CHƯƠNG 6: CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
6.2. CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
6.2.6. Phạm trù khả năng và hiện thực
* Khả năng là cái hiện chưa có, chưa tới, nhưng sẽ tới, sẽ có khi có các điều kiện thích hợp.
* Hiện thực là tất cả những cái gì hiện có, hiện đang tồn tại thực sự.
Khả năng, như đã nói ở trên, là “cái hiện chưa có”. Vậy bản thân khả năng có tồn tại không? Có, song đó là một sự tồn tại đặc biệt, cái sự vật được nói tới trong khả năng chưa tồn tại,
1 Sách đã dẫn, t.29, tr.137
song bản thân khả năng thì tồn tại. Thí dụ, trước mắt ta đã có đủ vôi, gạch, ngói, xi măng, sắt, thép... Đó là hiện thực. Từ hiện thực ấy nảy sinh khả năng xuất hiện cái nhà. Cái nhà trong trường hợp này chưa có, chưa tồn tại, nhưng bản thân khả năng xuất hiện cái nhà thì tồn tại.
Sự phân tích trên đây cho thấy dấu hiệu căn bản phân biệt khả năng với hiện thực là ở chỗ:
Khả năng là cái hiện chưa có, chưa tới, còn hiện thực là cái đã hiện có, đã tới.
6.2.6.2. Phân loại các khả năng.
Tất cả mọi khả năng đều tồn tại thực sự, do hiện thực sản sinh ra, đều hình thành và lớn lên ở ngay trong lòng bản thân hiện thực. Thí dụ: Trong lòng hạt thóc chứa đựng khả năng hạt thóc sẽ trở thành cây lúa và khả năng này sẽ biến thành hiện thực khi nào có các điều kiện thích hợp. Một em bé mới ra đời đã chứa đựng khả năng sẽ trở thành một con người có ích cho xã hội nếu được nuôi dưỡng và giáo dục tốt... Những khả năng này đều có sẵn ngay trong bản thân sự vật, do sự vật sản sinh ra. Theo định nghĩa này, khả năng bao giờ cũng là khả năng thực tế.
Tuy tất cả các khả năng đều là khả năng thực tế, nhưng sự hình thành chúng không hoàn toàn như nhau: có cái hình thành một cách tất nhiên, có cái lại hình thành một cách ngẫu nhiên. Vì vậy, tất cả các khả năng trước hết có thể phân thành khả năng tất nhiên (được gây nên bởi các tương tác tất nhiên của hiện thực) và khả năng ngẫu nhiên (được gây nên bởi các tương tác ngẫu nhiên của hiện thực).
Ví dụ: Khi ta gieo một đồng tiền kim loại hoàn toàn đối xứng xuống đất thì khả năng xuất hiện một trong hai mặt của đồng tiền là khả năng tất nhiên, còn khả năng xuất hiện mặt xấp hay mặt ngửa là khả năng ngẫu nhiên
Đến lượt mình, khả năng tất nhiên lại có thể phân thành khả năng gần và khả năng xa. Khả năng gần là khả năng có đủ hoặc gần đủ những điều kiện cần thiết để biến thành hiện thực . Còn khả năng xa là khả năng còn phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển quá độ nữa mới đủ điều kiện để biến thành hiện thực. Thí dụ, khả năng nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay đạt bình quân 10 tấn thóc trên 1 héc ta gieo trồng trên một năm là khả năng gần, còn khả năng có thể phân phối theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là khả năng xa.
Ngoài các dạng khả năng chính trên đây, còn có thể phân các khả năng thành khả năng chủ yếu và khả năng thứ yếu, khả năng tốt và khả năng xấu, khả năng thuận nghịch và khả năng bất thuận nghịch, khả năng cùng tồn tại và khả năng loại trừ lẫn nhau v.v...
6.2.6.3. Mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực
- Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, luôn luôn chuyển hoá lẫn nhau, vì hiện thực được chuẩn bị bởi khả năng, còn khả năng hướng tới biến thành hiện thực.Trong thực tế, quá trình phát triển chính là quá trình trong đó khả năng biến thành hiện thực, còn hiện thực này vì những quá trình phát triển nội tại của mình lại sản sinh ra các khả năng mới, các khả năng ấy trong những điều kiện thích hợp lại biến thành hiện thực mới v.v... và cứ thế tiếp tục mãi, tạo thành một quá trình vô tận.
- Cùng trong những điều kiện nhất định, ở cùng một sự vật, có thể tồn tại một số khả năng chứ không phải chỉ có một khả năng.
- Ngoài một số khả năng vốn sẵn có ở sự vật trong những điều kiện đã có nào đấy, khi có thêm những điều kiện mới bổ sung thì sự vật sẽ xuất hiện thêm những khả năng mới. Với sự bổ sung thêm điều kiện mới, về thực chất, một hiện thực mới phức tạp hơn đã xuất hiện do sự tác động qua lại của hiện thực cũ với điều kiện mới vừa được bổ sung. Từ đó làm cho số tương tác tăng thêm và dẫn đến chỗ làm tăng thêm số khả năng mới.
- Ngoài ra, ngay bản thân mỗi khả năng cũng không phải là không thay đổi. Nó tăng lên hoặc giảm đi tuỳ thuộc vào sự biến đổi của sự vật trong điều kiện cụ thể.
Để một khả năng nào đó biến thành hiện thực thường cần có không chỉ một điều kiện, mà là một tập hợp điều kiện. tập hợp đó được gọi là cần và đủ, nếu có nó thì khả năng nhất định sẽ biến thành hiện thực, sự biến thành hiện thực nhất định phải xuất hiện.
6.2.6.4. Vai trò của các điều kiện khách quan và chủ quan trong sự chuyển biến khả năng thành hiện thực
Trong giới tự nhiên, quá trình khả năng biến thành hiện thực chủ yếu là một quá trình khách quan. Nói “chủ yếu” là vì trong giới tự nhiên không phải mọi khả năng đều biến thành hiện thực một cách tự phát cả. Ở đây, có thể phân ra ba trường hợp:
Thứ nhất: loại khả năng mà điều kiện để biến chúng thành hiện thực chỉ có thể bằng con đường tự nhiên. Đó là trường hợp xảy ra trong quá trình vũ trụ và địa chất.
Thứ hai: loại khả năng có thể biến thành hiện thực bằng con đường tự nhiên cũng nhờ sự tác động của con người. Thí dụ, bằng cách thay đổi điều kiện sống gây đột biến...con người biến khả năng tạo giống mới thành hiện thực.
Thứ ba: loại khả năng mà trong điều kiện hiện nay nếu không có sự tham gia của con người thì không thể biến thành hiện thực. Các khả năng này vốn có ở khách thể, nhưng để biến chúng thành hiện thực cần có những điều kiện mà hiện nay không thể tạo ra bằng con đường tự nhiên.
Thí dụ, đó là việc chế tạo các polime tổng hợp, các con tàu vũ trụ...
Trong lĩnh vực xã hội, bên cạnh các điều kiện khách quan, khả năng muốn biến thành hiện thực còn cần có các điều kiện chủ quan là hoạt động thực tiễn của con người. Ở đây, khả năng không khi nào tự nó biến thành hiện thực nếu không có sự tham gia của con người.
Hoạt động có ý thức của con người trong đời sống xã hội có vai trò hết sức to lớn trong việc biến khả năng thành hiện thực. Nó có thể đẩy mạnh hoặc kìm hãm quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực, có thể điều khiển cho khả năng phát triển theo hướng này hay hướng khác bằng cách tạo ra các điều kiện thích ứng. Không thấy rõ tác dụng cực kỳ quan trọng của nhân tố chủ quan trong quá trình chuyển biến khả năng thành hiện thực, chúng ta sẽ mắc sai lầm hữu khuynh, chịu bó tay khuất phục trước hoàn cảnh. Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh tác dụng của nhân tố chủ quan, xem thường các điều kiện khách quan chúng ta sẽ mắc sai lầm tả khuynh, phiêu lưu mạo hiểm. Kết hợp một cách đúng đắn tác động của nhân tố chủ quan với các điều kiện khách quan là một trong những đảm bảo cho thành công của chúng ta trong hoạt động thực tiễn.
6.2.6.5. Một số kết luận về mặt phương pháp luận
Vì hiện thực là cái tồn tại thực sự, còn khả năng là cái hiện chưa có nên trong hoạt động thực tiễn, cần dựa vào hiện thực chứ không thể dựa vào khả năng.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là có thể bỏ qua, xem thường khả năng. Vì khả năng biểu hiện khuynh hướng phát triển của sự vật trong tương lai, nên tuy không dựa vào khả năng, nhưng ta phải tính đến các khả năng để có thể đề ra chủ trương, kế hoạch hành động cho sát đúng.
Vì vậy, nhiệm vụ của nhận thức nói chung, của nhận thức khoa học nói riêng là phải tìm ra, xác định cho được khả năng phát triển của sự vật.
Khi xác định các khả năng chúng ta cần chú ý:
+ Vì khả năng do sự vật gây nên và tồn tại trong sự vật, nên chỉ có thể tìm ra các khả năng phát triển của sự vật ở ngay trong chính bản thân nó chứ không thể ở nơi nào khác.
+ Vì khả năng nảy sinh vừa do tác động qua lại giữa các mặt khác nhau ở bên trong của sự vật vừa do tác động qua lại của sự vật với hoàn cảnh bên ngoài nên chỉ có thể căn cứ vào
“tương quan lực lượng” giữa các mặt ở bên trong sự vật, vào sự phát triển của mâu thuẫn nội tại trong nó cũng như những điều kiện bên ngoài, trong đó sự vật đang vận động và phát triển, để dự kiến cho những khả năng phát triển của nó.
+ Để tránh sai lầm trong quá trình xác định khả năng với hiện thực, cần lưu ý đến dấu hiệu hết sức quan trọng phân biệt khả năng với hiện thực, đó là: hiện thực là cái đã có, đã tới, còn khả năng là cái hiện chưa có, hiện chưa tới.
+ Do khả năng tồn tại ngay trong hiện thực, gắn bó hết sức chặt chẽ với hiện thực nên sẽ là sai lầm nếu tách rời cái nọ khỏi cái kia. Kết quả của sai lầm đó là trong hoạt động thực tiễn, hoặc sẽ không nhìn thấy khả năng tiềm tàng trong sự vật, do đó không xác định được tương lai phát triển của nó; hoặc không thấy có thể biến thành hiện thực được, do đó không tạo ra điều kiện cần thiết để thúc đẩy (hoặc ngăn cản) sự chuyển biến này tùy theo yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh tới mối liên hệ khăng khít giữa khả năng và hiện thực mà quên mất sự khác biệt về chất giữa chúng, lẫn lộn cái nọ với cái kia thì cũng sẽ sai lầm. Sai lầm này sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại trong hoạt động thực tiễn khi ta dựa lầm vào cái mới đang tồn tại dưới dạng khả năng chứ chưa phải là hiện thực. V.I.Lênin đã chỉ rõ “Người Mác xít chỉ có thể sử dụng, để làm căn cứ cho chính sách của mình những sự thật được chứng minh rõ rệt và không thể chối cãi được”1.
Sau khi đã xác định được khả năng phát triển của sự vật, nhiệm vụ của hoạt động thực tiễn là phải tiến hành lựa chọn và thực hiện khả năng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, cần lưu ý:
+ Vì sự vật trong cùng một lúc có thể chứa đựng nhiều khả năng khác nhau cho nên trong hoạt động thực tiễn cần tính đến mọi khả năng có thể có, tốt cũng như xấu, tiến bộ cũng như lạc hậu, và trên cơ sở đó dự kiến các phương án hành động thích ứng cho từng trường hợp có thể xảy ra. Chỉ có thể như vậy mới tránh được bị động trong hành động.
+ Trong số các khả năng hiện có ở sự vật, trước hết cần chú ý đến khả năng tất nhiên, đặc biệt là các khả năng gần, vì đó là những khả năng dễ biến thành hiện thực hơn cả.
1 Lênin: toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.49, tr.432
+ Vì một khả năng chỉ biến thành hiện thực khi có đủ những điều kiện cần thiết, nên để thực hiện khả năng cần tạo cho nó các điều kiện cần và đủ.
+ Vì trong xã hội, khả năng không tự biến thành hiện thực, mà có sự tham gia của nhân tố chủ quan, nên trong lĩnh vực này, tuỳ theo yêu cầu của hoạt động thực tiễn cần tạo điều kiện cần thiết để nhân tố chủ quan có thể tham gia tích cực vào quá trình biến đổi hoặc ngăn cản sự biến đổi khả năng thành hiện thực. Ở đây, cần tránh hai thái cực sai lầm, hoặc tuyệt đối hoá vai trò của nhân tố chủ quan, hoặc xem thường vai trò ấy trong việc biến đổi khả năng thành hiện thực.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật đã khái quát mối liên hệ biện chứng của các sự vật hiện tượng trong quá trình vận động và phát triển của chúng. Do đó, nghiên cứu những cặp phạm trù này có ý nghĩa rất cần thiết trong việc xác lập và nâng cao trình độ tư duy biện chứng để giải quyết các vấn đề thực tiễn kinh tế - xã hội.
Với mỗi phạm trù cần nắm được bản chất và mối liên hệ biện chứng giữa chúng, từ đó xây dựng các nguyên tắc phương pháp luận của việc nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn.