CHƯƠNG 6: CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
6.2. CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
6.2.5. Bản chất và hiện tượng
6.2.5.1. Khái niệm bản chất hiện tượng a. Khái niệm
Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Còn hiện tượng là sự biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ ấy ra bên ngoài.
Ví dụ: Trong một nguyên tố hoá học thì:
Bản chất đó là mối liên hệ giữa nguyên tử và hạt nhân.
Hiện tượng đó là những tính chất hoá học của nguyên tố đó khi tương tác với các nguyên tố khác.
Bản chất chính là mặt bên trong, mặt tương đối ổn định của hiện thực khách quan. Nó ẩn dấu đằng sau cái vẻ bề ngoài của hiện tượng và biểu lộ ra ngoài những hiện tượng ấy. Còn hiện tượng là mặt bên ngoài, mặt di động và biến đổi hơn của hiện thực khách quan.
b. Quan hệ giữa bản chất với “cái chung” với tính quy luật
- Phạm trù bản chất gắn bó hết sức chặt chẽ với phạm trù cái chung. Cái tạo nên bản chất của một lớp sự vật nhất định cũng đồng thời là cái chung của các sự vật đó. Tuy nhiên, không phải cái chung nào cũng là cái bản chất vì bản chất chỉ là cái chung tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật.
Ví dụ: Bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Điều đó đúng với tất cả mọi con người không trừ một ai. Như vậy, cái bản chất ở đây cũng đồng thời là “cái chung”.
Nhưng những thuộc tính “có đầu, mình và chân tay” là thuộc tính chung của mọi người, nhưng thuộc tính chung đó không phải là bản chất của con người.
- Cái bản chất cũng đồng thời là cái có tính quy luật. Nói đến bản chất của sự vật là nói đến những quy luật quyết định sự vận động và phát triển của nó. Vì vậy, bản chất là phạm trù cùng bậc với phạm trù quy luật.
Tuy nhiên chúng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quy luật là mối liên hệ tất nhiên, phổ biến, lặp đi lặp lại và ổn định giữa các hiện tượng hay giữa các mặt của chúng. Còn bản chất ngoài những mối quan hệ tất nhiên, phổ biến, chung cho nhiều hiện tượng, nó còn bao gồm cả những mối quan hệ không phổ biến, cá biệt nữa. Vì vậy, phạm trù bản chất rộng hơn và phong phú hơn phạm trù quy luật.
6.2.5.2. Mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng a. Sự tồn tại khách quan của bản chất và hiện tượng
Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng cả bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan.
Tại sao vậy:
+ Bất kỳ sự vật nào cũng được tạo nên từ những yếu tố nhất định. Các yếu tố ấy tham gia vào những mối quan hệ qua lại đan xen chằng chịt với nhau, trong đó có những mối quan hệ tất nhiên, tương đối ổn định. Những mối liên hệ này tạo nên bản chất của sự vật.
+ Sự vật tồn tại khách quan và những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định này lại ở bên trong sự vật, nên đương nhiên chúng cũng tồn tại khách quan, do đó bản chất của sự vật cũng tồn tại khách quan.
+ Hiện tượng chỉ là sự biểu hiện bản chất ra bên ngoài, cũng là cái khách quan không phải do cảm giác chủ quan của con người quyết định.
b. Sự thống nhất của bản chất và hiện tượng
+ Bản chất và hiện tượng liên hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự vật nào cũng là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng.
+ Sự thống nhất đó thể hiện trước hết ở chỗ bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là biểu hiện của bản chất. Không có bản chất nào tồn tại một cách thuần túy, không cần có hiện tượng. Ngược lại, cũng không có hiện tượng nào lại không phải là sự biểu hiện của một bản chất nhất định. Lênin viết : “Bản chất hiện ra. Hiện tượng là có tính chất bản chất”
+ Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng còn thể hiện ở chỗ: bất kỳ bản chất nào cũng được bộc lộ qua những hiện tượng tương ứng, và bất kỳ hiện tượng nào cũng là sự bộc lộ của bản chất ở mức độ nào đó (hoặc nhiều hoặc ít).
Tóm lại: bản chất và hiện tượng về căn bản phù hợp với nhau. Thí dụ trong xã hội có giai cấp, bất kỳ Nhà nước nào cũng là một bộ máy trấn áp của giai cấp này đối với giai cấp khác. Bản chất ấy thể hiện ở chỗ bất kỳ Nhà nước nào cũng có quân đội, cảnh sát, toà án, nhà tù,... Tất cả bộ máy này đều nhằm mục đích trấn áp sự phản kháng của giai cấp khác để bảo vệ quyền lợi kinh tế và chính trị của giai cấp thống trị.
+ Như vậy, bản chất bao giờ cũng tự bộc lộ ra thông qua những hiện tượng nhất định. Bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ra thành những loại hiện tượng khác nhau. Bản chất nào thì có hiện tượng đó. Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng biểu hiện nó cũng thay đổi theo. Khi bản chất biến mất thì hiện tượng biểu hiện nó cũng biến mất. Bản chất mới ra đời thì hiện tượng mới cũng ra đời.
c. Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng
Bản chất và hiện tượng tuy thống nhất với nhau, nhưng đó là sự thống nhất biện chứng, nghĩa là trong sự thống nhất ấy đã có bao hàm sự khác biệt. Nói cách khác, tuy bản chất và hiện tượng thống nhất với nhau, về căn bản phù hợp với nhau nhưng chúng không bao giờ phù hợp hoàn toàn. Bởi vì hiện tượng không bao giờ trùng khớp hoàn toàn với bản chất. Sự không hoàn toàn trùng khớp đó khiến cho sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng là một sự thống nhất mang tính mâu thuẫn.Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng được thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất: bản chất phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, còn hiện tượng phản ánh cái cá biệt. Hiện tượng không những bị quy định bởi bản chất mà còn bởi sự tương tác với các sự vật khác. Vì vậy, cùng một bản chất có thể được biểu hiện ở nhiều hiện tượng khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể. Chính vì thế, hiện tượng phong phú hơn bản chất; ngược lại, bản chất sâu sắc hơn hiện tượng.
Thứ hai:Bản chất là mặt bên trong ẩn giấu sâu xa của hiện tượng khách quan, còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan ấy.Về cơ bản, hiện tượng phù hợp với bản chất, nhưng không bao giờ phù hợp hoàn toàn. Chúng biểu hiện bản chất không dưới dạng y nguyên như bản chất vốn có mà dưới hình thức cải biến, nhiều khi xuyên tạc nội dung thực sự của bản chất.
Thí dụ, hàng bao thế kỷ người ta vẫn tin rằng trái đất đứng yên còn mặt trời quay xung quanh trái đất, và vì vậy mà có ngày và đêm, nhưng sự thực lại hoàn toàn ngược lại: chính là trái đất quay xung quanh mặt trời.
Hay nhúng một nửa cái thước vào chậu nước, nhìn vào ta thấy cái thước gấp khúc, trong khi đó sự thực thước vẫn thẳng.
Quần chúng nhân dân chính là lực lượng quyết định trong sự sáng tạo ra lịch sử, nhưng nhìn theo những hiện tượng bề ngoài, hình như lịch sử được tạo nên bởi những vĩ nhân, v.v...
Mác nhận xét: “Nếu hình thái biểu hiện bản chất của sự vật trực tiếp đồng nhất với nhau, thì mọi khoa học sẽ trở nên thừa”. Vì vậy, khi xem xét sự vật, ta không thể dừng lại ở biểu hiện bề ngoài mà phải đi sâu vào tìm hiểu bản chất của nó.
Nhưng quá trình tìm hiểu bản chất của sự vật là một quá trình rất phức tạp, lâu dài. Đó là quá trình con người đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc hơn đến bản chất sâu sắc hơn và cứ thế tiếp tục mãi. Khi nhấn mạnh tính chất vô tận của quá trình này, V.I. Lênin viết “Tư tưởng của người ta đi sâu một cách vô hạn, từ hiện tượng đến bản chất , từ bản chất cấp một, có thể nói như vậy, đến bản chất cấp hai... cứ như thế mãi”.
Bản chất tương đối ổn định, biến đổi chậm còn hiện tượng không ổn định, nó luôn luôn trôi qua, biến đổi nhanh hơn so với bản chất. Có tình hình đó là do nội dung của hiện tượng được quyết định không chỉ bởi bản chất của sự vật mà còn bởi những điều kiện tồn tại bên ngoài của nó, bởi tác động qua lại của nó với sự vật xung quanh. Các điều kiện tồn tại bên ngoài này cũng như sự tác động qua lại của sự vật này đối sự vật khác xung quanh lại thường xuyên biến đổi.
Vì vậy, hiện tượng cũng thường xuyên biến đổi trong khi đó bản chất vẫn giữ nguyên. V.I.
Lênin viết “cái không bản chất, cái bề ngoài, cái trên mặt, thường biến mất, không bám chắc,
không ngồi vững bằng “bản chất”. Sự vận động của một con sông- bọt ở bên trên và luồng nước ở dưới sâu. Nhưng bọt cũng là biểu hiện của bản chất!”1.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từ lúc ra đời cho đến khi mất đi, bản chất vẫn giữ nguyên như cũ. Bản chất cũng thay đổi. Chỉ có điều là bản chất biến đổi chậm hơn hiện tượng.
Trong toàn bộ sự thay đổi, phát triển của sự vật, các hiện tượng luôn luôn biến đổi, còn bản chất về căn bản vẫn giữ nguyên như cũ. Nó có thay đổi, nhưng thay đổi ít hơn, chậm hơn so với hiện tượng.
6.2.5.3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
- Vì bản chất là cái tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật, còn hiện tượng là sự biểu hiện của bản chất ra bên ngoài, là cái không ổn định và biến đổi nhanh hơn so với bản chất, nên trong nhận thức, để hiểu đầy đủ và đúng đắn về sự vật, không nên dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của nó. Còn trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào bản chất chứ không phải dựa vào hiện tượng.
Nếu trong hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn cần nắm được bản chất và dựa vào bản chất của sự vật, thì nhiệm vụ của nhận thức nói chung và của nhận thức khoa học nói riêng là phải vạch ra được cái bản chất đó.
- Vì bản chất tồn tại khách quan ngay ở trong bản thân sự vật nên chỉ có thể tìm ra bản chất của sự vật ở trong chính sự vật chứ không thể ở ngoài nó, và khi kết luận về bản chất của sự vật cần tránh những nhận định chủ quan, tùy tiện.
- Vì bản chất không tồn tại dưới dạng thuần tuý mà bao giờ cũng bộc lộ ra ngoài thông qua các hiện tượng tương ứng của mình nên chỉ có thể tìm ra cái bản chất trên cơ sở nghiên cứu các hiện tượng.
- Nhưng vì hiện tượng bao giờ cũng biểu hiện bản chất dưới dạng đã cải biến, nhiều khi xuyên tạc bản chất, nên trong quá trình nhận thức bản chất của sự vật phải xem xét rất nhiều hiện tượng khác nhau, và từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trong cùng một hoàn cảnh và một phạm vi thời gian nhất định không bao giờ có thể xem xét hết được mọi hiện tượng biểu hiện bản chất của sự vật. Do vậy, phải ưu tiên cho việc xem xét trước hết các hiện tượng điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Dĩ nhiên, kết quả của một sự xem xét như vậy chưa thể phản ánh đầy đủ bản chất của sự vật, mà chỉ mới phản ánh một cấp độ nhất định của nó. Quá trình đi vào nắm bắt các cấp độ tiếp theo, ngày càng sâu sắc hơn trong bản chất của sự vật là một quá trình hết sức khó khăn, lâu dài, công phu, không có điểm dừng.