Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty điện lực phú thọ (Trang 100 - 103)

Chương 3: CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH Ở CÔNG TY ĐIỆN LỰC PHÚ THỌ

3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng của Công ty điện lực Phú Thọ

3.2.4. Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý

a. Định hướng thay đổi về cơ cấu theo chủ trương của Nhà nước

Theo chủ trương của Nhà nước: Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá tại các doanh nghiệp Nhà nước. Mục tiêu mà Nhà nước mong muốn đạt được là huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, thay đổi lại cơ cấu quản lý của doanh nghiệp Nhà nước, tạo động lực cho doanh nghiệp tự thân vận động thoát khỏi sức ỳ đã trở thành căn bệnh trong các doanh nghiệp Nhà nước, tự chủ trong kinh doanh, chịu trách nhiệm về kết quả đạt được,…

Hưởng ứng với chủ trương trên và theo một lộ trình được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giao, CBCNV Công ty Điện lực Phú Thọ đã, đang chuẩn bị cơ sở vật chất và một số điều kiện cần thiết khác để chuẩn bị cho công tác cổ phần trong thời gian tới. Sau khi đã cổ phần hoá, doanh nghiệp phải tự thân vận động và lời lãi sẽ tác động trực tiếp tới “ túi tiền” của những người trong Điện lực. Do đó, nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ty Điện lực Phú Thọ.

b. Phân cấp quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ ràng cho các Điện lực khu vực để tăng cường hoạt động kinh doanh có hiệu quả

Hiện nay ở Công ty Điện lực Phú Thọ, công tác quản lý kinh doanh điện năng gồm: Quản lý khách hàng và quản lý giá điện được thực hiện bởi phòng kinh doanh điện năng. Với hình thức này thì rất khó để có thể đẩy mạnh công tác quản lý kinh doanh điện năng thông qua việc tăng cường số lần kiểm soát, quản lý và xử lý các hành vi cố tình vi phạm. Công tác này cần giao quyền và trách nhiệm cho các Điện lực tại khu vực thực hiện do họ có thể nắm vững tình hình kinh doanh điện năng trên địa bàn, phòng kinh doanh điện năng chỉ cần phối hợp, chỉ đạo, giám sát và đôn đốc các Điện lực trong quá trình thực hiện. Nó sẽ làm tăng hiệu quả quản lý kinh doanh điện năng, giảm thất thoát.

Xuất phát từ đặc thù của công tác quản lý kinh doanh điện là số lượng hàng khách lớn và rộng khắp, việc mua bán điện diễn ra đồng thời và ở nhiều nơi nên ban lãnh đạo của Công ty Điện lực Phú Thọ phải quan sát toàn diện, phải thường xuyên kiểm tra và nắm vững tình hình tiêu thụ của khách hàng, mục đích sử dụng, mức tiêu thụ điện hàng ngày,... thông qua việc giao quyền hạn và trách nhiệm cho các Các Điện lực khu vực quản lý về các mặt sau đây:

- Quản lý, vận hành các loại đường dây - trạm, theo dõi chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên tình trạng hoạt động của đường dây - trạm theo đúng quy trình kiểm tra. Tăng cường kiểm tra các thông số vận hành để có biện pháp điều chỉnh phụ tải phù hợp với kết cấu đường dây - trạm nhằm mục đích khai thác hết khả năng sinh lời của tài sản.

- Quản lý, kiểm tra, tìm hiểu và nắm vững tình hình phụ tải của khách hàng trong tiêu thụ điện trong khu vực mà Điện lực phụ trách để xác định tình hình thay đổi, các thông số kinh tế kỹ thuật trong vận hành được chính xác.

- Các Điện lực phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ quá trình ghi điện tại hộ tiêu thụ để đảm bảo ghi đúng, chính xác nhằm tránh ghi điện sai làm thất thoát điện năng.

- Các Điện lực được quyền quản lý khách hàng thông qua công tác quản lý giá điện. Trong kinh doanh điện năng rất cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng sử dụng điện nên chỉ có các Các Điện lực mới có đủ khả năng đáp ứng về số

lần kiểm tra phụ tải khách hàng một cách thường xuyên và chính xác. Các Điện lực có quản lý giá tốt, hoá đơn tính toán đúng thì mới tăng cao doanh thu đã bán, tránh được thất thoát tài chính.

- Các Điện lực phải quản lý chặt chẽ đường dây, trạm cao thế để phòng ngừa sự cố xảy ra. Khi có sự cố phải có biện pháp phát hiện nhanh nhờ kiến thức và số liệu quản lý hàng ngày để kịp thời giải quyết, khắc phục sự cố nhanh nhất, hạn chế thời gian cắt điện trên lưới điện đến mức thấp nhất.

- Điện lực phải tăng cường kiểm tra, giám sát khách hàng sử dụng điện để phát hiện những thay đổi về mức tiêu thụ, mục đích sử dụng để sớm thực hiện điều chỉnh giá bán điện, tận thu doanh số bán ra, giảm thất thoát tài chính.

c. Tăng cường quản lý doanh nghiệp

Để tăng cường công tác quản lý và kinh doanh điện năng có hiệu quả thì Điện lực cần:

+ Phối hợp hoạt động giữa các Điện lực và phòng ban chặt chẽ, triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên kịp thời. Cụ thể:

- Phối hợp phòng điều độ với Điện lực trong quản lý vận hành thống nhất hệ thống lưới điện trên địa bàn chặt chẽ, cố gắng khai thác đường dây trạm nhiều giờ nhất trong ngày.

- Phối hợp phòng kỹ thuật với Điện lực chặt chẽ trong công tác nâng cao chất lượng điện và hạ tổn thất mất mát điện năng trên lưới.

- Phối hợp phòng kinh doanh với Điện lực về thủ tục mua bán điện, treo tháo công tơ điện, lập hoá đơn nhanh, thu tiền sớm và chống thất thoát điện năng phi kỹ thuật trên lưới điện.

+ Tăng cường quản lý, kiểm tra ghi chỉ số công tơ của khách hàng cũng như chỉ số công tơ tại các trạm để ngăn chặn, những hành vi dối trá, đối chiếu công suất sử dụng để kịp thời thay thế, điều chỉnh cho phù hợp.

+ Hàng tháng, Điện lực tiếp tục thực hiện giao các chỉ tiêu cho các Điện lực có gắn trách nhiệm và quyền lợi, từ đó góp phần làm cho các Điện lực có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.

+ Tiếp tục thực hiện công tác xoá bán tổng tại các xã còn lại trong tỉnh bởi việc xoá bán tổng giúp giảm bớt các cấp trung gian. Do đó làm giảm chi phí và tổn thất, nâng cao độ chính xác trong kinh doanh, từ đó làm cho hoạt động kinh doanh của Điện lực đạt hiệu quả cao hơn.

Để việc xoá bán tổng được thực hiện một cách nhanh chóng và có chất lượng cao đòi hỏi Điện lực cần giám sát chặt chẽ, đôn đốc tiến độ thi công với các bên và có ràng buộc về việc bàn giao công tơ, phiếu treo tháo với đơn vị thi công khi công trình đã lắp đặt xong công tơ. Điều này đảm bảo chất lượng của công tơ sau khi lắp đặt, vì vậy tránh được những công tơ có chất lượng kém, dễ bị chết, cháy dẫn đến giảm tổn thất điện năng. Khẩn trương hoàn thành thủ tục kinh doanh để đưa công trình vào khai thác sớm nhất và đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, để nâng cao công tác quản lý cần có chính sách khen thưởng đối với các Điện lực, các đơn vị. Việc khen thưởng nên tính theo tỷ lệ tổn thất điện năng mà Điện lực giảm được so với kế hoạch đặt ra. Ngoài ra, Điện lực nên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong tỉnh như công an tỉnh, toà án nhân dân tỉnh để giải quyết nạn ăn cắp điện.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty điện lực phú thọ (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)