lúc nào đó. Chúng liên quan đến những hoạt động xảy ra bên ngoài phạm vi của lý trí hoặc chưa được con người ý thức đến.
Con người là một thực thể xã hội có ý thức nhưng không mọi hành vi của con người đều do lý trí chỉ đạo. Trong đời sống của con người, có những hành vi do bản năng chi phối hoặc do những tác động được lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành thói quen tới mức chúng vẫn tự động xảy ra ngay cả khi không có sự chỉ đạo của lý trí. Những hành vi thuộc loại như vậy là những hành vi vô thức, do vô thức điều khiển.
Vô thức biểu hiện ra thành nhiều hiện tượng khác nhau như bản năng ham muốn, giấc mơ, bị thôi miên, mặc cảm, sự lỡ lời, nói nhịu, trực giác… Mỗi hiện tượng vô thức có vùng hoạt động riêng, có vai trò, có chức năng riêng, song tất cả đều có một chức năng chung là giải toả những ức chế trong hoạt động thần kinh vượt ngưỡng nhất là những ham muốn bản năng không được phép bộc lộ ra và thực hiện trong quy tắc của đời sống cộng đồng.
Vô thức có vai trò và tác dụng nhất định trong đời sống và hoạt động của con người. Nhờ vô thức, con người tránh được tình trạng căng thẳng không cần thiết do thần kinh khi làm việc
“quá tải”. Nhờ vô thức mà những chuẩn mực con người đặt ra được thực hiện một cách tự nhiên không có sự khiên cưỡng. Vô thức có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, trong hoạt động khoa học và nghệ thuật. Vì vậy, không thể phủ nhận vai trò cái vô thức trong cuộc sống, nếu phủ nhận vô thức sẽ không thể hiểu đầy đủ và đúng đắn về con người.
Tuy nhiên không nên cường điệu, tuyệt đối hoá và thần bí hoá vô thức. Không nên coi vô thức là hiện tượng tâm lý cô lập, hoàn toàn tách biệt khỏi hoàn cảnh xã hội xung quanh và tuyệt nhiên không phải nó không có liên hệ gì đến ý thức. Thực ra vô thức là vô thức nằm trong con người có ý thức, con người là một thực thể có ý thức. Giữ vững vai trò chủ đạo trong hoạt động của con người là ý thức chứ không phải vô thức. Nhờ có ý thức mới điều khiển được các hiện tượng vô thức hướng tới chân, thiện, mỹ. Vô thức chỉ là một mắt khâu trong cuộc sống có ý thức của con người.